
Mình có một anh bạn, trên Facebook của anh mỗi ngày đều có lịch đăng bài đều đặn, từ chuyện kinh doanh, vấn nạn xã hội, lịch sử loài người cho tới những vấn đề hot trend hiện tại. Content của anh viết cũng khá công phu, không đơn thuần là copy paste mà phải đọc, suy ngẫm, brainstorm câu chữ rồi mới viết ra được một bài cô đọng như vậy. Friendlist của anh cũng nhiều bạn, nhưng mỗi post như vậy thường chỉ vỏn vẹn 7-10 like, và mình là người luôn like để ủng hộ sự nhiệt tình viết lách của anh.
Mình có tham gia một số group Facebook về review sách hay học tiếng Anh, trong những group này có một số nhân vật đều đặn mỗi ngày, hay vài ba ngày, lại đăng một post hay upload một video chia sẻ kiến thức cho thành viên trong group. Dần dần các nhân vật này đã được nhiều thành viên trong group quen mặt và nhận được tương tác khá nhiệt tình.
Công thức của sự nổi tiếng
Hai ví dụ kể trên là công thức xây dựng thương hiệu cá nhân (personal brand) khá phổ biến hiện nay: bạn liên tục tạo ra giá trị (miễn phí) cho cộng đồng để thu hút sự tương tác (engagement) của họ và từ đó bạn có được một lượng follower nhất định. Khi bạn chia sẻ content (post, video, podcast,…) càng chất và tích lũy lượng follower đủ nhiều, thì lúc đó đột nhiên bạn trở thành một influencer – người tạo ảnh hưởng tới cộng đồng. Đã có rất nhiều influencer trẻ thành công đều đi theo công thức trên.

Trên thực tế, công thức trên chỉ đem lại kết quả đúng – sự nổi tiếng khi và chỉ khi bạn thỏa được một trong ba điều kiện sau:
- Bạn có một cá tính độc đáo (màu sắc riêng không lẫn vào đâu được mà số đông hiếm thấy).
- Bạn dẫn đầu một xu hướng (mà chưa có ai khởi xướng trước đó) và xu hướng này được nhiều người công nhận.
- Bạn có một thành tích nổi bật và không phải ai cũng dễ dàng đạt được thành tích này giống như bạn.
Cá nhân nào hội tụ 2-3 điều kiện trên thì mức độ nổi tiếng sẽ đến cực nhanh. Như Hana Lexis là một ví dụ điển hình cho người hội đủ cả 3 điều kiện: (1) cá tính tưng tửng, nói chuyện hài hước; (2) dẫn đầu trend “dịch ngựa” MV; (3) thành tích IELTS 9.0, du học và đi làm ở Mỹ. Hay Chi Nguyễn (The Present Writer): (2) tác giả người Việt đầu tiên xuất bản sách về lối sống tối giản và dẫn đầu xu hướng sống tối giản; (3) nghiên cứu sinh (thời điểm mới nổi), sinh sống và làm việc tại Mỹ.
Và tất nhiên, chỉ một số ít những cá nhân đặc biệt như vậy mới có khả năng trở thành influencer vào một ngày đẹp trời nào đó, sau khi họ chia sẻ content đủ nhiều và đạt đến “điểm bùng phát” – nổi lên chỉ sau một đêm. Và theo quy luật 80/20, có lẽ 80% những người còn lại (không sở hữu một trong ba điều kiện trên hoặc tưởng rằng mình có nhưng thực ra chưa đủ) sẽ miệt mài chia sẻ content cả đời nhưng cũng không nổi tiếng được.
Cá nhân mình là một người thuộc vào nhóm 80% còn lại, vì đã từng chia sẻ content giá trị miệt mài trên Facebook suốt 10 năm trời nhưng chẳng bao giờ nổi được, like chỉ lác đác vài ba chục cái như anh trai ở ví dụ đầu tiên. Và follower của mình trên Facebook sau 10 năm chỉ được con số khoảng 500 người. Trong khi đó, có vài bạn mình biết, không có chia sẻ content gì gọi là “chất”, chỉ đơn giản là có nhan sắc (chưa tới mức hot boy, hot girl) nhưng Facebook mấy ngàn follower là chuyện bình thường.
Cho đến một ngày, mình đơn giản chỉ là đăng một post giới thiệu mặt hàng mây tre lá do công ty nhỏ bạn đang xả kho, với giá rất rẻ chỉ bằng 1/5 giá thị trường. Sau đó vài tiếng, post của mình được khá nhiều người chia sẻ vì mặt hàng đó vốn được nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Và sau vài ngày, post đó đạt tới mức độ vài nghìn like, hơn 500 share khiến mình sốc nhẹ vì đó chỉ là một post mình viết xàm xàm. Và Facebook cá nhân của mình từ 500 follower tăng cái vèo lên hơn 1000 chỉ trong vài ngày.
Một ngày khác, mình comment dạo trên MV Chân ái mới ra mắt của ca sĩ Orange. Content mình viết cũng khá mặn mà nhưng chỉ bình luận chơi cho vui. Ai ngờ, comment lại đó lại được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhà sản xuất, ca sĩ, ekip (họ chụp màn hình đăng lại trên Facebook) cho tới hàng trăm khán giả khác vô phản hồi khen sự hài hước của mình. Và vâng, channel Youtube của mình sau 10 năm từ 300 subscriber tăng cái vèo lên 600 subscriber sau vài ngày.
Hai sự việc trên khiến mình ngộ ra một điều: Những content mình nghĩ là chất lượng và có giá trị cho người đọc thì thật sự chẳng mấy ai hưởng ứng, nhưng những content vô thưởng vô phạt (nếu không muốn nói là xàm xí) mình viết cho vui thì lại được hưởng ứng nhiệt liệt. Điều này cũng thể hiện phần nào dân trí và thị hiếu của đám đông. Và từ thời điểm đó, mình quyết định chấm dứt sự nghiệp chia sẻ content trên Facebook hay dẹp bỏ ý định trở thành influencer sau hơn 10 năm nhoi nhoi trên mạng xã hội, khi nhìn ra được bản chất của vấn đề.
Thay vì dành thời gian và tâm sức lo chuyện bao đồng cho người khác trên mạng, mình dành thời gian đó để học hành và phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp của mình thì tốt hơn nhiều. Đó cũng là lúc mình quay về hướng nội trên mạng xã hội – không còn đăng tải hay chia sẻ bất cứ điều gì, thay vì phiên bản hướng ngoại rần rần trên mạng xã hội trước đây. Bạn nào biết mình trên Facebook trước đây và hiện tại sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt này, đến mức có bạn phải inbox hỏi mình sao dạo này không thấy mình đăng gì trên Facebook nữa.
Cái giá của sự nổi tiếng
Thử phân tích case study của Kiên Trần, một influencer khá nổi tiếng trên mạng trong cộng đồng học tiếng Anh. Trước đó Kiên Trần cũng từng đi theo công thức trên, khi miệt mài chia sẻ content khắp các group học tiếng Anh về kinh nghiệm của bản thân cũng như các tips học tiếng Anh. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa đủ để khiến Kiên Trần trở nên nổi tiếng. Phải đến khi ebook Kien Tran’s Ielts Handbook ra đời, kèm theo bảng điểm IELTS 8.5 quá dữ dội, thì đây chính là điểm bùng phát khiến Kiên Trần nổi tiếng chỉ sau một đêm.
Giả sử nếu Kiên Trần không có thành tích IELTS 8.5 đó (điều kiện 3 – thành tích), có lẽ Kiên sẽ không được nhiều người biết đến để có thể trở thành một influencer với gần 100K follower và xuất bản được 4 quyển sách ở Việt Nam như sau này. Tuy nhiên, sau một vụ lùm xùm trên mạng, hóa ra chứng chỉ IELTS 8.5 đó chỉ là… Photoshop và rất nhiều người hâm mộ đã bắt đầu tẩy chay Kiên Trần.
Gần đây khi đọc bài của chị Chi Nguyễn, mình thấy chị có chia sẻ về áp lực thành công khi nổi tiếng như hiện tại:
Nhưng thành công cũng mang đến cho tôi nhiều áp lực lớn với hàng trăm tin nhắn, hàng ngàn comment, hàng chục email… mỗi ngày, cùng với những yêu cầu ngày một cao về chất lượng và tần suất làm nội dung. Lần đầu tiên trong hơn 5 năm xây dựng The Present Writer, tôi chấp nhận sự thật rằng: mình không còn đủ năng lực để tiếp tục làm nội dung chất lượng cao một cách đều đặn nữa—ít nhất là không thể làm một mình. (Nguồn: Blog The Present Writer)
Từ một blogger về lối sống tối giản, về sau chị Chi Nguyễn lấn sân sang các mảng đề tài khác và làm thêm podcast, vlog,… với tần suất đăng tải nội dung ngày một nhiều hơn, trên nhiều nền tảng hơn. Và hiện tại chị phải thuê thêm một trợ lý để hỗ trợ trả lời email cho bạn đọc và xây dựng newsletter.
Ai biết đến “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất cũng mê mẩn với những video công phu do chị này thực hiện. Lý Tử Thất cũng là người dẫn đầu xu hướng làm video ẩm thực nơi thôn dã ở Trung Quốc (điều kiện 2 – xu hướng), và là người Trung Quốc đầu tiên có kênh Youtube đạt hơn 10 triệu subscriber. Mới tháng 8 năm nay, trợ lý của Lý Tử Thất thông báo cô sẽ ngừng sản xuất video mà ở ẩn một thời gian để định hình lại hướng đi sắp tới.
Sau một thời gian dài làm video, bản thân Lý Tử Thất cũng bắt đầu cảm thấy áp lực và các video dần đi vào lối mòn, cùng sự nổi lên và cạnh tranh của nhiều “tiên nữ, tiên nam” khác. Theo báo chí đưa tin, cô cũng đang tranh chấp quyền lợi với phía công ty sở hữu thương hiệu của cô. Phía công ty cho biết họ đã đầu tư rất nhiều nhân lực, vật lực và tài chính để quảng bá cho Lý Tử Thất có được sự nổi tiếng như hiện tại.
Sau rất nhiều trường hợp như thế, mình ngộ ra một điều: Việc trở nên nổi tiếng, nói cho cùng cũng là để thỏa mãn bản ngã cá nhân – được người khác ngưỡng mộ, khen ngợi, tung hê – tất cả đều xoay quanh cái tôi của mình. Với người có thiên hướng tâm linh như mình, diệt ngã là cái khó nhất và là điều phải thực hành cả đời. Vậy thì tại sao mình phải nhoi nhoi trên mạng để tìm kiếm sự công nhận từ những người xa lạ?

Những người vô danh
Một đóa hoa mọc trong rừng, đâu cần ai khen nó đẹp, mà tự nó vẫn tỏa hương.
Khi trải qua cũng một cơ số chuyện thăng trầm trong đời, tiếp xúc không ít hạng người khác nhau trong xã hội, mình mới chợt nhận ra có một nhóm người siêu-đặc-biệt mà không được số đông công chúng biết đến.
Họ là ai? Đó là những chân nhân bất lộ tướng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, họ chẳng phải top 5, top 10 tên tuổi nổi bật gì trong ngành của họ nhưng có chuyên môn cao, tầm nhìn sâu và kinh nghiệm sống của họ rất dày dạn, phong phú. Chỉ có điều họ chẳng bao giờ tiết lộ với ai về năng lực của họ và cũng ít khi thể hiện trước đám đông thông qua những cách như viết bài chia sẻ trên Facebook hay đăng đàn đi làm diễn giả, nên hầu như chẳng mấy ai biết tới họ. Đa phần những người nổi tiếng bạn biết tới hiện tại, phía sau sự nổi tiếng đó là rất nhiều công sức và nỗ lực gầy dựng thương hiệu cá nhân, có khi cần tới cả một ekip chuyên nghiệp để bạn biết tới họ.
Nhưng nếu hữu duyên gặp được các cao nhân này trong đời hay có cơ hội làm việc chung với họ, mình chắc rằng bạn sẽ muôn phần kính nể họ. Mình đã gặp một số người như vậy, cũng từng thắc mắc vì sao họ không chia sẻ hay làm thế này thế kia để được nhiều người biết tới hơn, và câu trả lời chung mình nhận được là họ không có nhu cầu nổi tiếng, vì nổi tiếng sẽ luôn đi kèm với tai tiếng. Những người như vậy càng làm mình nể phục hơn bội phần.

Gần đây có một bạn phóng viên đến từ một tờ báo mạng khá nổi tiếng liên hệ phỏng vấn mình cho đề tài gap year, và sau đó là đề tài về “một chàng trai truyền cảm hứng sống đẹp”, nhưng mình từ chối vì không có nhu cầu xuất hiện trên báo chí, vì cơ bản là bây giờ mình không còn mong muốn trở nên nổi tiếng. Có bạn sẽ thắc mắc, nếu mình không muốn nổi tiếng, vậy thì viết blog, chia sẻ nội dung làm gì, sao không ẩn thân luôn đi? Mình viết lách là để chia sẻ lại hành trình và trải nghiệm sống của mình cho người hữu duyên, đa số bạn đọc biết tới mình là vì họ tìm kiếm thông tin gì đó trên Google và vô tình vào trang mình đọc, chứ mình không chia sẻ blog trên Facebook cá nhân hay bất cứ group nào để quảng bá. Blog của mình mỗi ngày chỉ vài trăm lượt xem, với người làm marketing thì traffic như vậy là quá bèo nhèo, có mở Google Adsense hiển thị quảng cáo Google cũng kiếm được không bao nhiêu tiền, chẳng bù vào được phí dịch vụ website mình duy trì mỗi năm.
Và mình cũng hoàn toàn vô danh trên mạng (không tiết lộ danh tính, nơi làm việc, Facebook cá nhân). Việc bán sách cũ, dịch vụ làm web, sửa CV cũng chỉ là mấy chuyện làm chơi, mình thấy thích ai thì mới nhận làm, không làm đại trà và cũng không phải phương tiện chính kiếm sống của mình, vì mình có công việc riêng. Nhiều bạn đọc blog mình cứ ngỡ mình phải nổi tiếng lắm có mấy ngàn subscriber, nhưng thực tế tính tới thời điểm này mình chỉ có khoảng 100 subscriber theo dõi blog qua email. Với mình con số này là vừa đủ đẹp, và mình cũng không có áp lực gì với chuyện phải ra nội dung đều đặn theo lịch trình để chiều lòng ai. Mà đơn giản khi có cảm hứng thì mình sẽ viết, nên có tuần bạn sẽ thấy mình đăng tới 2-3 bài, có khi mấy tuần chẳng có bài nào.
Mình chỉ muốn như một con ong hút mật, từng chút một, thầm lặng làm cho đời này đẹp hơn chút ít. Đơn giản vậy thôi.
2 bình luận
Rất sâu sắc! Thích kiểu chân nhân bất lộ tướng. Càng ẩn càng tự do càng tích lũy cho đi được nhiều giá trị. Kiểu như bài anh viết ra, dù chỉ 1 người đọc, hoặc 1 lượt share hay like thôi, nhưng nếu nó làm lợi cho người đó và thông qua đó mang lại lợi ích tiếp nối cho nhiều người liên quan …thì cũng là mãn nguyện. Không biết diễn giải vậy có phần nào đúng không?
Thật ra với anh like, share và nhiều người biết tới không quan trọng. Quan trọng là bài viết tới đúng người cần đọc đúng lúc và họ thấy có ích là được 🙂 Có một người đồng cảm còn hơn có trăm người like, share ^^