Ảnh: Unsplash

Gần đây mình có đọc quyển Chuyện con mèo lập kèo cứu sách của tác giả Natsukawa Sosuke kể về hành trình kỳ lạ của cậu bé Rintaro với một chú mèo biết nói sau khi ông cậu bé qua đời. Mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, đến khi vào tiểu học thì Rintaro chuyển đến sống cùng ông tại tiệm sách cũ Natsuki. Lớn lên với một người ông uyên bác và thế giới văn chương sách vở, Rintaro thuộc làu hết mọi ngóc ngách của tiệm sách và đọc gần như hết tất cả sách của cửa tiệm. Tiệm sách cũ Natsuki cũng là điểm đến của nhiều mọt sách chính hiệu, bởi những cuốn sách khó tìm trên thị trường thì bao giờ họ cũng tìm thấy tại đây.

Sau khi ông qua đời, Natsuki bỏ học và chỉ biết ngồi buồn rầu trong tiệm sách cả ngày thương nhớ ông. Sự xuất hiện của chú mèo biết nói và phi vụ lập kèo cứu sách của cả hai qua các mê cung siêu hình, gặp gỡ những nhân vật kỳ bí trong thế giới sách đã khơi gợi trong mình nhiều suy ngẫm về 3 căn bệnh lớn nhất của người đọc sách ngày nay.

Ảnh: Unsplash

Căn bệnh thứ nhất: Đọc sách chạy theo số lượng

Ở mê cung thứ nhất, nhân vật mà Rintaro diện kiến là một học giả nổi tiếng với danh hiệu “Người đọc nhiều sách nhất”, bởi trung bình mỗi tháng ông đọc tới 100 cuốn sách. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng cộng ông đã đọc được 57.622 cuốn sách. Ông thường xuyên thuyết giảng trên tivi và radio, mỗi ngày có không biết bao nhiêu vị khách xếp hàng dài mong muốn được gặp ông. Trong dinh thự to lớn ông ở, có hàng dãy kệ sách dài với vô vàn quyển sách nằm trong những tủ kính được khóa chặt và bảo quản cẩn thận, một tư gia sánh ngang với một thư viện khổng lồ. Sách trong tủ của ông cực kỳ đa dạng về thể loại và đề tài, nào văn học, nghệ thuật, khoa học rồi triết học, v.v. Đặc biệt, quyển nào cũng sạch đẹp không tì vết, không một nếp nhăn hay vết bẩn.

Triệu chứng “bệnh” của nhân vật này rất giống với một hiện tượng chúng ta dễ bắt gặp trên mạng xã hội ngày nay, đó là những người thường xuyên khoe về số sách mình đọc được trong 1 tháng hay 1 năm (thường từ 50-80 cuốn, cao hơn rất rất nhiều nếu so với con số trung bình 0,8 cuốn/năm của người Việt) và liên tục cập nhật về số sách mình đọc được mỗi tuần. Khi nhìn vào danh sách ấy và những review chớp nhoáng của họ, nhiều người không khỏi bày tỏ sự ngưỡng mộ và đi săn lùng ở họ bí quyết – làm thế nào để đọc được nhiều sách như vậy? Có không ít bạn mình biết nổi lên từ những bài viết khoe số lượng sách đã đọc trong năm và bạn liên tục “nuốt” sách như cơm bữa để nâng số lượng ấy lên với vẻ rất tự hào về cái sự đọc nhiều của bản thân.

Bản thân mình cũng là một người mắc bệnh đọc nhiều ở cấp độ vừa phải, bởi mình đọc vì muốn đọc chứ không chạy theo KPI một con số nào mỗi tuần, mỗi tháng hay mỗi năm, cũng như không bao giờ bố cáo thành tích về số sách mình đọc được với thiên hạ. Mặt tích cực của việc đọc nhiều là mình đọc được đa dạng các thể loại khác nhau và tiếp nhận được một lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn. Nhưng mặt tiêu cực là mình không thể đọc chậm hay đọc sâu kiểu nghiền ngẫm một cuốn sách, cũng như đọc đi đọc lại một cuốn sách nào đó nhiều lần. Với số lượng sách mới chưa đọc quá nhiều và liên tục có các đầu sách hấp dẫn mới ra mắt, rất khó để mình dành thời gian đọc lại một cuốn sách.

Ảnh: Unsplash

Ở mê cung thứ nhất, học giả thẳng thừng chất vấn Rintaro: “Trong xã hội này, người đọc mười cuốn sách được kính nể hơn hẳn người đọc một cuốn sách mười lần. Xã hội coi trọng những người đọc nhiều sách, đó là sự thật. Cái danh ‘người đọc sách’ chẳng phải khiến con người ta trở nên đầy hấp dẫn, lôi cuốn hay sao? Tôi nói sai à?”. Với cậu nhóc Rintaro, học giả không phải là một người yêu sách, mà ông ta chỉ mượn sách như một món đồ trang sức để tô điểm cho bản thân mình.

Ông của Rintaro từng dạy cậu rằng sách có nhiều sức mạnh, nhưng đừng lầm tưởng sức mạnh của sách với sức mạnh của chúng ta. Nếu một người chỉ biết đọc sách vô tội vạ, thế giới mà họ nhìn qua trang sách sẽ không thể mở rộng ra được. Dù họ có nạp bao nhiêu tri thức từ sách đi nữa, nếu không tự mình suy ngẫm, tự mình trải nghiệm, thì đó chỉ là một mớ kiến thức vay mượn rỗng tuếch mà thôi. Ông nói: “Sách không thể sống thay cho cháu cuộc đời này. Nếu cháu chỉ vùi đầu vào sách mà quên rằng mình phải bước đi bằng chính đôi chân mình, thì chẳng khác nào một cuốn bách khoa toàn thư nhồi nhét đầy những kiến thức cũ kỹ. Nếu không được ai đó mở ra, cuốn bách khoa thư ấy chỉ là món đồ cổ vô dụng mà thôi”.

Khi đọc tới đoạn này, mình có một sự chấn động tâm can, bởi những lời ông của Rintaro nói như chạm trúng tim đen mình. Hóa ra liều thuốc giải cho căn bệnh đọc sách vô tội vạ chính là hãy bớt đọc sách lại mà bước ra ngoài để trải nghiệm cuộc đời. Khi mình đọc gần cả trăm cuốn sách tâm lý, mình tưởng rằng đã có thể thấu tỏ người khác trong lòng bàn tay. Nhưng khi cuộc đời tát cho mình một cú sấp mặt, bị người khác phản bội lòng tin, mình mới nhận ra mớ kiến thức tâm lý mình tích lũy từ hàng trăm cuốn sách hóa ra chỉ là sự vay mượn rỗng tuếch. Vốn dĩ mình chưa chuyển hóa được kiến thức đó thành vốn liếng của mình, tri thức mình tích lũy chỉ là tri thức chết. Tri thức chỉ trở nên sống động khi bạn có thể vận dụng nó vào thực tế đời sống.

Ảnh: Unsplash

Căn bệnh thứ hai: Đọc sách nhanh và sách tóm tắt

Nhân vật mà Rintaro gặp ở mê cung thứ hai là viện trưởng của Viện nghiên cứu đọc sách, tác giả của công trình “Lời khuyên về một cách đọc sách hoàn toàn mới”. Trong căn phòng văng vẳng tiếng nhạc Bản giao hưởng số 9 của Beethoven, vị viện trưởng đang làm một nhiệm vụ quen thuộc mỗi ngày là… cắt sách. Tay trái ông cầm quyển sách còn tay phải cầm chiếc kéo cắt roàn roạt hết quyển này đến quyển kia. Kết quả là, từ một cuốn sách vài trăm trang rốt cuộc rút ngắn lại chỉ còn vài ba trang sách tóm tắt, thậm chí có những cuốn sách được cô đọng lại chỉ còn đúng một dòng.

Triệu chứng của căn bệnh thứ hai chính là thích đọc nhanh kết hợp đọc tóm tắt. Thay vì đọc một cuốn sách mất một hay vài tháng, nhiều người chỉ muốn làm sao đọc cho nhanh chỉ trong vài ngày hay vài giờ. Lựa chọn họ thường tìm tới là những bản sách tóm tắt hay những video, audio tóm tắt sách trên mạng, chỉ đọc, xem hay nghe một loáng là nắm hết được nội dung chính của cuốn sách, và thế là không cần phải đọc bản gốc dày cộp chi cho mất thời gian. Ở Mỹ thậm chí còn có vài công ty khởi nghiệp như Blinkist hay Shortform chuyên tóm tắt sách và có các gói subscription phục vụ cho nhu cầu này. Chưa kể một số nhà xuất bản còn phát triển hẳn một dòng sách tóm tắt chuyên tóm lược lại các danh tác nổi tiếng dành cho học sinh, sinh viên hay những người muốn đọc chúng mà không có nhiều thời gian.

Nói về công việc của mình, vị viện trưởng biện hộ: “Sách trên thế gian này nhiều không đếm xuể. Con người thì trăm công nghìn việc, chẳng bói đâu ra thời gian mà đọc cho hết sách. Nhưng khi công trình nghiên cứu của tôi hoàn thiện, mỗi ngày người ta có thể đọc đến hàng chục cuốn sách. Không chỉ những sách bán chạy thời thượng đâu nhé, cả những tiểu thuyết phức tạp, những sách triết học hóc búa cũng chỉ loáng cái là đọc xong ngay”.

Ở Việt Nam, vì vướng phải một số vấn đề về bản quyền, đến hiện tại chưa có đơn vị xuất bản hay công ty khởi nghiệp nào phát triển mảng tóm tắt sách. Công ty duy nhất mình biết từng triển khai vụ sách tóm tắt này cuối cùng cũng đã giải thể dự án đó. Cá nhân mình trước đây từng nhận được một số đề nghị tóm tắt sách cho doanh nhân. Họ sẽ gửi sách muốn đọc cho mình miễn phí, công việc của mình chỉ là đọc hết cuốn sách và soạn lại thành một bản tóm tắt các nội dung chính của mỗi chương – và mình được trả thù lao cho việc biên soạn đó. Lúc đầu mình có nhận lời làm thử một vài cuốn, nhưng trải nghiệm đọc sách theo yêu cầu và phải “cắt sách” tới mức tối đa đối với mình là một cực hình chứ chẳng phải nhiệm vụ vui vẻ thoải mái gì cho cam. Kết cục là sau vài cuốn đầu, mình từ chối không làm những cuốn tiếp theo nữa.

Ảnh: Unsplash

Ông của Rintaro có một hình ảnh so sánh rất hay giữa việc đọc sách với leo núi: “Đọc sách cũng giống y như leo núi vậy. Đọc sách đâu chỉ khiến chúng ta vui vẻ hay hồi hộp. Thỉnh thoảng, ta còn phải nghiền ngẫm từng dòng, đọc đi đọc lại một câu, rồi vừa ôm đầu vừa đọc tiếp thật chậm. Vượt qua được hành trình đọc sách khổ sở ấy, tầm nhìn của ta sẽ đột nhiên mở rộng. Giống như sau khi leo hết con đường núi dài dằng dặc, quang cảnh trước mắt bỗng mở ra bao la vậy… Đọc sách cho vui thì cũng tốt. Nhưng, nếu chọn con đường núi dễ đi thì phong cảnh mà ta có thể nhìn ngắm cũng rất giới hạn. Chớ thấy đường hiểm trở mà oán núi ngặt nghèo. Vừa thở hổn hển vừa leo từng bước cũng là một niềm vui của việc leo núi đấy”.

Ví von này đối với mình rất sống động, bởi ở Bình Thuận quê mình có một núi gọi là núi Tà Cú. Từ nhỏ đến lớn, cứ mỗi năm Tết đến vào ngày đầu năm mới mình đều đi leo núi như một truyền thống của xóm làng. Sau này tuy ngọn núi có xây cáp treo, bỏ tiền mua vé trong 10 phút có thể lên thẳng tới đỉnh núi một cách nhẹ nhàng như bay, nhưng bỏ công sức mấy tiếng đồng hồ leo quãng đường hơn 2.500 mét vã mồ hôi sôi nước mắt thì cái khoảnh lên tới chân núi mới cảm thấy sung sướng tự hào. Đọc sách cũng giống như vậy, có những cuốn danh tác kinh điển thế giới dày cộp, bạn phải đắm mình trong thế giới của những câu chữ và nhân vật đó mới cảm thụ được cái hay, cái đẹp của những tác phẩm vượt thời gian, chứ đọc một bản tóm tắt tối giản hết chỉ còn thông tin chính thì không còn gì là vẻ đẹp của văn chương nghệ thuật.

Ảnh: Unsplash

Căn bệnh thứ ba: Đọc sách bestseller và sách dễ đọc

Ở mê cung thứ ba, nhân vật mà Rintaro đối mặt là Giám đốc của Tiệm sách đệ nhất thế gian – nhà xuất bản hàng đầu thế giới nằm trong một tòa cao ốc chọc trời. Từ phòng Giám đốc, khi Rintaro nhìn ra ngoài thì cậu nhóc thấy cả một bầu trời trắng xóa, cơ man toàn sách là sách, có hàng nghìn, hàng vạn cuốn sách tung bay đầy trời. Tòa nhà này là nơi mỗi ngày sản xuất ra hằng hà sa số sách xuống thế gian, “sách bán tằng tằng, tiền tăng tới tấp”. Đối với vị Giám đốc, sách chỉ là một mặt hàng tiêu thụ như bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường.

Ông đưa ra một sự thật không thể chối cãi: “Có sự khác biệt rất lớn giữa cuốn sách cậu thấy có giá trị và cuốn sách người đời muốn đọc. Dạo này còn ai tìm đọc Proust hay Romain Rolland không? Ai sẽ dốc cả túi tiền mua những cuốn sách ấy? Đa phần người ta muốn đọc loại sách nào, hẳn cậu hiểu rất rõ. Sách chẳng còn lựa chọn nào ngoài chuyển mình theo nhu cầu của những người đọc ấy, trở nên đơn giản, rẻ tiền, kích thích hơn. Chân lý, luân lý, triết lý, những thứ ấy chẳng còn ai quan tâm nữa. Nhân loại đã rã rời vì sinh nhai, họ chỉ muốn được kích thích, muốn được chữa lành. Để tiếp tục sinh tồn trong cái xã hội như vậy, sách buộc phải đổi thay. Bán chạy chính là tất cả. Tuyệt tác gì đi nữa mà không bán được cho ai thì cũng tiêu biến mà thôi.”

Là một người làm trong ngành xuất bản, đây là căn bệnh mình cảm khái được sâu sắc khi thị hiếu đọc sách của độc giả nói chung ngày càng bị thị trường hóa. Đa số sách bán chạy bây giờ đều là những cuốn sách thuộc dạng dễ đọc, ở tầm thấp, có “giao diện” bóng bẩy hay tựa sách nghe rất kêu, nếu thêm vào vài các mác như “tác giả bestseller” hay sách đoạt giả thưởng gì đó là doanh số bán sẽ rất cao. Có những cuốn sách hay nếu không được làm truyền thông tốt, ít được nhiều người biết đến thì doanh số thực tế rất thấp. Như trong số những cuốn sách mình từng biên tập, có những cuốn quả thực rất xuất sắc về nội dung và tư tưởng nhưng con số in lần đầu 1.500 bản tới 2-3 năm vẫn chưa bán hết và còn tồn kho rất nhiều – một kết quả thất bại về mặt kinh doanh đối với ngành xuất bản. Chỉ có những cuốn sách được tái bản nhiều lần thì ở những lần in sau đơn vị xuất bản mới gọi là có lời, còn lần in đầu thì xem như hòa vốn vì phải gánh chi phí bản quyền, chi phí sản xuất, chi phí in ấn,…

Ảnh: Unsplash

Kết cục của những cuốn sách hay mà bán ế là chỉ sau vài ba năm, cuốn sách đó sẽ biến mất khỏi thị trường vì không bao giờ được tái bản (nếu bạn muốn tìm mua cũng cực kỳ khó). Tri thức mà giá trị hay sâu sắc đến mấy, nếu không được lưu truyền và gìn giữ thì cũng chỉ là tri thức chết theo số phận những cuốn sách. Có câu “mây tầng nào gặp gió tầng nấy”, tư duy thế nào thì đọc sách thế ấy. Với người chỉ đọc những cuốn sách ở tầm thấp theo kiểu “Năm bí quyết giúp bạn thành công”, “Tám phương pháp giúp bạn thăng tiến”,… thì đến cuối cùng họ cũng chẳng thể nào thành công hay thăng tiến nổi bởi những cuốn sách này không giúp họ phát triển tư duy lên tầm cao được.

Khi cô bạn lớp trưởng của Rintaro muốn đọc sách, cậu nhóc giới thiệu ngay cuốn Trăm năm cô đơn của García Marquéz vì nghĩ rằng tiểu thuyết lãng mạn thì chắc sẽ dễ đọc với người mới. Ai ngờ tới khi đọc xong thì cô bạn phàn nàn với cậu: “Tôi đọc chẳng hiểu gì luôn. Khó dễ sợ”. Rintaro mới trả lời: “Thế là tốt. Nếu Yuzuki cảm thấy khó đọc, thì là do trong cuốn sách viết những điều mới đối với cậu. Nếu gặp được một cuốn sách khó thì đó chính là cơ hội. Dễ đọc thì là bởi sách viết toàn những điều Yuzuki đã biết rồi. Còn khó đọc chứng tỏ trong sách toàn là điều mới”.

Đối với những ai quen đọc sách khó và sách tầm cao, chia sẻ của Rintaro thực sự thấm thía. Ngày trước khi mới ra trường, mình đừng đọc một số cuốn sách phát triển tư duy và kỹ năng thì cảm thấy thực sự rất khó đọc, dù cho bản dịch rất tốt (chứ không phải do sách dịch dở). Mãi sau đó khi đi làm vài năm, được học này học kia, tiếp xúc với nhiều lĩnh vực và dung nạp thêm nhiều phạm trù kiến thức mới, một khi đã có cái nền tảng kiến thức ổn ổn rồi, mình đọc lại những cuốn từng thấy khó ngày trước và mới ngỡ ngàng nhận ra đọc tới đâu hiểu ngay tới đó – câu chữ cứ chảy như nước ào ào trong đầu. Đó cũng là lúc mình nghiệm ra, có những cuốn sách khó đọc là vì bạn chưa đủ tầm để đọc nó và bạn cần phải tích lũy nhiều hơn để quay lại với nó sau vào một ngày nào đó.

***

Chỉ khi những người đọc sách nhận diện được 3 căn bệnh kể trên và kê đơn bốc thuốc điều trị bệnh sớm, trải nghiệm đọc sách của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn. Khi đó bạn sẽ trở thành một người đọc sách chân chính và vui thú trên hành trình khám phá giá trị trong thế giới sách bao la.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Thế thì đã tới lúc vận dụng kiến thức Marketing của em vào ngành xuất bản – cho những quyển hay mà khó đọc, hoặc chưa được truyền thông tốt :)))

    • Chơn Linh Phản hồi

      Cách em trích đoạn hay viết giới thiệu sách trên FB cá nhân cũng là một hình thức marketing đó chị, chứ cái fact là hầu hết các BTV đều rất hiếm khi giới thiệu sách họ biên tập đó nhen 😀 Còn việc can thiệp vào công chuyện của Sales/Marketing team trong một cty xuất bản là vượt quá ranh giới và bổn phận rồi nên em cũng không ham hố 🙂

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Trang hạn chế copy bài vở, mong quý vị thông cảm.