Đợt trước mình về nhà là dịp lễ Quốc khánh 2/9, lúc đó mẹ mình vẫn còn “mù” công nghệ khi dùng Iphone mà chỉ biết 2 chức năng cơ bản là nghe và gọi. Đến dịp Tết này về nhà, mẹ mình đã “tiến hóa” lên một level mới làm mình hết sức ngạc nhiên khi biết tự vào app Youtube để xem video trên mạng.

Trong những câu chuyện hằng ngày mẹ kể với mình, bây giờ xuất hiện thêm một số chuyện mang tính drama giật gân hú hồn. Hôm thì ông kia đi vào căn nhà hoang, đào đất lên thấy toàn đầu lâu xương cốt rồi rắn ở đâu con nào con nấy bự chà bá lớn bò ra thấy ớn. Hôm thì ông khác vô căn nhà hoang nghe nói gia chủ 6 người bị sét đánh chết, ổng vô cạy nền lên thấy toàn bùa ngải, búp bê rồi tiền vàng quá chừng dưới nền nhà.

Mẹ mình không biết search từ khóa trên Youtube, nên khi xem một clip xong thì Youtube đề xuất thêm các clip khác cùng chủ đề, cứ thế xem miệt mài không biết bao nhiêu series khám phá nhà hoang. Tới khi mình mượn bấm xem thử, xem theo kiểu tua tua cho lẹ qua nội dung chính thì mẹ mình la làng bảo xem phải xem từ đầu người ta giới thiệu mới hiểu chứ tua vậy đâu còn gì hấp dẫn. Nghe vậy mình đã biết nhà mình từ nay có thêm một người… nghiện Youtube nữa sau ba mình.

Hôm nọ đi về quê ngoại, gặp một đứa con nít ở trong xóm (mới 6-7 tuổi). Nó khoe với mình con có subscribe kênh Youtube của chú Linh rồi đó do lúc trước mình có share mấy clip đám giỗ mình quay cho người nhà xem. Mình hỏi nó có xài Facebook không thì con nhỏ bảo rằng không, nhưng Youtube thì xài rất rành.

Kể 2 mẩu chuyện trên để quý dzị và các bạn thấy, một người lớn U50 ở miệt thị thành với một đứa nhỏ U6-7 ở miệt đồng quê còn mê mệt và nghiện Youtube như thế huống hồ chi các bạn trẻ ở các đô thị lớn. Tính ra mức độ phổ biến của Youtube ở Việt Nam còn dữ dội hơn cả Facebook.

Series làm chị mẹ đam mê gần đây.

Trên Youtube, mình cũng follow một vài vloger nói chuyện có duyên để lâu lâu quỡn quỡn xem giải trí cho đỡ buồn. Hôm nọ xem vlog của một bạn trẻ có gần 400K subscribers về chủ đề thay đổi bản thân đầu năm mới 2020, mà bạn tự nhận là một cuộc “cách mạng bản thân”. Mình vào xem, tưởng bạn đặt mục tiêu hay thói quen mới tích cực nào cho bản thân để truyền cảm hứng cho người xem, ai dè cuộc cách mạng của bạn là… đi nặn mụn, làm da mặt, nhuộm màu tóc mới, tập thể dục cho có eo ót lại và hết. Xin thứ lỗi, nhưng xem xong mình quyết định unsubscribe bạn luôn vì thấy tư duy quá cạn cợt.

Nhờ đọc nhiều, não sẽ có “nếp nhăn” nhiều hơn

Gần đây, mình có dịp ngồi lại để tổng hợp những bài phân tích, bình luận mình từng viết cho một diễn đàn nọ trong 10 năm liền. Khi đọc lại những bài bình mình viết từ những năm cấp ba tới đầu đại học, có một sự ngạc nhiên không-hề-nhẹ khi hồi đó mình viết bài nào ra bài nấy, lập luận sắc bén và luận cứ ngồn ngộn. Với kiến thức và tư duy của mình bây giờ, bảo viết lại hùng hồn như lúc trước thì chắc chỉ viết được bằng 1/3 và độ sâu không thể nào bằng.

Khi suy ngẫm lại về hiện tượng lạ này, mình mới chợt phát hiện năm cấp ba là giai đoạn mình đọc cực kỳ nhiều, đọc gần như hết tất cả sách trong các lĩnh vực mình quan tâm ở thư viện tỉnh nhà. Hồi đó Internet chưa phát triển mạnh như bây giờ, thời gian rỗi của mình hầu hết dành cho việc đọc và research cho việc học ở trường. Mình học chuyên Văn, nằm trong đội tuyển đi thi tỉnh, thi quốc gia, Olympic Văn nên được trường ưu ái cho nghỉ một số môn học để dành thời gian lên thư viện trường ôn luyện khi vào mùa thi thố.

Chính vì sự đọc một cách có hệ thống và đọc theo chiều sâu như vậy nên kiến thức của mình lúc ấy tự nhiên trở nên rất rộng, tư duy liên kết rất cao khi chỉ cần nghĩ về một chủ đề, mình có thể liên tưởng tới hàng tá kiến thức và ví dụ liên quan. Khi ấy mình còn siêu tới mức chỉ cần nghĩ về một thông tin, mình có thể nhớ được chính xác nó nằm ở quyển sách nào, của tác giả nào. Như ở diễn đàn mình tham gia kể trên, có cả ngàn bài viết với hàng trăm thành viên, nhưng chỉ cần nói một topic là mình có thể nói ra bài viết đó nằm ở chuyên mục nào, ai viết, nội dung ra sao.

Khi ấy, mindmap là gì thú thật mình còn chả biết. Việc đọc và học của mình chủ yếu vẫn là ghi chép, thấy ý nào hay thì chép lại vào sổ tay làm tư liệu. Khi càng đọc sâu (close reading) một chủ đề và suy ngẫm sâu về chúng, kết hợp với việc chép lại tư tưởng của tác giả thì kiến thức đó càng được khắc sâu hơn vào trí nhớ của mình.

Đến khi vào đại học, do có nhiều thú vui và niềm đam mê mới nên thư viện không còn là nơi mình lui đến thường xuyên, số lượng sách mình đọc bị giảm đi rất nhiều (dù so với sinh viên thông thường thì cũng gấp mấy lần) mà phim thì lại luyện nhiều hơn nên bỗng nhiên một ngày nhìn lại, mình thấy bản thân… kém thông minh hơn ngày trước hẳn. Mỗi khi cần động não suy nghĩ một chuyện gì, mình như bị mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn của tâm trí, y như có đám mây mù che phủ trên đầu làm cản trở dòng tư duy. Lúc đấy mình mới giác ngộ ra công dụng thần sầu của việc đọc nhiều, suy ngẫm sâu mà trong mấy năm vừa qua đã hết sức lơ là.

Khuyến cáo lối sống 4.0: Xem ít lại, đọc nhiều hơn

Bên cạnh lối sống tối giản (minimalism) để giảm thiểu nhu cầu và rác thải tới môi trường, một lối sống khác mình khuyến cáo mọi người nên áp dụng trong năm 2020 và nhiều năm về sau của kỷ nguyên 4.0 là nên xem ít lại, đọc nhiều hơn.

Là một người học truyền thông, mình từng một thời sản xuất một số video từ chục ngàn đến hơn mấy trăm ngàn views thời còn sinh hoạt CLB truyền thông, có video còn được lên bản tin truyền hình. Lúc đó chỉ mới là thời kỳ đầu của giới vloger đời đầu như JVevermind, Huy Me, An Nguy, Toàn Shinoda,… Sau này chuyển sang làm marketing, mình chứng kiến một cú bứt phá ngoạn mục của video content do các content creator sản xuất dần dần trở nên phổ biến trên mạng như một thứ virus không thể kiềm hãm sự sinh trưởng của chúng. Nhà nhà làm video, người người làm vloger và sắp tới sẽ còn hơn thế nữa.

Youtube và Facebook Watch trong thời gian tới sẽ trở thành kẻ thù nguy hiểm cho những ai muốn theo đuổi lối sống productivity (hiệu suất). Cơn nghiện Youtube hay Facebook Watch là thứ sẽ bào mòn tâm trí của bạn chẳng kém cạnh gì rượu bia, thuốc lá hay ma túy.

Mình không khuyến cáo bạn bỏ hẳn việc XEM bằng cách cai nghiện Youtube, Facebook Watch mà đơn giản chỉ là xem ít lại, xem có mục đích và phân bổ thời gian rảnh vừa phải cho việc xem. Cá nhân mình luôn xác định tính mục đích rõ ràng: ĐỌC là để tư duy, XEM là để giải trí. Mình xem phim, TV shows, Youtube là để giải trí chứ không phải để học, tất nhiên trong quá trình xem thụ động thì vẫn sẽ thu lượm được kha khá kiến thức. Và những lúc nào ĐỌC nhiều mệt não quá thì cũng nên có những phút cho tâm trí giải lao bằng việc XEM, nhưng xem thôi đừng xem quá là được.

Về hình thức, đọc hay xem chỉ là 2 kênh tiếp thu thông tin khác nhau, mỗi người tùy theo kênh tiếp thu thông tin chính của mình mà lựa chọn hình thức nào cho phù hợp. Về bản chất, việc đọc lại có nhiều công dụng hơn việc xem ở chỗ:

  1. Khi ĐỌC, bạn có thể dừng lại bất cứ lúc nào để ghi chú, highlight, suy ngẫm sâu về những điều mình đang đọc rồi sau đó mới đọc tiếp. Khi XEM, bạn cũng có thể bấm dừng video lại nhưng bản chất video mang tính liền mạch và trải nghiệm xem ngắt quãng rất khó chịu (đặc biệt khi xem phim) nên rất ít ai làm. –> Bạn chỉ có thể tư duy sâu sau khi bạn đã xem hết một video và suy ngẫm về nó, nhưng đôi khi bạn quên luôn những tình tiết đáng lẽ phải suy ngẫm trước đó.
  2. Việc XEM phần lớn bản chất là sản phẩm của trí tưởng tượng của một biên kịch, nhà sản xuất nội dung nào đó (trừ dòng phim khoa học, tài liệu). Dĩ nhiên chúng cũng phải dựa trên những tình huống, cơ sở có thật ngoài đời để xây dựng nội dung cho logic nhưng thực tế rất ít tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật. Còn việc ĐỌC (trừ thể loại fiction) thì dựa trên kinh nghiệm, nghiên cứu của tác giả đúc kết lại nên có tính thực tiễn cao hơn. –> XEM nhiều sẽ giúp bạn phát triển sự sáng tạo ở bề cao, nhưng ĐỌC nhiều mới giúp bạn phát triển tư duy ở bề sâu.
  3. XEM là bạn đang tiếp nhận thông tin một cách thụ động qua 2 kênh nhìn – nghe, ĐỌC thì ngược lại vì bạn tiếp nhận thông tin hoàn toàn chủ động khi mắt đọc chữ – tai nghe lại chữ bạn đọc trong đầu – tâm trí của bạn tư duy về nội dung bạn đọc. –> ĐỌC xong một quyển sách, bạn sẽ có cảm giác như mình được khai tâm mở trí, khôn sáng ra nhiều hơn so với XEM một bộ phim, một video clip giải trí trên mạng.

Trước đây khi biết tới thiên đường giải trí Netflix, mình không ngần ngại trả tiền hằng tháng để xem phim chất lượng cao. Nhưng càng xem càng dễ bị nghiện, và khi có quá nhiều lựa chọn để xem gì mỗi ngày thì bạn sẽ thấy mình càng trở nên kém hiệu quả đi. Khi trả tiền cho Netflix, tâm lý của mình là phải ráng xem thật nhiều phim cho đỡ phí subscription hằng tháng, nhưng nhu cầu thực tế là mình chỉ muốn xem một vài bộ có chủ đề mình quan tâm. Sau rốt, mình quyết định cancel luôn gói subscription trên Netflix để không bị mất thời gian cho việc giải trí quá nhiều. Lâu lâu ra phim nào hay chỉ trên Netflix mới có thì mình mới charge tiền tháng đó để vào xem lại.

Khi trải ngộ cuộc đời đủ nhiều, bạn sẽ hiểu được rằng cuộc đời không hề giống trên phim ảnh, dù là điện ảnh hay truyền hình. Mình từng thử sức bản thân ở vai trò biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim dù chỉ ở các sản phẩm quy mô nhỏ nhưng đủ hiểu được rằng tất cả chỉ là sản phẩm của sức sáng tạo và trí tưởng tượng, một phần nhỏ dựa trên những tình tiết có thật nhưng đã qua bàn tay phù phép của biên kịch và đạo diễn. Vlog cũng vậy, hầu hết những gì bạn xem là cái người ta muốn bạn xem, chứ không ai lại đi phô diễn góc khuất hay khuyết điểm của họ trên mạng xã hội. Tốt khoe xấu che cũng là lẽ thường tình.

Vậy, rốt cuộc bạn sẽ học được gì từ sự hào nhoáng của những người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng? Nếu không có đủ nền tảng trí lực để khám phá ra chất gỗ trầm (hay gỗ mục?!) của họ, cái bạn thâu nhận được chỉ là thứ nước sơn bóng bẩy bên ngoài.

Dịp Tết này, chỉ trong 2 tuần mình đã đọc liền tù tì 7 quyển sách. Mỗi lần đọc là mỗi lần như được đối thoại và độc thoại nội tâm với nhiều vị vĩ nhân và các nhà tư tưởng lớn khắp Đông Tây kim cổ. Bây giờ là năm 2020, mình vẫn có thể giao lưu được với những học giả Việt Nam thế hệ trước như cụ Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, hay chu du sang nước ngoài đối thoại với Brian Tracy, Stephen R. Covey v.v.

Những người đọc nhiều chưa chắc đã thành công, nhưng người thành công trên thế giới mấy ai mà không đọc nhiều?

Những người đọc nhiều chưa chắc đã đẹp trai xinh gái, nhưng ở họ sẽ tỏa ra một thứ aura (hào quang) mà người không đọc sẽ không có được.

Nhìn tủ sách một người, sẽ biết được phần nào tính cách và tư tưởng của họ. Nghe cách nói chuyện của một người, sẽ biết văn hóa của họ đến đâu.

Có những người tuy không đọc nhiều nhưng họ biết phản tư và đúc rút những kinh nghiệm đã trải qua trong cuộc sống thì vốn sống của họ cũng quý như những người đọc nhiều. Và nên nhớ cho rằng, ĐỌC phải đi kèm với tư duy sâu và ĐỌC phải đi đôi với hành thì lúc đó ĐỌC mới là vốn quý. Còn đọc đâu quên đó thì cũng y như nước chảy qua cầu nước đổ lá môn.

Kết lại, tư duy của một người cũng y như một thanh kiếm. Kiếm có mài thường xuyên thì mới sắc bén, có dùng thường xuyên thì mới chém được sự ngu dốt và tà kiến. Có cây kiếm báu mà cất trong tủ lâu lâu mới lấy ra dùng thì sớm hay muộn cũng bị rỉ sét u mê một đời.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.