Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều gió như phang và nắng như rang thiêu đốt lòng người, một đứa trẻ rủ một đứa già đi ra ngoại ô đổi gió. Đứa già ban đầu nhìn trời lắc đầu ngán ngẫm, nằm ở nhà đọc sách thưởng lãm thú vui nhàn tản cuối tuần, nhưng nghe tiếng quạt xoành xoạch quay trong không gian yên lặng, bỗng nhiên đứa già cảm thấy mình phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời. Và thế là nó quyết định xỏ giày vào và đi “phượt” ở Sài Gòn.

– Em ra ga Sài Gòn bao giờ chưa?
– Dạ chưa, còn anh đi chưa?
– Anh đi rồi, nhưng chưa đi tàu bao giờ.

Sống mấy chục năm trên đời, chỉ biết đến con tàu qua “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, hoặc qua những lần đi ngang đường ray thì thấy tàu lửa chạy qua, chứ chưa biết cảm giác đi tàu là như thế nào. Nhớ hồi đi thực tập bên đài, làm phóng sự về tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, mình từng đi nát mấy ngóc ngách ở ga Sài Gòn để rình mò quay được cảnh người ta hút thuốc, rồi cũng phỏng vấn mấy nhân vật ở đây, hơi quỡn khi xách wireless tới phỏng vấn bà lao công rồi bả méc bảo vệ tới hốt. Kỉ niệm nhớ đời mỗi khi nhớ tới hình ảnh ga Sài Gòn.

17g55 tàu chạy chuyến chiều, cách 2 tiếng mới có 1 chuyến, từ ga Sài Gòn ra ga Dĩ An – Bình Dương. Từ nhà ga đi ra tàu tự do, không có bảo vệ soát vé như ở bến xe khách, mà vé cũng không cần ghé quầy mua, cứ ra chỗ mấy chú bảo vệ đứng gần tàu bán rồi cho lên tàu ngay và luôn. Thấy mấy đứa lớ ngớ ra hỏi mua vé, chú bảo vệ hỏi đi đâu, có phải đi chuyến tàu ngoại ô không (nghe tên như văn học lãng mạn 1930-1945 dễ sợ), rồi 10k/1 vé, thế là lên.

Lần đầu tiên ngồi tàu, cảm giác là lạ, không giống đi xe khách, cũng không giống đi máy bay, mà tàu chạy cũng khá nhanh nên cảnh vật hai bên cửa sổ chỉ lướt qua ngang tầm mắt xem chẳng kịp. Cuối tuần, bà con dân tình kéo nhau đi tàu đông đen, đa số thuộc thành phần lần-đầu-tiên-đi-thử-tàu-cho-biết-mùi, đặc biệt có mấy nhà ở Sài Gòn kéo nhau cả bầy rồng rắn ông bà cháu chắt anh chị em gần cả chục người lên ngồi gần hết cả khoang tàu.

Từ ga Sài Gòn, tàu đi qua 4 trạm, qua ga Gò Vấp – Bình Triệu – Sóng Thần – Dĩ An, tính cả thời gian dừng trạm đón khách thì tổng thời gian cũng gần 45 phút. Vừa tới nơi, đặt chân xuống đất Bình Dương xong là hai đứa vội vàng quay ngược trở lại để lên tàu đi về, vì chuyến tàu từ Dĩ An về lại Sài Gòn sẽ chạy trong 10 phút sắp tới. Lúc mới xuống tàu, thấy mấy đoàn vốn người Bình Dương lục đục kéo nhau đi về nhà, hai đứa cũng lò dò đi theo, ai dè đi ngược đường tàu, một lát phải lật đật chạy ngược trở lại rồi chui lên một khoang sau khi khách đã ngồi chật kín. Mèn đéc ơi, sau đó mới phát hiện mình đi tàu chui, vì lên tàu sau khi người ta đã soát vé xong xuôi hết rồi, thế là có kỷ niệm lần đầu tiên đi chui tàu.

Chuyến tàu về mới có nhiều điều thú vị, vì bên ngoài trời đã lên đèn, cả đất trời chìm trong màn đêm. Lúc này, mới cảm nhận được không khí đoàn tàu trong “Hai đứa trẻ”:

Tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.

Lúc mới lớ ngớ chui vô tàu, có mấy cô hỏi hai đứa này đi đâu, có phải về ga Hòa Hưng không (tên cũ của ga Sài Gòn), cái rồi kêu ngồi đại băng ghế cuối đi chứ còn chỗ nữa đâu ngồi. Ngồi cùng khoang là một dàn các mợ các thím tiểu thương trong chợ gần ga Sài Gòn, cuối tuần mấy cổ quỡn rảnh rủ nhau đi tàu cho biết, có 10 ngàn rẻ bèo tội gì không đi, còn dắt díu theo mấy đứa con nít. Mắc cười nhất là đoàn này từ ga Sài Gòn xuống Dĩ An, Bình Dương, ghé vô chợ ăn tô bún mắm, uống sâm bổ lượng xong đi ra tàu chạy mất biệt, thế là lỡ mất một chuyến tàu, phải ngồi móc mỏ đợi chuyến sau. Một cô rổn ràng cười, ai đời dân Sài Gòn xuống Bình Dương ăn gì, đi ăn bún mắm, uống sâm bổ lượng, bộ làm như Sài Gòn hổng có vậy 😀

Bình thường thấy mấy tiểu thương trong chợ ăn nói đốp chát, mồm miệng dữ dằn lắm, nhưng lên tàu nghe mấy cô này nói chuyện bông đùa với nhau mà ngồi cười muốn rụng rún. Có cô Tư Lành bán cơm, dân miền Tây chính hiệu nên chưa bao giờ đi tàu, rủ thằng con trai tên Mến đi tàu, thằng nhỏ mới hỏi đi tàu là đi sao má, cổ mới bảo thì cái đoàn tàu con hay thấy chạy qua mỗi ngày ở đường ray đó. Rồi thằng nhỏ mới đáp, thôi con hổng đi đâu, nhìn thấy ghê, mất công đi rồi bị tai nạn sao, thế là ẻm nằm ở nhà ngủ. Cùng đoàn có một bé gái tên Kỳ, cháu của một ngoại đang nằm thiu thiu ngủ, lâu lâu thức giấc chêm vô mấy câu góp chuyện. Cô Lành ngồi đó chọc Kỳ Kỳ, hỏi Kỳ Kỳ đẹp gái có thương Mến Mến đẹp trai nhà cô không, có chịu về làm dâu không làm con nhỏ mắc cỡ giận lẫy không thèm nhìn mặt. Cổ phải ngồi năn nỉ một hồi mới chịu… chơi lại, rồi bày trò gọi điện thoại cho anh Mến ở nhà hỏi có muốn lấy Kỳ Kỳ hôn.

Cuối tuần mấy cô được dịp quỡn rảnh đi chơi xa mà chốc chốc cứ phải gọi điện về nhà hỏi chồng con cơm nước chưa, vô mở lò vi sóng lấy đồ ăn ra hâm lại, rồi hỏi han quán bán sao. Một cô còn cười cười nói đi chơi cho đã đi, về sớm làm chi mất công vô phụ bán mệt thấy bà, đi về rồi gom tiền bán trong ngày đếm thôi. Có cô Hai bán bánh mì, xe bánh mì để đó cho người khác coi mà chưa kịp dọn, hổng biết đi về chiếc xe còn hay mất. Nói chớ thấy thương các mợ các dì, dù đi đâu chơi cũng không được yên thân, luôn sốt sắng lo chuyện ở nhà. Vậy đó, lâu lâu đi chơi xả láng một bữa, rồi sáng hôm sau tờ mờ sáng đã dậy nấu cơm, nấu đồ để đem bán cho phiên chợ sáng, mà cuối tuần mấy cổ lại tụ tập đi Aeon Mall đồ, chở con đi bơi đồ, nghe đúng điệu dân Sài Gòn chánh hiệu.

Trên tàu, tiếng con nít, tiếng người lớn cười nói rổn rảng. Mấy đứa nhỏ còn la làng tắt đèn đi, tắt hết đèn thì mới nhìn thấy được cảnh bên ngoài. Bên ngoài, khi tàu chạy lướt qua chỉ thấy những vệt sáng trôi ngang tầm mắt, ánh sáng hắt ra từ đèn đường, từ những căn nhà sáng đèn, từ đèn pha của những chiếc xe máy đang chờ tàu hòa quyện lại thành một khoảng tranh sáng tranh tối lung linh huyền ảo.

Khoảnh khắc so deep trên tàu.

Thích nhất là lúc tàu chạy qua cầu Bình Triệu, nhìn ra ngoài cửa kính là thấy sông mênh mông, cứ như đang lướt đi trên mặt nước, khoảnh khắc đó thu vào tầm mắt rất đẹp. Có mấy người Sài thành còn chỉ trỏ, ê khúc này giống khu hồi xưa mình từng ở hen, không ngờ Sài Gòn vẫn còn những khu nhà ven sông như vậy.

Tới lúc xuống tàu, có mấy chế từ Dĩ An, Bình Dương bắt tàu lên Sài Gòn chơi, hỏi ngược lại mấy chế Sài Gòn: ê mấy bà đi tàu xuống Bình Dương ăn bún mắm, còn tụi tui lên Sài Gòn đi ăn cái gì đây ha? Một cô cười ha hả trả lời: ra mua bánh mì Sài Gòn, 5 ngàn một ổ ăn đi mấy má.

Thế là hết chuyện đi tàu.

P/S: Chuyến tàu ngoại ô Sài Gòn – Dĩ An (Bình Dương) chỉ chạy tới hết tháng 7/2016 sau khi tuyến đường ray bị sập được khắc phục lại. Từ đó, câu chuyện về chuyến tàu ngoại ô chỉ còn là một kỉ niệm đẹp (06.04.2017)

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.