Ảnh: Nik

Gần đây mình có nghe một cô em là doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp kể về một tình huống em “làm ơn mắc tức”, khi thiện chí giúp đỡ của em bị người khác dội nước lạnh thẳng thừng. Chuyện là em có một nhóm bạn học chơi với nhau từ lâu, mỗi khi có dịp lại đi cafe chuyện trò tâm sự chuyện đời sống. Trước đó em có nghe một cậu bạn trong nhóm đang làm vị trí Quality Control (kiểm định chất lượng) ở một thương hiệu khá lớn trong lĩnh vực F&B (nhà hàng, ăn uống) than thở rằng công ty bạn đang nợ nhà cung cấp nhiều dữ lắm nên tình hình tương lai có vẻ không ổn và bạn có nộp đơn phỏng vấn sang một thương hiệu khác nhưng bị rớt.

Sang một lần gặp mặt khác, em mới hỏi thăm tình hình bên công ty cậu bạn dạo này sao rồi. Em chủ động đề xuất với cậu bạn ấy rằng nếu bên đó không ổn thì em có thể giới thiệu bạn tới một vài bên khác cũng lớn mà em có quen biết để bạn có thể xin qua làm. Tưởng rằng khi nghe đề nghị như vậy thì cậu bạn đó sẽ rất đỗi vui mừng, ai ngờ cậu ta tỏ thái độ hoàn toàn ngược lại. Cậu bạn khó chịu với em: “Doanh nghiệp nợ nần là chuyện hết sức bình thường mà. Ai làm ăn lớn mà chẳng nợ? Trễ công nợ là chuyện nhỏ thôi, từ từ họ cũng xử lý được chứ có gì đâu mà phải lo”.

Cách phản ứng của cậu bạn làm em cụt hứng và khá bực. Về đến nhà, em cảm thấy khó hiểu vì sao mình có thiện chí giúp đỡ như vậy nhưng lại bị khước từ. Cậu bạn ấy đâu biết rằng em có mối quan hệ khá rộng với nhiều chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B, ngay cả cái công ty mà cậu ta phỏng vấn rớt thì em cũng có quen biết với giám đốc bên đó. Tình huống này có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng hay gặp trong đời thường, khi ta có thiện chí khuyên bảo hay giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp nhưng lại bị nhận về những gáo nước lạnh tới tấp.

Ảnh: Freepik

Làm ơn không đúng chỗ

Tình huống của người em kể trên khá tương đồng với một câu chuyện mình gặp cách đây không lâu, qua đó nhắc nhở mình sâu sắc về bài học cho lời khuyên. Hồi đầu năm, một người chị có hỏi mình có biết ai dạy tiếng Anh giao tiếp hay không vì chị có đặt mục tiêu rèn tiếng Anh trong năm nay, thế là mình có giới thiệu chị đến học với một thầy mình quen. Do nhu cầu học của chị cũng khá đặc biệt nên chị đăng ký lớp 1-1 học riêng với thầy, mỗi tuần học tới 5 buổi (trong khi khóa học thông thường chỉ 2-3 buổi/tuần và học với nhiều người).

Thời gian đầu mới học, chị có nhắn tin hỏi mình là sao mình siêu thế, làm bao nhiêu là việc mà vẫn sắp xếp học tiếng Anh được, chẳng bù cho chị mới học được vài tuần thôi mà đã thấy quá tải và ong ong hết cả đầu. Nghe chị kể như vậy, mình cũng nhiệt tình đề xuất chị nên thử giảm lịch học xuống còn 3 buổi thử xem vì học liên tục như chị hơi căng và không có thời gian ôn bài nữa. Chị nghe thì cũng ừ ừ, sau đó mình không biết chị có đổi lại lịch học hay không.

Bẵng đi một thời gian, hai chị em đang chat với nhau thì mình mới hỏi thăm dạo này chị học tiếng Anh thế nào. Thế là bị bắt đầu than thở rằng dạo này đầu óc chị cứ bị đơ đơ làm sao ấy, do học nhiều quá chưa kịp tiêu hóa kiến thức cũ mà phải nạp kiến thức mới, có bữa học nhiều chị còn thấy buồn nôn nữa cơ. Một lần nữa, nghe thấy vậy mình cũng khuyên sao chị không thử giảm lịch học xuống đi cho dễ thở hơn. Mình ví dụ như chuyện đi tập gym, lúc mới tập thì thường chỉ tập 3 buổi/tuần và có 1 buổi nghỉ, chủ yếu là để cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi, chứ mới tập mà tập nặng liên tục như chị thì cơ thể nào mà chịu nổi.

Ảnh: Sven Mieke

Nói chuyện qua lại một hồi, chị nhắn lại một tràng làm mình im bặt. Chị nói với mình rằng chị không thích cách mình áp đặt giải pháp lên chị. Chị bảo rằng hai lần nói chuyện với mình, mình đều cố đưa ra giải pháp và muốn chị làm theo cách của mình, trong khi chị đâu có nhu cầu xin mình lời khuyên, chị chỉ đơn giản là kể chuyện cho mình nghe thôi mà. Bản thân chị là người đăng ký học và xếp lịch học với thầy, chị biết như thế nào là đủ hay quá sức, nếu lịch học quá nặng thì chị sẽ tự biết nói thầy giảm lại chứ đâu cần phải tham khảo ai.

Cũng giống như người em kể trên, ban đầu mình cũng bị chưng hửng và có phần cụt hứng khi thấy thiện chí của mình bị hiểu lầm và bị dội nước lạnh phũ phàng như vậy. Lúc ấy mình còn cho rằng do tính cách cả hai có sự khác biệt nên cách tiếp nhận vấn đề của mỗi bên có phần trái ngược nhau. Trong thâm tâm, mình vẫn thấy cách chị phản ứng có phần hơi quá và làm cuộc nói chuyện mất vui, vì mình nghĩ đơn giản rằng mình chỉ gợi ý giải pháp còn có làm theo hay không là lựa chọn của chị, chứ mình không có ý áp đặt giải pháp hay bắt buộc chị phải làm theo mình. Chỉ đến khi trải nghiệm một tình huống đảo ngược vai trò, mình mới thật sự thấm thía “gáo nước lạnh” của chị.

Ảnh: Unsplash

Không phải ai cũng cần lời khuyên

Mình có chứng cao huyết áp nên mỗi lần thức khuya quá lố là hôm sau rất dễ bị đau đầu, đầu óc sẽ bị nhức binh binh như có ai lấy búa nhựa gõ liên tục lên đầu. Một lần đang nói chuyện với một chị bạn khác, mình mới đem vụ này ra than thở như một chuyện xã giao giữa bạn bè với nhau. Ai mà có ngờ, chị bắt đầu xổ ra một tràng lời khuyên giúp mình trị chứng cao huyết áp như uống nước ép cần tây vào mỗi sáng hay mua xả về nấu nước uống thay nước lọc, với những công dụng rất hiệu quả mà chị từng trải nghiệm. Quả thực mình biết chị có ý tốt muốn giúp đỡ mình, nhưng trong lòng mình thấy rất khó chịu và không thoải mái.

Mình bảo chị rằng mình có biết những bài thuốc dân gian này nhưng tạm thời không uống được vì đang theo một số bài trị những vấn đề khác như uống nha đam mỗi ngày để tốt cho đường ruột. Đối với vụ cao huyết áp, mình vẫn ổn nếu sinh hoạt điều độ, chẳng qua là lâu lâu mình thức khuya nên mới bị như vậy và chỉ cần điều chỉnh sinh hoạt là được rồi. Nghe mình nói vậy, chị vẫn chưa dứt được cơn khuyên bảo mà vẫn tiếp tục xổ một tràng khác là em điều chỉnh sinh hoạt thì chưa đủ đâu mà còn phải kết hợp với bài thuốc như vậy thì mới trị được. Xong rồi chị khuyên tiếp với vấn đề bao tử thì nghệ và mật ong mới là thần dược, chị từng bị viêm loét dạ dày nặng hồi đại học mà uống bài này thấy hiệu quả lắm.

Thực sự khi bị đảo ngược vai trò thành người bị nghe khuyên bảo, mình mới thực sự hiểu được cảm xúc của những người từng bị mình cho lời khuyên. Hơn ai hết, mình hiểu được bệnh tình của bản thân mình như thế nào và đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng những giải pháp phù hợp cho bản thân. Như việc mình uống nha đam mỗi ngày là để thải độc và làm sạch đường ruột chứ không phải vì mình bị bệnh dạ dày, nhưng chị ấy không biết được mà lại mặc định mình bị dạ dày rồi cứ đưa ra lời khuyên dựa trên trải nghiệm riêng của chị. Đối với vấn đề sức khỏe cá nhân, nếu cần phải tìm lời khuyên thì mình sẽ gặp y bác sĩ chứ đâu thể nào nghe một người quen khuyên thế này là mình răm rắp tin theo lời họ, trong khi cơ thể mỗi người không ai giống ai.

Ảnh: Freepik. Thiết kế: Chơn Linh

Sau trải nghiệm đó, mình nhận ra một bài học vi tế rằng không phải ai gặp vấn đề thì cũng cần tìm lời khuyên hay sự giúp đỡ từ người khác. Cái sai lầm của đa số mọi người là rất thích khuyên bảo hay chìa tay ra giúp đỡ người khác trong khi họ không có mượn. Trong nhiều tình huống, bạn phải thử suy xét lại vấn đề là đối phương có mở miệng ra xin bạn lời khuyên hay nhờ bạn giúp đỡ họ không. Nếu họ thực sự có nhu cầu đó thì bạn mới nên khuyên bảo hay giúp đỡ nếu có thiện chí. Lời khuyên thực sự chỉ có giá trị khi nó nói với đúng người và đúng chỗ, nếu không mọi thiện ý của bạn đôi khi lại trở thành tác nhân kích hoạt sự khó chịu của người khác. Mỗi cá nhân đều có cái tôi rất cao mà không phải ai cũng tự nhận ra được. Không ai thích bị xem là yếu kém và vô năng tới mức không thể tự tìm giải pháp cho bản thân mà phải dựa vào người khác.

Quan trọng hơn, phần lớn chúng ta chia sẻ vấn đề của mình với người khác là để giải tỏa cảm xúc buồn bực, tiêu cực của bản thân và cần tìm một sự lắng nghe, an ủi nhiều hơn là khuyên bảo hay dạy dỗ. Đôi khi, bạn chỉ cần im lặng ngồi lắng nghe bạn bè của mình tâm sự và đồng điệu với họ, như vậy là đã đủ. Cuộc sống đã có quá nhiều bài học và áp lực rồi, không cần bạn phải mở thêm lớp bài học cuộc sống để dạy cho người ta cách phải sống như thế nào cho đúng. Từ khi nghiệm ra điều này, mình lựa chọn im lặng và lắng nghe nhiều hơn nếu bạn bè hay đồng nghiệp của mình không có nhu cầu tìm lời khuyên bảo.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Công nhận, nhiều khi nói về những áp lực, có lắm lúc chỉ muốn được kể, được chia sẻ, được đồng cảm vậy thôi, bởi vì những lời khuyên chưa chắc đã phù hợp với mình và bản thân mình thực hiện được điều đó. Vả lạ, con người thay đổi không ngừng, lúc thế này, lúc thế kia, những lời khuyên có thể đúng ở lúc đó nhưng sai ở lúc khác. Tự dặn lòng là lắng nghe nhiều hơn, ít đưa ra lời phán xét, kể cả là lời khuyên nè.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Ngay cả trường hợp người ta hỏi xin mình lời khuyên, hỏi thì hỏi vậy thôi chứ nhiều khi họ cũng không có làm theo á :v

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.