Ảnh: Sajimon Sahadevan

Có lần đọc một cuốn sách tiếng Anh, mình bắt gặp một cụm từ khá lạ là “hump day”, tra nghĩa đen có nghĩa là “ngày bướu” – một từ không có nghĩa. Khi truy nguyên về nguồn gốc của từ này, mình mới đọc được một giai thoại thú vị về lịch sử ra đời của nó. Hóa ra cách dùng “hump day” đã có từ thập niên 1950 ở Mỹ, vốn được dùng để chỉ ngày thứ Tư – ngày giữa tuần theo lịch Tây phương. Vì sao thứ Tư lại được gọi là “ngày bướu”? Theo nghĩa đen, “hump” chỉ cái bướu trên lưng con lạc đà. “Hump day” là một cách nói ẩn dụ chỉ ngày thứ Tư giống như cái bướu gồ lên trên lưng con lạc đà – tương ứng với ngày giữa tuần.

Trong góc nhìn dí dỏm của người Mỹ, đặc biệt là dân văn phòng “bán mình cho tư bản” 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần thì thứ Tư cũng như một cột mốc đánh dấu cái đỉnh giữa tuần. Đối với hầu hết người đi làm, ngày thứ Hai đầu tuần bao giờ cũng là ngày mệt mỏi nhất vì ta phải xử lý nhiều công việc tồn đọng từ tuần trước và vì ta vừa mới được nghỉ xả hơi cuối tuần. Khi lê lết từ thứ Hai qua thứ Tư, trèo qua được cái bướu trên lưng lạc đà thì a lê hấp – tự nhiên mọi thứ lại trở nên nhẹ bẫng, “áp lực cột sống” mỗi đầu tuần đột nhiên tan biến hết. Bởi lẽ một khi bạn đi qua được ngày thứ Tư thì cũng đồng nghĩa rằng một tuần gần như đã trôi qua và bạn sắp lại được tận hưởng cuối tuần.

Ảnh: Saj Shafique

Khi đọc về giai thoại này, mình có một liên tưởng thú vị về ngày thứ Tư trong tuần, thay vì gọi là “ngày bướu” nghe khá kỳ quặc thì mình đặt cho thứ Tư cái tên mới là “ngày lưng gù” để dễ liên tưởng tới ẩn dụ cái lưng gù của con lạc đà, thay vì nghĩ tới hình ảnh cục bướu trong câu chuyện cổ tích Việt Nam Hai cô gái và cục bướu ngày nhỏ từng xem. Đằng sau ngày lưng gù cũng có một định luật tâm lý thú vị mà mình chiêm nghiệm được, đó là:

Mỗi khi chúng ta bắt đầu một việc gì đó, bước đầu tiên bao giờ cũng là giai đoạn đầy thử thách và khó khăn dễ khiến chúng ta bỏ cuộc và nản lòng; nhưng khi ta đi qua được một nửa hành trình (như leo qua được cái lưng gù của con lạc đà) thì sau đó mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Và sớm muộn rồi thì ta cũng sẽ đi đến đích.

Quy luật tâm lý này cũng ứng với một câu nói của Lão Tử: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Nếu trong đầu chúng ta có nhiều ý tưởng hay ho muốn thử nghiệm hay muốn thử thách bản thân ở một khía cạnh mới nào đó, nhưng ta cứ chần chừ, lần lữa mãi không bắt tay vào làm – hay không đặt bước chân đầu tiên khởi hành, thì biết bao giờ mới đi được tới đích? Mọi ý tưởng hay kế hoạch của bạn dù hay ho tới mấy, nếu chúng chỉ nằm trong đầu bạn mà không được thực thi thì cũng chỉ là mớ bòng bong kết nối nơ-ron trong tâm trí mà thôi. Đa số chúng ta mỗi khi nghĩ đến việc bắt đầu một thứ gì đó mới mẻ và thử thách thì thường có tâm lý sợ hãi bởi ta phải thúc ép bản thân mình bước ra khỏi vùng thoải mái, và chính vì tâm lý đó mà ta cứ mắc kẹt ở vị trí cũ chứ không thể tiến xa được lên những nấc thang cao hơn trong đời.

Ảnh: Toomas Tartes

Khi ngẫm lại nhiều chuyện đã qua, mình nhận ra định luật “ngày lưng gù” này ứng nghiệm trong rất nhiều chuyện trong đời sống và đã giúp mình vượt qua những chướng ngại tâm lý do bản thân tự đặt ra. Chẳng hạn như:

Hồi trước mình từng tham gia một dự án dựng video sách nói và minh họa cho một cuốn kinh. Cuốn kinh lên đến hàng trăm trang và phải làm hàng chục video clip, mỗi clip chỉ tầm 10-15 phút nhưng để làm ra được thì rất cực công vì phải minh họa và làm phụ đề tỉ mỉ cho từng câu kinh. Nhìn vào quá trình kéo dài đó thực sự rất nản, nhưng một khi mình đã bắt tay vào làm và làm dần dần mỗi ngày từng chút một, đến khi nhìn lại thì thấy mình đã đi qua được nửa chặng đường và vì thế mà chặng đường còn lại cũng không còn áp lực gì quá nhiều. Mọi chuyện cứ thế diễn ra suôn sẻ cho lúc mình hoàn tất dự án.

Hồi trước mình từng tham gia một khóa học mà thời gian kéo dài gần cả năm chứ không phải tính bằng vài ba tháng. Lúc chưa đăng ký, nhìn vào lộ trình học thực sự rất nản và không biết bản thân mình có đủ kiên trì tới cùng không. Nhưng mình cứ học và học rất đều không bỏ buổi nào, học từ lúc Tết cho đến lúc hè, đi qua được chặng đường nửa năm rồi thì tự dưng cũng thở phào nhẹ nhõm khi đã quen dần với nhịp độ của lớp. Nửa chặng đường còn lại vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Hồi trước mình từng đăng ký một chương trình để thi lấy chứng chỉ quốc tế, chương trình cũng kéo dài tới 8 tháng và có khá nhiều khóa học nhỏ, kèm theo rất nhiều bài tập và bài luận phải làm hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhìn vào khung chương trình và lượng bài tập phải làm thực sự rất nản và muốn bỏ cuộc ngay từ đầu, nhưng mình vẫn mạnh dạn đăng ký tham gia thử sức và học đều đặn từ tuần này qua tháng nọ. Đến một lúc nhìn lại tự nhiên thấy mình đã đi qua được một nửa chương trình bằng một cách thần kỳ nào đó. Và hóa ra mọi thứ không đáng sợ như mình nghĩ!

Hầu hết chúng ta đều tự giới hạn bản thân mình bằng những rào cản tâm lý của việc “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng nếu đến việc “khởi đầu” mà chúng ta còn không chịu khởi thì sẽ không có chuyện ta đạt được mục tiêu cuối cùng mà mình đề ra. Một khi hiểu được định luật “ngày lưng gù” này và xóa bỏ được chướng ngại tâm lý của bản thân, mình tin rằng tâm thế của chúng ta khi đối diện với những khó khăn hay thử thách trong đời cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. Vì sau cùng thì, mọi chuyện khó khăn đến mấy rồi cũng sẽ qua và hành trình vạn dặm nào cũng sẽ đến đích nếu bạn bắt đầu khởi hành, ngay từ bây giờ.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Hehee, em cũng hay áp dụng tâm lý này khi tập thể dục á anh. Kiểu thay vì đặt mục tiêu 1 phát tập 45p hay 1 tiếng thì em thường tự ám thị bằng cách: cố lên, 5 phút thôi. Cho tới khi quá nửa mốc mục tiêu rồi, tự dưng hào hứng và có động lực hẳn luôn

    • Chơn Linh Phản hồi

      Chiêu này giống một kiểu NLP “Cố thêm một chút thôi, mình làm được mà” anh từng học =))

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải