Ảnh: Unsplash

Một chị bạn của mình có người em trai thường xuyên vay tiền và thiếu nợ khắp nơi, bao giờ chị cũng là người đứng ra gánh nợ và trả thay em trai, nhưng cậu em xem như đó là nghĩa vụ của chị chứ chẳng quan tâm đến việc phải trả lại. Trong gia đình, ba mẹ chị luôn bao che và thiên vị cho cậu con trai mà không bao giờ nghĩ tới hoàn cảnh khó khăn của chị.

Một người chị của mình ly dị với chồng sau khi trải qua một cuộc hôn nhân sóng gió với một người chồng không ra gì và không biết tôn trọng gia đình vợ, sau cùng chị với con gái dọn ra ở riêng. Ba mẹ chị và những người lớn trong nhà thường hay cảm thán rằng, sao chị không cố gắng nhẫn nhịn mà sống, tự nhiên lại đi ly dị chi rồi giờ sống cảnh mẹ đơn thân như vậy.

Một cô em mình quen vừa mới tốt nghiệp đại học, em kỷ niệm dấu mốc ra trường của mình bằng một hình xăm. Khi về nhà, ba em biết chuyện và mắng em vì con gái con lứa lại đi xăm mình, không biết giữ gìn bản thân.

Ba mẩu chuyện nhỏ trên là những câu chuyện đời thường quen thuộc mà bạn có thể bắt gặp đâu đó xung quanh mình. Chúng thể hiện lối tư duy cố hữu và cũ kỹ của lớp thế hệ trước về chuyện trọng nam khinh nữ (cha mẹ lo cho con trai nhiều hơn con gái), phận con gái phải có nơi có chốn (chứ không được ly dị và sống cảnh mẹ đơn thân) và con gái xăm hình là hư thân mất nết (còn con trai xăm hình thì không sao). Nói cách khác, chúng là những chiếc vòng kim cô của xã hội đang định hình khung nhận thức của lớp thế hệ trước, mà lớp thế hệ bây giờ đã không còn cách nghĩ như thế nữa.

Ảnh: Unspalsh

Hiểu về khung nhận thức

Khung nhận thức (frame) là các mô hình tâm trí mà chúng ta lựa chọn và áp dụng. Chúng quyết định cách thức chúng ta nhìn nhận thế giới thực tại và hành động trong thế giới ấy. Khi chúng ta mới sinh ra và chưa học nói, chúng ta như một chiếc máy tính chưa cài đặt bất kỳ chương trình nào. Nhưng trong quá trình chúng ta lớn lên và trưởng thành, cha mẹ, thầy cô và xã hội liên tục cài đặt vào tâm trí của chúng ta những chương trình mới thông qua hệ thống biểu tượng và ngôn ngữ. Khung nhận thức của mỗi cá nhân cũng được hình thành trong quá trình đó.

Giả sử bạn là một đứa trẻ được sinh ra ở thế hệ của ông bà hay cha mẹ bạn, dưới thời bao cấp, còn chiến tranh và Internet thì chưa ra đời. Ở xã hội mà bạn sống, quan niệm trọng nam khinh nữ, môn đăng hộ đối hay trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng và tình yêu dị tính (giữa nam với nữ) là những chuyện hiển nhiên trong cuộc sống. Ông bà dạy bạn như thế, cha mẹ dạy bạn như thế, thầy cô dạy bạn như thế, những người lớn xung quanh nói như thế và cả xã hội ngoài kia người ta cũng đang sống như thế. Và mặc nhiên là bạn sẽ được cài đặt một khung nhận thức vào đầu là phải sống như vậy mới là “bình thường”, còn sống vượt ra khỏi cái khung nhận thức đó là sai lầm hay lệch lạc. Đó là lý do vì sao nhiều người ở thế hệ ông bà hay cha mẹ chúng ta đến giờ vẫn còn lối suy nghĩ cũ, vì đó là khung nhận thức mà họ đã được cài đặt gần cả đời người.

Nhưng thế hệ của chúng ta thì không suy nghĩ như thế, bởi chúng ta sống ở thời buổi giao thời khi mạng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đã phát triển vượt bậc. Trong thế giới phẳng, chúng ta được tiếp xúc với rất nhiều quan niệm và tư tưởng mới mẻ từ các nền văn minh hàng đầu thế giới, như quan niệm nam nữ bình đẳng, phong trào nữ quyền, tình yêu không phân biệt giới tính, v.v. Dần dần những cái từng lạ lẫm trước đây được bình thường hóa và trở thành xu thế của thời đại. Đó là khi những cái khung nhận thức cũ bị phá vỡ và được thiết lập lại để tạo thành một khung nhận thức mới, và càng nhiều người chấp nhận khung nhận thức mới đó thì nó sẽ nhân rộng và trở nên phổ biến hơn.

Ví dụ về khung nhận thức không chỉ nằm ở những vấn đề lớn lao về ý thức hệ, mà nó hiện hữu trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống mà chính chúng ta đôi khi cũng không nhận ra. Chẳng hạn như khung nhận thức của một người làm kinh doanh sẽ giúp họ nhìn thấy cơ hội làm ăn ở khắp mọi nơi, khung nhận thức của một phóng viên sẽ giúp họ phát hiện đề tài qua những quan sát trong đời sống thường nhật. Khi nhìn một ngọn đồi, chủ tập đoàn bất động sản sẽ nhìn thấy giá trị thị trường của sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng, còn nhà tự nhiên học lại nhìn thấy đó là một khu vực đa dạng sinh thái và là lá phổi xanh cho hành tinh. Mỗi khung nhận thức sẽ giúp chúng ta nhìn nhận thế giới theo một góc nhìn riêng biệt, trong đó nó sẽ làm nổi bật một số yếu tố và làm mờ các yếu tố khác.

Ảnh: Unspalsh

Phá vỡ khung nhận thức

Bởi vì các khung nhận thức luôn hoạt động trong trạng thái ngầm, hầu hết chúng ta đều không ý thức được sự hiện diện của chúng trong tâm trí mình. Trong quá trình chúng ta trưởng thành, sinh sống và làm việc ở những môi trường khác nhau, chúng ta liên tục tiếp nhận thông tin từ bên ngoài và tự cài đặt một số khung nhận thức cho bản thân mà ta không hề hay biết. Chẳng hạn như khi bạn mới ra trường đi làm, người sếp trực tiếp và công ty đầu tiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn và cách làm nghề của bạn. Có những vấn đề thuộc về quan điểm cá nhân của sếp, nhưng khi bạn bị “nhân bản” khung nhận thức của sếp, bạn dễ mặc định nó là cái khung chuẩn mực trong mọi tình huống.

Hệ quả là, khi bạn chuyển sang một công ty khác và làm việc với vị sếp khác, đột nhiên bạn bị xung đột với tư duy hay cách làm việc của vị sếp mới, đơn giản bởi vì nó không khớp với cái khung nhận thức mà sếp cũ đã cài cho bạn. Hay đến khi bạn trở thành sếp, vô hình trung bạn cũng đào tạo cho nhân viên của mình theo bộ khung mà sếp cũ đã từng đào tạo bạn trước đây, dù có một số quy tắc trên thực tế không phải là quy chuẩn chung trong lĩnh vực ngành nghề của bạn.

Ảnh: Unspalsh

Hồi mình mới chân ướt chân ráo bước vào nghề biên tập sách, cách biên tập sách ngoại văn của mình bị ảnh hưởng rất lớn bởi hình mẫu mình thường thấy ở công ty cũ, dù cho trước đó mình làm ở bộ phận Marketing (nhưng trong một công ty xuất bản và đào tạo). Đó là mình sẽ chia đôi màn hình, một bên là bản tiếng Anh còn một bên là bản tiếng Việt để đối chiếu hai bản với nhau. Khi thấy mình làm như vậy, chị sếp mình – một người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề – mới gợi ý cho mình một cách biên tập khác, đó là mình chỉ đọc thuần trên bản tiếng Việt và bỏ qua bản tiếng Anh đi, chỉ khi đọc tới câu nào thấy cấn hoặc có gì đó sai sai thì mới cần mở bản tiếng Anh lên tra lại để coi sai chỗ nào và vì sao lại cấn.

Ban đầu khi nghe chị sếp hướng dẫn như vậy, với một người có năng lực tiếng Anh khá tốt và luôn nhức nhối với vấn nạn sách dịch dở, mình rất khó chấp nhận được phương pháp của chị, bởi lẽ nếu không đối chiếu bản gốc thì làm sao biên tập viên đảm bảo được người dịch không dịch ẩu, dịch sai? Phải mất một thời gian mình mới có thể chấp nhận được điều này, sau khi chị sếp phá vỡ khung nhận thức cũ của mình. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, chị nhận thấy cách biên tập này sẽ rèn luyện cho biên tập viên trực giác nhạy bén về mặt câu chữ và cảm nhận được sự mượt mà của bản thảo trong dòng chảy.

Tất nhiên là mỗi phương pháp biên tập sẽ có ưu – nhược điểm nhất định, như phương pháp đối chiếu hai bản Anh – Việt thì sẽ đảm bảo được bản dịch sát nguyên tác nhất có thể, nhưng nhược điểm là biên tập viên dễ bị cuốn theo bản gốc hay bản dịch về vấn đề văn phạm hay ngữ nghĩa mà không nhận ra câu dịch trúc trắc hay đọc nghe không thuận trong mạch tiếng Việt. Đây cũng là lý do vì sao có rất nhiều cuốn sách dịch, nếu bạn mở bản gốc ra đối chiếu thì sẽ thấy dịch chuẩn chỉnh từng chữ, nhưng khi đọc lại thấy trúc trắc như chạy xe mà cứ liên tục vấp phải ổ gà, ổ trâu. Ngược lại, phương pháp biên tập thuần trên bản tiếng Việt dựa trên cơ sở đặt lòng tin vào chất lượng bản dịch (điều này đòi hỏi ở khâu chọn dịch giả cũng phải tuyển lựa người phù hợp và có năng lực). Khi xử lý được hết những chỗ trúc trắc trong bản dịch tiếng Việt, bản thảo sẽ như một con đường phẳng lì thẳng tắp để xe bon bon chạy và độc giả sẽ chẳng thể nào nhận ra bản dịch này có vấn đề (dù xác xuất dịch nhầm một số chỗ là vẫn có).

Ảnh: Unspalsh

Trong quá trình mình làm nghề, chị sếp cũng phá vỡ khung nhận thức của mình nhiều lần bằng cách đưa ra cho mình những góc nhìn mới để đừng quá nguyên tắc hay đóng khung trong khuôn khổ cũ. Ví dụ như quy chuẩn ghi ngày tháng trong sách thường sẽ dùng là “tháng Mười hai”, có lần chị sếp mình đặt vấn đề: Tại sao em không thử dùng “tháng Mười Hai” – viết hoa cả hai chữ luôn, chứ vì sao viết hoa chữ “Mười” mà lại bỏ mất chữ “hai”? Tất nhiên chị không bắt buộc mình phải tuân theo hoặc cách A hoặc cách B, mà mình có thể dùng theo cách nào cũng được, miễn là thống nhất trong một cuốn sách.

Nói chuyện thống nhất, có lần mình từng bắt lỗi một cuốn sách dùng bất nhất khi thì viết chữ khi thì viết số, chị sếp đưa ra cho mình một góc nhìn khác: “Tùy theo trường hợp có những chỗ em cần nhấn mạnh về tính chất số liệu thì mới nên dùng số, còn lại thì viết chữ cho dễ đọc trong mạch câu hơn”. Ban đầu mình cũng rất lấn cấn về điểm này vì bản thân mình vốn thuộc típ người nguyên tắc, nhưng quả thực khi dấn thân sâu hơn vào nhiều cuốn sách, mình mới thấy có những trường hợp không thể nào thống nhất được. Mỗi cuốn sách vốn là một cuốn sách khác biệt, không có cuốn sách nào giống cuốn nào.

Khi làm việc với một số dịch giả kỳ cựu đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, mình nhận ra có những người tiếng Anh rất giỏi, tiếng Việt cũng rất tốt, nhưng khi chuyển ngữ một cuốn sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì họ chỉ mới dừng lại ở việc dịch tốt chứ chưa gọi là dịch hay. Cái hay của dịch thuật, nhất là sách văn học, nằm ở việc bạn đọc bản dịch mà có cảm tưởng như thể đang đọc tiếng mẹ đẻ vì ngôn ngữ dịch hết sức mượt mà, trôi chảy.

Lý giải cho điểm kỳ lạ này, chị sếp của mình có giải thích rằng ngay khi dịch cuốn sách đầu tiên và làm việc với đơn vị xuất bản đầu tiên, nếu dịch giả bị đóng khung bởi khuôn khổ dịch sách bám sát nguyên tác thì họ dễ hình thành khung nhận thức như vậy và xem đó là tiêu chuẩn trong nghề. Cái khung đó sẽ ăn sâu vào nhận thức và đi theo họ suốt chặng đường làm nghề. Và họ sẽ không bao giờ biết rằng mình có thể phá khung để xử lý bản dịch theo nhiều cách khác, không nhất thiết phải bám sát bản gốc một cách cứng nhắc.

Ảnh: Unspalsh

Có lần một chị bạn quen bình luận dưới một bài viết trên fanpage của mình rằng: “Sao em không đặt tiêu đề bài viết mà cứ viết luôn?”. Mình hỏi ngược lại chị: “Tại sao bài viết lại cần phải có tiêu đề”. Chị trả lời rằng có tiêu đề thì dễ đọc hơn, người đọc sẽ biết được nội dung chính của bài viết về vấn đề gì. Cách nghĩ của chị là một khung nhận thức trong lĩnh vực social content mà có thể chị đã tiếp nhận từ một khóa học content, một cuốn sách content nào đó hay chỉ đơn giản là chị tự đúc kết khi nhìn thấy nhiều bài viết viral trên mạng. Tuy nhiên, nó không phải là chuẩn mực của ngành và không có ai quy định mọi bài viết trên mạng xã hội thì luôn cần phải đặt tiêu đề.

Mình nhẹ nhàng phá vỡ khung nhận thức của chị rằng tùy theo tính chất bài viết mà có nên dùng tiêu đề hay không, ví dụ như đối với bài dài thì sẽ cần tiêu đề thu hút người đọc, nhưng có những bài ngắn theo kiểu tản mạn chỉ vài đoạn thì thêm tiêu đề vào lại quá nghiêm trọng (giống dạng bài báo tiêu chuẩn). Ngoài tiêu đề, sự thu hút của một bài viết trên mạng xã hội còn nằm ở hình ảnh bắt mắt, cách dẫn nhập qua vài dòng đầu tiên, chứ không nhất thiết phải có tiêu đề IN HOA thì mới thu hút sự chú ý. Nếu chị thử để ý trên nhiều fanpage nổi tiếng, có những bài ngắn củn chỉ có một, hai câu và chẳng có tiêu đề gì vẫn có thể viral như thường.

Phá vỡ khung nhận thức của người khác không phải là điều dễ dàng, nhất là nếu bạn không biết tiếp cận và gợi mở vấn đề một cách khéo léo thì rất dễ dẫn tới xung đột và tranh cãi do quan điểm đôi bên khác biệt. Như người chị trên là một người bạn thân thiết mà mình hay trò chuyện nên mình mới sẵn lòng dành thời gian để phá vỡ một khung nhận thức không hữu ích của chị, bởi lẽ nếu chị tin vào điều đó trong một thời gian dài thì sẽ có nhiều hệ quả xảy ra. Chẳng hạn như bài viết nào trên mạng xã hội chị cũng nhất nhất đặt tiêu đề, hay nếu sau này chị trở thành sếp và đi đào tạo cho một nhân viên content, chị sẽ áp cái khung nhận thức này lên bạn nhân viên ấy và tạo ra một thế hệ tin rằng phải làm như thế mới đúng.

Ảnh: Unspalsh

Sức mạnh của khung nhận thức nằm ở chỗ nhờ vào nó, chúng ta định hình một lối đi, một khuôn khổ để bám theo và áp dụng vào việc giải quyết các tình huống mới mà không cần phải học lại từ đầu. Lối mòn đi mãi thành quen, một khi khung nhận thức đã khắc sâu vào tâm trí thì rất khó để chúng ta phá vỡ nó và chấp nhận một khung nhận thức mới. Chẳng hạn với một dịch giả có hơn chục năm kinh nghiệm trong nghề, bạn không thể bảo với họ rằng: “Này, cách dịch như vậy của anh/chị có một số nhược điểm, và anh/chị nên thử áp dụng một cách xử lý bản dịch khác như thế này…” Phần nhiều khả năng họ sẽ sửng cồ lên và cho rằng bạn là “trứng mà đòi khôn hơn vịt”.

Sau cùng, với những ai đã hiểu và biết về sự tồn tại của khung nhận thức, hãy tự hỏi bản thân rằng trong tâm trí mình đang có những khung nhận thức nào và cái khung đó liệu có tối ưu với tình huống mà bạn đang cần xử lý hay không. Nếu cái khung cũ đã không còn phù hợp nữa, bạn cần chọn một cái khung khác tốt hơn hoặc tạo lập một khung nhận thức mới. Tương tự, bạn cũng có thể dùng công cụ tư duy này để soi chiếu các khung nhận thức mà những người xung quanh bạn đang sử dụng. Làm chủ được bộ khung nhận thức, bạn có thể định hướng cho cuộc sống của mình một cách sáng suốt hơn và mở ra nhiều chiều kích mới trong tư duy.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.