Nhà mình có nuôi một con “thú”, tên nó là chị Bảy. Tên khoa học của chị Bảy là Hemidactylus frenatus, tên ở nhà miền Bắc gọi là thạch sùng, miền Nam gọi là thằn lằn.
Có một giai đoạn mình hay uống cam mật ong, mỗi ngày vắt hai trái, bỏ thêm một muỗng mật ong vào. Chai mật ong để trên tủ sách, cách tường ba phân. Mỗi lần lấy mật xong để chai vào chỗ cũ, chỉ một lát sau sẽ thấy chị Bảy xuất hiện, te te chạy ra, làm một động tác ngã người rất điêu luyện để liếm cho bằng được mật ong dính trên nắp chai, dù đã rửa qua nước nhưng vẫn còn sót lại chút vị ngọt.

Những lần sau đó, chỉ cần mình mới vắt cam, nghe mùi cam vắt, còn chưa mở nắp lấy mật ong thì đã thấy chị Bảy lấp ló ở đằng xa.
Quá trình đó kéo dài cũng tầm nửa năm, cho tới khi mình nghỉ uống cam mật ong.
Và điều bất ngờ thú vị là những hôm sau đó, tuy mình không vắt cam, cũng không lấy mật ong. Nhưng chị Bảy vẫn xuất hiện, và lò dò chạy tới chai mật ong để liếm như thường lệ.
Chị Bảy liếm mật ong từ thuở thiếu nữ xuân thì mi nhon, cho tới khi bụng lặc lè chửa đẻ, vẫn giữ thói quen tối tối chạy ra tìm chai mật ong. Rồi chị Bảy lâm bồn, phải ở nhà nghỉ đẻ nên mất mấy tuần không chạy ra nữa.
Sau đó, nhân dịp dọn nhà, chai mật ong được mình di dời ra chỗ khác để ngay dưới sàn nhà nhưng ở một góc khác trong phòng, cách xa kệ sách. Trong khoảng 3 tháng liên tục đó, tối tối chị Bảy vẫn chạy ra khoảng tường trên kệ sách gần vị trí để chai mật ong lúc trước, vô định nhìn vào khoảng không trước mắt, rồi bất lực chạy về. Bất kể chai mật ong bây giờ mình để ở vị trí dễ tiếp cận hơn, cũng có nhiều lần mở ra mở vào nhưng chị Bảy như một thói quen vẫn tìm đến chỗ cũ thay vì chỗ mới.
Trong một diễn biến khác, chai mật ong dù thay đổi vị trí ở đâu thì mị lực của mật đối với lũ kiến vẫn không thể miễn bàn. Có thể thấy được trong tình huống này, kiến là loài sống theo bản năng, còn chị Bảy lại là loài sống theo thói quen.
Chị Bảy tuy là loài bò sát, nhưng câu chuyện của chị Bảy cũng điển hình cho loài người (homo sapiens) ngày nay. Con người vốn là những sinh vật sống theo thói quen và luôn lặp lại những khuôn mẫu.
Có 2 kiểu người như chị Bảy mình thường gặp, ở chiều hướng tiêu cực:
1. Người sống theo khuôn mẫu:
Những người này, họ đã quen tư duy theo cùng một kiểu, từ đó tạo thành khuôn mẫu (pattern) của tư duy. Chỉ cần rơi vào tình huống đó, khuôn mẫu sẽ được kích hoạt, vì đó là sự lựa chọn dễ dàng và an toàn nhất mà não bộ của họ đã lập trình.
Ví dụ, mình có một bạn nhân viên có khuôn mẫu tư duy tiêu cực như sau: cứ mỗi khi gặp một vấn đề nào đó trong công việc, thay vì đối diện và giải quyết triệt để đến nơi đến chốn, bạn lại lựa chọn phớt lờ nó và tìm một giải pháp qua loa đại khái để làm cho xong. Khuôn mẫu này của bạn quen thuộc tới mức mình thuộc nằm lòng, và khi bạn làm sai một việc gì đó, mình truy từ khuôn mẫu mà hỏi ngược lại thì đúng y như rằng.
2. Người sống theo thói quen:
Có ca khúc “Đừng như một quen” của Jaykii và Sara một dạo rất nổi diễn đạt gần chính xác ý này:
“Đừng để thời gian bên nhau là thói quen
Là ở cạnh bên nhưng rất xa xôi”
Lời bài hát nói về hai người từng yêu nhau, rồi tình yêu gặp biến cố nên hết còn yêu, nhưng việc ở bên nhau đã là một thói quen tới mức bây giờ tuy chia tay nhưng vẫn chưa thể thích nghi được với cảm giác không có đối phương bên cạnh. Vì đã quen rồi, nên giờ thiếu vắng người đồng hành với mình thì lại thấy không quen và cứ cố chấp vào tình yêu cũ.
Ý trên chỉ là một khía cạnh về thói quen (habit) trong tình yêu. Con người còn có n thói quen khác, tổng hòa giữa thói quen tốt và thói quen xấu. Thói quen tốt như tập thể dục, ăn uống điều độ, đọc sách, còn thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc, ngủ nướng, ăn fast food, hay ganh ghét đố kị, dễ nóng giận v.v.
Thói quen tốt tạo lập được thì ít, vì phải bỏ công bỏ sức bỏ thời gian rèn luyện mới hình thành được, còn thói quen xấu thì kể tới mai cũng chưa hết, vì đó là những lựa chọn dễ dãi của não bộ, đỡ tốn năng lượng cho việc suy nghĩ. Tập thể dục thì phải tiêu tốn hết bao nhiêu calo mệt gần chết, nhưng nằm ngủ nướng thì lại sung sướng nhất trần đời.
“Habits make you or break you!”
Chị Bảy, dẫu biết rằng chai mật ong đã không còn nằm ở đó, chị có lăn lê bò trườn tới đó mỗi ngày cũng không ích gì, nhưng chị vẫn cố chấp làm tới cùng trong gần 3 tháng trời.
Người sống theo khuôn mẫu tiêu cực, dẫu biết rằng cách tư duy của mình là sai trái, dẫn tới hậu quả nhiều hơn kết quả, nhưng họ vẫn cứ đâm đầu vào lối mòn đó trong tư duy, không thoát ra được.
Người sống theo thói quen xấu, dẫu biết rằng một chuỗi những hành động mình làm sẽ không giúp ích được gì cho đời mình, mà chỉ làm cuộc sống của mình tệ hại hơn, nhưng họ vẫn cứ quen làm để chiều chuộng bản thân, như một thói quen.
Điều đáng sợ nhất không phải là con người ta không nhìn ra được khuôn mẫu tiêu cực hay thói quen xấu của mình, mà là nhìn ra rồi có dám thay đổi không? Có những người mình gặp, rõ ràng họ nhận thức được vấn đề của bản thân, nhưng vẫn cứ cố chấp làm. Đó gọi là chấp mê bất ngộ – cứ giữ sự mê muội, sai quấy của mình mà không tỉnh ngộ, không chịu sửa đổi.
Thay đổi là một tiến trình gian nan và đau đớn. Có khi ta phải tự hành hạ tâm trí và thân xác mình mới từ bỏ được một khuôn mẫu tiêu cực hay thói quen xấu. Nhưng nếu bỏ được, bạn sẽ chứng minh được sức mạnh ý chí của mình phi thường đến mức nào.
“Gieo tư tưởng, gặt hành động
Gieo hành động, gặt thói quen
Gieo thói quen, gặt tính cách
Gieo tính cách, gặt số phận”
(Samuel Smiles)
Những gì bạn gieo trồng ngày hôm nay cũng là thứ bạn gặt hái về sau. Cho nên đừng trách số phận hẩm hiu hay cuộc đời bạc bẽo, khi chính mình tác tạo nên số phận của mình vì không bỏ được những khuôn mẫu tiêu cực hay thói quen xấu.