Hồi xưa khi xem một bức tranh thư pháp, có hai câu thơ làm mình rất ấn tượng và nhớ mãi:
“Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không”
Nói về lẽ được – mất ở đời, có một câu chuyện kinh điển là “Tái ông thất mã” được rất nhiều sách cổ học tinh hoa viện dẫn và bình luận. Chuyện này được trích từ sách “Hoài Nam Tử”, một trong những bộ sách quan trọng của đạo giáo Trung Quốc do Hoài Nam Vương Lưu An tập hợp các học giả biên soạn. Chơn Linh tóm tắt câu chuyện lại như vầy:
Có một ông lão tên là Tái Ông sống ở vùng biên giới phía Bắc Trung Hoa giáp với nước Hồ, nhà có nuôi một con ngựa. Gia sản chỉ có mỗi con ngựa nên rất lấy làm quý. Con trai ông lão lãnh nhiệm vụ dẫn ngựa ra gần biên giới ăn cỏ, vì lơ đễnh nên để ngựa chạy qua nước Hồ mất tăm. Hàng xóm nghe tin nhiều chuyện tới chia buồn, Tái Ông rất bình thản đáp: “Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi.”
Vài tháng sau bà ngựa quay trở về, và còn ngựa bà dẫn trai về nhà, một con ngựa nước Hồ to lớn và mạnh mẽ. Hàng xóm nghe tin lại qua nhiều chuyện, công nhận cái mỏ Tái Ông linh thiệt. Nhưng ông lại không có gì vui mừng mà nói: “Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.”
Con trai Tái Ông tuổi Ngọ nên thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ này phi hùng quang dũng quá mới ngựa ngựa nhảy lên cưỡi ngựa. Ai ngờ con ngựa Hồ chưa được thuần hóa nên nhảy loạn xạ, hất con trai Tái Ông té xuống sờ mờ lờ, gãy xương bánh chè rồi thành tật nguyền luôn. Thời đó làm gì có bệnh viện mà đi bó bột.
Mấy mẹ hàng xóm lại tiếp tục nhiều chuyện, tới thăm hỏi chia buồn. Tái Ông thản nhiên nói: “Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa này mà được phúc.”
Một năm sau, giặc Hồ kéo sang xâm lược Trung Nguyên, trai tráng vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ đánh giặc Hồ. Nhưng giặc Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới nhập ngũ còn non và xanh nên trai tráng đều tử trận. Riêng con Tái Ông vì què chân nên được miễn đi lính, sống đời bình an chăn ngựa đến cuối đời cùng Tái Ông và Tái Bà, chiều chiều quỡn quỡn hay rủ nhau đi ăn phở tái nạm gầu gân. Hết chuyện.
Quy luật đền bù là gì?
Trong câu chuyện “Tái Ông thất mã” kể trên, ông lão ở biên giới mất ngựa, không ai biết đâu là họa hay là phúc. Trong họa có phúc mà trong phúc có họa, họa có thể sinh ra phúc, và phúc lại sinh ra họa. Hai sự họa – phúc cứ xoay vần nhau biểu đạt qua hai phương diện tương ứng là được – mất, gặp họa nhưng kết quả lại được, gặp phúc nhưng kết quả lại mất.
Về mặt hình tướng, họa và phúc, hay được và mất thể hiện tính nhị nguyên (hai thực thể tồn tại độc lập với nhau) như âm – dương lưỡng cực. Nhưng về bản chất, chúng lại chứa tính bất nhị, hiểu hơn giản là không phải hai cực (âm – dương), mà là tính tương đối giữa hai cực như hai mặt sấp – ngửa của đồng tiền. Bất kỳ sự việc nào trên đời cũng bao gồm tính hai mặt trong đó. Bạn thấy một sự việc thuận lợi, thật ra mầm mống tan vỡ đã ở bên trong. Bạn thấy một việc buồn rầu, thật ra mầm an lạc đã có bên trong.
Quy luật đền bù là một quy luật vô hình của vũ trụ luôn vận hành và xoay chuyển không ngừng qua tính bất nhị của vô vàn sự vật, hiện tượng đang diễn biến trong cuộc đời này. Nguyên lý của quy luật đền bù là “vật cùng tất biến, vật cực tất phản”, ý nói một sự vật hoặc một sự việc khi đi đến điểm cực độ trong giới hạn thì sẽ phản đảo lại. Cho nên, càng là ở vào lúc vô vọng, thì càng có thể là hy vọng đang ở ngay trước mắt.
Trong dân gian, quy luật đền bù đã được ông cha ta khám phá ra từ rất lâu qua những câu nói như là “trong cái rủi có cái may”, “của đi thay người”, “thất bại là mẹ thành công”... Trong Phật giáo cũng có câu “đau khổ là gốc bồ đề”, “sanh tử chính là Niết Bàn”. Bởi lẽ nó là quy luật của vũ trụ nên có tính bất biến theo thời gian, dẫu trong bất kỳ thời đại nào cũng đúng và trúng, chứ không như cái điện thoại mốt nhất bây giờ qua vài ba năm nữa đã lỗi thời.
Bí kíp đối diện với lẽ được mất thành bại ở đời
1. Được không vui, mất không buồn
Nói về lẽ được – mất, giáo sư Phan Văn Trường (Cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế) có chia sẻ những lời dạy của cha giáo sư khi còn sống rất thấm thía:
“Khi mình mất cái gì, cho dù mình quý bao nhiêu chăng nữa, cũng bình tĩnh đợi xem cái lợi gì tới với mình cùng lúc, phải tỉnh táo lắm mới thấy; cũng như khi mình may mắn nhận được cái gì tốt, chính vào lúc đó nên thận trọng tự cảnh báo, vì luật đền bù liên tục có tác động. Không có sự mất mát nào đơn thuần, không có sự nhận nào mà không phải trả giá. Âm dương luôn đi đôi với nhau. Đã mất là có đền bù, đã nhận thì sẽ phải trả… Đôi khi nghiệp chướng của mình còn mang tới sự bất ngờ, tạo điều kiện bất lợi ban đầu để đem tới sau đó một điêu tốt. Ngược lại, mỗi khi nhận được một sự may mắn, chúng ta phải tự xét mình có thực sự xứng đáng không, vì những thứ may mắn bay tới không có lý do và nguồn gốc thì mình nên biết sợ mà tránh.”
Bài học cần rút ra qua lời dạy trên là chúng ta nên giữ tâm thản nhiên trước những chuyện buồn vui được mất thành bại trong cuộc đời. Cuộc đời vốn dĩ vô thường, nay mất mai được, hiểu được nguyên lý này thì không cần phải quá bi thương đau khổ khi mất mát hay thất bại.
Khẩu quyết Chơn Linh đúc kết gọn lại là “Được không vui, mất không buồn.”
2. Học cách chuẩn bị tâm thế cho mọi sự được – mất
Họa – phúc, được – mất, thành – bại trong cuộc đời vốn dĩ không quan trọng, quan trọng là ta đón nhận nó như thế nào.
Theo thiền sư Linh Nguyên Thanh (phiên âm ra như tên đảo Nguyễn Thành Linh ghê hôn), một thiền sư Trung Hoa sống vào thời Tống có đưa ra nhận định khi Chơn Linh phỏng vấn ông nghĩ sao về quy luật đền bù:
“Họa sinh ra phúc vì khi người ta ở vào chỗ tai ách, tha thiết nghĩ về sự được an và sâu xa tìm cầu lý giải thoát, nên kính cẩn sợ hãi, để tâm vào việc làm, do đó phúc sinh ra là thích đáng vậy. Phúc sinh ra họa, vì khi người ta ở vào chỗ an lạc, thái bình sẽ phóng túng trong sự xa hoa, dục lạc, dông dở-trong sự kiêu mạn, lười biếng; do đó càng nhiều sự sơ sót khinh người, nên họa sinh ra là thích đáng vậy.
Thế mới biết, phúc không thể thường may gặp, được không thể thường hy vọng. Ở vào lúc có phúc biết lo đến sự tai họa thì phúc ấy giữ được. Thấy được biết lo mất, thì được ấy hẳn tới. Cho nên, người quân tử, an không quên nguy, trị không quên loạn vậy.”
Chia sẻ của thiền sư Nguyên Thanh rất hay ở chỗ dạy ta phải biết chuẩn bị trước tâm thế để đón nhận mọi chuyện được – mất ở đời. Như giới khí tượng thường hay bảo “Trước cơn bão trời thường rất đẹp, tĩnh lặng và yên bình.” Trước hầu hết các cơn bão lớn đều có khoảng trời yên bể lặng. Bầu trời lặng đi. Những con côn trùng và chim chóc đều im ắng không tiếng động. Sau đó cơn bão ập đến mang theo gió, mưa giông và sấm sét. Quy luật này phổ quát ở cấp độ toàn cầu tới mức trong tiếng Anh có thành ngữ “The calm before the storm”, có nghĩa là một sự im lặng trước khi chuyện huyên náo nào đó xảy ra.
Sống trên đời khó tránh khỏi gặp phải những lúc thăng trầm khó khăn. Những khổ sở của bản thân chỉ có tự mình biết. Cho nên, càng ở vào lúc bị hoàn cảnh cùng cực “dằn vặt dày vò”, càng cần phải có sự kiên định, kiên nhẫn và một ý chí mạnh mẽ. Khi rơi vào nghịch cảnh thì chính là mặt phải để tôi luyện bản thân mình.
Nếu được hay sự việc thành, đó là bài thi về lòng kiêu ngạo. Nếu mất hay sự việc bại, đó là bài thi để tiến triển nhận thức tâm linh.
Một người được rèn giũa giỏi là người vừa trải qua mọi sự vui – buồn mà vẫn bình thản. Họ đón nhận mọi sự bằng cái trí tỉnh táo, cái đầu cởi mở phân định lẽ trước sau, nhân quả. Người ấy dần sẽ có trí tuệ càng lúc một phát triển.
Người có tu vi (căn cơ) tốt, hiểu được quy luật đền bù thì sóng gió nào cũng xem nhẹ như cơn mưa phùn. Cơn mưa phùn mang đến hơi lạnh, sự ẩm ướt gây khó chịu, nhưng nhờ cơn mưa phùn mà cây cối đâm chồi nảy nở, không gian trong lành hơn nhờ nó. Con người thấy vậy lại biết ơn nó, lúc đó mới ngộ ra đạo lý của quy luật đền bù.
1 bình luận
Mình rất thích bài này. Cảm ơn bạn.