“Dù biết mình nghiêng về hướng nội nhiều hơn nhưng thời đi học thật ra mình không gặp vấn đề gì nhiều. Phải đến lúc đi làm trong môi trường văn phòng mình mới cảm nhận rõ ràng là thế giới này coi trọng những người có tính “hướng ngoại” như thế nào. Và dù mình đã cố gắng nhưng mà mình vẫn bị xem là đứa “không biết thể hiện”, “sao em im im suốt vậy”, “em phải show-off lên”, “tính cách của em không hợp với ngành này đâu”. Lúc nghe mấy lời này thường mình sẽ hiểu là người nói chỉ muốn tốt cho mình thôi, nhưng mà có thực sự tốt hơn không nhỉ?”
Chia sẻ của cô em ở trên khiến mình nhớ đến một đoạn hội thoại trong bộ phim The Bad Kids mới xem gần đây. Trong phim, cậu bé Chu Triều Dương là một học sinh cấp hai giỏi toàn diện, năm nào cũng đứng nhất toàn khối nhưng có tính cách hướng nội, nhút nhát, không chơi với bạn nào trong lớp. Trong buổi họp phụ huynh cuối năm học, cô giáo chủ nhiệm mới gặp riêng mẹ Triều Dương để góp ý cho mẹ cậu bé nên khuyến khích em sôi nổi, hòa đồng hơn với các bạn trong lớp, bởi theo quan niệm của cô giáo thì trường học cũng là một tập thể và học sinh cần phát triển toàn diện các khía cạnh khác chứ không chỉ việc học.

Khi nghe lời nhận xét ấy, với cá tính mạnh mẽ của mình, mẹ Triều Dương đã đáp trả: “Trường học là nơi để học sinh học tập, còn kết bạn là chuyện mà sau này bước vào cuộc sống mới cần làm. Thực ra tôi sợ con tôi chơi lầm với bạn hư hỏng, xao nhãng việc học nhiều hơn. Những em học sinh đi mách lẻo với cô giáo về tính cách con trai tôi thì thực sự cũng có vấn đề mà tôi nghĩ cô nên nói chuyện với phụ huynh các em ấy.”
Đoạn đối thoại trên diễn ra trong bối cảnh xã hội Trung Quốc ở thập niên 1990, khi bộ phim Hoàn Châu Cách Cách đang làm mưa làm gió trên vô tuyến truyền hình, và tất nhiên các nhà giáo dục xã hội chủ nghĩa thời đó chưa hề có ý niệm nào về nhóm tính cách hướng nội và hướng ngoại. Tuy nhiên, tới tận năm 2020 này (30 năm sau đó), câu chuyện cô giáo góp ý với phụ huynh như trên về tính cách hướng nội của con trẻ là điều mình vẫn còn nghe được, qua chính người thật việc thật từ cô bạn của mình có con đang học tiểu học. Với lứa giáo viên đi trước thuộc thế hệ cũ thì không kể đến, nhưng với lứa giáo viên trẻ bây giờ (nhiều người bạn của mình là giáo viên tiểu học) thì đa số đều không có kiến thức về tính cách hướng nội và hướng ngoại mà chủ yếu chỉ xem đây là hai danh từ dùng để dán nhãn học sinh của họ.
Giống như chia sẻ của cô em mình dẫn ra ở đầu bài, đa số những người hướng nội thuần chủng hay người hướng nội bình thường trong quá trình đi học thường không gặp quá nhiều vấn đề về mặt tính cách vì thời học sinh tập trung vào việc học vẫn là quan trọng nhất. Thiểu số gặp vấn đề thường vốn là nạn nhân của những trò bạo lực học đường, những đứa mạnh bắt nạt đứa yếu hơn – thường là những bạn hướng nội hiền lành, nhút nhát – nhưng trải nghiệm tồi tệ này thường chỉ diễn ra vào năm cấp hai khi tụi học sinh bước vào tuổi nổi loạn, đến cấp ba phải tập trung vào chuyện thi đại học hay yêu đương thì chúng cũng trưởng thành hơn.
Ở giảng đường đại học, mỗi khoa mỗi khóa có hàng trăm sinh viên học chung một lớp, ai hướng ngoại kết giao được nhiều bạn bè thì chơi đông vui, ai hướng nội thì ngồi yên một góc mà học chẳng kết giao với ai cả thì cũng chả sao, miễn sao qua môn và đủ tín chỉ để tốt nghiệp là được.
Nhưng đến ra trường, bước vào đời đi làm, dấn thân vào môi trường công sở thì tính cách hướng nội đột nhiên không còn là chuyện cá nhân mà bỗng dưng biến thành… chuyện tập thể, khi người hướng nội hay tính cách hướng nội luôn là tâm điểm để tập thể những người hướng ngoại công kích.
Khi tính cách hướng nội trở thành nhược điểm nơi công sở
Ở những tập trước, mình đã đề cập đến cơ chế tư duy và cơ chế năng lượng của người hướng nội. Những ai đã hiểu được kiến thức trên và có sự rèn giũa kỹ năng ở cả hai giai đoạn tích lũy và thực hành thì ví như một người hướng nội đã luyện được võ công và trang bị đao kiếm đầy đủ để sẵn sàng bước vào chốn giang hồ nơi công sở. Ngược lại, những ai không có cả kiến thức và kỹ năng về tính cách hướng nội thì chẳng khác nào một người bình phàm, không có võ công và cũng không có đao kiếm nốt bước vào một chốn toàn cao thủ giới võ lâm.
Như vậy, thắng thua chưa gì đã phân định được rõ ràng. Bạn lấy cái gì mà đòi chọi lại những người hướng ngoại có đầy đủ võ công và đao kiếm đó?
1. Phỏng vấn tìm việc
Để bước chân vào chốn công sở, vòng đầu tiên ứng viên nào bắt buộc cũng phải trải qua chính là phỏng vấn. Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp, người hướng ngoại luôn chiếm thiện cảm của những nhà tuyển dụng bởi khả năng ăn nói mạch lạc, rõ ràng, trôi chảy, ý tứ đâu vào đó, mà năng lượng thì tràn trề cả một bầu nhiệt huyết. Trong khi đó, người hướng nội (chưa có kỹ năng) thì lại ấp a ấp úng như gà mắc tóc, trả lời trong bộ dạng sợ sệt cứ như thể nhà tuyển dụng sắp ăn thịt mình, câu cú lủng cà lủng củng, và nói một hồi làm nhà tuyển dụng muốn tụt mood thiếu điều lấy gối ra nằm ngủ gục ngay trên bàn.
Chính trở ngại đó khiến hầu hết người hướng nội rất dễ bị trượt phỏng vấn ngay từ vòng gửi xe chỉ vì kỹ năng ăn nói và thể hiện bản thân không có.
Bản thân mình đã có 5 năm kinh nghiệm phỏng vấn ứng viên, từ thời sinh viên làm Chủ nhiệm CLB cho đến lúc đi làm qua các vị trí Team Lead, Manager, Senior Manager. Có những ca thực tế mình từng gặp khi ứng viên là người hướng nội thuần chủng, có bạn sợ tới mức vừa trả lời phỏng vấn vừa run lắp bắp, phải rặn ra từng chữ một; có bạn thì sợ tới mức bật khóc vì cảm thấy không thể nào diễn đạt được trọn vẹn những lời muốn nói với nhà tuyển dụng.
Ở thời điểm mới ra trường đi phỏng vấn tìm việc làm, mình cũng không là ngoại lệ. Có vị trí mình từng phỏng vấn, nhà tuyển dụng còn hỏi sao em run thế, cứ bình tĩnh đi em. Một câu chuyện vui vui mà sếp cũ của mình hay nhắc lại, đó là vào thời điểm anh phỏng vấn mình thì anh cũng phỏng vấn một bạn nữ hướng ngoại khác xinh xắn hơn, kỹ năng giao tiếp tốt hơn mình rất nhiều; còn mình lúc đó thì trả lời không tốt, năng lượng lại không có nhưng cuối cùng không hiểu sao anh lại chọn mình. Và chính vì lần tin vào trực giác đó của anh nên công ty mới có được một nhân viên đặc biệt xuất sắc như vậy trong lịch sử 10 năm thành lập (theo lời anh chia sẻ).
Xin nói rõ với quý bạn đọc là ở thời điểm đó, mình là một người chưa có kiến thức và kỹ năng về tính cách hướng nội (phải 3 tháng sau đó mình mới bắt đầu tìm hiểu) nên có lẽ mình đậu phỏng vấn phần lớn là nhờ may mắn. Nhưng thực tế không phải người hướng nội nào cũng có cơ hội ăn may giống mình, vì một điều khắc nghiệt là không phải nhà tuyển dụng nào cũng hiểu biết về tính cách hướng nội và hiểu được điểm mạnh của người hướng nội.
2. Giao tiếp chốn công sở
Qua được cửa ải phỏng vấn, tới khi bạn đã vào làm chính thức và an vị tại chỗ ngồi của mình thì mọi chuyện vẫn chưa yên đâu. Khi tiếp theo đó là bao cuộc họp hành, làm việc nhóm, tiệc tùng ăn chơi, team-building cuối năm v.v. còn đang chờ đón bạn.
Và khi đó, những người hướng nội lại nhận về hàng tá nhãn dán từ sếp và đồng nghiệp:
- Thằng này suốt ngày im im không thấy nói năng gì hết!
- Nhỏ đó như bị tự kỷ á! Rủ đi ăn uống với team không bao giờ đi.
- Sao em ít nói quá vậy? Như vậy thì sao phát triển được trong ngành này?
Có một thực tế phải thừa nhận, qua một thống kê không chính thức (mình ước tính), có đến 95% công ty thiếu hiểu biết trầm trọng về sự khác biệt của tính cách hướng nội và hướng ngoại, mà sự thiếu hiểu biết này vốn đến từ cấp lãnh đạo, vì lãnh đạo chính là người tạo nên văn hóa và môi trường của công ty. Bạn không thể đòi hỏi một môi trường tôn trọng sự khác biệt tính cách của nhân viên nếu người lãnh đạo còn không hề có ý niệm này.
Một môi trường làm việc lý tưởng đối với người hướng nội là nơi có văn hóa tôn trọng sự khác biệt tính cách của nhân viên, khi sếp và đồng nghiệp không bao giờ đánh vào điểm yếu trong tính cách để phát ngôn mấy câu thiếu hiểu biết như trên. Ở môi trường đó, người hướng nội và hướng ngoại được sống trong sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.
Ví như cả team xong một project rủ nhau đi bar, một bạn trong team là người hướng nội không thích ồn ào náo nhiệt nên từ chối không đi. Ở một công ty bình thường, những người còn lại trong team sẽ cố hết sức nài nỉ bạn kia đi cho bằng được, nhiều khi Team Lead còn dùng quyền lực để ép, rằng không đi là không tôn trọng sếp, không hòa đồng, làm mọi người mất vui bla bla. Nhưng ở một công ty tôn trọng sự khác biệt, cả Team Lead và những thành viên còn lại trong team đều vui vẻ để bạn kia ở nhà mà không bắt ép hay không phán xét gì ở bạn.
Chính vì gọi là “môi trường lý tưởng” nên thực chất các công ty như vậy rất khó tìm, như đãi cát tìm vàng mò kim đáy bể. Và khi không tìm được môi trường lý tưởng, tức bạn không thể thay đổi được ngoại cảnh khách quan thì cách tốt nhất là quay lại thay đổi chính mình bằng cách trau dồi kỹ năng phỏng vấn, giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình,… thông qua hai giai đoạn tích lũy và thực hành như mình đã chia sẻ.
Trong tiếng Anh có câu “Practice makes perfect”. Kỹ năng khi được tích lũy + thực hành liên tục sẽ tạo nên sự thuần thục và hình thành thói quen. Cái đích cuối cùng bạn cần hướng tới là sự giao tiếp tự nhiên, thuyết trình tự nhiên mà không cần phải quá gắng sức.
Ví dụ cho dễ hiểu, ví như bạn không giỏi và cũng không thích việc giao tiếp, thuyết trình – hai điểm yếu lớn nhất của người hướng nội. Ở đây, tính cách hướng nội giống như tay phải (giả định bạn thuận tay phải) còn việc giao tiếp, thuyết trình giống như tay trái. Khi bắt bạn phải cầm bút viết bằng tay trái, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy khó chịu, không thoải mái, không quen vì đó không phải là tính cách bản năng (tay phải) của bạn. Tuy nhiên, khi bạn dành thời gian để luyện tập viết bằng tay trái thì kết quả bạn có được là kỹ năng viết bằng tay trái thuần thục y như tay phải. Lúc đó, bạn có thể dễ dàng chuyển qua lại giữa hai tay và viết tay nào cũng được.
Rèn được cho mình các nhóm kỹ năng giống điểm mạnh của người hướng ngoại thì bạn mới có đủ võ công và đao kiếm để đọ sức với họ trong chốn giang hồ nơi công sở. Nếu không, quy luật tự nhiên muôn đời vẫn là kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé, thú dữ ăn thịt động vật ăn cỏ.
Lựa chọn công việc phù hợp với tính cách
Một lời khuyên của mình dành cho những người hướng nội khi định hướng sự nghiệp là nên lựa chọn những công việc phù hợp với tính cách hướng nội. Bởi lẽ, khi bạn chọn một công việc đòi hỏi những đặc điểm đi ngược lại tính cách của bản thân thì cũng giống như mặc áo trái, đi giày trái – càng mặc càng đi thì chỉ khiến bản thân cảm thấy không thoải mái và khó chịu, và điều nguy hiểm hơn là rất dễ khiến bạn mau chóng tụt năng lượng.
Thử tưởng tượng, bạn là một người hướng nội thuần chủng nhưng phải làm công việc sales, mỗi ngày phải gọi điện hay gặp gỡ trực tiếp với hàng tá khách hàng để mời chào họ mua hàng. Dù thu nhập của nghề sales hấp dẫn thật, nhưng điều bạn không thể tránh khỏi là vào cuối mỗi ngày bạn đều bị tụt năng lượng về 0% và hiện trạng này sẽ lặp đi lặp lại hằng ngày, dần dà khiến trạng thái năng lượng của bạn ngày càng cạn kiệt.
Tất nhiên không phải nếu là người hướng nội thì không thể làm được các công việc mang đặc trưng tính cách của người hướng ngoại như MC, phóng viên, sales, luật sư v.v. Nếu có kỹ năng tốt, một người hướng nội sẽ vẫn làm tốt những công việc đòi hỏi điểm mạnh của tính hướng ngoại, nhưng cuối ngày cảm giác thường trực họ phải đối diện là việc mất năng lượng, tụt mood, và về lâu về dài sẽ cảm thấy căng thẳng và áp lực trong công việc một cách nặng nề. Lúc đó, mỗi ngày đi làm không còn là một niềm vui mà chỉ là những mệt mỏi, chán chường.
Trong vấn đề này, người hướng nội thuần chủng (xu hướng 90-100% hướng nội) sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với người hướng nội bình thường (xu hướng 60-80% hướng nội) hay người hướng nội lai hướng ngoại vì tính chất đặc trưng trong cơ chế năng lượng thuộc về bản chất tự nhiên rất khó có thể thay đổi được.
Vấn đề lớn nhất của nền giáo dục đương đại là thiếu sự định hướng nghề nghiệp chuyên nghiệp cho các em học sinh ngay từ cấp ba, dẫn tới việc nhiều em lựa chọn học sai ngành, trái với những điểm mạnh của bản thân và lầm tưởng đó là đam mê. Nếu bạn đang rơi vào tình cảnh này, hãy nghĩ thoáng rằng không bao giờ có đường cụt, vì ngay cả khi đi tới ngõ cụt thì quay đầu lại vẫn còn đường để đi. Làm việc trái ngành là chuyện hết sức bình thường của thế kỷ 21, và trong tình huống nào đi chăng nữa, bạn luôn có quyền lựa chọn lại hướng đi phù hợp với mình.
Trước đây, mình từng phỏng vấn một bạn ứng viên sales. Tuy nhiên, tính cách của bạn thuộc nhóm hướng nội và năng lượng khi giao tiếp lại không phù hợp với công việc sales nhưng ở bạn mình thấy có nhiều điểm sáng nên mới đề xuất cho bạn sang làm vị trí chăm sóc khách hàng online. Dù vị trí mình offer vốn không phải nguyện vọng ban đầu của bạn, nhưng khi làm thực tế thì bạn như cá gặp nước, gặp đúng tính chất công việc phù hợp khiến bạn có thể phát huy hoàn toàn sở trường của bản thân. Đây cũng là một case study chuyển đổi công việc phù hợp với tính cách.
Hoặc case study khác là câu chuyện của chính mình đã chia sẻ ở những tập đầu của series này. Nếu ngày ấy mình không lựa chọn dừng lại, rẽ hướng sang một công việc phù hợp với tính cách hướng nội của bản thân thì có lẽ bây giờ bạn cũng không đọc được series này vì mình còn trôi dạt ở đâu.
o0o
Trở lại những lời nhận xét có tính chất dán nhãn mà cô em người quen của mình nhận được ở đầu bài, trong thực tế người hướng nội có thể lựa chọn giữ nguyên tính cách bản năng của mình mà không cần phải thay đổi nếu không có quá nhiều tham vọng phát triển trong công việc.
Tham vọng mình đề cập ở đây là neo lên các nấc thang phát triển trong sự nghiệp như trở thành Team Lead, Manager,… để quản lý và dẫn dắt một team. Vì khi ở các vị trí này, bạn bắt buộc phải có những kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm ở cấp độ cao thì mới quản lý được team của mình cho ra hồn. Nếu không, bạn chỉ có chức danh hay có cái ghế chứ không nhận được sự tôn trọng của nhân viên, ngược lại sẽ bị tụi nhân viên hướng ngoại vùi dập cho lên bờ xuống ruộng.
Như mình biết một cô em làm Content, thuộc nhóm tính cách hướng nội thuần chủng. Đam mê của em là viết lách, và em chỉ muốn an ổn làm tốt công việc Content của mình, hằng tháng lãnh lương đều đều chứ chẳng tham vọng lên làm sếp hay gì, nên cũng chẳng cần phải rèn luyện kỹ năng thêm làm gì. Quan điểm của em là vậy, và em thấy thoải mái với lựa chọn đó.
Đôi khi, cuộc sống trở nên phức tạp bởi chính con người, chứ không phải do cuộc sống. Bản chất công việc vốn không khó, mà khó ở con người hay làm khó nhau bởi sự xung đột về tính cách và quan điểm.
Nếu mình rơi vào tình huống của cô em ở đầu bài, có lẽ mình sẽ khảng khái đáp trả lại như mẹ của cậu bé Chu Triều Dương: “Công sở là nơi để tập trung làm việc chứ không phải chỗ để kết giao quan hệ. Ai thấy cần thì sẽ tự động quảng giao, ai thấy không cần thì sẽ không làm. Gia đình, người thân, người yêu, bạn bè bộ chưa đủ hay sao mà phải cần kết giao thêm?”
5 bình luận
Em cảm ơn anh rất nhiều về những bài viết rất bổ ích, gần gũi với thực tế trong chuỗi bài viết này. Em cũng là một người hướng nội thuần chủng nên hiện tại gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và nhiều thắc mắc xin được phép hỏi anh nhưng em không tiện bình luận công khai ở đây vì tính riêng tư và nếu chia sẻ thì nó rất dài. Em có thể gửi email để chia sẻ với anh không ạ?
Em có thể email về anh ở địa chỉ oliver.linhnguyen@gmail.com nhé.
Em sẽ email cho anh sớm ạ
Đi làm không sợ bị giao nhiều task hay task khó, mà sợ nhất là những buổi ăn nhậu sau giờ làm dưới cái danh giúp gắng kết tình đồng nghiệp hay mở rộng mối quan hệ. Mình cũng chỉ muốn an ổn làm tốt công việc content ở công ty, sau giờ làm thì tận hưởng cuộc sống cá nhân thôi, mà hình như vài đồng nghiệp của mình lại cho rằng cuộc sống của mình như thế là không đúng, họ tự cho bản thân cái quyền đánh giá người khác như thế đấy. Mình làm gì với họ ư, mình mặc kệ họ luôn :)) và về nhà ngắm cây hoa hồng mình trồng vừa mới ra hoa.
P/s 1: Mình cũng biết “Đứa trẻ hư” nè, nhưng mình đọc tiểu thuyết chứ không xem phim.
P/s 2: Liệu mình bình luận các bài viết của bạn liên tục như vậy có làm phiền bạn không nhỉ? Nếu có thì cứ bảo mình nha.
Đến một độ tuổi đủ chín và đi làm đủ lâu thì luyện được cái tính phớt-ăng-lê hay mackeno mới hữu dụng đó bạn, vì ai nói gì thì nói kệ họ chứ mình cứ sống theo cách mà mình thay thoải mái nhất. Cuộc đời của mình thì không mượn người ta sống giùm. Có điều với mấy bạn ma mới mới vào một công ty thì thời gian đầu sẽ hơi khó khăn để say no.
P/S: Với người viết lách như mình, có người đồng điệu và bình luận ở các bài viết mới là thứ mình mong đợi đó, vì thực tế bây giờ nhiều người chỉ đọc mà không có phản hồi gì hết nên người viết cũng không biết có ai quan tâm tới những gì mình viết không.