Có bao giờ bạn từng tiếp xúc với những người mà đi đến đâu họ cũng được mọi người yêu thích? Họ có mối giao thiệp rộng, quen biết nhiều người và nhận được sự quý mến từ những người xung quanh. Trong một số tình huống xã hội, họ có cách ứng xử rất khôn khéo và thông minh, dĩ hòa vi quý mà không làm phật lòng ai. Ngược lại, có những người đi đến đâu là người khác né họ như né tà, bởi cái sự vô duyên và gây mất lòng người khác của họ.
Nhìn vào số lượng và chất lượng mối tương giao của một người trong đời, chúng ta có thể phần nào đánh giá được trí thông minh xã hội của người đó. Trong bộ phim truyền hình Hoan Lạc Tụng phần 3, tiếp nối từ hai phần nổi tiếng trước đó, hai nhân vật Dư Sơ Huy và Hà Mẫn Hồng là đại diện tiêu biểu cho kiểu người có trí thông minh xã hội và người không có.
Tìm hiểu bối cảnh nhân vật
Bối cảnh bộ phim Hoan Lạc Tụng phần 3 diễn ra tại tầng 22 của tòa chung cư có tên Hoan Lạc Tụng, nơi ba cô gái Chu Cát Cát, Dư Sơ Huy và Hà Mẫn Hồng thuê chung một căn hộ để ở ghép. Cát Cát là người lớn nhất trong nhóm, làm quản lý buồng phòng ở một khách sạn với mười mấy năm kinh nghiệm trong nghề. Sơ Huy và Mẫn Hồng trạc tuổi nhau, đều vừa mới tốt nghiệp và mới vào đời đi làm được vài năm. Sơ Huy vốn là dân khoa học tự nhiên, đầu quân cho một công ty kỹ thuật công nghệ có tên tuổi, còn Mẫn Hồng là dân xã hội nhân văn, làm biên tập viên văn học tại một công ty truyền thông.
Khi cả ba mới dọn nhà sang tầng 22, trùng hợp có hai nhân vật khác cũng vừa mới dọn tới ở hai căn hộ kế bên. Một người là Diệp Trăn Trăn, một tiến sĩ khoa học mới du học về nước, làm nhà nghiên cứu tại một viện khoa học, con nhà đại gia bởi cha mẹ cô là trùm bất động sản và ngân hàng. Người kia là Lucy, một cô gái thân thủ bất phàm, tốt nghiệp MBA, cao thủ về tài chính nhưng hiện làm HR cho một tập đoàn trong nước. Từ những tình huống sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, cả năm cô gái của tầng 22 từ quen biết dần trở nên thân thiết và gần gũi với nhau như một hội chị em.
Trong một nhóm năm người như vậy, ba người chị lớn Cát Cát, Trăn Trăn và Lucy đều đã xấp xỉ tuổi băm, trải đời nhiều năm và kinh nghiệm sống rất phong phú, trong khi đó Sơ Huy và Mẫn Hồng là hai cô gái nhỏ tuổi nhất. Ban đầu, mối quan hệ giữa hai cô em này với ba người chị đều rất tốt, nhưng đến cuối phim, chỉ có Sơ Huy là ngày càng được ba người chị lớn yêu quý và trở nên thân thiết hơn, còn Mẫn Hồng lại bị những người còn lại trong nhóm dần dần xa cách và không còn muốn nói chuyện với cô. Vì sao lại như vậy?
Hiểu về trí thông minh xã hội
Theo định nghĩa ban đầu của nhà tâm lý học Edward Thorndike vào năm 1920, trí thông minh xã hội (Social Intelligence Quotient – SIQ) là khả năng hiểu mình và hiểu người để hành động một cách khôn khéo trong các mối quan hệ giữa người với người. Theo Sean Foleno, trí thông minh xã hội là khả năng tối ưu hóa môi trường của một người và phản ứng thích hợp để có những hành vi thành công về mặt xã hội. Còn nhà khoa học xã hội Ross Honeywill thì cho rằng trí thông minh xã hội là thước đo tổng hợp của nhận thức về bản thân và xã hội.
Trí thông minh xã hội được phát triển và trau dồi từ kinh nghiệm sống trong quá khứ đến hiện tại với tất cả mọi người xung quanh. Những người sở hữu trí thông minh xã hội có tố chất vô cùng nhạy cảm với những thay đổi dù là nhỏ nhất đến từ bên ngoài, từ đó họ có thể áp dụng khéo léo kỹ năng của bản thân để tương tác tốt với mọi người. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, người có trí thông minh xã hội là người hiểu chuyện và biết cách xử sự hợp tình hợp lý. Trong một tập thể, họ sẽ là nhân tố gắn kết tập thể lại với nhau, như Dư Sơ Huy là nhân vật có thể chơi thân thiết với ba người chị ở tầng 22 và là nhân tố kết nối họ lại.
Một số bạn sẽ thắc mắc, vậy trí thông minh xã hội (SIQ) có khác gì trí thông minh cảm xúc (EQ) hay không? Người sở hữu EQ thì có khả năng thấu hiểu cảm xúc của mình và của người khác, biết cách nhận định, phân biệt các dạng cảm xúc khác nhau để từ đó có cách hành xử cho phù hợp. Nhưng người sở hữu SIQ thì có nhiều năng lực hơn thế và gần như bao gồm luôn cả EQ. Theo Tiến sĩ Thelma Hunt, một nhà tâm lý học trực thuộc Đại học Washington, chúng ta có thể đo lường SIQ thông qua 6 khả năng chính:
- Khả năng nhận diện và ghi nhớ gương mặt, tên tuổi và hoàn cảnh gặp gỡ
- Khả năng quan sát tình huống và ghi nhớ lại khoảnh khắc
- Khả năng hiểu ẩn ý, nghĩa bóng hay tiếng lóng mà người đối diện muốn ám chỉ
- Khả năng nhận diện trạng thái tâm lý của người đối diện
- Khả năng hiểu và chọn lọc các thông tin xã hội
- Khả năng hài hước và pha trò
Để hiểu chi tiết hơn về những khả năng này, mời bạn tiếp tục gặp gỡ hai nhân vật chính của chúng ta: Dư Sơ Huy và Hà Mẫn Hồng. Trong căn nhà thuê chung của tầng 22, hai cô gái ngay từ lúc mới dọn về ở chung đã luôn như chó với mèo, nước với lửa, bởi Dư Sơ Huy thực tế và hiểu chuyện bao nhiêu thì Hà Mẫn Hồng lại ở “trên trời” bấy nhiêu, suốt ngày rao giảng đạo lý và chỉ trích Dư Sơ Huy.

Người thiếu trí thông minh xã hội
Hồi mới dọn vào nhà chung, khi cả ba người chưa kết bạn trên mạng xã hội với nhau, Mẫn Hồng có một số điểm không hài lòng về hai người bạn cùng nhà nên đã đăng status móc mỉa, chê bai rằng Sơ Huy như một “gái điếm hạng sang”, còn chị Chu thì như một quả “dưa chuột già” trong khi cô chỉ mới quen biết cả hai. Chẳng may status bị Sơ Huy phát hiện và bấm like status, cô chột dạ xóa ngay lập tức.
Khi bóng đèn hành lang ở tầng 22 bị hư, Trăn Trăn có ý tốt đứng ra sửa và tự bỏ tiền túi ra thay một loại bóng đèn xịn hơn. Trong khi Cát Cát và Sơ Huy đang đứng bên dưới giữ ghế phụ giúp cho Trăn Trăn, Mẫn Hồng đi ra trước cửa nhà và thấy cảnh đó. Thay vì hỏi thăm và cảm ơn ý tốt của Trăn Trăn, cô liền chất vất Trăn Trăn sao không báo với ban quản lý tòa nhà, lỡ thay bóng đèn không đúng loại hay không phù hợp thì bị chập điện sao?
Ở Trung Quốc, một người ở tỉnh khác muốn có hộ khẩu và mua nhà ở Thượng Hải thì phải được xét duyệt hồ sơ lý lịch, thường là phải làm việc một số năm nhất định ở đây thì mới được mua nhà. Riêng Trăn Trăn vừa du học về nước thì ba mẹ cô đã mua ngay nhà cho cô nhờ vào mối quan hệ của họ. Khi biết được điểm này, Mẫn Hồng hết sức hồn nhiên hỏi Trăn Trăn: “Vậy chị không thấy làm vậy là cạnh tranh không công bằng với người khác sao?”, xong rồi giảng một bài đạo lý về việc những người khác phải vất vả như thế nào mới tranh được một suất mua nhà ở đây và cho rằng cách hành xử của gia đình Trăn Trăn là thiếu công bằng.

Thời gian đầu mới thân, Trăn Trăn có nhã ý hỏi Mẫn Hồng có muốn đi ké xe hơi tới chỗ làm không vì cũng tiện đường, thế là hai chị em đi chung xe tới chỗ làm, chiều tan ca Trăn Trăn ghé đón cô về nhà. Nhưng đi một hai lần thì không sao, Mẫn Hồng không hiểu được là ngay cả khi tiện đường thì cũng không nên làm phiền một nhà khoa học như Trăn Trăn ngày nào cũng tới đưa rước mình đi làm y như tài xế vậy.
Lúc người quen của chị Chu là Dư Phi Tuyết bị sập bẫy của tội phạm lừa đảo và bị lừa mất một số tiền lớn, bên đây chị Chu và Lucy đang bàn bạc kế hoạch với nhau để làm sao giúp người một cách chu toàn, bởi mối quan hệ giữa chị Chu và Dư Phi Tuyết vốn dĩ cũng không mấy tốt đẹp nhưng chị Chu vốn có lòng tốt bụng thấy người quen gặp nạn không thể không giúp. Kế hoạch chưa bàn xong, Mẫn Hồng đã tài lanh đến tìm gặp Dư Phi Tuyết và tiết lộ những gì mọi người đang bàn bạc, làm cho cục diện vấn đề xáo trộn cả lên.
Nửa đêm Trăn Trăn có việc gấp ra ngoài tìm người thân thất lạc, thấy Mẫn Hồng không ngủ được đi lang thang ngoài hành lang thì cũng có ý rủ rê cô đi cùng cho đỡ sợ. Lúc đó Mẫn Hồng đang có chuyện buồn trong công việc, thấy Trăn Trăn gấp rút ra ngoài lúc nửa đêm nhưng cũng không hỏi han xem là chuyện gì, chỉ bảo mình không có hứng đi rồi vô nhà ngủ tiếp. Kể từ sự kiện này, thái độ của Trăn Trăn đối với Mẫn Hồng cũng không còn thiện cảm như ngày đầu.
Chị Chu vốn dĩ là một người hiền lành, ít khi chấp nhất với sự trẻ con của Mẫn Hồng. Gia cảnh chị Chu cũng hết sức đặc biệt khi chị phải nghỉ học từ sớm để thay cha mẹ nuôi hai đứa em ăn học lên tới đại học, nhưng tốt nghiệp đi làm rồi chúng vẫn sống bám vào đồng lương của chị và ngày càng làm nhiều trò quá đáng, khiến chị cương quyết tuyệt giao luôn cả tình chị em. Khi em gái mời cưới và chị Chu quyết định không đi, vứt luôn cả thiệp cưới vào thùng rác, nhìn cách phản ứng của chị Chu thì những người ở tầng 22 ai cũng hiểu chuyện và không dám hỏi han gì. Riêng Mẫn Hồng hết sức vô tư khi hỏi chị Chu rằng hôm nay chị không đi dự đám cưới em gái chị sao, chị không đi thì không nghĩ em gái chị sẽ buồn sao.

Trên đây chỉ là một số tình huống điển hình cho thấy Hà Mẫn Hồng là một cô gái không hiểu chuyện đến mức nào. Ở nơi làm việc, cô hầu như không có đồng nghiệp thân thiết; ở ngoài đời, cô cũng chẳng có lấy một người bạn thân nào để tâm sự. Bối cảnh gia đình và môi trường sống thời niên thiếu tác tạo phần lớn tính cách một người. Ở trường hợp của Mẫn Hồng, cô lớn trên trong một gia đình mà bố mẹ đều là những người hướng nội an tĩnh. Bố cô là nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh thiên nhiên, còn mẹ cô là một công chức thích luyện thư pháp. Cả nhà Mẫn Hồng từ xưa đã rất ít giao du với người khác, hầu như chỉ sống trong thế giới riêng của mình nên kiến thức về xã hội của cô rất kém, những gì cô hiểu biết chỉ là qua lời bố mẹ, thầy cô dạy hay kiến thức sách vở, thiếu đi trải nghiệm sống thực tế.
Người có trí thông minh xã hội
Trái ngược với Hà Mẫn Hồng, Dư Sơ Huy được các bà chị tầng 22 đặt cho biệt danh là “Dư xã hội”, bởi hiểu biết và trải nghiệm sống của cô ngoài xã hội không thua kém gì các bà chị trải đời mười mấy năm. Bởi lẽ, ngay từ nhỏ Sơ Huy lớn lên trong bối cảnh gia đình không mấy hạnh phúc, người bố luôn bạo hành và đánh đập mẹ cô, xem mẹ cô như người ăn kẻ ở trong nhà, phía gia đình nhà nội cũng rất xem thường mẹ cô. Sống trong bối cảnh đó, từ bé Sơ Huy đã ý thức một điều là mình phải cố gắng phấn đấu học tập để sau này đi làm kiếm tiền, độc lập về tài chính và giải thoát cho mẹ cô khỏi hoàn cảnh đó.
Nếu như Mẫn Hồng từ bé đã được bố mẹ bảo bọc chăm sóc, cưng như cưng trứng thì Sơ Huy phải tự giác học hành nghiêm túc để luôn đứng hạng nhất trong lớp, cố gắng tranh suất học bổng ở trường để đỡ đần tiền học phí cho mẹ, đến khi lên đại học thì đã phải ra đời bươn chải vừa học vừa đi làm thêm kiếm tiền. Ngay cả khi đậu vào một công ty lớn, cô vẫn không từ bỏ công việc tay trái là dạy múa ở một trung tâm. Khi đi dạy ở trung tâm này, Sơ Huy nhận thấy rằng nếu cô dạy lớp nâng cao thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn lớp cơ bản, nhưng tiêu chuẩn của giáo viên lớp nâng cao đòi hỏi phải có bằng cấp chuyên môn trong khi cô chỉ là một người học múa không chuyên, lúc nhỏ từng giành được học bổng học múa.

Thế là, Sơ Huy mới tìm Trăn Trăn “tầm sư học đạo”, tuy Trăn Trăn không chuyên về mảng này nhưng lại là dân tập thể thao và am hiểu khoa học nên ít ra cô cũng có thể học hỏi được ít nhiều. Nhờ sư phụ Trăn Trăn chỉ điểm, Sơ Huy mới bắt đầu nghiên cứu về giải phẫu học và đọc sách chuyên ngành về vận động, cơ – xương – khớp để hiểu thêm về các tư thế tập luyện và cách phục hồi sau chấn thương. Tại sao dạy múa mà phải đi tìm hiểu những điểm này? Bởi lẽ Sơ Huy ý thức được một điều rằng, phụ huynh của lớp nâng cao cực kỳ khó, nhất là phụ huynh ở một thành phố lớn như Thượng Hải sẽ có những tiêu chuẩn khắt khe khi chọn lựa cô giáo cho con của mình. Nếu giáo viên có kiến thức chuyên môn về những vấn đề này thì sẽ vượt qua được cửa ải của các vị phụ huynh khó nhất.
Dù chỉ mới ra trường đi làm được vài năm, nhưng Sơ Huy am hiểu hết tính nết của đồng nghiệp lẫn các cấp lãnh đạo trong công ty, cô có thể dễ dàng nắm bắt được cách công ty của mình vận hành và bản chất quyền lực chốn công sở. Sơ Huy cũng được đồng nghiệp trong nhóm nể nang và cực kỳ yêu mến. Khi cả nhóm bị sếp hớt tay trên lấy cắp thành quả nghiên cứu, một mình Sơ Huy dàn ra thế trận và tham vấn thêm chuyên gia bên ngoài để lên kế hoạch vạch trần sếp và rút lui trong êm đẹp mà không bị ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân. Ngược lại, Mẫn Hồng vào công ty hơn cả năm trời nhưng lại không hiểu được những quy luật ngầm chốn công sở, cuối cùng bị sếp lợi dụng chơi một vố làm cô điêu đứng.
Khi Mẫn Hồng gặp nạn trong công việc, cô phải cầu cứu mẹ ở quê lên giúp đỡ cách xử trí. Sơ Huy ở phòng bên cạnh, không có cách âm nên nghe hết cuộc đối thoại giữa hai mẹ con Mẫn Hồng. Là người ngoài chỉ nghe qua toàn bộ câu chuyện, Sơ Huy đã nhanh chóng nắm được toàn bộ bản chất vụ việc và mấu chốt vấn đề nằm ở đâu y như một người nằm vùng trong công ty đó. Sau đó Sơ Huy âm thầm ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ giúp Mẫn Hồng thoát nạn một phen, làm thay đổi cục diện chính trị công sở nơi công ty Mẫn Hồng và khiến cho nội bộ công ty rối loạn vì không biết người đứng đằng sau thao túng mọi chuyện là ai. Sau này khi Mẫn Hồng biết chuyện, cô không cảm ơn Sơ Huy một tiếng mà ngược lại còn mắng Sơ Huy nhiều chuyện đi can thiệp vào chuyện riêng của người khác.
Ở Sơ Huy, cô có năng lực đọc vị cảm xúc và nhận diện trạng thái tâm lý của người khác rất tốt. Khi Trăn Trăn nhờ Sơ Huy tìm bảo mẫu cho người nhà của vị trưởng khoa cùng cơ quan, qua cách vợ của trưởng khoa này nhìn Trăn Trăn thì Sơ Huy đã biết bà ta có ý không thích và có phần đề phòng Trăn Trăn, vì một cô gái trẻ trung xinh đẹp có học thức như thế làm chung với chồng mình thì lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Để phá vỡ suy nghĩ này của bà vợ, khi nói chuyện riêng thì Sơ Huy mới mau mắn bảo rằng Trăn Trăn đã có bạn trai rồi và cả hai rất đẹp đôi, thường hay đi chơi với nhau. Nghe thế thì bà vợ mới an tâm trong lòng và gỡ bỏ định kiến về Trăn Trăn.
Cái khôn khéo của Sơ Huy không chỉ dừng lại ở đó, từ một dấu hiệu nhỏ xíu như vậy, cô đã hình dung ra được bức tranh toàn cảnh ở một tổ chức nhà nước như cơ quan Trăn Trăn thì việc đồng nghiệp tọc mạnh, nhiều chuyện cũng là chuyện khó tránh được. Nếu một cô gái trẻ như Trăn Trăn thường xuyên gặp gỡ riêng tư, thân thiết quá với trưởng khoa đã có vợ thì cũng không tránh được chuyện có người đồn ra đồn vào. Thế là Sơ Huy mới gợi ý cho Trăn Trăn nhờ cậu bạn thân David đóng giả bạn trai đưa đón Trăn Trăn đi làm vài lần, hay ghé cơ quan Trăn Trăn chơi để đập tan tin đồn ngay từ trong trứng nước. Chính nhờ chiêu thức thông minh này mà sau đó Trăn Trăn vượt qua được một kiếp nạn lớn khi bị đồng nghiệp ganh ghét nói xấu.
Bản thân Sơ Huy là một người rất giỏi ăn nói và cũng rất mạnh mẽ nên khi ra đời thì không ai ức hiếp được cô. Với người có trí thông minh xã hội, họ rất linh hoạt ứng biến trong các tình huống phát sinh ngoài xã hội, biết nhu biết cương, lúc khôn thì cần khôn nhưng cũng có lúc phải biết giả khờ chứ đừng tỏ vẻ khôn ngoan, mạnh mẽ làm gì. Nhờ sự chỉ điểm của Trăn Trăn mà Sơ Huy trở thành giáo viên dạy múa rất được phụ huynh yêu thích, trong số đó có một phụ huynh nam có ý mèo mỡ nên kiếm cớ tặng quà cho cô, chẳng may lại bị bà vợ phát hiện và xông tới lớp chửi mắng cô trước mặt bao nhiêu phụ huynh khác.
Với bản tính của Sơ Huy, bình thường cô có thể đứng ra cãi lý lẽ tay đôi với người vợ đó không trượt phát nào. Nhưng khi có một chàng trai đứng ra giúp đỡ và bảo vệ Sơ Huy, cô thuận nước đẩy thuyền nhập vai nạn nhân ngay lập tức và tỏ ra yếu đuối để những phụ huynh khác đang chứng kiến cũng phải cảm thấy bất bình mà lên tiếng bênh vực cô. Mình cực kỳ đánh giá cao cách xử trí tình huống này của Sơ Huy, bởi đứng trước rất nhiều phụ huynh, cô không thể thể hiện mặt chợ búa của mình ra vì sẽ tạo ấn tượng xấu với họ – một cô giáo dạy dỗ cho con cái của họ không thể có văn hóa thấp như vậy. Nhưng ở một lần khác, khi người vợ đó một lần nữa tới kiếm chuyện và tát cho Sơ Huy một phát, lúc này xung quanh không có vị phụ huynh nào cả thì Sơ Huy không ngại ngần tát lại cô vợ mấy phát sảng hồn và dạy dỗ một bài ra trò.
Một đặc điểm khác của trí thông minh xã hội ở Sơ Huy là khả năng pha trò và chọc cười người khác. Mỗi khi Mẫn Hồng phát ngôn vài câu vô duyên hay ngốc nghếch, Sơ Huy sẽ đánh trống lảng sang một chuyện vui nào khác để phá vỡ bầu không khí gượng gạo sượng trân do Mẫn Hồng tạo ra. Hay thời gian đầu Lucy là nhân vật bí ẩn khó gần nhất tầng 22, chính Sơ Huy là người chủ động tiếp cận làm quen và cũng là người đầu tiên phá vỡ được bức tường vô hình do Lucy phòng thủ tạo nên. Bầu không khí của tầng 22 trở nên vui vẻ dễ chịu đến vậy cũng là nhờ Sơ Huy đóng vai trò “chim xanh” kết nối ba bà chị ở ba căn hộ lại với nhau qua những lần rủ rê đi ăn uống hay đi chơi xa chung vào cuối tuần.
Cái kết của bộ phim cũng là kết cục thường thấy của những người có trí thông minh xã hội và người không có trong đời thực. Dư Sơ Huy công việc ngày càng thăng tiến, chuyển việc deal được lương cao hơn mức cũ rất nhiều lần, rủ rê được cả đồng nghiệp nhảy việc chung, thu nhập từ việc làm thêm cũng tăng và được phụ huynh hết mực yêu quý, mối quan hệ của cô với ba bà chị tầng 22 cũng trở nên khắng khít hơn. Ngược lại, Hà Mẫn Hồng bị sếp ghét bỏ, đối diện với nguy cơ bị công ty cho nghỉ việc và bị những người chị ở tầng 22 tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ sau nhiều trải nghiệm không mấy tốt đẹp với cô, tới nỗi cô trốn trong nhà vệ sinh một mình bật khóc và cho tới tận giây phút đó vẫn không hiểu được vì sao mọi người lại đối xử với mình như vậy.
Một đứa trẻ từ nhỏ đã sống trong hạnh phúc, lớn lên có khi lại không trải được sự đời. Một đứa trẻ từ nhỏ đã sống trong bất hạnh, phải trải đời sớm nên hiểu chuyện đến đau lòng. Chung quy cái chúng ta tưởng là bất hạnh đôi khi lại là những thử thách trong cuộc sống để trui rèn con người, còn những cái mà nhiều người ao ước có được như một tuổi thơ hạnh phúc cũng có khi lại là một bất hạnh ở tuổi trưởng thành, vì bạn chỉ biết tới cái hạnh phúc của bản thân mà không biết tới nỗi khổ đau của người khác để mà đặt bản thân vào vị trí của họ, thấu cảm với họ. Nếu một mai chợt nhìn lại bên đời, thấy cạnh mình chẳng có một ai thân thiết và rơi vào tình cảnh như Hà Mẫn Hồng, có lẽ bạn quán xét và suy ngẫm lại sâu sắc về cách mình đã sống trong suốt thời gian qua.
2 bình luận
Đọc bài mà thấy nhột ghê. Trước giờ mình vẫn thừa nhận là mình có EQ thấp, nhưng giờ thì thấy mình thiếu cả trí thông minh xã hội nữa. ? Khi xem bộ phim này, tớ cũng khó chịu với nhân vật Hà Mẫn Hồng ngay từ những tập đầu tiên rồi chợt nhận ra mình cũng có kha khá điểm giống cô ấy, tức là mình chính là kiểu người mà mình ghét ? Có lẽ cũng do một phần cũng do hoàn cảnh mà mình lớn lên đã tạo nên tính cách. Cũng nhiều lần bảo mình phải học thêm về kỹ năng giao tiếp, thậm chí còn đọc cả Đắc nhân tâm rồi nhưng cũng chẳng ngấm được là bao. Một phần cũng do mình có những thứ khác khiến mình thích thú hơn, quan tâm hơn. Cảm ơn bài viết của Linh, sau bài viết này chắc tớ cũng phải ngẫm lại về trí thông minh xã hội của mình.
Nhắc vụ “Đắc nhân tâm”, trong vụ Anna Việt Nam lừa đảo nổi đình nổi đám vừa rồi, bạn đó có chia sẻ cuốn sách bạn ấy đọc đi đọc lại nhiều lần là “Đắc nhân tâm” đó ^^. Đối với mình nhân vật Hà Mẫn Hồng này có khá nhiều điểm thú vị để phân tích, bản thân Hồng Hồng là dân văn chương chữ nghĩa (cũng khá giống bọn mình), có năng lực tư duy và phản biện tốt, có khả năng phản tư sâu sắc về bản thân.
Cái Hồng Hồng thiếu không phải là kỹ năng giao tiếp hay tranh biện, mà là trải nghiệm sống thực tế và việc thay đổi góc nhìn từ phía đối phương để nhận định vấn đề. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì mới thấu cảm được họ. Có một số chuyện, ở góc nhìn của mình thì như vậy là đúng, nhưng phải ở vào hoàn cảnh của đối phương mới thấy cái đúng đó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Chu tỷ hiền là vậy mà cuối cùng cũng bị Hồng Hồng làm bực phát tức 😀