Ảnh: Unsplash

Nhớ mỗi lần mình về quê, mẹ mình vẫn thường hay than thở rằng mỗi ngày mẹ đều đau đầu suy nghĩ không biết trưa nay nấu món gì cho cả nhà ăn. Thông thường thực đơn của mẹ chỉ có một số món tủ và cứ xoay đi xoay lại như vậy, đến khi mình về thì mẹ lại xoay tua nấu các món mình thích ăn. Mỗi lần nghe mẹ than thở như vậy, mình thường hay nói đùa – theo kiểu dân công sở – rằng mẹ nên sắm một tấm bảng nhỏ treo trong bếp, viết lên thực đơn mỗi tuần ăn gì, rồi cứ theo đó mà nấu thôi khỏi phải lăn tăn suy nghĩ.

Dĩ nhiên là mẹ mình không quỡn mua tấm bảng để làm theo cách mình chỉ, và mẹ cũng không có thói quen như vậy. Mình cũng tưởng đó chỉ là lời nói đùa vô thưởng vô phạt, cho tới khi giãn cách xã hội diễn ra ở Sài Gòn, mình bắt đầu thử nghiệm việc lên kế hoạch nấu ăn theo cách thức mình đã từng bày vẽ cho mẹ.

Năm Covid thứ hai, Sài Gòn bước vào một đợt giãn cách xã hội lớn chưa từng thấy, kéo dài suốt 2,5 tháng liền. Mọi chuyện đối với mình không có gì quá nghiêm trọng, cho đến khi chỉ thị 16 gần nhất cấm tất cả các hàng quán bán mang về – một điều cực kỳ ghê rợn đối với người ba bữa đều ăn ngoài như mình. Ngay cả khi về quê, thói quen từ nhỏ của mình là chỉ ăn cơm buổi trưa, còn buổi sáng và buổi tối có hàng loạt lựa chọn từ bánh mì, cơm gà, cơm tấm, mì quảng, bún xào, bánh canh, bún riêu, bánh căn, bánh xèo, v.v. rất hấp dẫn nên chẳng bao giờ mình ăn hai bữa này ở nhà. Lẽ vậy khi sắc lệnh mới được ban hành, mình bắt đầu tính đến chuyện làm thế nào để sống sót qua mùa giãn cách xã hội ở Sài Gòn?

Không phải mình không biết nấu ăn, mà là trong một số điều kiện không thuận duyên gần đây thì mình không tiện nấu ăn, nên khi bắt buộc phải lăn vào bếp thì đối với mình không phải là vấn đề quá lớn – như những bạn không biết nấu ăn hay nấu ăn rất dở. Việc đầu tiên mình làm dĩ nhiên là phi nhanh ra siêu thị đầu hẻm gần nhà để tích trữ lương thực, mua một số đồ hộp, đồ khô và rau củ cần thiết cho 2 tuần lockdown sắp tới. Song song đó, mình còn lên Tiki, Shopee đặt một loạt đồ ăn để dành, cộng thêm một số đồ ăn được bạn bè thân quen cho, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, thừa còn hơn thiếu.

Tiếp theo, mình tiến hành nhập liệu số đồ ăn mình đã mua về lên một Google Sheets online theo một số mục lớn như: lương thực, đồ khô, đồ tươi sống, đồ ăn vặt, rau củ, trái cây, thức uống.

Sheets này phục vụ cho 2 mục đích:

  • Thống kê các loại đồ ăn mình đang có và số lượng mỗi loại => khi thiếu loại nào thì sẽ nắm được ngay để bổ sung thêm trong lần đi mua sắm tiếp theo
  • Mix & match để cho ra thực đơn ăn uống mỗi ngày dựa trên các nguyên liệu sẵn có

Và sau đây là bảng thực đơn mình lên ngay bên dưới bảng nguyên liệu:

Việc lên thực đơn cho cả tuần cũng khá tốn nơ-ron thần kinh, nên mình thường chỉ lên trước thực đơn cho 2-3 ngày tới. Như trong hình là thực đơn các món mình ăn trong ngày thứ Tư hôm nay, ngày nào qua rồi thì mình sẽ tô màu xám để phân biệt. Cách lên thực đơn của mình là dựa vào bảng nguyên liệu phía trên để tính toán thực đơn mình sẽ nấu và trừ dần số lượng mỗi loại để ra số nguyên liệu thực tế còn lại.

Bữa sáng thường mình sẽ ăn nhẹ để khởi đầu ngày mới, ví dụ như ăn cháo dinh dưỡng, chiên trứng ốp la ăn với loại bánh mì ăn sáng đóng gói sẵn, hay ăn thanh năng lượng, kèm theo đó là trái cây và một ly ngũ cốc dinh dưỡng hoặc mật ong pha nước ấm.

Bữa trưa thì thường mình sẽ nấu dư ra luôn cho cả bữa tối để tiết kiệm thời gian, tối chỉ cần bỏ thức ăn vào lò vi sóng hâm lại. Nhưng mình không thích ăn cơm và đồ khô buổi tối cho lắm nên xen kẽ mình sẽ nấu phở gói hoặc mì gói, bún, hủ tiếu khô các loại ăn trừ cơm. Và thực đơn của mình ở tất cả các bữa luôn phải có trái cây – món không thể thiếu theo sở thích ăn uống cá nhân.

Khi nghe tin Sài Gòn giãn cách xã hội và hàng quán không bán mang về, nhiều người nhà mình gọi điện hỏi thăm xem mình ăn uống thế nào, có cần nhà gửi đồ ăn lên không, mình thấy không cần thiết nên bảo không. Nhiều bạn bè cũng tưởng rằng mình không thể xoay xở được và chắc sẽ chỉ ăn mì gói liền tù tì suốt hai tuần. Nhưng thật sự với người có kỹ năng mềm và kỹ năng sống, họ có thể dễ dàng xoay chuyển được mọi chuyện một cách dễ dàng, như các bữa ăn của mình còn đầy đủ dinh dưỡng hơn một số bạn nữ khác mình quen.

Với kế hoạch nấu ăn và thực đơn như trên, mình cũng bớt đau đầu suy nghĩ chuyện sáng nay, trưa nay hay tối nay ăn gì, vì mọi thứ đều đã rõ ràng và mình chỉ việc nấu theo kế hoạch. Dĩ nhiên kế hoạch không phải là bất biến, hôm nào ngán món nào thì mình có thể đẩy thực đơn của buổi khác hay hôm khác lên. Và khi kho lương thực dự trữ sắp hết món nào, mình cũng biết đường mà lên danh sách để đi siêu thị hay tạp hóa gần nhà mua sắm bổ sung.

Hi vọng qua những chia sẻ trên, những bạn nào còn đang lo lắng và đau đáu chuyện phải nấu ăn trong mùa dịch như thế nào có thể tham khảo một cách thức sống sót qua mùa dịch, và tùy nghi sáng tạo để ra phương án thuận tiện, dễ áp dụng hơn với bạn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải