Mình thuộc típ người muốn đi đến bất cứ đâu thì phải đắn đo cả hàng tháng trời hoặc rất nhiều tháng trước đó để vắt tay lên trán suy nghĩ có nên đi hay không. Cho nên chuyến đi Đà Lạt này là một sự dự trù từ năm nảo năm nao mà nay mới có dịp thực hiện với nhóm bạn đại học.

Đà Lạt trong tưởng tượng của mình hơi thơ mộng theo kiểu điện ảnh với những đồi thông, con dốc đầy hoa dại, những căn biệt thự nhỏ xinh với hàng rào trắng trong một khu yên bình nào đó như mấy bộ phim đã xem qua. Đà Lạt trong lời kể của những người bạn đã đi là căn nhà nghỉ có cô chủ sáng dậy sớm ra chợ Đà Lạt mua hoa tươi về cắm trong phòng, là những căn nhà hoang bạn đi chơi trốn tìm với em thuở nhỏ, là những vạt dã quỳ vàng rực bên đường…

Lạnh tê tái như Đà Lạt!

Ban đầu mình cứ tưởng từ Sài Gòn lên Đà Lạt chỉ khoảng 4 tiếng như về Phan Thiết, ai dè khi biết phải đi mất 7 tiếng mới tới nơi thì chỉ muốn té ngửa. Với một đứa hiếm hoi lắm mới đi xa và kị đi xe như mình thì như cực hình, đã vậy còn phải chịu đựng trong ngần ấy thời gian. Mặc dù đã quen mùi xe qua những chuyến đi Sài Gòn – Phan Thiết và mùi xe buýt Sài Gòn nhưng trên một cung đường đèo núi và đường xấu dằn xóc như nhảy lambada như thế thì dạ dày cũng muốn nhảy theo. Mình khởi hành từ 10 giờ đêm ở Sài Gòn và xe chạy nửa đường thì dừng chân ở trạm tại Lâm Đồng. Ôi cha mẹ ơi, vừa mới bước xuống xe thì đứa bạn thảng thốt la lên, ủa sao đi lọt qua tận Đồng Tháp rồi? Thì ra quán cơm trưng cái bảng tiệm cơm Đồng Tháp bự chảng trong cảnh mập mờ giữa đêm mà không gây hoang tưởng cho mấy đứa mù địa lý mới lạ!

Xe tới nơi vào tầm 4 giờ rưỡi sáng, sớm hơn so với mình tưởng tượng, và Đà Lạt lúc đấy đang mưa ào ào. Cảm giác đầu tiên khi bước xuống xe là, ôi chao lạnh quá, lạnh chi mà lạnh rứa. Bước vào nhà vệ sinh mà cứ như bước trên băng đăng của Đầm Sen, y chóc lời nhỏ bạn hồi xưa kể.

Đi du lịch kiểu sinh viên thì cả bọn đều ráng tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu để còn ăn chơi mua sắm các thứ khác. Đáng lẽ giờ đó cả bọn phải nhận phòng khách sạn, để hành lý lại và đi chơi nhưng thực tế là phải lang thang khắp nơi cho tới đúng 12 giờ mới nhận phòng để được tính là một ngày mới. Thế là giữa tờ mờ tù mù sáng, trời thì đang mưa rả rích, có bốn đứa “điên” che một cây dù và thù lù bước đi trong đêm tối. Bước một hồi thì thấy xa xa có chỗ mô mà đèn lấp lóa đẹp ghê, tiến lại gần thì ra là hồ Xuân Hương. Cả bọn như mèo thấy mỡ bay tới chụp hình vào cái giờ mà nhà nhà yên giấc ngủ, mình chụp cho tụi bạn lung linh lấp lánh như rứa mà tới phiên mình thì PHỤT, hàng loạt đèn quanh hồ phụt tắt vì trời dần tản sáng, và có một con nai tơ đang đạp trên cỏ ngơ ngác nhìn.

Ảnh mình chụp nhóm bạn ở hồ Xuân Hương lúc nửa đêm.

Ăn, ăn và ăn

Một trong những yếu tố mình quan tâm hàng đầu khi đi du lịch là ở địa điểm đó có đặc sản và món ăn gì ngon. Trong khi, với những đứa máu me phượt thì chỉ quan tâm đến chuyện những địa điểm vui chơi thú vị, phong cảnh đẹp và tranh thủ chụp hình. Cho nên, trong suốt chuyến đi mình cứ hay bị bạn đồng hành lên án vì cái sự ăn không ngừng nghỉ và có phần sang đàng của mình.

Sáng sớm, bốn đứa vác hành lý đi lơn tơn từ hồ Xuân Hương vào chợ Đà Lạt để tìm quán ăn mà lọt thỏm vào khu thịt cá rau củ quả, phải đi ngược ra trở lại chỗ cũ và ăn tạm một quán mì phở bún bên đường với giá mỗi tô 30 ngàn. Ăn thì chỉ tạm được chứ không ngon. Đúng là trong những chuyến đi chơi có những cái hay không bằng hên, và trong cái rủi thì có những cái vui lạ kì. Đang lang thang ở công viên Yersin tìm đường lên dinh Bảo Đại thì trời đổ mưa rào ào ào, cả bọn chạy té khói đến trú mưa trong một trạm dừng chân. Ở đấy, may mắn lại gặp mấy cô chú đồng hương với vài đứa trong nhóm nên được mời ăn bánh và ngồi hàn huyên nói chuyện. Nói một hồi thì lại được giới thiệu sang ở nhà nghỉ chung với mấy cô chú, giá cả rẻ hơn khách sạn đã đặt bên này. Thế là a lê hấp như vớ được của rơi, cả bọn bái bai khách sạn kia không thương tiếc và di dời qua đây trú ngụ trong vài ngày.

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Buổi trưa, có một chị từng là thành viên cũ trong câu lạc bộ của mình ghé qua chơi và làm thổ địa dẫn đi ăn uống. Mặc dù có lên mạng tra trước thông tin địa điểm quán ăn này nọ nhưng không đâu bằng được người bản xứ dẫn đi ăn. Món đầu tiên là bánh căn nằm trên đường Tăng Bạt Hổ, chỗ này mình đã được một đứa bạn giới thiệu kèm theo lời gửi gắm còn ngon hơn bánh căn Phan Thiết quê mình nên cũng rộn ràng muốn nếm thử cho bằng được. Bánh căn ở đây không đổ mộc bằng bột gạo mà có pha thêm trứng gà hoặc trứng cút vào bột khi đổ, còn ở Phan Thiết thì khách phải yêu cầu họ mới đổ trứng vào. Mỗi chén nước mắm có thêm mấy viên xíu mại nhỏ, kèm một dĩa chả lụa gói lá ăn kèm theo. Bánh căn Đà Lạt vị không quá đậm đà, nó nhẹ, thanh và vừa đủ đưa hương cho những ai có gu ăn uống nhẹ nhàng và thanh lịch. Còn mình là dân xứ biển, quen ăn đậm nên bánh căn Phan Thiết mặn mà và nhiều nhặn hơn cũng là điều tất nhiên. Một điều không thể phủ nhận được là người xứ đâu thì ăn quen món xứ đó, nên ăn ngon thì khen ngon chứ chẳng thể nào bảo ngon hơn món ở quê mình được.

Gặp chị Lê, một cựu RECer của CLB mình tham gia thời đại học

Món ăn nhẹ tiếp theo là bánh tráng nướng – món này thì được nghe quảng cáo rất nhiều từ nhiều đứa bạn. Lại tiếp tục màn so sánh, với một xứ mà bánh tráng nướng có truyền thống lâu đời như Phan Thiết và nổi tiếng với các loại mắm thì bánh tráng nướng Đà Lạt không đánh bật xếp hạng đó ra được, với mình là thế. Chị “thổ địa” nói bánh tráng nướng ở đây nổi tiếng với tên gọi “pizza kiểu Việt Nam”, nó không đặc trưng mùi mắm ruốc như bánh tráng nướng ở Phan Thiết hay Sài Gòn, nó có sự kết hợp của phô mai, gà, bò, mỡ hành các loại. Mỗi chiếc bánh tráng được tráng đều trên vĩ nướng, đủ màu sắc từ vàng rực của trứng đến xanh lá của mỡ hành. Trên mỗi bàn có một cây kéo kèm theo để cắt bánh ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn, chấm với tương ớt hoặc mắm me theo kiểu Đà Lạt. Khẩu vị thì khá Tây, ăn cứ như ăn pizza thật, thích hợp để nhấm nháp và tán gẫu trong tiết trời se lạnh của Đà Lạt.

Lần đầu ăn trái cây dĩa không có đá bào, vì trời vốn đã rất lạnh

Một điểm riêng biệt thường thấy ở các quán ăn ở Đà Lạt là lúc nào cũng có món yaourt, bánh plan được để ngay ngắn trên bàn. Khách ăn xong món chính nếu thích thì có thể dùng để tráng miệng. Mình đi ăn bánh căn, bánh tráng nướng hay bánh bèo đều thấy mấy món này và lần nào cũng dùng thử. Điều hay ho là yaourt ở đây không cần phải bỏ vào ngăn lạnh của tủ lạnh, chỉ để ngoài trời mà vẫn đông lại như thường. Vị yaourt sánh mịn, ngọt thanh, ăn rất thích. Chưa kể khi đi ăn kem trái cây, cũng na ná trái cây dĩa ở Sài Gòn thì không hề bỏ đá viên hay đá bào vào mà kem và trái cây vẫn lạnh tê tái.

Sau khi đã nếm thử hết các món ăn đặc sản được “tương truyền” trên mạng thì kế đến là những món ăn vặt ở chợ đêm Đà Lạt như bắp nướng, khoai nướng, tàu hũ nóng, đồ nướng, ốc xào, v.v. Một kinh nghiệm khi đi du lịch mình rút ra rằng, không nên ăn đồ biển khi ở trên núi và ngược lại. Cụ thể là hải sản ở đây chỉ là đồ đông lạnh chứ không tươi sống, ăn ốc hay cua ghẹ cũng đều rất bở, bùi chứ không được tươi ngon như xứ biển mình. Một du khách Hà Nội ngồi ở bàn cạnh mình gọi một dĩa càng ghẹ, ăn được mấy miếng thì trả lại người bán vì ghẹ đông lạnh bở rạc khiến một nhỏ bạn đi cùng mình bức xúc giùm chủ quán. Bởi đã lên Đà Lạt, đòi ăn đồ biển mà còn ăn quán cóc lề đường thì sao đòi hỏi tươi ngon sao được?

Một góc chợ đêm Đà Lạt

Ngược lại thì trời lạnh, ăn đồ nướng ở Đà Lạt cực ngon. Ở ngay vòng xoay tượng đài trước chợ Đà Lạt là một dãy các gian hàng nướng, thực khách vào chọn xiên que muốn ăn để người ta nướng, mình chỉ cần ngồi đợi. Các món nướng thì vẫn quen thuộc như thịt nướng xiên, bò lá lốt, trứng cút, cánh gà, chân gà, chim cút nướng. Mỗi đứa gọi vài xâu góp lại ăn chung, chấm kèm tương ớt và mắm me sa tế – cũng là một nét đặc trưng ở Đà Lạt. Khỏi phải diễn tả, trời lạnh ngắt mà cầm mấy xâu đồ nướng chấm tương ăn thì ngon tuyệt cú mèo, chưa kể xứ núi nên ăn đồ núi lại càng ngon, vừa ăn vừa gọi một ly sữa đậu nành hoặc đậu xanh uống thì tuyệt cú mèo. Sau khi ăn chán chê các món chính thì bạn nên thử mua một vài trái bắp hoặc khoai nướng để về nhà nghỉ nhấm nháp ban khuya, vừa tán gẫu vừa ngồi ban công nhìn phố phường vừa ăn cũng là một thú vui riêng.

Đi chơi theo kiểu “lần đầu tiên”

Thông thường, khi đến bất cứ một thành phố hay điểm du lịch nổi tiếng nào thì ắt hẳn bạn sẽ muốn đến những địa điểm nổi tiếng có tên tuổi trước đã rồi mới khám phá những nơi bí hiểm ít ai biết sau. Và sau khi đi Đà Lạt về thì ai cũng hỏi mình có lên Lang Biang không? Rất tiếc là ba ngày ít ỏi không đủ để mình du hí lên đó xem chữ Lang Biang nó kì cục kẹo thế nào, và đành bào chữa là đi mấy địa điểm kia đã hết ngày mất tiêu rồi.

Ngày thứ nhất, nhóm mình chỉ đơn thuần là đi ăn, ăn và ăn, ở hai địa điểm đi nhiều nhất là hồ Xuân Hương và công viên Yersin do gần nhà nghỉ. Hồ Xuân Hương và các hồ khác của Đà Lạt mùa này đục ngầu, nước không trong xanh như hồ Đá ở Thủ Đức (Sài Gòn) hay một số hồ mình đã thấy, hoặc do mùa mưa nên vậy. Còn công viên Yersin chỉ đông vui tấp nập vào ban đêm với những hàng ăn, ban ngày thì vắng hoe chả ma nào vào. Từ công viên Yersin, cả nhóm rẽ qua một con hẻm dài và dốc cao để đi tới dinh Bảo Đại, leo đã đời tới nơi thì phát hiện hôm nay chủ nhật dinh đóng cửa. Thế là buồn tình kéo nhau đi uống cafe ở một quán cạnh đó khi nắng rực lên sau cơn mưa bất chợt. Ngồi trong một quán cafe của Đà Lạt, nhâm nhi tách trà nóng, nghe nhạc Trịnh nhè nhẹ ở một góc nào đó vang lên, nhìn những bàn xung quanh rì rầm trò chuyện mới thấy cuộc sống ở đây thật tĩnh lặng.

Con dốc rất nên thơ mà cả bọn đi qua

Sang ngày thứ hai, sau khi tra bản đồ các địa điểm thì cả nhóm quyết định thuê xe máy để du hí được tiện hơn. Ban đầu dự định đi hồ Tuyền Lâm do chị “thổ địa” chỉ trên đó đẹp, đi một hồi sao lạc đường qua bên hồ Than Thở. Mặc dù đã được nhiều người khuyến cáo không nên vào hồ Than Thở, trên đó buồn thiu nhưng cả bọn cũng rảnh rỗi kéo nhau vào. Hồ Than Thở thì chẳng khác gì hồ Xuân Hương ngoài cái diện tích nhỏ hơn và địa thế không có gì đẹp. Điểm được ở đây là có hoa cỏ đủ sắc màu và mấy ngọn đồi cỏ cao có thể nằm lăn ra trượt được, ngoài ra còn có thêm dịch vụ xe ngựa cho thuê đầu cổng. Đi một hồi chán quá cả đám lại kéo ra ngồi, xuống dốc thì êm ru mà đi ngược trở lại leo dốc thì mệt đứ đừ. Thế là vừa đi vừa than vừa kêu la rần trời vì phí tiền vào đây mà chẳng có gì xem. À ồ ra thế, thế thì đã rõ nguyên nhân vì sao có tên là hồ Than Thở rồi đấy!

Ghé hồ Than Thở chỉ để ngắm hoa

Đối diện hồ Than Thở là vườn dâu Bà Lan, một vườn dâu sạch được trồng theo phương pháp bón phân sinh học hữu cơ. Lúc đầu nhóm định đi vườn dâu Bà Lan đầu tiên nhưng nghe cô chủ nhà nghỉ nói muốn xem người ta hái dâu phải đi độ 6 giờ sáng hoặc 6 giờ chiều, đi ban trưa thì còn dâu đâu mà hái nên dẹp ý định này ngay từ đầu. Xong rồi nhìn quanh quất cũng thấy mấy khách vào đó nên cả đám cũng bon chen vào thử. Có vào mới biết đây là vườn dâu đặc biệt nên không có cho khách vào xem nơi trồng dâu, chỉ được đứng ngoài ngắm qua hàng rào. Tuy nhiên, khách có thể vào xem bà Lan và mấy chị thợ ngồi xếp dâu vào hộp để xuất khẩu hay vận chuyển đi các tỉnh thành khác với giá cũng khá mắc vì là dâu trồng theo công nghệ sinh học. Độ tháng sáu đang là mùa mưa nên dâu thông thường dễ bị úng, thúi nên ít ai mua dâu mà chỉ mua bơ ở chợ Đà Lạt. Cho nên, tuy có lên Đà Lạt nhưng mình vẫn chưa được ăn cái gọi là dâu tây bản xứ.

Khi chạy về từ hồ Than Thở về nhà nghỉ thì đi ngang đồi thông hai mộ, hai chỗ này cũng sát rạt nhau. Mình chở một nhỏ bạn đi trước, có hai nhỏ chạy một chiếc xe máy theo sau, vừa qua khúc cua thì hai bên lạc nhau. Đợi một lúc lâu cũng không thấy, một lát sau bên đó gọi điện bảo đi lạc đường lên dốc qua đồi thông hai mộ. Hỏi ra sự tình mới biết câu chuyện siêu kinh dị ở chỗ nhỏ chạy xe đằng sau mình bị ma dẫn, thấy cái bóng xe và nhỏ áo trắng mình đang chở chạy thẳng lên dốc nên hai đứa nó cũng đâm đầu chạy theo nên bị lạc. Mặc dù lúc đó mình chạy xuống ra khúc cua không hề thấy một chiếc xe máy nào để gọi là nhầm lẫn. Gặp ma trên Đà Lạt, chưa kể tối đó nằm kể chuyện ma lúc gần 12 giờ, vừa mới bắt đầu kể thì cúp điện cái rụp. Phải nói một kỉ niệm thiệt đáng nhớ và sợ điếng người cho mấy đứa sợ ma mà khoái nghe chuyện ma!

Buổi tối rảnh rỗi, ngoài kể chuyện ma chúng tôi còn quay cả phim ma

Trưa sau khi ăn uống no nê ở nem nướng bà Hùng và bánh bèo số 4, cả bọn chạy qua chùa Trúc Lâm. Ai dè chạy tới nơi chùa đóng cửa chính, chạy vòng cửa kia thì mở nhưng thấy vắng hoe, có lẽ giờ đó các sư nghỉ ngơi mất rồi. Và từ đó, cả bọn chạy vọt lên Thung lũng tình yêu, tính dừng lại nhưng cả đám chả có đứa nào yêu nhau nên cứ chạy thẳng lên tiếp ra Đồi mộng mơ – nơi nghe đồn là đẹp. Muốn vào Đồi mộng mơ phải bỏ tiền ra mua vé, và bởi vì phải trả tiền mua vé nên nghĩ nó sẽ có cái gì hay ho để mình xem.

Đồi mộng mơ có căn nhà cổ với bàn xoay gỗ mà để tay lên, tập trung suy nghĩ bạn sẽ khiến chiếc bàn quay theo ý mình. Trò này báo giới và khoa học có đổ xô vào một thời gian để nghiên cứu với nhiều kiến giải khác nhau, tuy nhiên thực hư thì tùy mỗi người cảm nhận. Ở khu vực lối vào có một nơi gọi là cây tình yêu với nhiều dải băng đỏ hồng treo rợp một góc trời, che mất cái mảng xanh của cây. Nơi đây, người ta viết những câu nguyện ước, chúc nhau vào dải băng và treo lên cây.

Cây tình yêu

Đi một đoạn là tới khu giả vạn lý trường thành với những bức tường bám đầy rêu trông như một tòa lâu đài cổ, men theo lối đó bạn sẽ rẽ ra được nhiều hướng khác nhau. Có hướng thì đi qua khu nhà dân tộc trưng bày chóe (bình đựng rượu) Tây Nguyên, có khu dàn nhạc dân tộc các loại. Khu đàn dân tộc khá thú vị với một chú người dân tộc đứng biểu diễn và một người phụ đánh trống, có khoảng 7 cây đàn như đàn đá, đàn tre, đàn ống… ở đây, chú này lần lượt sẽ biểu diễn các bài hát bằng mỗi loại đàn khác nhau. Du khách sau khi thưởng lãm xong có thể để tiền vào giỏ treo phía trước để ủng hộ.

Từ khu nhà dân tộc đi lên nữa sẽ gặp khu sân khấu biểu diễn nhạc sống của các ca sĩ, đội múa trong trang phục dân tộc. Ở đây, bạn có thể mua đồ nướng, nước mía và ngồi vừa nhâm nhi vừa xem ca múa nhạc dân tộc miễn phí. Đôi khi, có những bài múa các nữ vũ công còn rủ nam khán giả xuống nhảy múa chung khá xôm tụ. Nhìn tổng thể, Đồi mộng mơ có khá nhiều điểm đẹp để các tay máy thi nhau hí hoáy chụp hình, có những khu vườn được xây dựng kiểu các như lâu đài bám đầy rêu, có khu nhà nghỉ theo phong cách tây với những ngôi nhà bằng gỗ đỏ hay cam nhỏ xinh chạy san sát nhau. Nếu muốn đi hết cả Đồi mộng mơ thì bạn cũng phải mất cả một buổi chiều.

Biểu diễn ở sân khấu cộng đồng

Một Đà Lạt chậm rãi

Có lên Đà Lạt, sống vài ngày ở đây thì bạn mới cảm nhận được nếp sống thanh bình và yên ả như mặt hồ nơi đây. Ngoài đường, những dòng xe chạy thưa thớt và chầm chậm, người đi không quá vội vã và đông đúc như cảnh kẹt xe mỗi ngày ở Sài Gòn.

Có một điểm đặc biệt mình thấy lạ và thích thú là xung quanh khu hồ Xuân Hương rộng lớn, tuyệt nhiên không hề có những quán nhậu hay quán cafe như những tỉnh thành khác mà mình đã đi qua. Bình thường ở một xứ biển hay ở Sài Gòn chẳng hạn, chỉ một khúc sông, một khúc hồ là bao nhiêu quán xá xôm tụ mọc lên xung quanh đó. Còn ở Đà Lạt, bạn có rảo bước đi được một vòng quanh hồ thì cũng tìm nổ con mắt mà không thấy. Cái hay nữa là không thấy dân Đà Lạt lê la ngồi quán xá nhậu nhẹt hay uống bia, có lẽ vì trời lạnh nên người ta ít có thú bê tha đó, và một phần dường như trà nóng đã trở thành một nét văn hóa ăn sâu vào máu thịt. Đến bất cứ một quán ăn uống nào, bạn cũng thấy một bình trà nóng hổi trên bàn còn nghi ngút khói.

Một căn nhà gỗ trong rừng

Một điểm lạ nữa trong vài cái lạ mà mình thấy, độ tuổi của dân Đà Lạt hình như bị già hóa, cụ thể là rất ít thấy thanh thiếu niên đi ra ngoài đường. Nhóm mình đi từ sáng đến chiều long nhong ngoài đường trong suốt ba ngày liền mà tuyệt nhiên không thấy nam thanh nữ tú nào, hiếm hoi lắm mới thấy, còn lại chỉ có những người trung niên và lớn tuổi chạy xe máy lưu thông trên đường. Thật khó khăn để phân biệt đâu là người Đà Lạt bản xứ và đâu là du khách từ các tỉnh thành khác đi du lịch. Điểm để mình phân biệt theo kinh nghiệm cá nhân là người Đà Lạt thì ở trong nhà hay ra ngoài cũng mặc nhiều lớp áo dày, quấn khăn choàng cổ còn khách du lịch thì rất ít, chỉ mua khăn quấn hay mặc áo khoác ngoài, còn dân từ Sài Gòn lên thì ưa mặc quần lửng hay quần đùi đi long nhong ngoài đường không sợ lạnh (như mình chẳng hạn).

Em bé Đà Lạt

Chưa kể, số đông người mình gặp khi đi trên đường hoặc mấy đứa con nít chạy chơi loanh quanh ngoài đó, đứa nào cũng đen nhẻm chứ không có trắng trẻo dễ thương so với khí hậu se lạnh trên Đà Lạt như thế. Nguyên nhân mà nhóm mình ngồi bàn tán và suy ra được sau một quá trình quan sát là do dân Đà Lạt đi đường ít khi đeo khẩu trang nên dù lạnh đến mấy cũng đen là đúng rồi. Có những hôm mình ở, mặc dù trời nắng lên oi ả nhưng gió thổi thì vẫn lạnh ngắt như thường. Nếu là mình thì ắt hẳn vẫn cứ chạy nhong nhong ngoài đường mà không cần phải che chắn gì.

Chỗ nhà nghỉ mình ở thì cô chủ không có lãng mạn sáng sáng ra chợ mua hoa tươi về cắm như lời một con bạn mình kể khi từng đi Đà Lạt. Có điều, cô chủ khá nhiệt tình và dễ thương trong nhiều chuyện, từ vụ đặt phòng tới thuê giùm xe máy, dọn dẹp đồ và ăn nói, v.v.

o0o

Chia tay Đà Lạt, lại tiếp tục đi xe cả 7 tiếng đồng hồ từ trưa tới tối mịt mới mò được tới nhà. Sài Gòn đón chào mình bằng cái nóng oi ả ban chiều và dòng xe đông nghịt người.

Đà Lạt là Đà Lạt, nó vẫn vậy thôi như muôn thuở, với mình thì có vài điều thất vọng hơn so với tưởng tượng, đã hoa mỹ hóa nó lên như phim ảnh. Tuy nhiên, mình vẫn đinh ninh rằng nếu mình là một người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt thì chắc chắn sẽ không bao giờ nỡ rời xa nó để đi tới một tỉnh thành khác học xa nhà…

P/S: Một tập trong chương trình “Trên khắp Việt Nam” do mình quay dựng về chuyến đi Đà Lạt kể trên.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.