Ảnh: Unsplash

Có lần mình đi cà phê với một cậu bạn học cũ thời phổ thông để bạn gửi mình thiệp cưới. Sau ngót nghét hơn chục năm không gặp, bạn hỏi thăm công việc và cuộc sống của mình dạo này thế nào. Mình cũng chia sẻ sơ qua cho bạn nắm về công việc mình đang làm hiện tại, thế là bạn hỏi tiếp mình đã lên vị trí trưởng phòng hay quản lý chưa, theo bạn ở tuổi của bọn mình thì nên có một vị trí vững vàng trong sự nghiệp thì mới ổn. Rồi bạn hỏi tiếp ngoài công việc chính, mình còn có làm ăn kinh doanh gì thêm nữa không? Mình mới bảo bạn là mình không quan trọng việc kiếm tiền lắm nên thấy chỉ cần tập trung vào một công việc là đủ. Bạn nhìn mình với vẻ mặt khá ngạc nhiên: “Kiếm tiền không quan trọng thì việc gì quan trọng nữa?”.

Đến một độ tuổi nào đó khi trưởng thành và gặp lại những người bạn cũ, có lẽ không ít người sẽ nhận được những câu hỏi giống như mình. Nếu như ngày xưa thời cấp hai, cấp ba chúng ta đi học, bạn bè mỗi lần gặp nhau sẽ hỏi những câu rất đơn thuần như học bài chưa, tối qua có coi phim không, có nghe bản nhạc mới của nhóm đó chưa, hay chiều nay rảnh đi chơi không,… thì khi đối diện với nhau lúc trưởng thành, hầu hết mọi người lại chỉ quan tâm tới đời sống vật chất và địa vị xã hội của nhau.

Một cô bạn của mình là một người khá thành đạt trong nhóm bạn cũ, mỗi lần nói chuyện với mình, bạn thường nhân tiện hỏi thăm tình hình người này người kia trong lớp mà mình còn giữ liên lạc. Câu hỏi của bạn bao giờ cũng xoay quanh việc người đó nay làm gì, chức vụ nào, có nhà có xe chưa, lấy chồng thì chồng có giàu không, hay con cái có học trường quốc tế không,… Những người nào có đời sống rất ra gì và này nọ thì bạn mới quan tâm hỏi han tiếp, còn với những người làm công ăn lương bình thường thì bạn không mấy để tâm.

Không biết từ bao giờ, thay vì hỏi nhau dạo này đời sống của bạn thế nào, bạn sống có vui không, có trải nghiệm gì mới mẻ không,… thì chúng ta lại dùng thước đo vật chất để đánh giá sự thành công của một người trong xã hội. Chính cái thước đo ấy mới khiến cho không ít người phải dành cả đời để theo đuổi thứ thành công mà xã hội xem là tiêu chuẩn.

Ảnh: Unsplash

Áp lực phải thành công

Một người em thân thiết của mình ngày trước vào đời rất hồn nhiên, em không quá quan trọng chuyện thu nhập mà thấy chỉ cần làm việc sao cho mình đủ sống là được. Đến khi lấy chồng và về sống chung với nhà chồng, bỗng dưng em phải đối diện với áp lực khi cả gia đình chồng em đều rất đặt nặng chuyện kiếm tiền và làm giàu. Dù mẹ chồng em chỉ là tiểu thương bán mỹ phẩm ngoài chợ và nhà chồng em từng rất nghèo, nhưng một tay mẹ chồng em đã gầy dựng sự nghiệp buôn bán tới mức sau này phất lên có thể mua đất mua nhà chia cho con cái trong nhà. Ngay từ nhỏ, chồng em và các chị chồng đã hình thành tư duy rất sợ việc thiếu tiền và luôn làm việc như điên để kiếm tiền liên tục, và không bao giờ thấy đủ.

Khi em mới về nhà chồng, mẹ chồng hỏi em đi làm lương tháng bao nhiêu. Nghe mức lương em nói, mẹ chồng em bảo em làm như vậy thì có kiếm được bao nhiêu đâu. Dù bằng tuổi nhau nhưng mức thu nhập của chồng em cao hơn em rất nhiều, và chồng em chống chế giúp em bằng việc nói tuy em lương thấp nhưng thưởng cao. Chính câu nói đó của cả chồng lẫn mẹ chồng mà em bị mặc cảm và ảnh hưởng tâm lý khá nặng nề, rằng mình rất yếu kém, năng lực mình không tới đâu và mình phải nỗ lực kiếm nhiều tiền hơn để chứng tỏ bản thân. Từ tâm lý này mà em đã từ chối những cơ hội công việc tốt, đem lại cho em nhiều trải nghiệm nhưng có mức lương thấp, để “bán mình cho tư bản” ở những công ty có mức lương cao hơn.

Phải mất một năm sau, em mới cân bằng lại được về tâm lý thì mẹ chồng em lại dội tiếp một gáo nước lạnh. Mẹ chồng bảo em có đi làm văn phòng thêm vài năm nữa thì cũng không kiếm được bao nhiêu, còn không bằng thu nhập mẹ chồng em bán hàng ở chợ, thôi em nghỉ làm ra phụ bán hàng với mẹ đi. Câu nói đó của mẹ chồng một lần nữa làm khơi dậy nỗi đau trong em, khiến em cảm thấy tổn thương và bật khóc. Sau lần đó, chồng em thấy không ổn nên mới quyết định hai vợ chồng sẽ chuyển ra ở riêng. Dù chuyển ra ngoài sống riêng được vài năm, nhưng những gì mẹ chồng nói vẫn là thứ luôn khiến em cảm thấy áp lực – rằng mình phải kiếm thật nhiều tiền thì mới được xem là thành công.

Đến khi quá mệt mỏi với tất cả những gánh nặng mình đeo mang trên người suốt bấy lâu, em quyết định nghỉ việc, chuyển sang làm freelance và ở nhà dành thời gian với con nhiều hơn. Trong thâm tâm, em cảm thấy mình là một người thất bại, không thành công được bằng bạn bằng bè. Lẽ nào, em không đủ giỏi?

Ảnh: Xframe

Ảo ảnh của cuộc đời

Nói đến vinh quang và sự giàu có, có một người giàu mà mình hết sức ngưỡng mộ vì quan điểm của ông đối với đồng tiền. Đó là Andrew Carnegie, người được mệnh danh là “vua thép Mỹ” và tiểu sử của ông cũng là một phần lịch sử của nước Mỹ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó và nhập cư vào Hoa Kỳ, năm 13 tuổi Andrew Carnegie đã phải đi làm công nhân trong nhà máy để phụ giúp gia đình. May mắn thay, ông được một người giàu có hào phóng cho phép những đứa trẻ lao động con nhà nghèo như Carnegie được ghé đến thư viện của ông ấy để đọc sách miễn phí. Có thể nói, hầu hết kiến thức mà Carnegie có được đều là tích lũy từ sách vở suốt những năm tháng ấy.

Nhờ tình yêu sách vở và tư duy được mở mang, sau này ông từng bước thoát nghèo và trở thành giám đốc hãng đường sắt, mở công ty đầu tiên, xây cầu, làm đầu máy xe lửa và đường ray. Công ty thép của ông sau đó được bán cho tỷ phú J. P. Morgan với giá 400 triệu đô la và về sau trở thành Tập đoàn Thép Hoa Kỳ. Toàn bộ khối tài sản kếch xù của vua thép Andrew Carnegie thời đó còn hơn cả hơn cả tài sản của ba người giàu nhất trên thế giới ngày nay (ở thời điểm vài năm trước, hiện nay bảng xếp hạng này đã thay đổi) là Jeff Bezos, Bill Gates và Warren Buffett cộng lại. Dù nổi danh là vua thép giàu có bậc nhất nước Mỹ, nhưng tới lúc cuối đời, ông hoàn toàn trở nên khánh kiệt. Vì sao lại như thế?

Ảnh: www.pbs.org

Với số tài sản khổng lồ đủ sức cho ông sống tới mãn đời mãn kiếp và vài chục kiếp sau, ít ai ngờ tới việc ông quyết định dành toàn bộ tài sản của mình vào việc làm từ thiện. Như để tri ân quý ông giàu có ngày trước đã giúp ông đổi đời nhờ việc cho Carnegie vào đọc sách ở thư viện nhà ông ấy, Carnegie đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và xây dựng rất nhiều thư viện, bảo tàng, trường đại học. Khi nằm trên giường bệnh lúc cuối đời, ông đã cho đi nốt 30 triệu đô cuối cùng trong tài sản của mình và ra đi với hai bàn tay trắng. Trước khi mất, ông yêu cầu người thân khắc trên bia một của mình một câu như sau: “Chết trong giàu có là cái chết đáng hổ thẹn” (The man who dies thus rich, dies disgraced).

Ở vua thép Andrew Carnegie có một quan điểm rất hay về sự giàu có, ông cho rằng người giàu không nên giữ lại tài sản của mình sau khi qua đời. Theo ông, người giàu chỉ đơn thuần là “những người được ủy thác” trông coi tài sản của Thượng Đế và có nghĩa vụ đạo đức là phải phân phát số tài sản đó để thúc đẩy phúc lợi và mang lại hạnh phúc cho quần chúng. Cho đến khi qua đời vào năm 1919, Andrew Carnegie đã cho đi 100% tài sản của mình là khoảng 350 triệu đô-la. Ông tin tưởng hết sức mạnh mẽ rằng sự giàu có là thứ mà chúng ta nên cho đi trong suốt cuộc đời này để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Và câu chuyện của ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều vị tỷ phú sau này cũng nối gót theo ông.

Khi tìm kiếm những bức ảnh của Andrew Carnegie, mình rất ấn tượng khi thấy nhiều bức chân dung của ông được chụp với bối cảnh là những chiếc kệ rất nhiều sách. Ảnh: www.adamsmith.org

Trong quá khứ, có không biết bao nhiêu vua chúa rất “thành công” trong sự nghiệp trị vì của họ với khối lượng tài sản khổng lồ, đất đai cung điện bạt ngàn và vô số ngọc ngà châu báu. Nhưng khi chết đi, họ cũng chỉ nằm vỏn vẹn trong một chiếc quan tài nhỏ bé. Dù cho không ít người cố gắng níu kéo sự giàu có sang thế giới bên kia bằng việc chôn theo vô số của cải, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận cả về mặt hữu hình lẫn siêu hình rằng, một linh hồn khi chết đi thì không thể đem theo những của cải vật chất mà họ kiếm được khi còn sống. Như câu hỏi của người bạn mình đặt ra ở đầu bài thì với mình, kiếm tiền không nên là điều quan trọng nhất hay lẽ sống của bạn ở đời. Sau cùng, chỉ có hai thứ đi theo linh hồn là nghiệp và phước dựa trên quá trình sống của con người ở thế gian, còn tiền bạc của cải nhà cao đất rộng của thế gian thì vẫn nằm lại thế gian.

Những ai chưa thức tỉnh thì sẽ không hiểu được rằng, những tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị mà nhiều người dành cả đời để theo đuổi và tích lũy – tất cả chỉ là những phương tiện mà ông Trời an bài cho mỗi người để học những bài học cần thiết trong kiếp sống hữu hạn này. Dù cho bạn có là tỷ phú triệu đô thì chết đi bạn vẫn trắng tay như một người nghèo khó không có đồng nào trong túi. Người đời vì không hiểu điều này, cứ tưởng tất cả những thứ ấy là của mình nên cứ lao tâm khổ tứ bo bo giữ lấy cho bằng được, mặc sức mà hưởng thụ với tranh giành, hơn thua với nhau để xem ai thành công hơn ai, ai giàu có hơn ai. Có biết bao nhiêu người ngoài kia mỗi ngày đều đang cật lực hao tâm tổn sức để theo đuổi những thứ ảo ảnh của cuộc đời?

Ảnh: Unsplash

Một quan niệm khác về thành công

Nếu xét theo tiêu chuẩn thành công vật chất của xã hội ngày nay, có lẽ những vị như Đức Phật Thích Ca, Mẹ Teresa hay Thánh Gandhi đều không phải là những người thành công. Bởi họ không có nhà cao cửa rộng, đất đai nhiều mẫu, xe hơi (hay xe ngựa) vài chiếc và tiền bạc đủ đầy trong tài khoản. Nhưng trên hết, những đóng góp của họ cho thế giới và di sản mà họ để lại cho cuộc đời này khiến cho tên tuổi của họ được ghi khắc trên toàn cầu, từ mấy ngàn năm trước cho tới cả trăm năm sau khi họ mất.

Trước Warren Buffett, Bill Gates, Jeff Bezos hay gần đây nhất là Elon Musk – những tỷ phú giàu nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, có không ít tỷ phú từng sở hữu khối tài sản lớn hơn họ gấp nhiều lần trong quá khứ, điển hình như vua thép Andrew Carnegie. Nhưng có bao nhiêu người trên thế giới nhớ tới họ vì sự giàu có trong khối tài sản mà họ tích lũy? Hay người ta nhớ họ vì những di sản họ để lại cho đời? Có thể lúc họ còn sống, những người cùng thế hệ với họ sẽ có ấn tượng và quan tâm, nhưng tới thế hệ sau thì hầu như không mấy ai quan tâm tới một-người-từng-rất-giàu.

Gần đây ở Việt Nam có vụ 21 quan chức chính phủ bị bắt vì nhận hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu” đợt diễn ra dịch bệnh Covid-19 với số tiền nham nhũng lên tới 180 tỷ đồng, có cán bộ nhận hối lộ hơn 180 lần với số tiền tới 42,6 tỷ (một năm có 365 ngày mà vị này tham nhũng gần như cách ngày)*. Nhìn vào danh sách đó, chúng ta phần nào đã thấy được bản án cuộc đời của những người bị tâm tham dẫn lối. Họ cố gắng tích lũy tài sản cho bản thân và người nhà (theo cách không trong sạch), để kết cục là phải nhận lãnh quả đắng và mang tiếng xấu cả phần đời về sau.

Ảnh: Unsplash

Trong quan điểm của đạo Cao Đài có một khái niệm gọi là ngũ chi của tôn giáo (tức 5 chi bao gồm nhân đạo, thần đạo, thánh đạo, tiên đạo và Phật đạo – theo thứ tự từ thấp đến cao). Để đắc được những quả vị cao hơn thì nhân đạo – đạo làm người – là cái cơ bản và quan trọng nhất, bởi nếu một người chưa đắc được nhân đạo thì đừng vọng tưởng tới chuyện đắc lên những quả vị cao hơn. Mà để đắc được nhân đạo, con người ta cần không gian, không tham, không ác. Gian – tham – ác là ba cửa ải lớn mà nhiều người trong đời khó vượt qua, như các vị quan chức kể trên là điển hình, khiến cho họ phải rớt đài trong bài thi làm người.

Thay vì đặt ra những tiêu chuẩn thành công về vật chất, con người ta nên theo đuổi sự thành công về mặt lẽ sống ở đời, đó là làm sao sống cho ra dáng con người, một con người tử tế. Cuộc đời này không ghi nhớ hay biết ơn bạn bằng những thành công vật chất bạn tích lũy được cho riêng mình hay cho con cháu của bạn, nó chỉ ghi khắc những gì bạn để lại cho đời sau khi chết đi để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp và đáng sống hơn. Có thể bạn không đủ khả năng để làm những điều lớn lao vĩ đại như Đức Phật, Mẹ Teresa hay Thánh Gandhi, nhưng bạn chỉ cần làm những điều tử tế nhỏ nhặt mỗi ngày, cuộc đời bạn như vậy đã đáng sống và ý nghĩa lắm rồi.

Mẹ Teresa. Ảnh: parade.com

Bạn không cần phải “thành công” theo tiêu chuẩn của người đời và đừng bao giờ tự tạo áp lực cho chính mình là bạn phải thành công theo cách mà người khác mong muốn nhìn thấy ở bạn. Bạn chỉ cần sống sao cho “thành nhân”, vậy là đã đủ. Có thể bạn không giàu về của cải vật chất hay cao về địa vị danh vọng, nhưng chỉ cần bạn thừa sự tử tế, vậy là đã đủ. Mong rằng chúng ta sẽ còn duyên gặp lại nhau trong một kiếp sống khác tốt đẹp hơn, chính nhờ sự tử tế mà chúng ta bắt đầu gieo trồng từ hôm nay trên tiến trình thành nhân.


*Nguồn: 
Mỗi cán bộ nhận bao nhiêu tiền hối lộ vụ ‘chuyến bay giải cứu’? (Báo Tuổi Trẻ)
Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế hơn 180 lần nhận hối lộ 42,6 tỉ trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ (Báo Tuổi Trẻ)

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

4 bình luận

  1. Một góc nhìn của em là self awareness vẫn là khái niệm chưa phổ biến lẫn còn nông đối với mọi người á anh. Em có cơ hội trò chuyện cũng kha khá người, từ trẻ đến hơi chững xíu thì cũng y như anh, mọi thứ xoay quanh “bề nổi” – vị trí, mức lương, sự nổi tiếng trên internet… là nhiều, hễ mà có mention xíu nào đến self love hay thấu hiểu, chấp nhận bản thân thì đều bị gạt đi. Em từng có 1 thời gian cứ quẩn quanh với câu hỏi: Tại sao những gì em đang nghĩ nó không giống lắm với những gì mọi người đang mưu cầu ngoài kia? Và lý do em k active trên FB nữa cũng vì vậy, chỉ cần lướt FB thì em cảm giác em sẽ ngộp thở bởi những gì đang được show off đều là muốn trưng phô để được thế giới công nhận, chứ không hẳn là đang sử dụng Facebook như 1 nơi thể hiện suy nghĩ và góc nhìn. Nên là, em ẩn hết bài viết với cả không đăng gì nữa.

    Em hay nghĩ và tưởng tượng về một mạng xã hội trong lành, nơi mà mọi người có thể học hỏi lẫn nhau, thể hiện được góc nhìn không màng phán xét hay đánh giá… mà có vẻ khó quá anh ????????. Nhưng ở 1 mặt khác, thì em đang có sự thay đổi nhất định trong suy nghĩ về việc chia sẻ, nên chăng bản thân vẫn nên tồn tại ở mạng xã hội hiện tại, và chủ động thể hiện góc nhìn, suy nghĩ của bản thân (dù có phần phiến diện) trước, để hấp dẫn những gì phù hợp và tương đồng, trước khi “đòi hỏi” xung quanh, anh nhỉ?!

    • Chơn Linh Phản hồi

      Vấn đề cách nghĩ của em khác với số đông, nếu nhìn dưới góc độ tâm linh thì là do sự khác biệt về tần số rung động của mỗi người. Những người có sự thức tỉnh về mặt tâm linh (hay nói gần gũi là về mặt linh hồn, con người nội tại bên trong) thì tần số sẽ cao hơn những người khác. Người xưa tóm gọn ý này trong một câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Những người không hợp tần số thì nói chuyện là thấy trớt quớt, không match được với nhau.

      Trên mạng xã hội ngày nay, anh thấy con người ta ngày càng có xu hướng sống ảo và thích phô diễn những cái tốt nhất, đẹp nhất của bản thân để thu hút sự chú ý của người khác và câu like. Cá nhân anh vẫn dùng FB, nhưng unfollow những bạn nào hay khoe khoang phô trương quá nhiều về bản thân. Anh chỉ follow những ai có góc nhìn hay quan điểm gì đó thú vị, trong lĩnh vực của họ, để mình học hỏi thêm và nhìn cuộc đời qua lăng kính của những người khác. Bởi nếu em chỉ ở trong cái circle của mình, với những thứ quen thuộc, em sẽ bị giới hạn về mặt tư duy nhiều.

      Cái mạng xã hội lý tưởng mà em nói đó, thực ra nó đã từng tồn tại ở cái thời Yahoo Blog và Yahoo 360 trước đây. Thời đó ai cũng chia sẻ những nội dung dài và chất lượng, vì lần đầu tiên họ có một platform trên mạng để chia sẻ suy nghĩ tâm tư của mình. Các nền tảng mạng xã hội sau này đều hướng tới content ngắn và giải trí để thu hút sự chú ý nên cách họ educate hành vi cho người dùng cũng khác. Bản thân anh từ lâu đã ngừng việc chia sẻ quan điểm của mình lên FB cá nhân, ngay cả những bài blog thế này anh cũng ko share lên FB. Đơn giản chỉ vì người khác không có nhu cầu lắng nghe mình nói, và đôi khi mình nói quá nhiều ý kiến cá nhân còn bị gắn nhãn là thích thể hiện. Mình chỉ nên nói những thứ quan trọng với đúng người và ở nơi phù hợp. Rất khó để tìm em bạn tâm giao hay tìm người cùng tần số ở những nơi xô bồ như FB. Bởi nếu hướng tới mục tiêu tìm những người phù hợp và tương đồng, sẽ không ai vào chợ để tìm kiếm cả.

  2. Lưu Mộng Ngọc Nhi Phản hồi

    Mình cũng bị ngộp đến nỗi, dù unfollow khá nhiều friends hoặc thi thoảng dọn bớt friends, vẫn không chịu được khi lướt feeds. Nhiều sự phô bày mà mình thấy rõ đằng sau nó là 1 trời khổ não của bạn bè, mình lướt đi không like thì cũng được hỏi thăm sao dạo này không tương tác bài đăng :). Đến nỗi, bây giờ phải chuyển sang 1 account mới để follow những page cần follow, còn acc cũ thì chỉ dùng messenger để bạn bè liên lạc.
    Không chỉ FB, mà ở những nền tảng xã hội khác, nội dung rác vẫn rất nhiều, nhưng vẫn có những viên ngọc sáng, quan trọng là bản thân mình lọc lựa những nội dung phù hợp với mình là được.
    Về nội dung của bạn quan tâm, mình cũng rất quan tâm, và mình nhận ra khi mình quan tâm tới vấn đề gì, hay dừng lại lâu để đọc, để xem thì fb hay youtube nó cũng recommend nhiều các chủ đề đó, đặc biệt là trong cuộc sống, tớ cũng có duyên gặp những người có cùng những quan tâm như thế.

    Ngày an.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Bởi vậy bây giờ ai thành công mà không đi khoe khắp mạng xã hội cho mọi người biết mới đáng ngưỡng mộ ^^.

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.