Mình có vài người bạn, lâu ngày có việc cần liên hệ, mới nhắn tin trên Messenger cho bạn, rồi phát hiện không tìm thấy tên bạn được. Mới đầu cứ ngỡ bạn block mình, sau đó mới phát hiện bạn đã deactive (khóa) Facebook rồi. Lúc này đành phải gọi điện hoặc SMS hỏi thăm tình hình.
Mẫu thức chung của những bạn deactive Facebook thường là:
- Gặp vấn đề gì đó trong chuyện tình cảm, công việc hay cuộc sống, và muốn trốn tránh cả thế giới –> khóa Facebook.
- Cảm thấy mình bị nghiện Facebook, bị lệ thuộc vào Facebook, mất nhiều thời gian cho nó quá –> khóa Facebook hoặc xóa Facebook app luôn.
Ở trường hợp (1), có một cái ngược ngạo lạ đời là, tuy bạn khóa Facebook để trốn tránh thế giới thật, để xa lánh các mối quan hệ trên thế giới ảo, nhưng lại len lén âm thầm hy vọng có một ai đó thật sự để ý đến mình, quan tâm mình, nhận ra mình đã biến mất trên mạng xã hội và hỏi thăm. Lúc đó, có người như vậy xuất hiện, bạn xem người đấy như vàng mà trân quý vô cùng.
Nhưng sự thật là vàng thì ít mà thau thì nhiều, đôi lúc ta hay bị vàng thau lẫn lộn, bởi vì người ta cần nói chuyện với bạn thì mới liên hệ bạn, hay thân thiết lắm ở mức độ bạn bè thường hay rủ nhau đi ăn đi chơi thì mới để ý, chứ sao đòi hỏi bao người không thân, trăm người trong friendlist để ý đến sự hiện diện của mình hết được. Khi đó, không nên vội vàng kết luận là, những người còn lại chả ai quan tâm đến mình.
Bạn ơi, khi có vấn đề bạn phải nói ra, hoặc biểu đạt ra bằng một cách nào đó thì người khác mới nhận ra mà quan tâm đến bạn trên thế giới ảo. Ví dụ một chuyện, có những bạn nhà có người thân mất, đổi avatar sang màu đen thì ai nấy cũng tự hiểu mà hỏi thăm, chứ nếu bạn rơi vào trường hợp đó (ai rồi cũng phải đối diện thôi) mà bạn không làm gì cả thì ai biết mà hỏi thăm, rồi không ai hỏi thăm thì lại cho rằng người khác vô tâm, và tự ngược (tự làm khổ) lấy mình. Chi khổ vậy?
Nhớ lời ông bà dặn nè: “Không có mợ thì chợ vẫn đông”, và Chơn Linh tiếp thêm lời ông bà: “Còn khi có mợ thì chợ sẽ xôm”.
Ở trường hợp (2), đây là trường hợp mình gặp ở khá nhiều bạn trẻ. Như hôm nọ nhờ một bạn nhân viên vào Facebook để test giúp mình một cái link trên mobile, bạn bảo bạn xóa ứng dụng Facebook trên điện thoại rồi nên không vô được. Hỏi thăm bạn thử vì sao xóa, thì nghe bảo là cảm thấy mất nhiều thời gian cho Facebook quá nên xóa để… cai nghiện.
Nói về cụm từ “cai nghiện Facebook”, mới nghe thì thấy cũng đúng, vì nghiện nên mới phải cai, nhưng càng ngẫm kĩ lại thì càng thấy sai trái dễ sợ. Người ta nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy tới mức độ phải đi vào trại tập trung cai nghiện thì mục đích là để từ bỏ hoàn toàn cái thứ gây nghiện đó và không bao giờ dùng lại lần nữa trong cuộc đời mình. Còn cai Facebook, có mấy chế cai rồi một thời gian sau tiếp tục quay trở lại dùng, hóa ra là tái nghiện lại à?
Về căn bản, Facebook cũng chỉ là một công cụ dùng để giao tiếp, tương tác với nhau trên nền tảng mạng xã hội. Cái chánh vẫn là chúng ta làm chủ công cụ, chứ không để công cụ làm chủ mình rồi lệ thuộc vào nó. Như mình, mỗi sáng sớm khi thức dậy vẫn lướt newsfeed Facebook ào ào, vẫn dùng Facebook hàng ngày, nhưng mình không gọi đó là nghiện, cũng chẳng thấy lệ thuộc gì vào Facebook cả vì chỉ dùng khi cần (giao tiếp online với ai đó) và dùng khi quỡn (xem thử bạn bè trong circle của mình hôm nay có gì vui).
Facebook chẳng có tội tình gì, nên cũng đừng làm tình làm tội rồi ác cảm nó. Cái người ta thật sự ác cảm không phải là Facebook, mà là thế giới những người khác đang sống trên đó:
- Lướt newsfeed, thấy bạn bè đang đi du lịch nước ngoài, đi phượt xuyên Việt, đi ăn chơi ở những nơi sang trọng… –> tự nhiên thấy mình nhỏ bé như hột cát, hạt muối, con kiến rồi tủi thân, thấy mình vô tích sự quá nên khóa Facebook để làm việc chăm chỉ hơn thôi ==> Ủa bạn ơi, Facebook là nơi tốt khoe xấu che mà, đâu ai lên Facebook mà phô diễn những khiếm khuyết mặt xấu hay thất bại của họ cho thiên hạ xem đâu. Ngừng so sánh, bớt tủi thân đi, ai cũng có cái hay ho của riêng mình. Khi thấy người khác thành công hơn mình, hãy vui giùm họ và chúc mừng họ. Như vậy là luyện được cái tâm bớt sân si rồi đó.
- Lướt newsfeed, thấy bạn bè mới đạt thành tựu gì đó trong công việc, được thăng chức lên title nghe hoàng tráng, làm công ty global đi công tác nước ngoài như đi siêu thị –> nhìn xuống thấy mình local ghê nên khóa Facebook tập trung mần việc cho đỡ quê ==> Bạn à, bất kỳ vinh quang nào cũng phải trả giá, người ta có lên được vị trí đó làm được công ty tầm cỡ đó cũng không phải chuyện dễ dàng, muốn được vậy thì ráng cày vật vã hơn đi. Còn không thì tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình.
- Lướt newsfeed, thấy bạn bè dạo này đẹp lồng lộn, sang chảnh quá, có người yêu có bồ đám cưới kết hôn tè le –> lấy gương soi lại bản mặt mình nhìn thấy ghê nên khóa Facebook để không ai thấy mình ghê ==> Ủa ghê thì lấy tiền dặm lên bản mặt nè, đi spa tân trang da mặt, xài mỹ phẩm, đi làm tóc, thay đổi cách ăn mặc để dát lụa lên người, ít ra không tốt gỗ thì có nước sơn bóng lộn rồi đó. Còn muốn có bồ thì chịu khó ra ngoài xã hội tham gia nhiều hoạt động, dự án, tương tác với người thật việc thật đi, chứ ngồi ở nhà reaction người ta rồi hỏi sao có bồ được.
Nên nhớ rằng, Facebook chỉ là công cụ, còn bạn mới là ông chủ bà chủ lady and gentlemen nên hãy bắt nó phục vụ cho mình, làm theo ý mình chứ đừng để nó trèo lên đùi lên cẳng mình ngồi.
Một vài mẹo nhỏ từ Chơn Linh để dùng Facebook nhẹ nhàng và dịu dàng hơn:
1. Những gì bạn không thích và không muốn thấy thì hãy để chúng lượn đi
- Ác cảm với mấy đứa thích thể hiện –> unfollow nó đi
- Ác cảm với mấy đứa hay khoe khoang nhan sắc –> unfollow nó đi
- Ác cảm với mấy đứa hay nói nhảm nói xàm cả cuộc đời cô đặc lại không được một bịch muối i-ốt –> unfriend luôn đi
Unfollow và unfriend là một cách “dọn rác” Facebook và thanh lọc newsfeed để từ đây mỗi lần lướt feed không còn thấy tiêu cực và tủi thân.
2. Chọn page để đọc, chọn người để theo
Có những page làm content rất có tâm, và trên Facebook không hiếm expert (chuyên gia) hay influencer (người có ảnh hưởng tới cộng đồng) ở nhiều lĩnh vực bạn quan tâm. Hãy follow và chọn see first bài viết của những người này để được truyền cảm hứng mỗi ngày khi lướt newsfeed.
3. Im lặng, nếu không có gì hay ho để chia sẻ
Nếu bạn bị làm phiền bởi những status tiêu cực, vô nghĩa của những người khác thì có khả năng bạn cũng đang trong diện bị liệt vào blacklist của nhiều người với những content bạn hay chia sẻ.
Chơn Linh có một quan niệm nhỏ: Nếu không có gì hay ho để viết thì tốt nhất nên im lặng và dùng thời gian đó làm chuyện khác.
Áp dụng những mẹo trên, bạn đang tạo một bộ lọc (filter) cho chính Facebook cá nhân của mình. Từ nay, hãy học cách sống chung với Facebook một cách thông minh thay vì xa lánh, ruồng rẫy nó. Tội nghiệp!