Ảnh: Unsplash

Mỗi buổi sáng khi bước vào văn phòng, âm thanh quen thuộc đầu tiên mình nghe được là tiếng chạy ro ro của chiếc máy pha cà phê nằm ở một góc quầy pha chế. Sau khi ăn sáng xong thì từng người một bước tới chiếc máy để pha một ly cà phê bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Tiếng máy pha cà phê sẽ vang lên liên tục trong quãng thời gian từ 8 đến 9 giờ, theo giờ giấc đi làm khác nhau của nhân sự. Mùi cà phê có phần đậm đặc và nồng nặc lan đi trong không khí, có vẻ dễ chịu và khơi gợi cảm hứng với ai say mê cà phê, nhưng thi thoảng làm mình khó chịu vì quá nồng.

Mình thích mùi cà phê, ở mức độ vừa phải, nhưng không có thói quen uống cà phê. Dù từ nhỏ nhà mình ở đối diện nhà người hàng xóm bán cà phê, và ba mẹ mình có thói quen mỗi sáng đều uống cà phê và còn duy trì thói quen đó cho đến tận bây giờ.

Hồi đó khi chưa biết gì về tác dụng của cà phê, mình khá ngây thơ khi nghĩ rằng cà phê chỉ là một dạng thức uống giống như sữa đậu nành hay nước ngọt, trà đá, mà người ta tiện tay thì mua để uống kèm bữa sáng như một combo có ăn thì có uống. Sau này ra đời đi làm văn phòng, thấy đồng nghiệp hầu như ai ai sáng nào cũng uống một ly cà phê, mình tìm hiểu mới biết hóa ra có một chất gọi là caffeine trong cà phê, một chất hóa học tự nhiên có khả năng kích thích não và hệ thần kinh trung ương, giúp người uống cà phê trở nên tỉnh táo và ngăn ngừa mệt mỏi, thậm chí còn đem lại nguồn cảm hứng tràn trề.

Hồi trước khi công ty mình làm việc ở một văn phòng bình dân hơn, mọi người tự túc chuyện mua cà phê nên thường sáng sớm mình sẽ thấy các bạn đồng nghiệp mua sẵn một ly đem theo, tới đầu giờ chiều thì order trà sữa để tỉnh táo làm việc. Mỗi ngày ít nhất phải hai cữ như vậy. Đến khi sang văn phòng mới sang chảnh hơn, được tòa nhà trang bị sẵn quầy pha chế và máy pha cà phê ở mỗi tầng, thì mỗi sáng, mỗi trưa mình đều thấy nhiều đồng nghiệp pha cà phê uống, thậm chí có khi 4-5 giờ chiều vẫn nghe tiếng máy chạy ro ro khi có người uống tới cữ thứ ba trong ngày.

Ảnh: Unsplash

Bởi cá nhân mình là một người không uống cà phê hay trà sữa, và rất ít khi chọn uống hai thứ này ngay cả khi được mời, nên mình rất tò mò về lý do vì sao người ta lại ghiền một thức uống gì đó đến như vậy. Khi trò chuyện với bạn bè và đồng nghiệp, mình phát hiện có hai kiểu người với lối sinh hoạt hoàn toàn khác nhau. Một nhóm là các bạn cú đêm, thường thức khuya tới 2-3 giờ sáng nên mỗi sáng nếu không nạp caffeine vào người thì chẳng thể nào tỉnh táo nổi để làm được bất cứ việc gì. Một nhóm là những người đi ngủ sớm và dậy sớm, nhưng trong quá khứ cũng từng là cú đêm hoặc từng có thói quen uống cà phê nên bây giờ căn bản là không bỏ được mà vẫn tiếp tục duy trì thói quen đó. Điều trớ trêu ở đây là, ngay cả khi ngủ đủ giấc thì mỗi sáng nhóm thứ hai vẫn phải cần caffeine mới tỉnh táo được.

Rốt cuộc, sự tỉnh táo của tâm trí con người chúng ta lại phải phụ thuộc vào một chất kích thích đến từ bên ngoài, thay vì chúng ta tỉnh táo vì đầu óc ta thật sự tỉnh táo. Vậy cái sự tỉnh táo nhờ caffeine có phải là một dạng tỉnh táo giả tạo? Và cái giá mà chúng ta phải trả cho sự tỉnh táo ấy là gì?

Ảnh: Unsplash

Một người em của mình làm việc cho một công ty phần mềm của Nhật, luôn phải làm việc với cường độ rất cao theo những tiêu chuẩn khắt khe của người Nhật. Cách đây không lâu, một bạn coder em quen biết trong giới thường xuyên phải OT xuyên đêm, rồi bạn bị đột tử chết lúc 2-3 giờ sáng. Em nói với mình rằng trong thế giới của em thì hầu hết ai cũng phải vậy cả, càng đảm nhiệm vai trò quan trọng thì công sức càng phải bỏ ra gấp nhiều lần, nên với em việc thức khuya tới 2-3 giờ sáng là chuyện bình thường như cơm bữa. Và như một hệ quả kèm theo, mỗi ngày làm việc em phải nốc tới ba cữ cà phê sáng-trưa-chiều thì mới đủ tỉnh táo để làm việc. Nghe em kể vậy, mình mới nói đùa rằng em bị nghiện cà phê thật rồi. Em chối đây đẩy rằng em đâu có “nghiện cà phê”, mà không uống thì không tỉnh táo được thôi. Mình mới đặt ra cho em một câu hỏi tu từ để em suy ngẫm: “Vậy thì có khác gì với người nghiện thuốc lá, rượu bia hay ma túy đâu em?”.

Em bảo trường hợp của em vậy là còn nhẹ, chứ đồng nghiệp của em một số người đã nhập viện vài lần rồi. Mình bảo em đừng vội chủ quan, với lối sống đó thì cơ thể em có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, chỉ là bây giờ chưa phải lúc đó thôi chứ cũng đừng nên vội mừng hay tự tin là mình còn trẻ, còn khỏe hơn khối người. Như một cái điềm, vừa nói chuyện với em tuần trước xong thì tới tuần sau, mình nghe em nhắn tin kể lại sự việc em vừa trải qua lúc sáng. Em trải qua một giấc mộng dài và sâu, đến khi giật mình tỉnh dậy thì cả người như vỡ ra cả hàng ngàn mảnh, đến nhấc tay lên cũng không nhấc nổi. Em gồng mình lết dậy nhưng không ăn nổi được chút gì, đầu óc choáng váng và không tỉnh táo. Cảm giác của em lúc ấy như một con robot hết pin, ngay cả chuyện thở cũng không thở nổi.

Em lết về giường và nằm mê mệt cả ngày trời, dù thử ngồi dậy vài lần nhưng vẫn trong tình trạng cũ. Nằm một mình trong phòng trọ, em bật khóc vì bất lực và suy nghĩ về những lời mình nói, về cái cách mà em đã đối xử tệ bạc với chính cơ thể em trong suốt mấy năm qua. Em sám hối và khẩn cầu thần linh trả lại cho em sức khỏe và sự tỉnh táo. Mãi đến chiều tối em mới dần dần bình phục và từ từ tỉnh táo lại. Một trải nghiệm hết sức kinh hoàng và ám ảnh đối với em.

Ảnh: Unsplash

Trái ngược với người em kể trên, một chị sếp mình từng làm việc cùng có lối sinh hoạt hết sức điều độ và chuẩn mực, chẳng hạn như đi ngủ từ rất sớm và tự nấu ăn mỗi ngày ở nhà, rất hiếm khi ăn hàng quán bên ngoài, ngay cả các nguồn thực phẩm chị chọn mua cũng phải là hàng hữu cơ hoặc nông nghiệp sạch thì chị mới an tâm ăn. Đợt giãn cách xã hội ở TP.HCM, công ty mình cũng hạn chế tập trung đông người nên thời gian đầu còn chia team đi làm xen kẽ nhau. Có một hôm chị đi làm chung lịch với mình và chỗ bán cà phê quen mỗi sáng đã nghỉ bán vì dịch, thế là buổi sáng hôm ấy chị không uống cà phê như mọi ngày. Ngồi đến đầu giờ trưa thì chị bắt đầu mệt mỏi, uể oải và không thể tỉnh táo làm việc được, phải đi bộ sang một tiệm cà phê gần đó mua một ly để nạp caffeine vào người. Chị trần tình với mình rằng thiếu cà phê trong người bứt rứt, khó chịu quá nên không thể không uống được.

Ở độ tuổi U50, với mấy mươi năm đi làm vào hàng thâm niên, và cũng là ngần ấy năm uống cà phê như một thói quen, sự tỉnh táo của chị mỗi ngày đều phải phụ thuộc vào một ly cà phê mỗi sáng. Đó là điều mà quả thực mình thấy lạ lùng và khó hiểu, vì lẽ ra với lối sống và nếp sinh hoạt chuẩn chỉnh như thế, chị sẽ có thừa tỉnh táo mà không thậm chí không cần dùng đến caffeine như một hoạt chất kích thích. Bên cạnh mặt lợi dĩ nhiên caffeine cũng có mặt hại, vì não trạng của những người thường xuyên uống cà phê đã quen sản xuất nhiều thụ thể adenosine (chất tạo ra tác dụng kích thích thần kinh) như một cách bù đắp cho những tế bào bị chặn bởi caffeine. Đổi lại, lượng thụ thể cao hơn đòi hỏi bạn phải tiêu thụ một lượng caffeine cao hơn để đạt được đủ lượng chất “sửa chữa caffeine” trong não bộ. Điều này tạo ra một vòng lặp, khiến những người uống cà phê thường xuyên có nguy cơ trải qua những thay đổi về não bộ và trở nên phụ thuộc vào caffeine.

Hiển nhiên là, việc uống cà phê với liều lượng trung bình thì không có nguy cơ nào đối với sức khỏe, và nếu khả năng của bạn cho phép duy trì thói quen uống cà phê mỗi ngày để kích thích hệ thần kinh thì cũng chẳng ảnh hưởng tới ai, ít nhất thì thói quen này cũng không quá tệ như việc nghiện thuốc lá, rượu bia hay ma túy. Nhưng cá nhân mình không thích việc để bản thân bị lệ thuộc vào bất kỳ loại chất kích thích nào để có thể tỉnh táo sống hay làm việc. Sự tỉnh táo thuận tự nhiên có thể đến từ rất nhiều con đường như sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya dậy muộn, hành thiền hay bất cứ bộ môn nào rèn luyện chánh niệm, tập thể dục, v.v.

Ảnh: Unsplash

Khi quay về sống chậm và học cách lắng nghe cơ thể, bạn sẽ biết rõ khi nào cơ thể bạn mệt mỏi và cần nghỉ ngơi, và cái sự mệt đó bắt nguồn từ nguyên nhân nào. Bạn không thể nào thức tới 2-3 giờ sáng rồi đòi hỏi bộ não mình phải thật tỉnh táo vào ngay sáng hôm sau, khi đó bạn lại cầu viện đến caffeine để não trạng giả lập nên một tình trạng tỉnh táo ảo – sự tỉnh táo đến từ tác nhân kích thích bên ngoài chứ không phải sự tỉnh táo bền vững đến từ bên trong. Khi bạn xây dựng sức khỏe tâm trí dựa trên một nền tảng lỏng lẻo như vậy, một ngày nào đó cái nền móng đổ sụp và toàn cơ thể bạn sẽ bị chấn động. Nhẹ thì đơn giản là kiệt sức, rơi vào tình trạng như người em mình kể trên, còn nặng thì đột quỵ, có thể bị sập nguồn bất cứ lúc nào.

Để đạt tới trạng thái tự do vượt thoát, một linh hồn sẽ không tự trói buộc nó vào bất kỳ tác nhân nào bên ngoài, nhất là đối với những loại chất kích thích. Bản thân những chất kích thích là một trong những tác nhân kiềm hãm sự phát triển và tiến hóa của linh hồn, khi bạn phải vay mượn rất nhiều thứ giả tạo bên ngoài để bù đắp cho sự thiếu thốn bên trong. Một lối sống thuận tự nhiên dĩ nhiên không phải lúc nào cũng toàn mỹ, vì có những ngày bạn sẽ không thể tỉnh táo tập trung được và cũng có những ngày bạn hoàn toàn tập trung cao độ. Khi ấy chúng ta chỉ cần nương theo trạng thái của cơ thể, những ngày cơ thể mỏi mệt thì làm việc nhẹ nhàng, từ tốn và chậm rãi vừa sức mình, sau đó cần dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để sạc đầy pin lại cho cơ thể.

Khi mình duy trì một nếp sinh hoạt điều độ, giữ mọi thứ ở mức hài hòa vừa phải, có những ngày tâm trí mình như một tấm gương sáng có thể nhìn thấu suốt tất cả mọi thứ. Nhưng chỉ cần một vài rối loạn trong nếp sinh hoạt, chẳng hạn như lỡ thức khuya luyện phim, lỡ ăn quá no hay làm việc gì đó quá sức, sáng hôm sau mình sẽ thấy trạng thái tinh thần đi xuống thấy rõ và sự tỉnh táo cũng không còn. Đó là những thước đo mà tự bản thân mỗi người có thể cảm nhận được khi biết lắng nghe cơ thể để tự mình điều chỉnh và thay đổi lại cho phù hợp. Duy trì được trạng thái cân bằng là điều lý tưởng cho cơ thể và sức khỏe tâm trí.

Ảnh: Unsplash

Đối với những bạn nào đang nghiện caffeine như một chất truyền cảm hứng và sự tỉnh táo cho bạn mỗi ngày, bỏ hẳn cà phê là một chuyện rất rất khó, cũng như bạn bắt một người phải bỏ thuốc lá hay ma túy trong một sớm một chiều. Chưa kể việc bỏ cà phê đột ngột có thể gây ra một số triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, lo lắng, bồn chồn, run rẩy,… vì não trạng của bạn bị đứt gãy cơ chế nạp caffeine và nó chưa quen được với việc đó. Do vậy, bạn chỉ có cách cắt giảm liều lượng từ từ cho tới khi dứt hẳn. Tuy nhiên, việc bỏ hay không bỏ cà phê lại là lựa chọn cá nhân, nếu bạn thấy đó là điều thực sự cần thiết và hữu ích cho cuộc sống của bạn về sau.

Trong trường hợp của người em mình kể trên, vốn dĩ thần linh không lấy đi của em sức khỏe hay sự tỉnh táo, cũng không phải em bị ai trừng phạt hay bị nghiệp quật, mà đơn giản theo luật nhân quả thì bất cứ cái nhân nào bạn gieo cũng sẽ có lúc bạn gặt quả. Chính bản thân em là người nợ em sức khỏe và sự tỉnh táo, khi bản thân em thiếu nợ và em chưa trả nợ được cho cơ thể thì lại đi vay mượn từ chất kích thích. Kết cục, khi món nợ tích lũy lại quá lớn, em bị đòi nợ một cách đột ngột và bất ngờ mà chính em cũng không nghĩ có ngày mình lại rơi vào tình cảnh đó. Chỉ khi lâm vào cảnh bệnh tật, con người ta mới thấy được rằng trên đời này không có thứ gì quan trọng bằng sức khỏe của bản thân cả.

Bạn cứ tiếp tục vay mượn và thiếu nợ đi, rồi một ngày bạn sẽ phải trả giá. Chỉ là chúng ta không biết cái giá đó bao nhiêu và chủ nợ sẽ xuất hiện vào khi nào.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.