Có những quyển hồi ký mở đầu bằng một áng văn thật đẹp, thật nên thơ, để rồi lần giở tiếp những trang sau đó là khốc liệt thời chiến chinh thấm đầy máu và nước mắt. Mình biết cuốn hồi ký Gánh gánh… gồng gồng của bà Xuân Phượng từ mấy năm trước, khi một bạn đọc quen của Tiệm sách Tà Lơn có hỏi thăm về cuốn này vì trên thị trường lúc ấy đang cháy hàng. Đến khi mình cầm cuốn sách trên tay thì cũng đã là chuyện của bốn năm sau đó, và cuốn sách đã được tái bản lần thứ mười một – một thành tích đáng gờm đối với một quyển hồi ký của một tác giả Việt Nam.
Đọc Gánh gánh… gồng gồng, mình mới biết thêm chân dung và câu chuyện cuộc đời của bà Nguyễn Xuân Phượng (năm nay đã hơn 90 tuổi) – người đã từng chứng kiến khoảnh khắc vua Bảo Đại thoái vị cũng như là người quay lại thước phim lịch sử xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Cuộc đời của bà có quá nhiều câu chuyện sống động như một chứng nhân của lịch sử, từ một cô tiểu thư con nhà quan thân Pháp rời bỏ gia đình đi theo cách mạng để rồi tới hơn 30 năm sau, gia đình bà mới được đoàn tụ nơi xứ người.
Một quyển hồi ký không văn vẻ, không sến sẩm, cũng không văn phong điêu luyện trác tuyệt, mà nó rất thực và rất đời với những mẩu chuyện đời người mà người đọc phải có những khoảng lặng lòng ngẫm lại.
Mời quý bạn đọc thưởng lãm trích đoạn hôm nay:
“Năm 1929, ba tôi được bổ nhiệm làm Thanh tra Học chính kiêm Hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất lúc bấy giờ ở Đà Lạt. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà nằm sau khuôn viên nhà trường. Hai gốc mimosa hướng thẳng vào phòng ngủ. Vào mùa hoa nở, những cánh hoa mong manh màu vàng nhạt tinh khiết đêm đêm tỏa hương.
Hàng chục cây hồng mai cổ thụ nằm dọc theo khuôn viên nhà trường. Gần Tết, theo từng cơn gió lạnh, hồng mai trải một thảm hoa ngát thơm ngập lối đi.
Vài ngày một lần, mấy chị em tôi ra vườn và đem về những bó hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa violet, hoa cẩm tú cầu cùng những giỏ dâu tây chín mọng còn đẫm sương.
Mỗi chủ nhật, ba má tôi cùng bạn bè Đà Lạt cho cả lũ chúng tôi đi trèo thác Camly, vào rừng hái nấm. Buổi tối hôm trước, bác bếp đã chuẩn bị đủ món để trưa hôm sau cả nhà ăn trưa giữa rừng, rồi tắm suối, rồi cưỡi ngựa… Tối tối, khi thành phố lên đèn, mấy chị em tôi khoác vai nhau đi về phía cầu Ông Đạo ngắm hồ Xuân Hương. Lúc nào trên tay cũng có những trái bắp nướng nóng hổi rưới bơ và nước mắm.”
(Trích đoạn sách “Gánh gánh… gồng gồng”, Xuân Phượng,
NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản năm 2020)