Ảnh: Andrew Neel

Hiện nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số hóa với sự bùng nổ dữ dội của thông tin trên khắp các phương diện trong đời sống. Mỗi ngày bạn thức dậy, có vô số thông báo từ email, Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, Messenger, Zalo,… đang chờ bạn kiểm tra và phản hồi, cũng như vô vàn thông tin mới rải rác khắp nơi đang chờ bạn cập nhật. Con người dường như lọt thỏm trong tâm bão của kỷ nguyên thông tin với vô vàn luồng thông tin chạy khắp bốn phương tám hướng xoay họ như chong chóng mỗi ngày, mà nếu chỉ bỏ lỡ một vài xu hướng nào mới là bạn sẽ như người tối cổ trong mắt bạn bè, đồng nghiệp.

Nếu như chỉ mới vài năm trước đây, vấn đề chúng ta quan tâm nhất về việc tiếp thu thông tin là làm sao lọc ra được những nguồn thông tin chất lượng trong muôn trùng nguồn tin bát nháo. Còn bây giờ, chúng ta phải đối mặt với một vấn đề nan giải hơn: Làm thế nào để tiếp thu thông tin hiệu quả giữa một rừng đầy rẫy thông tin hay và hấp dẫn? Ví dụ nếu bạn muốn đọc sách, có bạt ngàn sách mới ra liên tục hay ebook miễn phí trên mạng, mà cuốn nào cũng thấy hay, rồi sao đọc cho hết? Hay nếu bạn muốn xem phim, có vô số lựa chọn từ phim chiếu rạp tới phim chiếu mạng, từ miễn phí tới có phí, phim nào xem trailer hay đoạn cut cũng thấy cuốn, rồi sao xem cho hết? Hay nếu bạn muốn nghe podcast, bạn như lạc vào một đại dương podcast với hàng trăm kênh mà chủ đề nào bạn cũng hấp dẫn, rồi sao?

Ảnh: Robynne Hu

Choáng ngợp với cuộc cách mạng thông tin

Cách đây khoảng một trăm năm, để một tin tức từ Mỹ lan truyền ra khắp thế giới thì nó cần có thời gian để truyền đi, bắt đầu từ thành phố xảy ra tin tức đó, lan ra khắp tiểu bang, rồi lan tỏa tới các tiểu bang lân cận, sau đó mới lan tới các quốc gia sát Mỹ, rồi qua nhiều đường mới tỏa ra khắp thế giới. Để một thông tin như vậy từ Mỹ truyền tới được Việt Nam có thể phải mất vài ba tháng. Nhưng ngày nay, bạn có thể ngồi tại nhà, chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính trên tay là đã có thể cập nhật tình hình thế giới theo thời gian thực. Internet dường như xóa nhòa mọi biên giới vật lý ngăn trở con đường lan truyền thông tin theo cách truyền thống như trước đây.

Vào năm 1986, nếu bạn gom thông tin từ tất cả các kênh truyền thông như phát thanh, truyền hình, sách, báo cho một người bình thường tiếp nhận, lượng thông tin đó tương đương với 40 tờ báo mỗi ngày, với độ dày mỗi tờ là 45 trang. Đến năm 2007, người ta ghi nhận con số đó tương đương với 170 tờ báo mỗi ngày. Chỉ trong vòng hơn 20 năm, số lượng thông tin mà một người có thể tiếp nhận đã tăng gấp 4 lần (*). Ở thời điểm hiện tại là năm 2023, tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng bạn có thể hình dung rằng con số ấy không ngừng tăng lên và tăng phi mã. Trên thực tế, dù là ở thời điểm năm 1986 hay hiện tại, việc đọc 1-2 tờ báo mỗi ngày đã là quá nhiều đối với hầu hết chúng ta. Nhưng ngày nay, lượng thông tin ấy bùng nổ hơn bao giờ hết, khiến chúng ta luôn ở trong cảm giác choáng ngợp vì có quá nhiều thông tin mới mỗi ngày.

Waldemar

“Thông tin” ở đây là khái niệm mình dùng chung cho tất cả các nguồn dữ liệu chúng ta nạp (input) vào đầu qua các kênh xem, nghe, đọc, học ở cả phương diện vật lý lẫn phi vật lý (từ sách, báo, truyền hình, phim ảnh, mạng xã hội, website,…), chứ không chỉ giới hạn ở tin tức trên báo chí hay trên mạng. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà có rất nhiều bên đang tìm đủ mọi cách để “thao túng” sự chú ý của chúng ta. Đó là các công ty công nghệ đứng đằng sau các mạng xã hội lớn, hay các công ty truyền thông và các đơn vị kinh doanh, hay các nhà sản xuất nội dung số,… với ba mươi sáu kế và bảy mươi hai phép thần thông trong khoản thâu tóm sự chú ý của bạn trên không gian số. Bởi lẽ sự chú ý của bạn trên các nền tảng hay sản phẩm/dịch vụ của họ là mấu chốt để họ kiếm được lợi nhuận trong kinh doanh.

Nếu không đủ tỉnh táo, bạn rất dễ bị cuốn vào cơn bão thông tin này và rơi vào trạng thái quá tải. Cái gì bạn cũng muốn đọc, cái gì bạn cũng muốn xem, cái gì bạn cũng muốn nghe, cái gì bạn cũng muốn học, đã vậy lại còn muốn tiếp thu càng nhiều và càng nhanh. Thực trạng của thời đại mới là chúng ta đang hấp thụ quá nhiều thông tin so với mức chúng ta có thể xử lý, suy nghĩ và chiêm nghiệm. Khi chạy theo số lượng và tốc độ như vậy, hệ quả là bạn đang hy sinh chiều sâu hiểu biết của mình ở mọi khía cạnh khi mọi thứ bạn tiếp nhận đều bị lan man, rời rạc và thiếu tập trung. Để rồi hậu quả là sự kiệt sức và cuộc sống của bạn dần trở nên phức tạp, rối rắm hơn nhưng chẳng có gì hiệu quả.

Chroki Chi

Sống tối giản trong bão thông tin

Gần đây một chị bạn có hỏi mình rằng, chị thấy chị có rất nhiều thời gian rảnh nhưng không hiểu sao lúc nào cũng thấy không đủ thời gian để thực hiện những mục tiêu của bản thân. Để trả lời câu hỏi này, mình có mượn hình ảnh chiếc bình thủy tinh trong câu chuyện kinh điển về quản lý thời gian. Một vị giáo sư đặt ra đề bài cho sinh viên của ông là nếu có một chiếc bình thủy tinh cùng những quả bóng golf, bịch đá sỏi và bịch cát, họ sẽ lấp đầy chiếc bình bằng các vật dụng ấy như thế nào? Trật tự sắp xếp của bạn sẽ phản ánh cách bạn sử dụng thời gian có hiệu quả hay không. Lời khuyên là bạn nên đổ những quá bóng golf vào trước, sau đó là đá sỏi vào và cuối cùng là cát. Mấu chốt của nghệ thuật quản lý thời gian nằm ở chỗ ưu tiên cho những việc thực sự quan trọng. Bởi nếu bạn dành hết tâm sức của mình cho những việc nhỏ nhặt, thì bạn lấy đâu thời gian dành cho những việc quan trọng nữa?

Trong việc tiếp nhận thông tin ngày nay, chúng ta cũng có một chiếc bình thủy tinh tương tự như thế để chứa đựng những thông tin đầu vào. Để sống tối giản trong bão thông tin, câu hỏi then chốt mà bạn phải tự hỏi chính mình đó là: Điều gì là quan trọng nhất với mình ở thời điểm hiện tại? Nếu không xác định được những mối ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống thì chiếc bình của bạn chỉ là những mớ hỗn độn thông tin bạn nhồi nhét vào mỗi ngày. Với cái tâm tham của con người, thông tin nào chúng ta cũng thích và cũng muốn nạp vào đầu, cộng với hiệu ứng FOMO (nỗi sợ bị bỏ lại) nên chúng ta luôn tranh đua với nhau để xem ai nạp được nhiều thông tin hơn. Người ta coi chương trình đó và chia sẻ ầm ầm trên mạng thì tôi cũng phải coi theo để không bị tụt hậu. Bạn bè xung quanh ai cũng nghe kênh podcast đó thì tôi cũng phải nghe để không bị thua kém. Chi vậy?

Ảnh: Kier in Sight

Muốn sống tối giản trong một thế giới tràn ngập thông tin, trước hết bạn phải ý thức rằng bạn đang bị quá tải và lan man trong việc nạp thông tin đầu vào, bạn thấy mình xem – nghe – đọc – học rất nhiều nhưng kết quả là chẳng tiến được bao nhiêu mà vẫn loay hoay giậm chân hoài một chỗ. Sau đây là một số kinh nghiệm tối giản hóa thông tin đầu vào của mình, xin chia sẻ để quý bạn đọc tham khảo và linh hoạt áp dụng tùy theo từng trường hợp.

1. Kênh đọc

Là một người mê sách, trước đây mình mua sách khá nhiều và mua bất cứ quyển nào thuộc phạm vi đề tài mình thích. Số sách mình mua mà chưa đọc tới có lúc lên tới gần cả trăm quyển, cũng như mình có gần cả ngàn ebook ở tất cả các thể loại vì mỗi lần hứng lên là tải vô tội vạ. Sau một thời gian tiêu tốn quá nhiều vào việc mua sách nhưng mức độ tiếp thu không mấy hiệu quả, mình quyết định ngừng hẳn việc mua sách mới theo sở thích mà chỉ mua những quyển nào thật sự quan trọng với mình ở thời điểm đó.

Đối với việc đọc sách, ở một thời điểm thì mình chỉ đọc 1-2 cuốn sách thuộc nhóm chủ đề mình đang đào sâu nghiên cứu và sẽ để chúng nằm trong tầm tay ở khu vực mình thường ngồi đọc sách, còn số sách khác thì mình sẽ để trên kệ hay cất vào tủ để tránh sự phân tâm khi đang đọc cuốn này mà muốn nhảy sang cuốn khác. Trên máy đọc sách Kindle, mình cũng chỉ để 1 ebook cần đọc ở thời điểm hiện tại để có sự tập trung, khi đọc xong rồi thì xóa hẳn và copy sách mới vào.

Ảnh: Balázs Kétyi

Đối với thông tin số, mình thường đăng ký nhận newsletter (bản tin) ở một số website thuộc lĩnh vực mình quan tâm hay follow một số người sống sâu, có tư duy tốt trên mạng xã hội (khác với những người có sức ảnh hưởng, vì nhiều người có hàng triệu follow nhưng nội dung họ chia sẻ rất nông). Như câu nói “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành thời gian nhiều nhất”, mình muốn tiếp nhận thông tin từ những người hay ho mà ở họ có những góc nhìn sâu sắc để mình có thể học hỏi. Do vậy newsfeed của mình trên mạng xã hội hầu hết đều là các nguồn thông tin chất lượng. Nếu bạn thích những gì mình viết, bạn cũng có thể đăng ký nhận bản tin trên blog của mình để nhận bài viết mới hằng tuần. Thay vì theo dõi cả 100 người, bạn chỉ cần theo sát 10 người chất nhất là đã đủ.

Đối với tin tức, mình dành ra 10-15 phút lướt báo điện tử mỗi ngày để cập nhật thông tin. Mình thường chỉ chọn một trang báo chính thống để xem, ví dụ như Thanh Niên, chứ không xem lan man quá nhiều trang. Là một người học Báo chí, mình thừa hiểu báo chí bây giờ mang tính chất định hướng dư luận và bị kiểm duyệt phần nhiều. Tuy nhiên, mục đích của mình khi đọc báo là để có góc nhìn tổng quan về tình hình chung trong nước và thế giới, cũng như các tiêu điểm mà dư luận quan tâm. Nghe hơi khô khan nhưng việc nắm những tin tức này rất hữu ích để mình có những input khái quát về đời sống xã hội, có chủ đề để giao thiệp khi cần, hay giúp gắn kết các mối quan hệ hơn. Chẳng hạn mình có thể hỏi thăm tình hình một chị bạn bên Canada khi biết khu bờ Đông ở bển mới cháy rừng gần đây.

Ảnh: freestocks

2. Kênh xem

Là một người mê điện ảnh, phim ảnh là một trong những nguồn giải trí của mình. Có những thời điểm có hàng loạt bộ phim hấp dẫn lên sóng cùng lúc, phim nào cũng có diễn viên mình thích hay đề tài mình hứng thú, làm sao có thể xem hết được? Quá trình theo một bộ phim, nhất là phim truyền hình sẽ mất khá nhiều thời gian và dễ gây xao nhãng khi bạn phải mong ngóng phim ra tập mới mỗi tuần. Do đó, mình lựa chọn phim để xem cũng rất kỹ lưỡng và chỉ xem bộ nào giúp mình thật sự giải trí hay học hỏi được nhiều từ nó.

Lúc series Stranger Things của Mỹ nổi đình nổi đám trên Netflix mấy năm trước, nhà nhà người người đều xem, nhưng lúc đó mình không mấy ấn tượng nên không xem. Đến khi phim ra hết 4 mùa, trong một mùa Tết mình đã xem trọn bộ và cảm giác thật ép phê, bởi bạn xem được liền tù tì mà không bị đứt mạch phim và đặc biệt là xem khi bạn đang có mood. Lúc bộ The Glory (Vinh quang trong thù hận) của Hàn mới ra trên mạng thì mọi người cũng chia sẻ ầm ầm, dù phim có hai diễn viên chính là Song Hye Kyo và Lee Do Hyun mình đều thích, nhưng nội dung phim khá u ám và bạo lực nên mình không xem. Nói chung bạn không nhất phải đu trend theo thiên hạ, mà hãy xem những thứ bạn thật sự muốn xem.

Xem phim với mình không chỉ là giải trí mà còn là một cách thức để học về đời sống qua góc nhìn của các nhân vật và bối cảnh sống của họ. Có những lúc mình sẽ ưu tiên xem các series phim Anh-Mỹ nhiều hơn để kết hợp luyện nghe và học tiếng Anh, vì mình chủ yếu coi phụ đề tiếng Anh. Chính nhờ quá trình luyện phim bền bỉ như vậy mà giờ khả năng Listening của mình cũng tốt hơn, có thể nghe ra những accent đặc trưng của người bản xứ và xem phim có thể không cần nhìn phụ đề vẫn nghe hiểu được phần lớn nội dung.

Ngoài xem phim, mình còn subscribe một số kênh YouTube học ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung hay những kênh chia sẻ thông tin hữu ích. Mình không subscribe nhiều bạn YouTuber nổi tiếng hiện nay vì thực tế xem cách họ phô diễn cuộc sống và thành tích của họ thì mình chỉ sinh phức cảm tự ti và thấy bản thân nhỏ bé kém cỏi hơn.

Ảnh: Juja Han

3. Kênh nghe

Xu hướng nghe podcast ngày nay đã trở nên cực kỳ thịnh hành và có rất nhiều podcaster nổi tiếng với những nội dung chất lượng và lượng subscriber cực lớn. Có lần một người bạn hỏi mình có nghe podcast của anh Hiếu Nguyễn hay của chị Chi Nguyễn (The Present Writer) không, mình nói không vì thấy… nghe mất thời gian. Không phải mình chê nội dung podcast của họ, chỉ đơn giản là vì mình không có thói quen tiếp nhận thông tin qua kênh nghe. Trong các kênh tiếp thu thông tin VAK của mình, mình mạnh ở kênh Visual (Thị giác) hơn là kênh Auditory (Thính giác) và Kinesthetic (Xúc giác). Nói cách khác, mình có xu hướng dễ tiếp thu thông tin qua việc đọc hay xem hơn là nghe hay vận động (vừa chơi vừa học). Những bạn nào mạnh về kênh Thính giác thì sẽ thích nghe podcast, audiobook hơn là đọc trực tiếp.

Với những người có kênh tiếp thu thông tin qua Thính giác không trội như mình, bảo mình nằm nghe một podcast nào đó là nghe một hồi sẽ mơ màng ngủ luôn chứ không tiếp thu được gì. Ngược lại, bạn nào có kênh Thị giác không trội thì cầm cuốn sách đọc một hồi là cũng thăng thiên không còn biết trời trăng mây gió gì nữa. Cho nên đối với mình, việc phải bỏ ra từ nửa tiếng tới hơn cả tiếng đồng hồ để nghe mấy chương trình podcast nổi tiếng như Have A Ship của Vietcetera hay mấy bài pháp thoại của các thiền sư nổi tiếng thì không hiệu quả. Bởi thực tế là, khi dành ra ngần ấy thời gian để nghe thì nghe xong mình chỉ đúc kết được vài ý quan trọng (kiến thức khi được chuyển tải qua một buổi trò chuyện thường cà kê dê ngỗng dây cà ra dây muống), trong khi nếu dùng thời gian đó đọc sách thì mình đã đọc được vài chương sách với kha khá thứ hay ho thâu lượm được.

Nhiều bạn không hiểu lý thuyết VAK này nên cứ hay áp đặt lên người khác xu hướng tiếp thu thông tin trội của bạn, ví như bạn thích nghe podcast và thấy nó hay thì không có nghĩa rằng người khác cũng cảm thấy giống như bạn. Khi mình biết kênh nghe là điểm yếu của mình, mình chỉ tận dụng nó trong trường hợp cần nghe thụ động như luyện Listening tiếng Anh hoặc nghe những audiobook nào mà mình không tìm được bản sách giấy hay ebook.

Ảnh: Compare Fibre

4. Kênh học

Nếu bạn là một người ham học hỏi thì ngày nay có vô số khóa học offline và online dành cho bạn, từ học chuyên môn, học kỹ năng sống cho tới học ngoại ngữ, học thể thao, học cầm – kỳ – thi – họa, v.v. Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn xoay quanh câu hỏi: “Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn ở thời điểm hiện tại?”. Có những người mình thấy rất ham học, nhưng chính vì ham quá mà thành tham, cái gì cũng muốn học mà học không tới nơi tới chốn nên mỗi thứ chỉ biết một ít chứ không biết sâu. Đơn cử là một chị bạn của mình, chị đi học cùng lúc 4-5 khóa, trong đó có tới 3 lớp ngoại ngữ luyện 3 kỹ năng khác nhau, một lớp yoga và một lớp đàn tranh. Bởi học lan man như vậy nên chị không thể tập trung trọn vẹn cho một khóa học nào, vô lớp này thì quên trước quên sau không nhớ bài, cuối cùng không có kỹ năng nào là chị thành thạo được để làm vốn lận lưng.

Có lần một người em chia sẻ với mình link một khóa học về chủ đề “Justice” (Công lý) của Đại học Harvard mà em khá tâm đắc. Mình có biết khóa này cách đây 7 năm khi nó mới ra. Dù cho đề tài rất thú vị và nội dung bài giảng rất hay, nhưng thú thực là mình chưa học và cũng không có ý định học. Đơn giản chỉ vì thời lượng toàn bộ khóa học là 12 tiết, mỗi tiết dạy trong 1 tiếng, tổng cộng mình phải mất 12 tiếng để học hết nguyên khóa. Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là mình có cần phải bỏ ra 12 tiếng chỉ để học về một triết lý có thể đúc kết trong một câu ngắn gọn: “Phải trái đúng sai chỉ có giá trị tương đối và có nhiều việc trên đời nằm ở vùng xám chứ không phân rõ trắng đen”? Nếu mình bỏ ra 12 tiếng để học nó thì đồng nghĩa rằng mình cũng đang đánh mất chi phí cơ hội để học những kiến thức khác hữu ích và thiết thực hơn cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, nếu mình cần phải làm luận án tốt nghiệp hay thi hùng biện cấp quốc gia về đề tài này thì có lẽ mình sẽ đầu tư 12 tiếng để học hết cả khóa.

Đối với kênh học, mình chỉ ưu tiên những khóa học nào thiết thực đối với sự nghiệp và cuộc sống của mình, đặc biệt là ở những kiến thức hay kỹ năng mình còn thiếu mà có nó trợ lực thì sẽ giúp mình cảm thấy tự tin hơn. Bên cạnh việc học chuyên môn hay kỹ năng, mình vẫn khuyến khích bạn theo học một khóa nào đó về nghệ thuật để theo đuổi một sở thích và phát triển con người nghệ sĩ bên trong bạn. Ở một thời điểm, bạn chỉ nên theo học 1-2 khóa và nên theo đuổi tới cùng để hoàn thành chương trình hay lấy cho được chứng chỉ, nhưng cao hơn là bạn phải tích lũy được bộ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể dùng được. Khá nhiều người đăng ký những khóa học online trên Coursera hay edX nhưng vào học được vài buổi đầu rồi lặn mất tăm chỉ vì thiếu kỷ luật với bản thân.

Ảnh: Ben White

Trong câu chuyện về quản lý thời gian liên quan đến chiếc bình thủy tinh, vị giáo sư đó sau cùng còn đổ thêm hai chai bia vào bình với ngụ ý rằng: Ngay cả khi bạn thấy cuộc sống của mình đã quá bận rộn và đầy đủ thì vẫn luôn còn chỗ cho những niềm vui nho nhỏ, chẳng hạn như một chầu bia với bạn bè. Sống tối giản trong thế giới tràn ngập thông tin không có nghĩa là bạn phải tối giản hóa thông tin đầu vào một cách cứng nhắc và chỉ tập trung vào những thứ thật sự nghiêm túc. Có đôi lúc, hãy dành cho bản thân chút thời gian để vui chơi giải trí. Như mình vẫn lướt TikTok hay vẫn xem review đồ ăn trên YouTube khi buồn chán, nhưng mình ý thức được mình đang sử dụng nó để giải quyết nhu cầu nào của bản thân và giữ nó trong phạm vi kiểm soát được. Nó khác với việc bạn nằm dài cả buổi sáng cuối tuần chỉ để lướt từ mạng xã hội này sang mạng xã hội khác rồi cảm thấy kiệt quệ và nhận ra thời gian của mình đã bị các nền tảng ấy lấy cắp.

Sau cùng, có hai điểm quan trọng để bạn sống tối giản trong thế giới tràn ngập thông tin. Một là, bạn cần ý thức rằng thời gian và sức lực của mình là những nguồn lực có giới hạn và không nên lãng phí chúng cho những thông tin nhỏ nhặt, lan man, không quan trọng. Hai là, bạn cần dành sự ưu tiên hàng đầu cho một vài điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn để chọn lọc thông tin đầu vào phù hợp và dành toàn tâm toàn ý cho nó, có như vậy bạn mới tiến xa được trên hành trình phát triển bản thân.


Tài liệu tham khảo:
(*) Nghiên cứu của Tiến sĩ Martin Hilbert thuộc Đại học Southern California và Tiến sĩ Priscilla López thuộc Đại học Mở Catalonia

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.