Đọc “Chuyện nhỏ Sài Gòn” của chú Đàm Hà Phú, ấn tượng những câu chuyện tẳn mẳn mà đầy tình người của tác giả kể. Mình cũng đã gặp nhiều câu chuyện tẳn mẳn vụn vặt như thế, chẳng hạn như chuyện đi xe. Ở Sài Gòn, có một nỗi ám ảnh mình sợ nhất là khi đi đường mà xe máy hư hay gặp trục trặc bất ngờ.

Cái lần hư xe đầu đời khi vừa mới đem chiếc xe cũ kĩ gia truyền ở nhà lên Sài Gòn là đợt chở nhỏ bạn chuyển đồ qua kí túc xá khu B. Vừa chạy tới cổng kí túc xá thì xe bị cán chi đó thủng bánh, thế là hai đứa phải dắt bộ trong khu rừng rú ra mặt đường để vá xe. Vừa mới vá xong chạy xe chưa được vài trăm mét thì tạch tạch xe tắt máy. Rồi lại dắt sang một tiệm khác, hì hục sửa, thay xăng rồi chạy tiếp. Cứ tưởng chỉ đến vậy là cùng, ai dè xe chạy tới gần Suối Tiên thì thôi, cái bánh mới vá dở chứng ỏng ẹo tà tà xẹp lại. Hai anh chị lại phải dẫn nó tới tiệm thứ ba và đi tới quyết định thay luôn ruột xe mới. Đúng là quá tam ba bận chớ có hề sai. Và nhỏ bạn này  còn là khắc tinh với chiếc xe của mình khi hễ mỗi lần nó leo lên xe ngồi là tự dưng cái xe gặp vấn đề và phải đi sửa, nên từ đó cạch mặt ẻm luôn.

Ở Phan Thiết quê mình, mỗi lần hư xe thì tâm trạng rất là dung dăng dung dẻ và còn thư thái, không có gì phải lo lắng hốt hoảng bởi người mình thì rất hiền. Không sửa chỗ này thì chạy đi chỗ khác, buồn tình thì dắt luôn về nhà để đó cho người khác sửa giùm. Và cứ dắt xe đi trên đường là thể nào cũng có mấy bác xe ôm rất nhiệt tình hỏi xe bị gì vậy rồi chỉ luôn chỗ sửa cho. Mà thường, những trục trặc mình gặp rất là sơ đẳng chẳng hạn hết xăng vì cây kim xăng bị hư ở nhà không ai thèm sửa. Có bận đang chạy giữa đường thấy tai nạn xe cộ, tự dưng cái xe giật mình tạch tạch và chết máy giữa đường. Đạp hì hục hoài không lên, mở bình xăng ra là biết ngay hăng rết hết xăng. Thế là dắt ngay qua cái cô bán nước kiêm thuốc lá có đổ xăng mà bình xăng luôn bỏ trong tủ không trưng ra ngoài cho người ta biết, chỉ có khách quen là mấy bác xe ôm. Vừa thấy mình từ xa dắt tới là cổ cầm ngay bình xăng trên tay đợi sẵn: “Hết xăng phải hôn, tao nhìn thấy mày đạp tạch tạch từ xa là biết rồi!”.

Còn có một chuyện nhiệt tình vô đối mà không thể không kể ra ở quê mình, có lần mình đi sửa xe ở tiệm. Anh thợ sửa xe lấy giấy tờ trong cốp xe ra rồi cất ở đó luôn quên đưa lại. Bẵng đi sau đó mấy tuần, mình đi mua đồ ăn sáng đối diện tiệm sửa xe đó. Chạy xe đi về tới nửa đường thì thấy anh đó chạy xe theo kêu í ới, nói em quên giấy tờ tiệm anh bữa nào ghé lấy nha, không thì cho địa chỉ anh đem xuống tận nhà.

Ở Sài Gòn, nếu bị hư xe mình chủ động hỏi thì người ta sẽ nhiệt tình chỉ chỗ sửa, còn im re thì cũng chẳng ai quan tâm mình làm gì. Có lần chạy xe dưới chợ Thủ Đức, tới đầu chợ tự dưng xe lảo đảo lảo đảo như làm xiếc. Dự là có điều bất an xảy ra bèn dừng xe lại liếc con mắt trái xuống cái bánh xe sau thì thấy bị xẹp lép. Dắt bộ đi một đoạn, nhìn thấy mấy tiệm sửa xe lớn bên kia đường định băng qua thì có chú xe ôm bên đó chỉ chỉ qua phía này, quay lại sau lưng thì thấy một tiệm vá xe. Xe mình bị cán đinh, vá hết mười hai ngàn mà trong ví chỉ còn tờ một trăm với mười ngàn. Đưa chú vá xe một trăm ngàn không có tiền thối nên chú bớt luôn hai ngàn chỉ lấy tờ mười ngàn.

Nói vậy chớ xe mà bị lủng thì có vá chỉ là cấp cứu kịp thời, còn lâu dài thì không an toàn. Chỉ dăm ba hôm sau mình chạy ngoài đường, thấy cái xe xà nẹo xà nẹo là biết ngay lỗ vá bị lủng nữa rồi, mà bị lủng ngay trung tâm thành phố mới ghê. Dắt xe đi bộ một hồi, hỏi một bác xe ôm bên đường, bác này cũng lắc đầu không biết chỗ nào vá xe gần đây. Nhưng thấy mình dắt đi tội quá nên chạy đi vòng vòng kiếm giùm chỗ cũng gần ngay đó. Qua bên tiệm mình thay luôn cái ruột xe mới đi cho lành. Tự dưng thấy thương mấy bác xe ôm ở Sài Gòn đến lạ.

Có bận mình đi thay nhớt với rửa xe, cái xe trải qua mùa mưa lội nước dơ hầy, mình chạy lòng vòng mấy tiệm gần chỗ ở để rửa. Có điều bị cận mà ra đường hiếm khi đeo kính nên mỗi lần chạy qua thấy cái bảng tiệm nào đề thay nhớt rửa xe là mình đều bị hụt qua một đoạn. Thế là chạy từ đầu đường tới cuối đường, thấy ngay cây xăng có đề bảng rửa xe bự chảng bèn tấp vào luôn cho lành. Gặp ngay lúc anh chủ tiệm chuẩn bị dọn đồ đạc đi về thì mình tấp vào, thấy mặt mình tội tội hay sao nên anh quyết định bày đồ ra lại để “giải quyết hậu quả” cho mình.

Tính thay nhớt xe, tính từ lần thay nhớt cuối cùng là lúc Tết tới bây giờ cũng là nửa năm, mà gặp ngay tiệm này chỉ rửa xe không thay nhớt mặc dù bổn tiệm có dán bảng bự chảng thay nhớt bên ngoài. Hỏi ra mới biết anh này chỉ mới ra nghề làm khoảng tuần nay, lúc trước chạy xe ôm, bây giờ vợ đẻ phải ở nhà chăm con nên đổi nghề này cho có thời gian rảnh. Thấy mình cũng lỡ ghé tiệm rồi nên anh chạy qua cây xăng mua bình nhớt đem về thay cho mình luôn. Lần đầu tiên mới thấy rửa xe bằng bọt tuyết, mình ngồi nhìn anh rửa xe một cách tỉ mỉ là biết người mới vô nghề làm cho khách rồi. Rửa xe xong, ảnh khen xe sạch sẽ thì mặt chủ cũng sáng láng đẹp trai hơn, còn dặn lần sau có rửa xe nhớ ghé tiệm ủng hộ, nghe mát dạ mát gan.

Trước đây, khi đọc những câu chuyện về lòng tốt của người Sài Gòn, mình chả bao giờ tin nổi mà cho rằng chỉ có trên mặt giấy, vì ngay năm nhất vào Đại học đã bị ấn tượng xấu về nhiều người Sài Gòn mình gặp. Nhưng khi bạn sống vừa đủ lâu ở Sài Gòn, bạn sẽ thấm được lòng tốt của người Sài Gòn qua từng câu chuyện nhỏ hằng ngày như thế.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.