
Mỗi khi cầm một cuốn sách trên tay, bạn có bao giờ thắc mắc về quy trình ra đời của nó? Một cuốn sách phải trải qua những công đoạn nào để từ nhà xuất bản hay công ty phát hành sách đến tay độc giả?
Trước hết, chúng ta cần phân biệt 2 loại sách: sách nước ngoài và sách trong nước. Sách nước ngoài là sách của tác giả nước ngoài, được mua bản quyền và dịch thuật từ ngôn ngữ gốc (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn,…) sang tiếng Việt. Còn sách trong nước là sách của tác giả Việt Nam, có thể viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nhưng xuất bản ở địa phận Việt Nam.
Quy trình xuất bản sách mình đề cập ở đây chủ yếu tập trung vào sách nước ngoài (tạm gọi là “sách dịch” cho rõ, để phân biệt với sách được xuất bản ở nước ngoài hay sách bằng tiếng nước ngoài được phát hành ở Việt Nam) vì có nhiều công đoạn hơn, và đây cũng thường là loại sách chiếm phần lớn trên thị trường xuất bản cũng như được nhiều độc giả quan tâm nhất.
Quy trình xuất bản sách dịch
Một cuốn sách dịch tiêu chuẩn sẽ đi qua 8 công đoạn sau đây:
1. Chọn sách
Mỗi đơn vị xuất bản sẽ có những thế mạnh riêng và định hướng phát triển đề tài riêng, do vậy bộ phận Bản quyền của đơn vị đó sẽ chọn sách dựa trên tiêu chí này. Nguồn sách chọn chủ yếu đến từ thư chào hàng của các nhà xuất bản nước ngoài cũng như kho sách đã phát hành của các nhà xuất bản gốc mà đơn vị xuất bản ở Việt Nam có mối liên hệ.
Trong một công ty xuất bản, tùy theo quy mô lớn nhỏ của tổ chức mà khâu chọn sách bản quyền có thể đơn giản hay phức tạp. Công ty nhỏ thì chỉ cần trưởng phòng bản quyền hay giám đốc sản xuất trực tiếp quyết định chọn mua cuốn nào, nhưng công ty lớn thì phòng Bản quyền sẽ tham khảo ý kiến của nhiều bộ phận chuyên môn khác như phòng Biên tập, phòng Kinh doanh, phòng Marketing/PR,… thậm chí là tổ chức họp để đánh giá sách bản quyền và bỏ phiếu bình chọn cuốn sách sẽ mua chung cuộc.

2. Mua bản quyền sách
Sau khi chốt danh sách mua bản quyền, phòng Bản quyền chịu trách nhiệm làm việc với nhà xuất bản nước ngoài hay agency đại diện của tác giả để thương thảo về bản quyền. Đối với những cuốn sách bestseller, nằm trong top các bảng xếp hạng trên toàn cầu hay tác giả nổi tiếng thì sẽ có nhiều nhà tranh nhau mua bản quyền và sẽ có sự pitching (đấu thầu) về giá, bên nào ra giá cao hơn thì sẽ giành được quyền mua cuối cùng. Thông thường, các nhà xuất bản nước ngoài sẽ ưu tiên cho các đối tác lâu năm, có mối quan hệ thân thiết với họ và đã từng mua bản quyền những cuốn sách trước của cùng tác giả. Những công ty xuất bản trong nước nào có tiềm lực tài chính mạnh thì cũng sẽ có cơ hội nhỉnh hơn trong việc pitching để giành sách hay.
Sau khi chốt deal thành công, hai bên sẽ soạn thảo và ký kết hợp đồng bản quyền. Một hợp đồng bản quyền sách thường có thời hạn trung bình 5 năm, nhiều thì tầm 7 năm. Trong thời gian đó, công ty xuất bản sẽ cố gắng sản xuất cuốn sách càng sớm càng tốt để đưa được cuốn sách phát hành ra thị trường, bởi lẽ rút ngắn được công đoạn sản xuất thì họ mới tận dụng được quãng thời gian còn lại để bán sách và thu về lợi nhuận. Các vấn đề khác như khai thác ebook, audiobook cũng sẽ được đàm phán trong điều khoản hợp đồng.
Vào tháng 10 hằng năm, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt lớn nhất thế giới lại được tổ chức ở Đức, quy tụ giới xuất bản ở khắp các nước. Hội sách là nơi trao đổi bản quyền, giao lưu của những người làm xuất bản trên thế giới. Các công ty xuất bản lớn của Việt Nam cũng thường có đại diện tham dự mỗi năm.

3. Dịch thuật
Có một điều mà không phải độc giả nào cũng biết, đó là hầu hết các công ty xuất bản đều outsource (thuê ngoài) việc dịch sách. Nhiều người thường lầm tưởng rằng các công ty xuất bản có đội ngũ dịch thuật sách riêng, nhưng thông lệ trong ngành từ xưa đến giờ là việc dịch thuật đều chuyển ra ngoài cho đội ngũ dịch giả cộng tác với đơn vị xuất bản thực hiện. Khi tìm hiểu về vấn đề này, mình chưa tìm thấy câu trả lời nào chính thức mà chỉ có thể tạm lý giải dựa trên hiểu biết của bản thân:
- Xét về tính cơ cấu, mô hình tổ chức ban đầu của nhà xuất bản hay công ty phát hành sách vốn dĩ không có vị trí dịch thuật viên, mà thường chỉ có vị trí biên tập viên vì thời kỳ đầu làm sách trong nước nhiều hơn, về sau người ta cứ theo lệ đó mà làm.
- Xét về vấn đề vận hành tổ chức xuất bản, việc tuyển dụng và duy trì đội ngũ dịch giả nội bộ thì tốn kém chi phí rất nhiều (lương bổng phải trả cao hơn biên tập viên), trong khi thuê cộng tác viên dịch thuật thì tối ưu chi phí hơn rất nhiều.
- Xét về tính chuyên môn, đa số dịch giả là người giỏi ngoại ngữ hoặc giỏi ngoại ngữ và có trình độ chuyên môn cao trong một lĩnh vực ngành nghề nào đó thì họ thường sẽ chọn làm việc ở những môi trường có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn là làm trong ngành xuất bản với mặt bằng lương tương đối thấp.
Sau khi sách được mua bản quyền, bộ phận Biên tập sẽ phụ trách tìm cộng tác viên dịch thuật phù hợp nhất với đề tài và am hiểu lĩnh vực chuyên môn của cuốn sách để triển khai công đoạn dịch sách. Mỗi công ty xuất bản thường sẽ có một đội ngũ cộng tác viên lâu năm hoặc những dịch giả quen biết trong mối quan hệ cá nhân của các biên tập viên. Thời gian dịch thuật trung bình cho một cuốn sách sẽ kéo dài từ 1-3 tháng.

4. Biên tập
Sau khi có bản dịch, biên tập viên của đơn vị xuất bản sẽ tiến hành công đoạn biên tập – chỉnh sửa và gia cố bản dịch sao cho câu chữ thuần Việt, văn phong rõ ràng, dễ đọc dễ hiểu mà vẫn đảm bảo tính chính xác của nội dung bản gốc. Tùy vào quy trình làm việc của từng đơn vị mà có nơi chỉ biên tập một vòng, có nơi biên tập tới hai vòng (bởi hai biên tập viên khác nhau) để hạn chế sai sót và tận dụng được sự đa dạng góc nhìn của trí tuệ tập thể. Quá trình biên tập trung bình cho một cuốn sách sẽ mất tầm 1 tháng.
5. Dàn trang & thiết kế bìa
Khi cuốn sách được biên tập xong, biên tập viên sẽ chuyển file biên tập cuối cùng sang cho bộ phận Thiết kế để tiến hành khâu dàn trang và thiết kế bìa. Dàn trang là việc sắp chữ và cấu trúc cuốn sách để ra được phần ruột sách – layout. Tùy vào tính chất nhân sự của phòng Thiết kế mà có khi một designer sẽ đảm nhận cả hai khâu dàn trang và thiết kế bìa, hoặc mỗi khâu sẽ do một designer riêng đảm nhận.
Bìa sách thường là phần quan trọng nhất của cuốn sách vì ảnh hưởng tới yếu tố kinh doanh (đa số độc giả đều đánh giá sách qua cái bìa), thành ra khâu thiết kế bìa thường có sự tham dự của trưởng phòng kinh doanh hay giám đốc sản xuất để chọn lọc ra mẫu bìa ưng ý và phù hợp nhất với cuốn sách trong nhiều option bìa khác nhau.

6. Morasse
Trong quá trình biên tập, mặc dù bản thảo đã qua cặp mắt “cú vọ” của từ một đến hai biên tập viên, nhưng việc bản thảo có sót lỗi đánh máy, lỗi chính tả hay lỗi trình bày,… là điều khó tránh khỏi, nhất là khi độ dài trung bình của một cuốn sách thường từ 70.000 – 120.000 chữ, tương ứng với 280 – 400 trang. Chưa kể trong quá trình dàn trang cũng có thể phát sinh lỗi trình bày, ví dụ chữ quên bold, quên italic hay size chữ to bất thường, chữ bị lệch dòng, bị rớt chữ,…
Khi có bản bon (đọc là “bông”) – tức bản in thử sách từ layout, chuyên viên morasse (hay morat) sẽ phụ trách dò lỗi. Nhiệm vụ của họ là đọc lại cuốn sách trên bản in (hoặc trên máy tính) trong tâm thế của một độc giả bình thường và dò tìm lỗi còn sót từ quá trình biên tập hay dàn trang. Tùy theo quy trình ở từng công ty mà vị trí morasse này sẽ do chính biên tập viên của cuốn sách đó đảm nhận hay là biên tập viên khác trong bộ phận Biên tập. Thông thường, biên tập viên khác đọc morasse sẽ khách quan hơn, bởi lẽ có những chỗ đã là “điểm mù” của biên tập viên chính thì khi họ có đọc lại cũng sẽ không thể phát hiện ra.
Sau khi dò lỗi xong, chuyên viên morasse sẽ gửi bản bon cho biên tập viên chính duyệt lại những chỗ đã sửa, sau đó mới chuyển lại cho chuyên viên designer dàn trang để chốt file xuất in.
7. Xin giấy phép xuất bản
Đối với nhà xuất bản (nhà nước), ở công đoạn này họ chỉ cần đăng ký thông tin cuốn sách lên Cục Xuất bản, In và Phát hành. Nhưng đối với công ty phát hành sách (tư nhân), biên tập viên phụ trách cuốn sách sẽ đăng ký với nhà xuất bản mà công ty họ liên kết để xin giấy phép xuất bản, đồng thời gửi kèm layout và bìa sách; sau đó nhà xuất bản mới đăng ký lên Cục. Quá trình xin giấy phép phải mất 1-3 tuần kể từ lúc đăng ký, vì biên tập viên bên nhà xuất bản phải đọc lại bản bon một lần nữa để kiểm duyệt nội dung và phản hồi nếu có những điểm cần chỉnh sửa.

8. In ấn
Khi có giấy phép xuất bản, đơn vị xuất bản mới có thể chuyển file xuất in sang nhà in để tiến hành công đoạn in sách và gia công (đóng gáy, hiệu ứng bìa,…). Sách sau khi in xong sẽ được chuyển về kho của đơn vị xuất bản, họ sẽ cần nộp sách lưu chiểu (bản lưu cuốn sách) lên cho Cục. Sau đó, sách mới được phân phối tới các các kênh phát hành của đơn vị xuất bản đó.
Quy trình xuất bản sách trong nước
Đối với sách trong nước của tác giả Việt, quy trình xuất bản gần như giống với sách dịch, nhưng chỉ khác ở công đoạn bản quyền là đơn vị xuất bản ký kết hợp đồng tác quyền trực tiếp với tác giả chứ không thông qua nhà xuất bản gốc hay agency. Hợp đồng bản quyền trung bình có thời hạn 3-5 năm. Khi tác giả là người Việt, biên tập viên sẽ là người trao đổi trực tiếp với tác giả về bản thảo. Quá trình biên tập sách, dàn trang hay thiết kế sau đó cũng sẽ có sự tham gia của tác giả để đóng góp ý kiến và hoàn thiện đứa con tinh thần của tác giả.
Vậy bạn làm ở công đoạn nào trong 8 công đoạn trên vậy?
Biên tập viên cty sách thì làm từ công đoạn 4, 6, 7 đó bạn. Nguyên chuỗi 8 công đoạn này là nhiều team trong 1 cty xuất bản cùng làm như P. Bản quyền, P. Biên tập, P. Dàn trang – Thiết kế, P. In ấn, P. Kinh doanh & Truyền thông v.v.