Lẽ thường trên đời sinh con ra là cha mẹ, yêu thương con nhất trên đời cũng là cha mẹ. Trong ca dao tục ngữ hay lời ca tiếng hát, có không biết bao nhiêu lời hay ý đẹp diễn tả tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái như “tình cha ấm áp như vầng thái dương”, “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”,… Nhưng cha mẹ cũng có người này người kia, không phải cha mẹ nào cũng yêu thương con mình, có những người đối xử hết sức tàn nhẫn với con mình như bạo hành, đánh đập, chửi mắng hay xâm hại con cái không thương tiếc.

Nếu như bị cha mẹ hành hạ về thể xác là một loại đau đớn in hằn theo năm tháng, thì bị cha mẹ hành hạ về tinh thần lại là một kiểu đau đớn khác rất khó phai mờ khi trưởng thành. Nhìn vào tính cách một con người lúc trưởng thành, chúng ta có thể hiểu được tuổi thơ và môi trường họ sinh trưởng như thế nào. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, việc cha mẹ lấy danh nghĩa người nhà áp đặt con cái sống theo khuôn khổ kiểu mẫu mình mong muốn quả thực rất đáng sợ. Đó là một kiểu cha mẹ độc hại rất phổ biến ở Á Đông, mà câu chuyện sau đây của My là điển hình.

Ảnh: Xframe

Một tính cách tự do và nổi loạn

My là một đàn em học chung trường đại học với mình, cả hai anh em quen biết nhau và sinh hoạt chung câu lạc bộ trong trường, tham gia chung rất nhiều dự án và cũng hợp tính nhau nên có mối gắn kết và còn chơi với nhau được tới giờ cũng hơn mười năm. Trong ấn tượng của mình từ thời sinh viên, My là một cô gái có cá tính mạnh mẽ, thích nổi loạn và hay có những ý tưởng mới lạ. Em hướng ngoại, rất quảng giao và không ngại thử thách bản thân ở những điều mới mẻ. Là con một trong gia đình, My rất được cha mẹ quan tâm chăm sóc và lo lắng, nhất là khi em phải rời xa gia đình để vào Sài Gòn sinh sống và học tập một mình.

Hồi mười năm trước khi mọi người bắt đầu chuyển dần từ Yahoo sang Facebook, trên Facebook thời điểm đó đa phần là người trẻ thuộc lứa 8x, 9x như mình, hiếm thấy những người lớn thuộc thế hệ cha mẹ của chúng ta sử dụng Facebook (khác với sau này khi Facebook đã trở nên phổ biến hơn). Vậy mà trên Facebook của My, mình khá bất ngờ khi thấy ba mẹ em thường xuyên xuất hiện tương tác hay bình luận trong bài viết của em, đặc biệt là mỗi dịp sinh nhật của các thành viên trong gia đình thì hai bên đều chúc mừng sinh nhật thắm thiết cho nhau trên mạng. Chuyện này đối mình là khá lạ, vì ở thời điểm đó không có nhiều bậc phụ huynh xì-tin dâu kiểu như vậy. Đó là chưa kể ba mẹ em còn biết hết danh sách bạn bè hay những người em chơi chung ở đại học và thi thoảng cũng vào tương tác với bài viết của mình.

Đến khi ra trường đi làm, My vẫn chơi chung với mình trong một nhóm từ thời đại học và mình như một mentor hướng dẫn cho em từ chuyện học hành đến lộ trình sự nghiệp. Rời khỏi môi trường học đường, My có phần trở nên nổi loạn và tự do thể hiện cá tính của mình hơn như em thích nhuộm tóc màu xanh galaxy, thích ăn mặc theo kiểu sexy để thật nổi bật trong đám đông, cũng tập tành đi bar đi pub với bạn bè và thử những điều mới lạ mà những cô gái theo tư tưởng truyền thống thường sẽ không dám làm. Mãi sau này trong đám cưới của My, em cũng phải tổ chức một đám cưới độc lạ nhất tỉnh em với concept tổ chức không giống ai như cô dâu chú rể chụp hình theo phong cách vệ binh dải ngân hà, hay em dẹp hết các màn MC dẫn chương trình hay múa may sến sẩm mà thay bằng những trò chơi tương tác bằng công nghệ ngay trong đám cưới.

Quen biết với nhau hơn mười năm là thế, nói chuyện với nhau cũng nhiều, nhưng mình rất ít khi nghe em kể chuyện về gia đình. Mình chỉ biết ba em là một bác sĩ làm việc ở bệnh viện tỉnh, còn mẹ em thì có buôn bán bất động sản nên nhìn chung điều kiện sống của gia đình em cũng thuộc dạng khá giả có của ăn của để. Nhìn từ góc độ của một người quen bên ngoài, mình cứ nghĩ rằng em là kiểu con một sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc, được cha mẹ hết sức yêu thương cưng chiều từ nhỏ tới lớn chứ không phải bận lòng lo lắng khổ tâm gì cả. Những gì em và ba mẹ của em thể hiện với nhau trên mạng phần nào cho mình thấy được điều đó. Nhưng mọi sự trên đời không đơn giản như những gì chúng ta nhìn thấy.

Sóng bắt đầu từ gió

Khi biết tin em sắp kết hôn, mình không bất ngờ vì đã biết qua chuyện tình cảm của em trong hai năm trước đó. Em với người yêu đều là đồng hương với nhau, quen nhau đúng kiểu “yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên” khi đi chơi với nhóm bạn chung dịp Tết. Bạn trai em cùng tuổi với em, là dân lập trình bên lĩnh vực công nghệ thông tin, làm việc cho công ty nước ngoài nên thu nhập rất cao, tính cách và nhân phẩm đều rất tốt, cả hai lại rất tâm đầu ý hợp, thậm chí tới lá số của cả hai còn như hai bánh răng khớp nhau vừa khít. Do ở gần nhau nên mình còn biết chuyện cả hai đã về sống thử chung với nhau hơn cả năm trước khi cưới, nhưng mỗi lần cha mẹ em lên Sài Gòn thăm con thì cậu bạn kia phải tạm lánh đi vài ngày vì em không dám tiết lộ chuyện mình sống thử cho ba mẹ.

Những tưởng với một anh chàng có điều kiện tốt như vậy, ba mẹ em lẽ ra phải hết sức hài lòng khi có chàng rể tốt rước con gái mình về dinh, sau gần chục năm em sống độc thân và khá lận đận trong chuyện tình cảm. Nhưng mọi sóng gió cũng bắt đầu từ đây khi cha mẹ em kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này, với lý do chính là gia đình hai bên không môn đăng hộ đối. Mẹ chồng em là một tiểu thương buôn bán ở chợ, còn ba chồng em bị bệnh liệt nửa người thường chỉ nằm một chỗ cả ngày, đi đứng khó khăn. Gia cảnh gia đình bên chồng em chỉ thuộc dạng bình thường của tầng lớp bình dân lao động nên ba mẹ em cho rằng không xứng với gia đình em. Họ không thể nào gả một đứa con gái mình nuôi nấng cả đời vào một gia đình như vậy.

Ban đầu khi nghe em kể chuyện, mình cảm thấy khó tin vì không nghĩ rằng ở thế kỷ 21 rồi mà ba mẹ em vẫn còn tư tưởng cổ hủ và lạc hậu như vậy, nhưng bất ngờ phần nhiều hơn vì cách phản ứng gay gắt của ba mẹ em không khớp với hình ảnh phụ huynh xì-tin, thân thiện mình từng thấy trước đó. Trải qua mấy tháng trời sóng gió, ba mẹ em mới chịu nguôi ngoai và đồng ý cho hai em kết hôn, mà lý do chánh yếu cũng là vì thu nhập của bạn trai em rất cao khi làm song song cho hai công ty nước ngoài nên mức lương gần cả trăm triệu mỗi tháng, thêm vào đó là bạn trai em có bà ngoại nuôi sống ở Mỹ thường hay gửi tiền về cho và cũng có hứa hẹn sẽ cho hai em tiền mua nhà khi cưới nhau. Tuy nhiên, sự đồng ý của ba mẹ em chỉ là bằng mặt mà không bằng lòng, và mọi sóng gió vẫn chưa dừng lại ở đó.

Trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức lễ cưới, ba mẹ em vẫn không ngừng trách mắng và chì chiết chuyện em không biết chọn chồng nên làm xấu mặt gia đình. Tuy là đàng gái nhưng cả hai lại nắm luôn quyền kiểm soát và quyết định mọi chuyện trong đám cưới, từ chuyện coi ngày, đặt nhà hàng ở đâu hay mời bao nhiêu khách,… mà không thèm quan tâm tới ý kiến của ba mẹ chồng em. Thậm chí mẹ em còn khá cay nghiệt khi nói với hai vợ chồng em rằng ba chồng em bị liệt thì kêu ổng ngồi dưới sân khấu đi, khỏi đi lên làm lễ chi, liệt rồi đi chậm chạp lề mề như vậy người ta cười vô mặt cho. Khi kể lại chuyện này cho mình nghe, em vẫn còn hết sức bức xúc và bảo rằng chồng em còn quá hiền và tử tế, chứ nếu đổi ngược lại em mà nghe gia đình nhà gái nói ba mẹ mình như vậy là em dẹp luôn khỏi cưới hỏi gì nữa.

Là một trong những khách mời tham dự đám cưới của em ở quê, bước vô lễ đường mình mới cảm nhận được sự “ô dề” của ba mẹ em khi nhà gái phô trương thanh thế lấn lướt cả nhà trai, vì hết 7/3 bàn tiệc trong sảnh đều là của bên nhà gái với mối quan hệ rất rộng, từ các bác sĩ, đồng nghiệp của ba mẹ trong bệnh viện cho tới các doanh nhân, đối tác của mẹ em trong lĩnh vực bất động sản. Sau đám cưới, cả hai vợ chồng em chuyển về quê sinh sống gần nửa năm vì dự định tìm mua nhà cho ba mẹ chồng em với cũng để có một chốn để cả hai có thể về ở mỗi khi về quê, do ba mẹ chồng đang sống chung với bên nội trong nhà tự cũng khá chật chội. Trong thời gian đó, cả hai em mới thuê một căn chung cư ở quê để ở và mâu thuẫn của em với gia đình như cây kim giấu trong bọc lâu ngày cũng bắt đầu lòi ra.

Ảnh: Xframe

Đằng sau hình ảnh một gia đình hạnh phúc

Khi tìm hiểu về tuổi thơ của My, mình mới biết hóa ra em không sống trong một gia đình hạnh phúc như mình tưởng. Ngay từ nhỏ, My đã sống trong sự kềm cặp khắc khe của ba mẹ, từ chuyện học hành trên trường lớp tới chuyện chơi với bạn bè như thế nào, mọi quyết định quan trọng trong cuộc đời My đều do ba mẹ lựa chọn và sắp đặt cho em. Lúc mới biết My, mình thấy khá lạ khi có một bạn sinh viên 18 tuổi đầu rồi mà không biết đi xe đạp lẫn đi xe máy, bây giờ mình mới biết hóa ra 18 năm trước đó em đều được ba mẹ đưa rước đi học vì sợ em tự chạy xe thì nguy hiểm. Trong chuyện học hành, dù My cũng thuộc dạng học sinh giỏi ở trường nhưng điểm số của em chưa bao giờ làm ba mẹ em hài lòng, ngay cả khi em được 9 điểm thì mẹ cũng trách mắng em làm bài không cẩn thận để không được 10 điểm.

Đến khi vào đại học, thoát khỏi vòng kim cô của gia đình, em như con chim sổ lồng bắt đầu trở nên nổi loạn khi được tự do làm những gì mình thích mà không có sự kềm cặp của ba mẹ, dĩ nhiên em làm trong lén lút và ba mẹ em hoàn toàn không biết gì. Tuy vậy nhưng ở từ xa, ba mẹ vẫn muốn kiểm soát cuộc sống của em trên mạng xã hội khi “điều tra” rất kỹ những người em giao du, mỗi lần em về nhà là lại tra hỏi thông tin về những người em chơi chung. Nhịp sống sôi động ở Sài Gòn rất hợp với tính cách hướng ngoại của em, nếu như mỗi khi trở về nhà em có cảm giác như nhà tù thì mỗi lần trở lại Sài Gòn em mới thực sự được giải phóng bản thân. Suốt những năm tháng tuổi thơ, My chưa bao giờ nhận được sự công nhận nào từ ba mẹ của mình, nên đến khi ra đời, trong em luôn có một khao khát chứng tỏ và thể hiện bản thân để được người khác công nhận.

Ảnh: Phim “Lấy danh nghĩa người nhà”

Câu chuyện của em khiến mình liên tưởng tới nhân vật Minh Nguyệt trong bộ phim Lấy danh nghĩa người nhà. Minh Nguyệt cũng là một cô gái từ nhỏ tới lớn luôn bị mẹ quản và luôn phủ định mọi năng lực lẫn thành tích của cô, để rồi cuối cùng tức nước thì cũng vỡ bờ, Minh Nguyệt quyết định vùng dậy phản kháng và từ chối nghe theo bất cứ thứ gì mẹ sắp đặt cho cô:

– Bắc Kinh có rất nhiều nhân tài. Con giỏi hơn người ta chỗ nào chứ?
– Con không giỏi hơn người ta, nhưng con cũng không thua kém người ta. Lúc đi học con chưa từng lọt ra khỏi top 5 của lớp. Đến khi đi làm, con chọn đề tài, tham gia đánh giá nội bộ đều là xuất sắc. Con tệ ở đâu vậy mẹ?
– Hồi đó con còn muốn thi vào Đại học Chính Pháp (trường luật bên Trung) mà.
– Là mẹ muốn con thi vào Đại học Chính Pháp.
– Con chưa bao giờ muốn vào đó cả.
– Đó không phải điều con muốn, vậy lúc mẹ hỏi thì sao con không nói gì?
– Mẹ có hỏi con sao? Mẹ từng tôn trọng ý kiến của con chưa? Mẹ có thể đừng suốt ngày phủ định con được không? Từ trước đến nay, trừ khi con đứng hạng nhất thì mẹ mới công nhận con, còn lại thì mẹ vẫn luôn chê con. Công việc của con, chuyện yêu đương của con, dù là chuyện gì mẹ cũng phản đối.
– Mẹ chỉ muốn tốt cho con, quan tâm con.
– Con không cần. Mẹ có biết vì sao lúc con thi đại học lại ít hơn thi thử 50, 60 điểm không? Là vì con đã cố ý bỏ không điền một tờ đáp án. Lúc đó con hết cách rồi, thế nên con đã lựa chọn cách ngu xuẩn nhất. Con nhất đi phải đi Bắc Kinh. Con nhất định phải vấp ngã, con nhất định phải chịu khổ. Con muốn thấy rốt cuộc con sẽ sống ra dáng vẻ gì. Con sẽ không nghe lời mẹ nữa đâu.

Ảnh: Xframe

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng em dự tính vay ngân hàng một khoản để mua nhà cho ba mẹ chồng. Chính mẹ em là người giới thiệu người quen bên ngân hàng cho em liên hệ, nhưng kết quả lại gặp trục trặc và mẹ em đứng ra cho hai vợ chồng em vay trước một khoản lớn. Cứ ngỡ rằng vay tiền của chính mẹ ruột mình thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng êm thắm, nhưng từ khi dính vào khoản vay đó, mẹ em suốt ngày nói nặng nhẹ rằng cho em vay tiền thì mẹ em mất một khoản vốn không làm ăn được gì cả, rồi lại giở bài chê trách gia cảnh bên nhà chồng em không tốt nên không lo được gì cho con cái. Đến khi mua được nhà, hai vợ chồng em có việc vào Sài Gòn công tác nên gửi chìa khóa nhà cho mẹ em trông coi giùm, đợi khi về thì hai em mới sắp xếp mua đồ nội thất và tiện nghi trong nhà. Ai ngờ mẹ em không nói không rằng tự ý mua sắm một loạt thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh,… mà loại nào cũng mua hàng đắt tiền, và dĩ nhiên tiền đó hai vợ chồng em phải lại chứ không có chuyện cho không, trong khi cả hai đang nợ nần chồng chất.

Từ sự vụ đó mà em cãi nhau với mẹ một trận rõ to qua điện thoại, mẹ em không cho em giải thích một lời nào mà luôn phủ định và cho rằng em là đồ bất hiếu suốt ngày chỉ biết cãi mẹ. Mỗi khi tức giận, mẹ em có thể buông ra hàng tràng những lời tục tĩu nhất để miệt thị chì chiết và hạ bệ vùi dập đối phương. Từ trước đến nay trong dòng họ thì mẹ em là người dữ có tiếng, tới mức họ hàng ai cũng phải sợ. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là đến khi hai vợ chồng em từ Sài Gòn trở về căn nhà mình mua thì phát hiện mẹ em đã tự ý đổi ổ khóa khác mà không thèm báo em một tiếng, trong khi đây là nhà của ba mẹ chồng em và do hai em vay mượn tiền để mua. Kết quả là giữa em với mẹ em chiến tranh lạnh với nhau suốt một thời gian dài trước Tết. Và Tết này em cũng quyết định cũng không thèm về nhà sau gần 30 năm trời luôn về nhà ăn Tết, bởi về là phải đối diện với khuôn mặt hầm hầm của mẹ em và những trận cãi vã rủa xả em liên tục.

Trong một gia đình như vậy, thông thường có một người mẹ khó ở thì người cha phải là người đứng về phía con gái và bảo vệ con. Nhưng ở gia đình em thì không có chuyện đó, nếu như mẹ em toxic (độc hại) tám lạng thì ba em cũng toxic tới nửa cân không kém cạnh gì. Khi con người ta càng có học vấn, địa vị và trí thức, sự toxic đó mới càng đáng sợ hơn nhưng người bình dân lao động. Đối với ba em, việc em gả vào một gia đình không môn đăng hộ đối như thế là một nỗi nhục của gia đình, tới nỗi khi hai bên đã đám hỏi thì ba em vẫn giấu không dám nói cho nhiều người quen biết vì cảm thấy xấu hổ. Nói đúng ra thì ba em xấu hổ vì bên thông gia không ở cùng đẳng cấp với ba mẹ em.

Thêm vào đó, cả ba mẹ em đều có tính sĩ diện hão và thích khoe khoang giống như nhau. Khi hai em thuê một căn chung cư ở quê để ở tạm một thời gian, ba em đi khoe với người quen là căn chung cư đó hai em tự mua. Trong Sài Gòn hai em cũng có thuê một căn chung cư khác ở lâu dài, mẹ em cũng nổ không kém cạnh khi tự nhận đó là căn mà ba mẹ mua cho hai em ở Sài Gòn. Mỗi lần nghe như vậy và bị người quen hỏi tới, em chỉ cảm thấy xấu hổ muốn độn thổ nhưng không dám đính chính. Về tới nhà em phản ứng lại thì bị ba mẹ em chì chiết, bảo em nói xạo một chút để ba mẹ em có cái tự hào cũng không làm được. Như căn chung cư ở Sài Gòn là do hai em tự bỏ tiền ra thuê, giờ đây chồng em lại mang tiếng đi ở nhờ nhà do mẹ vợ mua.

Ảnh: Xframe

Sống chung với cha mẹ độc hại

Thời gian đầu ở chung với ba mẹ chồng trong căn nhà mới mua, từ gia đình độc hại này em lại chuyển sang một gia đình độc hại khác với những chuyện trong chăn mà trước đó em không ngờ tới. Đó là ba chồng em vốn là một người bạo lực, suốt 30 năm nay luôn đánh đập hành hạ mẹ chồng em bằng nhiều cách khác nhau. Đến nay khi bị liệt nửa người nằm yên một chỗ thì vẫn hành mẹ chồng em đủ chuyện như chửi mắng, ỉa đái tại chỗ chứ không chịu vào nhà vệ sinh dù có thể tự đi được. Mỗi ngày hai vợ chồng em ở nhà là không có ngày nào yên với ba mẹ chồng, bởi sơ hở lên phòng một chút là dưới nhà cả hai lại đấm đá nhau túi bụi rồi hai em phải chạy xuống can ngăn.

Cao trào là có hôm đang nằm trên giường, ba chồng em thẳng chân đạp mẹ chồng em một phát lăn quay xuống giường, đầu đập vào tường tới nứt sọ não, phải nhập viện cấp cứu. Mỗi ngày ở nhà chồng của em đều như rơi vào chiến trận với những tiếng la hét, cãi vã và mùi nước tiểu khai khắp nhà. Ấy vậy mà khi mình hỏi em có hối hận không khi kết hôn và bước vào một gia đình có hoàn cảnh như vậy, em bình thản trả lời rằng: “Suy đi nghĩ lại, em vẫn thấy cái khổ về tinh thần ba mẹ gây ra cho em từ nhỏ tới lớn nó còn gấp trăm lần như thế này. Vì thực sự điều em cần là sự công nhận, nhưng trước chưa bao giờ em được ba mẹ mình công nhận. Trước giờ đi làm, em chịu khổ cũng nhiều, có nhiều chuyện còn khổ hơn thế này nhiều nên em vẫn chịu được. Em thấy sống trong hoàn cảnh hiện tại ở nhà chồng còn sướng và nhẹ nhàng hơn khi sống ở nhà mình”.

Ảnh: Xframe

Câu trả lời của em làm mình suy ngẫm rất nhiều. Hóa ra chính cái nỗi khổ về tinh thần mà ba mẹ ruột gây ra cho em còn dày vò em ghê gớm hơn gấp trăm lần cái cảnh địa ngục trần gian mà em đang chứng kiến ở nhà ba mẹ chồng. Bởi vậy với em thì việc rời khỏi nhà mình, không còn phải đối diện với ba mẹ ruột của mình lại là sự giải thoát tốt nhất. Đến giờ, mình mới phần nào hiểu vì sao trước đây em rất ngưỡng mộ những người nổi tiếng như ViruSs hay Tiên Cookie, bởi họ đều là những đứa con từng sống trong một gia đình cực kỳ toxic và dám mạnh mẽ, dũng cảm lựa chọn rời bỏ gia đình. Em cảm thấy may mắn vì trong những khổ đau hiện tại, em có được người chồng luôn yêu thương, chăm chỉ và đồng hành cùng em, nên những khó khăn trước mắt cả hai đều có thể hỗ trợ nhau vượt qua được.

Câu chuyện của em cho mình thấy một điều là không phải bậc cha mẹ nào cũng yêu thương con thật sự. Ngoài miệng họ nhân danh tình yêu, nhưng bên trong họ chỉ xem con cái như một món đồ trang sức điểm trang cho cuộc sống của họ. Nếu thật sự yêu thương con, cha mẹ của My phải hỏi em thích làm gì, em muốn làm gì để hỗ trợ tốt nhất cho con đường phát triển của em, chứ không phải cấm cản em đủ chuyện và sắp đặt cho em đi theo lộ trình mà cha mẹ mong muốn. Nếu thật sự yêu thương con, cha mẹ của My phải xem bạn trai em có đủ năng lực để bảo vệ và đem lại hạnh phúc cho em không, chứ không phải cấm cản chuyện hôn nhân của em chỉ vì lý do không môn đăng hộ đối. Rốt cuộc, thứ cha mẹ em quan tâm chỉ là sĩ diện, danh tiếng và cách người ngoài nhìn mình như thế nào chứ không quan tâm tới cảm nhận và suy nghĩ của riêng em.

Sau cùng, cả My và chồng em đều là những đứa trẻ không may mắn, sinh ra trong những gia đình độc hại và có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc. Nhưng sự an bài tốt nhất của tạo hóa là cho hai em tìm thấy nhau, để mỗi người với những vết thương lòng của riêng mình có thể ôm ấp vỗ về và sưởi ấm cho đối phương. Mong rằng hai em sẽ luôn mạnh mẽ và vượt qua được bao thăng trầm để đi đến bến bờ hạnh phúc của hôn nhân.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Nội dung thuộc bản quyền của Chơn Linh. Vui lòng liên hệ xin phép trước khi sử dụng lại.