Ảnh: XFrame

Khi ra đời đi làm và bước vào guồng xoay muôn kiếp mưu sinh, đa số chúng ta đều mong ước cái viễn cảnh mình từng bước leo lên nấc thang cao nhất trên con đường sự nghiệp, quản lý một hay nhiều đội nhóm, kiếm được mức thu nhập lũy tiến theo thời gian và tích lũy được thật nhiều tiền để có thể mua nhà, mua xe, chu cấp cho gia đình, đi du lịch nước ngoài, v.v. Viễn cảnh lý tưởng đó khiến chúng ta lao vào đời như một cuộc đua và dồn hết tâm sức để cố chạy về đích càng sớm càng tốt. Trong tiếng Anh, có một khái niệm gọi là “rat race” (cuộc đua chuột) để diễn tả điều này, trong đó con người được ví như những chú chuột điên cuồng bị cuốn vào một cuộc chạy đua khốc liệt để giành lấy tiền và quyền. Thành công trong đời được định nghĩa bằng việc ai có nhiều tiền và quyền hơn ai.

Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc: Những người về đích sớm trong “cuộc đua chuột” ấy sẽ có tâm trạng như thế nào? Khi đã đạt được những nấc thang danh vọng trong sự nghiệp cũng như đã có một khoản tiền tích lũy đủ lớn, họ có thực sự cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và thỏa mãn với những gì mình có? Lúc này sẽ có sự phân hóa giữa hai nhóm người khác nhau: Một nhóm không cảm thấy thỏa mãn với thành công đang có và tiếp tục bước vào một cuộc đua chuột khác để có nhiều tiền và quyền hơn. Nhóm còn lại thì “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước” và bắt đầu tự hỏi bản thân: Tiền (và quyền) nhiều để làm gì?

Ảnh: XFrame

Quỹ đạo mặc định

Mình với Khôi (tên đã đổi) từng là đồng nghiệp ở công ty cũ, đường đời của cả hai có những cột mốc giao nhau một cách ngẫu nhiên. Cả hai quen biết nhau từ một khóa học, sau đó vào làm chung một công ty và mình cũng là người hướng dẫn cho anh làm quen với môi trường công việc mới trong những ngày đầu. Ban đầu cả hai làm ở hai team khác nhau (mình làm Marketing, còn anh làm Sales), nhưng về sau hai anh em lại về chung một team lớn là Sales & Marketing trong suốt quãng thời gian 5 năm. Đến khi mình rời đi, anh vẫn ở lại làm việc và trở thành một trong số ít những “công thần” có nhiều đóng góp cho công ty. Sau khi mình nghỉ thì hai bên không còn giữ liên lạc và cũng chưa bao giờ gặp lại nhau.

Bẵng đi vài năm sau đó, đột nhiên anh chủ động nhắn tin nói với mình rằng anh vô tình thấy link blog mình khi đang dọn dẹp lại thanh bookmark trên trình duyệt (hồi xưa anh từng lưu lại để đó) và có vào đọc gần hết những bài mình viết trong mấy năm qua. Lúc đấy mình khá ngạc nhiên, nhưng cũng chỉ hỏi thăm anh vài câu chứ không nói chuyện sâu được vì thời điểm đó anh với mình mỗi người đi một con đường khác nhau, không có điểm gì giao thoa để chia sẻ quá nhiều. Mãi đến giữa năm nay, anh có nhắn tin hẹn gặp mình với lý do muốn cảm ơn mình như một người bạn vì những gì mình đã chia sẻ trên blog trong suốt thời gian. Anh vẫn luôn theo dõi những bài viết của mình từ xa và chúng có tác động tới tâm thức của anh khá nhiều.

Ở thời điểm ấy mình không có mặt ở Sài Gòn mà đang có việc ở quê một thời gian nên hẹn gặp anh vào một dịp khác, mà dịp đó thì mình cũng chưa biết là khi nào. Tưởng mình nói vậy thì chắc anh cũng thôi, ai ngờ anh đặt vé xe khách ngay và luôn xuống quê mình để hẹn gặp mình vào cuối tuần đó. Ngồi trò chuyện với anh nguyên cả ngày Chủ nhật, mình mới có dịp nghe anh kể về hành trình của anh trong suốt 4 năm qua kể từ khi mình nghỉ việc. Đúng là “không có mợ thì chợ vẫn đông”, dù vị trí của mình từng quan trọng thế nào thì khi mình nghỉ mọi thứ vẫn chạy ổn thỏa và công ty còn phát triển nhiều hơn trước. Từng bước trong sự nghiệp, anh dần thăng tiến lên vị trí cao nhất trong bộ phận Sales và trở thành một trong những nhân sự cốt cán, nhận được sự tin tưởng của ban giám đốc công ty.

Ảnh: XFrame

Đối với những bạn làm Sales giỏi, mức thu nhập thực tế của họ rất cao, nhất là trong những lĩnh vực mà sản phẩm hay dịch vụ có giá trị cao. Lúc mình còn làm, thu nhập của anh trong những sự kiện lớn đã rơi vào khoảng 50-60 triệu mỗi tháng. Sau thời điểm mình nghỉ thì công ty còn ra mắt nhiều gói sản phẩm và dịch vụ đắt đỏ hơn gấp nhiều lần, cộng thêm những cơ hội đầu tư từ nội bộ thì có lẽ mức thu nhập của anh còn cao hơn. Trong ấn tượng của mình, dù anh là một người có năng lực kiếm tiền vượt trội như vậy nhưng anh quản lý tài chính rất kỹ lưỡng và chi tiêu tiết kiệm chứ không phải như một số bạn Sales khác mình biết – làm bao nhiêu xài hết bấy nhiêu. Có lẽ nhờ vậy mà khi kết hôn, anh đã có đủ năng lực tài chính để mua nhà và đảm bảo cho gia đình của mình một đời sống thoải mái.

Ở thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, anh có một cuộc sống mà nhiều người phải mơ ước: có vị trí cao ở một công ty lớn, thu nhập mỗi tháng rất cao, tiền từ những khoản đầu tư tăng dần đều, sở hữu một căn hộ chung cư ở một đô thị lớn như Sài Gòn, lấy được người vợ tâm đầu ý hợp – mọi thứ gần như viên mãn. Nhưng rồi mỗi thứ dần đi vào quỹ đạo mặc định, mỗi tháng anh vẫn kiếm được nhiều tiền như thế và dòng tiền vẫn đều đặn chảy vào tài khoản của anh, nhưng giờ đây chuyện kiếm tiền với anh bỗng dưng trở nên vô nghĩa. Anh bắt đầu cảm thấy mất phương hướng và tự hỏi bản thân chính cái câu hỏi nổi tiếng của Chủ tịch cà phê Trung Nguyên: “Tiền nhiều để làm gì?”.

Ảnh: XFrame

“Tiền nhiều để làm gì?”

Khi câu hỏi trên bắt đầu trở thành một nỗi ám ảnh thường trực bên trong, anh mới đem nó đi giãi bày với những vị sếp thân thiết đã đồng hành với mình trong suốt 9 năm qua – những người làm trong lĩnh vực đào tạo và giáo dục kỹ năng, tư duy hạnh phúc và thành công cho người Việt. Trái ngược với kỳ vọng của anh, phản ứng của họ là tỏ ra hết sức ngạc nhiên và nghĩ anh có vấn đề khi đặt ra một câu hỏi lạ lùng như vậy. Bởi lẽ đối với họ, chuyện một người phải tích cực kiếm tiền là điều hiển nhiên nếu họ muốn có được hạnh phúc và thành công trong đời sống. Là những người làm ăn kinh doanh trên thương trường mấy chục năm nay, họ đã quen với việc không ngừng kiếm tiền và theo đuổi những mục tiêu tài chính mới.

Một vị sếp thậm chí còn nói với anh rằng, nếu anh có nhiều tiền quá và không biết phải làm gì thì cho chị ấy bớt đi cũng được. Khi trò chuyện với một số đồng nghiệp là các bạn Sales khác, anh cũng nhận được những câu trả lời tương tự. Thật lạ lùng, những người đi dạy cho người khác làm thế nào để sống hạnh phúc và thành công nhưng lại không thể nào chỉ cho nhân viên mình biết cách sống như thế nào để hạnh phúc khi người ấy đã thành công. Nỗi ưu tư trăn trở bên trong anh vẫn ngày một lớn dần khiến anh ngày càng không còn mặn mà với công việc hiện tại, anh bắt đầu lao vào đọc sách, nghe podcast, pháp thoại của các sư thầy nổi tiếng hay đi học một số khóa học để đi tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng cho chính bản thân mình.

Ảnh: XFrame

Sau độ nửa năm đi tìm lẽ sống như vậy, anh nhận ra con đường mình đang đi hiện tại không còn phù hợp với bản thân nữa và chiều kích tâm thức của anh cũng đã có sự chuyển hóa hơn so với trước. Giờ đây, khi ngồi cùng bàn ăn với đồng nghiệp hay tham dự những buổi họp mặt với những khách hàng VIP giàu có, nghe họ thảo luận rôm rả về những cơ hội đầu tư hứa hẹn hay những dự án tiềm năng mới, anh cảm thấy mình như tách biệt khỏi đám đông và mình không thuộc về nơi ấy. Đó cũng là lúc anh biết rằng mình đang ở không đúng chỗ và không còn đồng điệu về mặt tâm thức với những người đồng đội của mình được nữa. Sau rốt, anh đi đến một quyết định quan trọng là nghỉ việc và kết thúc một hành trình dài gần 10 năm đồng hành với công ty.

Trong vòng nửa năm sau đó, anh bắt đầu rẽ hướng sang con đường tìm hiểu về tâm linh và sự phát triển của tâm thức, rồi chính thức chuyển sang làm Sales ở một trung tâm khác cũng khá nổi tiếng về mảng này. Dù cho mức thu nhập của anh bây giờ thấp hơn trước khá nhiều, nhưng mỗi ngày được học và được ở đúng chỗ, anh như chú cá đang ngoi ngóp thiếu oxy trong chốn ao tù nước đọng được thả vào bể lớn để vẫy vùng trong một vùng trời mới. Từ một người hướng ngoại điển hình, anh dần chuyển sang hướng nội hơn và hướng vào chiều sâu bên trong tâm thức của mình. Giờ đây mỗi ngày của anh vẫn diễn ra theo một quỹ đạo mặc định, sáng dậy sớm tập thể dục rồi sửa soạn đi làm, chiều về ăn tối với vợ và hai vợ chồng cùng nằm đọc sách hay nghe sách nói, nhưng ở quỹ đạo mới này anh lại cảm thấy mãn nguyện vì đã tìm thấy lẽ sống mới của đời mình.

Ảnh: XFrame

Một cuộc cách mạng về tỉnh thức

Làm việc trong lĩnh vực xuất bản, có một quãng thời gian mình nhận ra một khuôn mẫu quen thuộc ở các tác giả là doanh nhân nổi tiếng: họ đều là những người thành công trên thương trường, trải qua một biến cố thập tử nhất sinh rồi chuyển hướng sang con đường tìm hiểu về tâm linh. Có người chỉ đơn giản là hướng nội hơn, lui về ở ẩn và điều hành công ty theo một tâm thái rất khác. Có người thì chuyển sang “hệ tâm linh”, giảng dạy về thiền tỉnh thức hay viết sách, mở khóa học về tâm linh. Như vị sếp hiện tại của mình là một doanh nhân nổi tiếng cũng từng cảm khái, anh đi khắp nơi, gặp gỡ và quen biết nhiều người là các doanh nhân thành đạt thì mới thấy một điều rằng: thoạt nhìn thì ai cũng thấy ngưỡng mộ họ vì có cơ ngơi, sự nghiệp, con cái thành công,… nhưng đằng sau đó là những sầu khổ, phiền muộn, nỗi cô đơn và những sự không trọn vẹn.

Mỗi cá nhân đều có cuộc chiến của riêng mình và luật bù trừ không cho ai tất cả – người hoàn hảo về mặt này thì sẽ khiếm khuyết về mặt khác. Trong những giai đoạn bế tắc, khủng hoảng hay mất phương hướng trong cuộc đời, một số doanh nhân lại tìm đến con đường tâm linh và tâm thức như một điểm tựa giúp họ vượt qua giông bão và tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Một người em của mình là doanh nhân khởi nghiệp và có tham gia một số hội nhóm doanh nhân lớn cũng thấy được điều này, rằng những doanh nhân thành công mà em quen biết thì trong đời sống của họ có những cuộc chiến riêng mà bên ngoài họ không thể hiện ra. Với những người chưa trải qua sự kiện mang tính bước ngoặt nào khiến họ tỉnh thức thì họ vẫn mải còn lao vào mục tiêu kiếm tiền và làm giàu như lẽ sống duy nhất của đời họ.

Ảnh: XFrame

Khi bước vào một giai đoạn chuyển hóa mới trong cuộc đời, anh Khôi có chia sẻ với mình rằng khi nhìn lại môi trường làm việc cũ thì anh nhận ra giờ đây mình đã không còn chung tần số với những đồng đội ngày trước, cũng như những cuốn sách hay khóa học về tư duy thành công mà anh từng thấy hay trước đây giờ chỉ còn là những phần nổi trên bề mặt chứ chưa chạm vào những tầng sâu hơn về tâm thức. Cá nhân mình cũng có một trải nghiệm tương tự trong chuyện đọc sách, khi mình mua một cuốn sách về chủ đề khoa học hành vi và tâm lý của một tác giả mình cực thích hồi mấy năm trước. Nếu như trước đây mình vừa đọc vừa dán note đầy sách vì chỗ nào cũng thấy hay, giờ đây khi đọc quyển sách mới cùng phong cách viết và cùng kiểu nội dung đó, mình không còn cảm được thể loại sách “nông” như thế này được nữa.

Suy cho cùng, chỉ khi nào con người chúng ta đạt tới cảnh giới có thật nhiều tiền và quyền rồi thì mới thật sự hiểu được cảm giác “Tiền nhiều để làm gì?”. Đa số mọi người khi còn loay hoay trong kiếp mưu sinh và còn ngưỡng mộ ánh hào quang của tiền tài vật chất thì vẫn sẽ muốn cật lực chạy đua trong trường đua chuột để đi tới cái đích mà họ ngưỡng vọng. Trên hành trình chạy đua ấy, sẽ có một thời điểm nào đó trong đời, một bước ngoặt nào đó chợt xảy đến để tác động vào tâm thức chúng ta và làm chúng ta thay đổi hẳn nhân sinh quan. Ai sớm trải qua sự kiện tỉnh thức này thì đời sống sẽ có sự chuyển hóa lên một giai đoạn mới về mặt nhận thức, lúc đó thứ họ theo đuổi cũng sẽ khác và người ta sẽ bắt đầu suy ngẫm về lẽ sống của mình trong cuộc đời này.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Em thích bài này quá anh ơi, nó làm em nhớ tới một câu em đọc đâu đó trên mạng là: Độ tuổi nào cũng có khó khăn và khủng hoảng, và càng lớn thì bẫy nệm càng êm.

    Đọc xong bài này em cũng nghĩ về những gì mình đang làm, liệu để được gì, và cũng nhờ đó mà em thông thoáng hơn trong một vài quyết định. Sau series Trưởng thành nơi công sở, em nghĩ Trò chuyện cùng người hướng nội sẽ nằm trong bookmark của em để đọc đi đọc lại.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Khi hiểu được chuyện kiếm tiền không phải mục đích cuối cùng của cuộc đời thì nhìn mọi thứ sẽ thông thoáng và nhẹ nhàng hơn đó em. Mà series này đúng kiểu là “vạn sự tùy duyên”, phải có duyên gặp gỡ những người thú vị, được nghe câu chuyện của họ thì mới có bài mới. Tập tiếp theo anh cũng không biết khi nào có ^^

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.