Trưa chạy ngang cung đường 3/2 bên Quận 10, vô tình thấy một chị nhà quê ngồi bán trái cây ven đường, đề biển 2 chữ “TRÁI TRÂM”. Thế là tấp vào mua một bịch đem về ăn lai rai, giữa trưa nắng trời chợt đổ cơn mưa lâm râm, ăn trâm thì đúng điệu miễn bàn.
Hồi bé biết được cây trâm là do ở nhà dì Sáu trồng hai cây rất to đằng sau nhà, với một cây trâm gần quán của dì Tư. Cái hồi mình mới 6,7 tuổi thì hai cây trâm ấy đã thuộc hàng lão niên, to bằng một vòng tay người lớn ôm. Nó cũng xù xì xanh lè như bao cái cây khác chẳng có gì đặc biệt, chỉ khi đến độ tháng năm, tháng sáu như vầy, trời mưa lâm râm là cây trâm trổ bông rồi kết nhiều chùm xanh lè, từ từ chín lại thành tím sẫm. Trâm không mọc từng trái riêng lẻ mà kết lại thành chùm, treo lủng lẳng, trái nào khi chín cũng tròn quay béo ụ, nhìn rất thích mắt.
Bắt đầu vào hè cũng là mùa mưa, những cơn mưa cứ đến đi bất chợt rào rạo trên mái nhà, mùa của những chùm trâm chín mọng. Nhà dì Sáu chỉ có hai cây trâm, tới mùa là tím sẫm chùm chùm như thế, nếu không hái thì những đợt mưa tới sẽ làm chúng rụng rơi lả tả xuống sân nhà, không thì cũng bị mưa làm dập nát sanh úng hết trái. Cho nên sẵn sào sẵn vợt đó, hai ông anh họ của mình cứ leo thoăn thoắt lên cây mà hái lấy hái để, lần nào cũng được mấy thúng đựng lúa.
Có một thời cái quán nhỏ của dì Tư đầu hẻm cũng bày cả rổ trâm ra để bán. Không biết có bán được bao nhiêu mà mỗi lần mình loanh quanh chạy chơi gần đó thì dì đều kêu lại rồi dúi vào tay cả nắm trâm chín. Trái trâm lúc còn sống thì màu xanh ngắt như sung, mới chín tới thì còn loang lổ tim tím, chín mọng thì sẫm lại thành màu đen. Trái vừa chín thì căng mọng tròn trịa, còn hái xuống để lâu ngày thì từ từ lớp da bên ngoài sẽ heo héo lại. Trâm để càng chín thì ăn càng ngon, để càng héo thì ăn càng ngọt lịm. Vui một điều là bạn cứ bỏ vào miệng ăn đi, rồi lè lưỡi ra, đứa nào đứa nấy lưỡi cũng tím rịm như nuốt nhầm phải lọ mực. Mà, càng ăn nhiều thì cái màu tím ấy nó càng đẫm, tím như trái mồng tơi bóp nát chảy nước ra vậy. Cái trò vui của lũ nhỏ thuở ấy là thi nhau ăn trâm cho nhiều rồi thè lưỡi ra so, tranh đứa nào lưỡi tím đậm hơn, nhìn giống ma hơn.
Niềm vui thì luôn ngắn ngủi, chẳng kéo dài được lâu. Chỉ qua mấy mùa hè như vậy bỗng một ngày dượng Út quyết định chặt một cây trâm bên góc nhà đi. Lũ trẻ thì bù lu lên, cứ cương quyết ngăn cản, nhưng người lớn thì bao giờ cũng có đủ trò để bịa, thế là câu chuyện về con ma tóc dài trú ngụ trong gốc trâm cứ ám ảnh lũ trẻ ngày ấy. Và cái minh chứng cho câu chuyện của người lớn là người ta quét sơn trắng lên rồi đóng đinh vào gốc trâm trước khi chặt nó.
Cuộc đời, có những thứ người ta không muốn nhưng mặc nhiên cũng phải chấp nhận. Cái ngày chặt cái trâm đi nỗi buồn chỉ héo hắt một ít trong lòng, vì biết còn có một cây đứng bên kia góc sân mà, mình và hai anh họ lại hồ hởi thi nhau hứng trâm. Người lớn thì phải chặt những nhành trên cao trước rồi mới đốn gốc, độ ấy cũng là mùa mưa như thế này, trâm kết trái đầy cây. Hai anh mình leo lên cây để rung nhành cho trâm rớt xuống, mình và dì Sáu đứng dưới căng tấm bạt ra để hứng. Trâm rớt như mưa xuống, kêu lộp độp thành tiếng. Hôm ấy, chúng tôi hứng được mấy rổ đầy, nhiều trái bị dập nát tan tành phải bỏ ra.
Lần ấy, khi trở về thành phố mình mang theo bên mình một bịch trâm gọi là kỉ niệm, một bịch đầy rất to và đem đổ vào rổ, để vào trong tủ lạnh. Mỗi ngày, cứ mở tủ ra nhìn và nhón tay lấy vài trái ngậm chơi. Chỉ ngậm chứ không dám ăn vội, để cái vị ngọt tan ra từ từ nơi đầu lưỡi. Ấy thế rồi cũng đến lúc cái rổ chỉ còn trơ trọi vài trái, mùa hè cũng đi qua mất tiêu rồi. Cứ tiếc và nhớ hùi hụi một đời cây, sau đó mới biết được câu chuyện của người lớn chỉ là phịa ra, nhà dì Sáu xây thêm cái nhà bếp nên phải chặt cây trâm đi để lấy chỗ cơi nới ra…
Con người có linh hồn và cảm xúc thì loài thực vật vô tri cũng có cảm giác và linh hồn chăng? Cây trâm trước quán dì Tư thì nằm trong sân của một nhà, chỗ ấy đất khô cằn nên quanh năm chẳng thấy nó bón ra trái nào, cành cũng trụi lủi. Chẳng bao lâu thì nó cũng bị đốn hạ để lấy gỗ. Nhắc mới nhớ, cái cây trâm hồi ấy sau khi chặt đi, nhà dì Sáu tôi đào một cái hầm đất và đem xuống hầm tù tì bao nhiêu ngày để thân gỗ chuyển thành than đen xì. Trong mắt con nít tuổi nhỏ, cái gì cũng mới mẻ và lạ lẫm. Trước giờ cứ nghĩ than thì là cục than, tới lúc ấy mới biết thêm rằng gỗ hầm qua lửa cũng có thể biến thành than được nên thích thú vô cùng.
Cây trâm còn lại, nó nằm ở đầu bên này góc sân, kế bên giếng nước. Hai cây trâm này đều nằm kế cái mương nước chảy qua róc rách suốt mùa nên có lẽ đậu trái được nhiều. Chẳng hiểu vì sao, cây trâm kia chết được ít lâu thì qua mấy mùa, cây trâm này cũng không còn sai trái mà héo hắt dần. Có lẽ cây cũng tâm giao với nhau chăng, cũng như con chim trong lồng khi mất bạn thì cũng buồn rầu và chết đi. Nhưng cây trâm này không chết hẳn, mà là chết dần chết mòn bên trong.
Mỗi lần nhắc đến mùa trâm chín cây, anh họ mình vẫn hay kể lại kỉ niệm leo cây hái trâm té cái bịch xuống đất, nằm xụi lơ bất động khiến dì Sáu tá hỏa tam tinh. Đợt đó hình như bị chấn thương hay gãy xương gì đó, bị nằm liệt giường một chỗ, phải bắt cua đồng giã lấy nước uống để lành xương. Cũng may con nít đang tuổi ăn tuổi lớn nên xương cốt rồi cũng lành lặn lại bình thường, mỗi lần kể lại anh còn bảo lần đó cứ tưởng ngủm củ tỏi luôn rồi.
Những mùa hè sau, và bây giờ, khi mình đã lớn để trở về, cây trâm vẫn còn mặc nhiên đứng đấy. Không còn cái vẻ hiên ngang, sừng sững oai vệ như một vị tướng năm nào trong ánh mắt trẻ nhỏ. Mà giờ, như một người già lay lắt trước gió, buồn đến nao lòng. Trời mưa lại lâm râm, những nụ hoa nó vẫn đâm ra vài chùm trái. Thời gian đi qua từng mùa làm cái thân trâm xù xì cứng cáp ngày nào bong tróc ra, chỉ còn trơ lại lớp lõi héo gầy nhưng cái vị trâm – nó vẫn ngòn ngọt và làm lưỡi mình tím rịm như ngày nào…