1. Khi một đứa con nít làm sai, điều người lớn trông chờ không phải là nó có thể sửa sai ngay lập tức, mà là thái độ biết xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm lần sau. Trong công việc cũng vậy, ai chưa có kinh nghiệm, làm một hai lần đầu mà không tránh khỏi sai sót? Nhưng người biết tự trọng sẽ nói lời xin lỗi và rút kinh nghiệm, còn người hay tự ái thì im lặng và xem như không có gì xảy ra, lỗi tại anh lỗi tại ả không phải lỗi tại ta.
2. Con nít khi được dạy dỗ, mà làm sai thì sẽ bị phạt đòn. Ví như khi chưa có ai nói cho biết đó là cái sai, mình vô tình làm, thì còn châm chước lần đầu không bị phạt. Nhưng có những thứ đã là quy định, đã có chế tài, mà cứ làm sai lặp đi lặp lại, thì đó là cố tình chứ không còn vô tình nữa. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy, làm sai mà không muốn bị phạt thì khác nào đã chặt cây mà đòi ăn quả ngọt?
3. Còn bị nhắc nhở là còn chưa trưởng thành. Chỉ có con nít mới có cha mẹ theo chăm bẵm và nhắc nhở từng li từng tí, chứ người trưởng thành thì không đợi ai phải nhắc nhở mà phải chủ động làm. Con nít làm sai, cha mẹ có nhắc nhiều lần, có phạt ăn đòn, thì sau đó vẫn bao dung che chở nó. Nhưng bạn đi làm, làm sai bị nhắc nhở nhiều lần, chứng tỏ làm việc không hiệu quả, thì lúc đó bị cho nghỉ việc chứ chẳng ai rảnh đi theo nhắc nhở bạn hoài. Hãy luôn sống ở thể chủ động.
Sở làm không phải nhà trẻ, đừng đến đó để chơi xích đu, cầu tuột, cưỡi ngựa gỗ. Khi chưa trưởng thành, có nhảy việc thì cũng chỉ là đi từ nhà trẻ này đến nhà trẻ khác.