“Con chim có thể tự do bay cao trên bầu trời là do tổ của nó nhỏ gọn và chẳng tích trữ gì bên trong cả.”
Sống tối giản là một xu hướng sống thế kỷ 21 được khởi xướng bởi người Nhật. Có rất nhiều quyển sách về đề tài này trên thị trường xuất bản, nhưng quyển “Lối sống tối giản của người Nhật” của tác giả Sasaki Fumio lại khiến mình đặc biệt ấn tượng và cực kì thích từ bìa sách, nội dung cho tới văn phong của tác giả – một biên tập viên nhà xuất bản.
Mình biết quyển sách này qua giới thiệu của một cô em trên Facebook, vô tình lang thang ở Fahasa tại E-mart (đại siêu thị Hàn Quốc gần nhà) thấy nên quyết định mua luôn. Nói thật là mình không thích đọc sách dịch của Nhật cho lắm, vì ngoài các thể loại truyện tranh Nhật Bản thì truyện dịch của Nhật mình không đọc được vì giọng văn cứ đều đều, chầm chậm, và tên nhân vật quá dài, quá nhiều nên đọc tiểu thuyết trinh thám một hồi là không phân biệt được nhân vật nào với nhân vật nào. Lẽ vậy, mua quyển sách này là một sự cá cược, vì mình có thể không-đọc-được vì không hợp giọng văn của mình.
Phải nói đây là một quyển sách đẹp, đẹp từ cái bìa cho tới hình ảnh minh họa, mục lục và nội dung câu chữ. Đọc sách mà cảm tưởng cứ như mình đang hành thiền vì cảm thấy được thanh lọc cơ thể lẫn thanh lọc tâm trí. Giống như bất kì ai trong chúng ta, Sasaki là một anh chàng sống độc thân nhưng nghiện mua sắm và thích sưu tầm đủ thứ đồ, từ sưu tầm máy ảnh, sách đến đĩa CD. Anh còn có hẳn một căn phòng trong bếp dùng để tráng ảnh phim nhằm thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh của mình. Tuy sống độc thân trong một căn hộ nhỏ, nhưng phòng của anh lúc nào cũng bừa bãi và ngột ngạt.
Con người chúng ta chính là một phần cứng được lập trình từ 50 nghìn năm trước và không thay đổi cho đến bây giờ… Thực tế là phần cứng được lập trình từ 50 ngìn năm trước này hiện đang bị chất đầy các thông tin. Trong ổ cứng với dung lượng có hạn lại bị ghi toàn những thông tin không cần thiết, thậm chí bộ nhớ quý giá của chúng ta còn phải ghi nhớ cái nhìn của người khác. Và hiển nhiên là chúng khiến ta không thể nhận ra được đâu mới là điều quan trọng với bản thân mình.
Như anh Sasaki quan niệm, việc vứt bớt đồ đạc không phải là “mục đích” của lối sống tối giản, mà đó chỉ là một phương tiện giúp ta nhận rõ đâu mới là điều quan trọng thực sự trong cuộc sống của mình. Người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết cho mình chứ không phải những thứ mong muốn theo cách nhìn của mọi người xung quanh.
Thật sự, đây là một quyển sách đơn giản nhưng đã truyền cảm hứng cho mình qua 2 lần dọn nhà. Lần 1 – mình đã dọn gần như hết sạch tủ quần áo để đem đi cho bớt và vứt đi hàng tá những thứ không cần thiết. Lần 2 gần đây nhất – sau khi dọn phòng thì căn phòng của mình trở nên rộng hơn gấp 3 lần so với trước đây vì đã bỏ đi những vật linh tinh choáng không gian của phòng. Sau một buổi sáng thứ Bảy dọn dẹp, mình nằm tận hưởng không khí thoáng đãng và sự bình an tới nhẹ nhàng lan tỏa khắp phòng. Chiều chủ nhật sau đó, mình mới đọc nốt ½ còn lại của quyển sách.
Bên cạnh 55 tips tác giả Sasaki hướng dẫn cách vứt bỏ đồ, phần còn lại của quyển sách là những phần suy ngẫm mang tính triết lý và chia sẻ thêm của tác giả.
“Chẳng món đồ nào có thể so được với những kỷ niệm, càng hồi tưởng lại càng thấy vui vẻ, hạnh phúc.”
“Đối với tôi, tĩnh tâm hay ngồi thiền giống như cài lại ‘hệ điều hành’ cho chính bản thân mình.”
Một buổi chiều, nằm đọc những dòng này mà cảm thấy lâng lâng hạnh phúc và có cảm giác khoan khoái dễ chịu vô cùng như được giác ngộ ra một chân lý mới.
Đôi khi, cuộc sống của bạn áp lực vì… căn phòng của bạn đang bừa bộn quá đấy thôi! Nếu bạn cần một động lực mạnh mẽ để F5 refresh lại đời mình thì phải đọc “Lối sống tối giản của người Nhật” thôi.