Thoạt đầu mới nhìn qua poster hoặc một vài hình ảnh của 11.22.63, có thể bạn sẽ chẳng thấy điều gì thú vị và bỏ qua bộ phim này. Nhưng tin mình đi, nếu không xem 11.22.63 thì chắc chắn bạn sẽ phải hối tiếc vì sự lựa chọn này đấy.
Vốn dĩ mình cũng không thích xem dòng phim về đề tài chính trị, lại còn theo phong cách cổ điển (classical) nhưng không hiểu vì sao, bằng một lý do nào đấy mình lại xem 11.22.63. Đến bây giờ cũng không hiểu nguyên cớ nào đã đưa mình tới bộ phim này, giống như một khán giả nhận xét về 11.22.63 trên IMDB: “Mọi sáo ngữ như ‘mê hoặc lòng người’ (riveting) hay ‘dính chặt vào ghế’ (edge of seat) đều phù hợp để nói về bộ phim này.”
11.22.63
Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc con số trên có nghĩa là gì? Đó là ngày John F. Kennedy (hay JFK), vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ bị ám sát. Năm 1960, thượng nghị sĩ John F. Kennedy ra tranh cử tổng thống và đắc cử vào ngày 20.1.1960. Trong bài diễn văn nhậm chức, có những câu nói của JFK đã trở thành bất hủ muôn đời: “Đừng bao giờ hỏi đất nước có thể làm gì cho chúng ta, hãy tự hỏi chúng ta có thể làm gì cho đất nước này” (Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country).
JFK tại nhiệm từ năm 1961 đến năm 1963, và bị ám sát vào ngày 22.11.1963 bởi tay súng Lee Harvey Oswald. Sự kiện JFK bị ám sát la một bước ngoặt trong dòng lịch sử Hoa Kỳ vào thập niên 1960, khi khắp thế giới thương tiếc ông và các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia đã đi theo quan tài đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Thời kì JFK đương nhiệm cũng đang là mốc thời điểm giai đoạn đầu của chiến tranh Việt Nam. Cái chết của ông rơi đúng vào thời khắc quyết định đối với vận mệnh của miền Nam Việt Nam. Nhiều sử gia lại cho rằng nếu JFK còn sống sau sự kiện ở Dallas, thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã có một kết cục bớt khốc liệt hơn cho cả hai phía.
Điểm qua sơ lược một chút về bối cảnh lịch sử để bạn khởi bỡ ngỡ khi xem tập đầu tiên (vì mình xem xong phải search Wiki để đọc lại tiểu sử Kennedy). Jake Epping – giáo viên tiếng Anh tại một trường trung học, vừa mới ly dị vợ và tâm trạng chán chường, sầu não nên hay ghé đến quán ăn quen thuộc của ông bạn già Al. Al là một cựu chiến binh từ cuộc chiến tranh Việt Nam, mở một quán ăn nhỏ và sống một mình trong ngôi nhà gần đó. Một ngày nó, Al tâm sự cho Jake biết mình đã bị ung thư và sống không được bao lâu nữa, trước khi chết có một tâm nguyện ông vẫn chưa thực hiện được và muốn Jake hoàn thành nó.
Al đưa Jake tới quán ăn của mình, kêu Jake đi vào tủ quần áo và xem có chuyện kì lạ gì xảy ra. Jake tỏ ra khó hiểu nhưng vẫn chiều lòng ông bạn già, lò dò đi vào và bùm… anh du hành tới nước Mỹ năm 1960 qua một cổng thời gian. Điều đặc biệt là dù anh ở trong quá khứ bao lâu chăng nữa, dù là 1 ngày, 1 tuần hay 1 năm, thì khi đi ngược trở về, ở năm 2016 chỉ là 2 phút trôi qua. Và nếu anh đã thay đổi chuyện gì đó trong quá khứ, khi đi qua cổng thời gian lần 2, những chuyện trước đó sẽ bị xóa mất hoàn toàn, và anh sẽ phải bắt đầu lại ở mốc thời điểm năm 1960 – luôn luôn là vậy.
Al vô tình phát hiện cánh cổng thời gian này trong quán của mình trước đây, và ông đã dành cả đời cho những chuyến du hành với một nhiệm vụ mang tính thế kỷ là ngăn chặn cuộc ám sát tổng thống John F. Kennedy. Al luôn tin rằng nếu JFK không bị ám sát, nước Mỹ sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều và ngay cả cuộc chiến tranh Việt Nam cũng sẽ không xảy ra. Mỗi lần trở về quá khứ, Al lại thu thập và góp nhặt thông tin trong quyển nhật kí của mình, đồng thời cũng đem theo thực phẩm để duy trì cửa hàng ăn uống. Đó là lý do vì sao hamburger thịt bò tại quán của Al luôn có giá rất rẻ.
Khi chia sẻ cho Jake biết về bí mật của cánh cổng, Al gửi gắm lại cho anh sứ mệnh thế kỷ mình vẫn chưa hoàn thành, kèm theo rất nhiều tài liệu để sống sót được ở những năm 60 như thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, giấy tờ tùy thân và thông tin các trận đấu để cá cược. Dĩ nhiên ban đầu Jake cho rằng điều này thật là điên rồ và anh từ chối, nhưng chứng kiến cảnh Al không sống được bao lâu anh cũng phải chấp thuận thử một lần, vì dù sao cũng chẳng mất mát gì cả mà tự dưng lại trở thành người có tầm ảnh hưởng đến cả nước Mỹ, giống như câu from zero to hero vậy.
3 năm. “Từ đây cho đến vĩnh cửu”
22.11.63 chỉ có vỏn vẹn 8 tập phim, mỗi tập kéo dài gần 60 phút, là series ngắn nhất trong số những series phim Mỹ mình đã xem. 3 năm trong phim từ năm 1960 đến 1963 là giai đoạn thầy giáo Jake Epping sống ở quá khứ với cái tên Jake Amberson, anh di chuyển qua nhiều tiểu bang, lần theo các dấu vết Al ghi chép lại để điều tra ai là người đứng đằng sau giật dây Lee Harvey Oswald ám sát tổng thống, đồng thời cũng tìm cách để ngăn chặn vụ ám sát này xảy ra.
Và ở đây anh gặp được Sadie Dunhill – tình yêu của đời mình qua những lần hữu duyên số phận an bày. Khi tìm một công việc để sinh sống, Jake Amberson xin dạy học ở một ngôi trường nhỏ ở vùng ngoại ô, và vô tình gặp lại Sadie. Lửa rần rơm lâu ngày cũng bén, anh và Sadie yêu nhau say đắm nhưng che giấu thân phận chuyện mình đến từ tương lai.
Đồng hành với Jake trong phi vụ ngăn chặn cuộc ám sát là Bill, chàng trai vùng ngoại ô duy nhất biết anh là người đến từ tương lai. Cả hai thuê một căn nhà gần nhà của Lee để cài đặt máy nghe lén và theo dõi động tĩnh của Lee. Nhưng rồi, Bill lại nảy sinh tình cảm với vợ Lee và là người phản bội lại Jake, dẫn tới nhiều xung đột cao trào ở phần sau phim.
Spoiled nhiều quá sợ mất sự hấp dẫn và bất ngờ của phim, nên để dành lại cho quan tâm xem nốt rồi cảm nhận. Trở về quá khứ, Jake đã tìm được một nửa thật sự của đời mình là Sadie, cô cũng là người thứ hai biết được anh đến từ tương lai và sẵn sàng làm người đồng hành với anh trong nhiệm vụ bất khả thi này. Jake là người giải thoát cho Sadie khỏi người chồng biến thái, và cũng chính Sadie đã giải thoát cho Jake trong những thời khắc thập tử nhất sinh.
***
Rất thích một triết lý trong phim, “When you fight the past, the past fights back” (Khi bạn chiến đấu với quá khứ, quá khứ sẽ chống trả lại bạn). Điều này ứng với “hiệu ứng cánh bướm” (butterfly effect) – một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas, dùng để mô tả nghịch lý thời gian và mối quan hệ nhân quả. Khi bạn thay đổi một hành động trong quá khứ, nó sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi và thậm chí cực kì to lớn trong tương lai. Và những điều Jake thay đổi trong quá khứ với ý nghĩ ban đầu rất tốt đẹp nhưng khi anh về lại năm 2016, mọi thứ lại không như anh tưởng tượng.
Ban đầu, mình còn ngỡ kết phim sẽ theo kiểu Jake không trở về tương lai nữa mà sống hạnh phúc trong quá khứ cùng với Sadie (vì anh không chắc chắn được việc một người trong quá khứ có thể du hành ngược lại qua cổng thời gian hay không, nếu không thì chỉ có mình anh trở về được). Và Jake khi về già chính là ông lão AI mở quán ăn, lại tiếp tục vòng tròn gặp anh Jake Epping trong tương lai để chuyển giao sứ mệnh du hành về quá khứ. Nhưng không, cái kết của tác giả Stephen King thì sâu sắc và buồn thê lương hơn nhiều.
Thật sự, khi xem tới hồi kết của phim, tâm trạng mình rất hỗn độn, không buồn mà cũng không vui. Không vui vì không có happy ending xảy ra, không buồn vì có ai phải chết đi cả. Cái kết ngọt và sắc tới nỗi như một lưỡi dao cao bén lẹm, cứa vào tim Jake đau nhói, cũng như cứa vào lòng khán giả. Tin rằng với những ai có trái tim yếu mềm, khi xem cái kết này sẽ phải khóc vì thương cho mối tình của Jake với Sadie.
Nam tài tử James Franco cũng thuộc lứa 7x rồi nên vào vai người đàn ông trung niên của gia đình, mấy tập đầu râu ria xồm xoàm nhìn phát ghê nhưng khi về quá khứ thì đúng kiểu “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” như một gentlemen. Không hiểu sao mình bị ấn tượng bởi nụ cười anh này, đặc biệt khi anh cười nhếch mép lên một bên, nó làm mình liên tưởng tới một ai đó rất quen. Và sau đó mới phát hiện James Franco là anh trai của Dave Franco – diễn viên đóng trong Warm Bodies (2013) với Now you see me (2013) mình từng xem rồi. Dave Franco đúng kiểu phiên bản trẻ trai, còn James thì già dặn và chín chắn hơn nhiều.
Một điểm khác khiến mình bị “thôi miên” bởi phim này là âm nhạc, mình không rành các thể loại nhạc lắm nên không biết gọi tên thế nào cho đúng, nhưng phim xài toàn dòng nhạc classic thập niên 60 cho đúng điệu. Cảm giác khi xem 11.22.63 là mọi thứ đều hòa quyện với nhau một cách rất mượt mà, ngọt ngào như một tách cà phê thơm lựng. Âm nhạc đưa tinh thần của khán giả về đúng không khí của bộ phim, cứ như bạn sống lại thời tuổi thơ với mấy bài ca nhạc phát trên loa phát thanh “Đây là tiếng nói Việt Nam! Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam…” vậy.
Chưa kể, để phục dựng nên những bối cảnh của nước Mỹ những năm 60 cho rất nhiều bối cảnh của phim phải nói rất khâm phục nhà sản xuất phim cùng ekip thực hiện.
Một bộ phim đáng xem, nên xem, và phải xem.