Chúng ta thường cho rằng người thông minh hơn thường ít mắc lỗi. Nhưng bạn có biết: Tác giả Conan Doyle của bộ truyện Thám tử Sherlock Homes nổi tiếng từng bị hai nữ sinh đánh lừa? Giáo sư vật lý lỗi lạc Paul Frampton từng bị lừa mang 2kg “mai thúy” sang biên giới? Và nhà khoa học đoạt giải Nobel Kary Mullis khăng khăng tin vào người ngoài hành tinh nhưng lại bác bỏ sự tồn tại của bệnh AIDS và hiện tượng biến đổi khí hậu?

Trí thông minh tổng quát và trình độ học vấn không những không bảo vệ được chúng ta khỏi các sai lầm trong nhận thức mà còn khiến những người thông minh dễ mắc các lỗi tư duy ngớ ngẩn hơn. Những người thông minh hoặc có học vấn cao thường ít khi học hỏi từ lỗi sai của chính họ, hoặc nhận lời khuyên từ những người khác. Khi mắc lỗi, họ thường hay đưa ra các lập luận chặt chẽ để biện hộ cho động cơ của mình. Chưa kể, “điểm mù thiên kiến” của nhóm người này thường lớn hơn, khiến họ ít có khả năng nhận ra lỗ hổng trong tư duy của bản thân. Đó cũng chính là cái bẫy của trí thông minh.

Nhà tâm lý học vĩ đại của thế kỷ 19 William James đã từng nói: “Nhiều người tưởng họ đang suy nghĩ, trong khi họ thực ra chỉ đang sắp xếp lại thiên kiến của mình”. Được viết bởi nhà báo khoa học người Anh David Robson, “Cái bẫy của trí thông minh” là cuốn cẩm nang kết hợp giữa bộ môn khoa học và nghệ thuật về trí tuệ. Trong cuốn sách này, tác giả tập trung vào ba vấn đề cụ thể: Vì sao những người thông minh lại hành động ngớ ngẩn? Họ mắc sai lầm là do thiếu sót những kỹ năng và tố chất nào? Và làm thế nào chúng ta có thể trau dồi các năng lực ấy để bảo vệ bản thân khỏi sai lầm tương tự?

Tác giả David Robson

Cuốn sách được đặt nền tảng dựa trên những nghiên cứu mới nhất về khoa học hành vi và trí tuệ thực chứng (evidence-based wisdom). Nếu yêu thích dạng sách thường thức kết hợp với kiến thức khoa học, “Cái bẫy của trí thông minh” sẽ thỏa mãn nhu cầu tìm tòi học hỏi của độc giả với rất nhiều trường hợp thực tế thú vị, từ nghiên cứu về cuộc sống thăng trầm của những đứa trẻ thần đồng trong nhóm Termites, sự khác biệt trong phương pháp giáo dục của các nước Đông Á so với phương Tây, cho đến sự ngớ ngẩn của trí tuệ đám đông – một góc nhìn thú vị về việc các đội nhóm tập hợp càng nhiều nhân tài thì kết quả chung càng tệ.

Một trong những phần hữu dụng nhất của cuốn sách là bộ công cụ lập luận và đưa ra quyết định để giúp độc giả thoát khỏi cái bẫy của trí thông minh. Bộ công cụ này bao gồm phương trình tinh thần – phương pháp cân nhắc các quan điểm đối lập để đưa ra những quyết định quan trọng, la bàn cảm xúc – tận dụng sức mạnh của sự phản tư và trí thông minh cảm xúc, kèm theo đó là bộ lọc thông tin để giúp chúng ta suy nghĩ kỹ càng, sáng suốt hơn trước tin giả, sự dối trá và thông tin sai lệch. Cho dù bạn học tập và làm việc trong lĩnh vực nào, cuốn sách cũng sẽ cung cấp một bộ công cụ nhận thức mới để bạn phát huy toàn bộ tiềm năng trí tuệ của mình.

Sách do Saigon Books phát hành, qua bản dịch rất mát tay của dịch giả Phạm Quốc Anh.

Một số trích đoạn hay:

Nhiều người có khả năng phân tích rất sáng suốt về những khó khăn mà người khác gặp phải, nhưng lại không thể suy nghĩ thấu đáo cho vấn đề của bản thân khi mà họ ngày càng trở nên tự kiêu và mất đi khả năng thỏa hiệp – một dạng khác của điểm mù thiên kiến. Những sai lầm dạng này đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa. Khi đó cảm xúc nóng nảy được kích hoạt khiến tư duy của chúng ta trở nên thiển cận và bảo thủ.

Việc học ngoại ngữ cũng giúp bạn cải thiện khả năng phân biệt cảm xúc, bởi trong quá trình này bạn sẽ học thêm được nhiều cụm từ “không có khái niệm tương đương”, giúp bạn nhận ra nhiều sắc thái cảm xúc hơn. Việc ép bản thân nhìn thế giới qua một lăng kính văn hóa mới cũng giúp bạn luyện tập tư duy cởi mở chủ động, đồng thời những thử thách sinh ra từ việc phải ghi nhớ các cụm từ mới lạ cũng giúp bạn cải thiện “khả năng chấp nhận sự mơ hồ”, một chỉ số tâm lý học cho thấy giới hạn chịu đựng của bạn với cảm giác mơ hồ thay vì hấp tấp đưa ra quyết định ngay lập tức.

Những cuốn giáo trình mà trong đó các khái niệm được cô đọng và trình bày theo cách trôi chảy và dễ hiểu nhất có thể, với những biểu đồ đẹp mắt và các gạch đầu dòng chi tiết, trên thực tế lại làm giảm khả năng ghi nhớ lâu dài. Rất nhiều học sinh – đặc biệt là những em có năng lực – thường học tốt hơn khi nội dung được viết theo phong cách riêng và có sự khác biệt, thể hiện được nội dung tranh luận chi tiết hơn về các vấn đề tiềm ẩn và sự mâu thuẫn bên trong dẫn chứng. Ví dụ, những người đọc các bài luận phức tạp của Oliver Sacks thường có khả năng ghi nhớ về năng lực thị giác nhiều hơn những người đọc một cuốn giáo trình đẹp mắt, được trình bày tỉ mỉ.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx