Hãy tưởng tượng sẽ như thế nào nếu bạn có một cỗ máy phi công nghệ đi ngược thời gian ẩn giấu trong não bộ? Với cỗ máy ấy, bạn có thể đi xuyên không gian và thời gian để gặp gỡ những kiếp sống khác nhau của mình trước đây và thậm chí còn trò chuyện được với họ bằng tâm thức. Nói về chủ đề thôi miên hồi quy tiền kiếp, mình từng đọc qua rất nhiều cuốn sách trên thị trường viết về đề tài này dưới góc độ những câu chuyện người thật việc thật, trong đó có những cuốn rất hay và sâu sắc. Nhưng phải đến Chiếc hộp Pandora của tác giả Bernard Werber, mình mới tìm lại được cảm giác say đắm khi chìm vào một cuốn sách và đọc xong chỉ biết cảm thán: “Đây là cuốn sách về tiền kiếp hay nhất mình từng đọc!”.
Với những ai mê dòng sách khoa học viễn tưởng, có thể bạn đã biết qua bộ ba cuốn tiểu thuyết “Kiến” nổi tiếng của nhà văn người Pháp Bernard Werber, bao gồm: Kiến, Ngày của Kiến và Cách mạng Kiến. Trong bộ này, mình chỉ mới đọc cuốn đầu tiên là Kiến của Nhã Nam phát hành cách đây hơn chục năm, nhưng lúc đó đã thấy choáng ngợp với khả năng tưởng tượng phong phú và bút pháp tài tình của tác giả. Bộ ba cuốn sách này đã dịch ra được hơn 30 thứ tiếng và nhận được giải thưởng do độc giả tờ Khoa học và Tương lai (Sciences et Avenir) bình chọn.
Trở lại với tác phẩm mới Chiếc hộp Pandora, tác giả Bernard lựa chọn một hướng tiếp cận hoàn toàn mới là chủ đề tiền kiếp. Và một trong những điểm khiến mình cực kỳ ấn tượng về sự nghiêm túc trong sáng tác của ông, đó là ông không chỉ viết dựa trên trí tưởng tượng mà còn từ chính những trải nghiệm thực tế về hồi quy tiền kiếp. Nhờ những người bạn của mình, bản thân tác giả đã thử nghiệm qua một số phương pháp thôi miên và thấy được những kiếp sống của ông trước đây. Ngoài chủ đề chính là tiền kiếp, cuốn sách còn là sự kết hợp tài tình giữa kiến thức lịch sử và ảo thuật để đem đến cho độc giả một show trình diễn độc đáo nhất chưa từng có.
Kiếp sống thứ 112
Nhân vật chính của sách là anh chàng Réne Toledano, 32 tuổi, là giáo viên lịch sử tại một trường cấp ba. Trong một buổi đi xem biểu diễn thôi miên tại nhà hát Chiếc hộp Pandora cùng cô bạn thân Élodie và cũng là đồng nghiệp chung trường, anh được nhà thôi miên Opale mời lên sân khấu để trải nghiệm một tiết mục đặc biệt chưa từng được biểu diễn trước đây. Cô thôi miên và dẫn dắt anh khai mở cánh cửa tiềm thức để đi vào một hành lang có rất nhiều cánh cửa, lúc này anh đang đứng trước cánh cửa số 112 và sát bên là cánh cửa số 111. Trong lần hồi quy đầu tiên, anh muốn trở về kiếp sống nào mà thấy mình hành xử như một người hùng, thế là cánh cửa số 109 sáng đèn và anh bước vào đó. Trong chớp mắt, Réne thấy mình hóa thân thành một người lính trong quân phục của Pháp dưới thời Thế chiến I.
Ở kiếp sống là người lính này, Réne là một người gan dạ và quả cảm, sẵn sàng xông pha vào hang ổ của địch và cuối cùng là tử trận như một người hùng. Sau khi tỉnh dậy từ phiên thôi miên, Réne không khỏi choáng ngợp và bàng hoàng với những điều hết sức kỳ lạ mình vừa trải qua. Trong tâm trí anh, mọi thứ mà người lính Hippolyte trải qua vẫn còn sống động ngay trước mắt. Anh thét lên điên dại, nhảy khỏi sân khấu và chạy một mạch ra một con hẻm tối bên ngoài. Trong cơn hoảng loạn và gặp phải một gã giang hồ đang cầm dao xin đểu, bản năng chiến đấu của người lính từ tiền kiếp trỗi dậy và Réne hạ gục tên giang hồ chỉ trong chớp mắt. Xui rủi thay, mũi dao đâm ngược vào lồng ngực khiến hắn ta tử vong tại chỗ và vì quá hoảng sợ nên Réne đành phi tang xác hắn xuống sông.
Vô tình giết người, Réne hoang mang không biết có nên ra sở cảnh sát đầu thú hay không, bởi trên thực tế anh chàng giáo viên lịch sử Réne không có khả năng hành động như vậy mà chính anh lính Hippolyte mới là kẻ giết người. Cho rằng mình chỉ đang bị hoang tưởng, sau đó Réne tìm gặp nhà thôi miên Opale và yêu cầu cô gỡ bỏ ảo giác đó ra khỏi đầu mình, nhưng cô cũng đành bó tay vì quả thực tiết mục thôi miên hồi quy tiền kiếp đó cũng là lần đầu tiên cô thử nghiệm và không ngờ nó lại có tác dụng. Thay vì tìm cách gỡ bỏ ảo giác, cô đề nghị giúp Réne trở về một tiền kiếp khác với những kỷ niệm tích cực hơn để thay thế kiếp sống tiêu cực vừa rồi của anh, và cuộc du hành về 111 kiếp sống của Réne bắt đầu từ đó.
Với sự hướng dẫn của Opale và khả năng thiên phú của mình, Réne có thể tự hồi quy tiền kiếp ngay tại nhà và lần lượt tiếp xúc với rất nhiều kiếp sống của mình trước đây, từ nữ bá tước Léontine de Villambreuse, tên tù nhân Zeno sống ở La Mã thời xưa, một nhà sư Phirun người Campuchia sống dưới thời Pol Pot, một võ sĩ samurai sống ở Nhật Bản, một cô gái đồng tính sống ở Ấn Độ,… Trên hết, kiếp sống đặc biệt nhất của Réne chính là kiếp số 1 trong hiện thân của Geb, một người đàn ông sống ở thủ đô Mem-set của lục địa Atlantis cách đây 12.000 năm. Ở kiếp sống ấy, Geb sở hữu một nhân cách hoàn toàn khác với Réne của hiện tại. “Ông ấy mới điềm đạm xiết bao, còn tôi lại lo sợ quá đỗi. Không mảy may căng thẳng, không mảy may sợ hãi, không gợn bóng lo âu. Sự minh triết vĩ đại nhất của dân tộc Atlantis được tóm gọn chỉ trong một câu nói: Không có gì nghiêm trọng cả.”
Chiếc hộp Pandora về tiền kiếp
Trong thần thoại Hy Lạp, nàng Pandora vì bản tính tò mò đã mở chiếc hộp do thần Zeus tặng dù đã được Prometheus cảnh báo từ trước. Hậu quả là nàng đã giải phóng luôn mọi bất hạnh của nhân loại như chiến tranh, tuổi già, bệnh tật, v.v. Chiếc hộp Pandora này cũng là ý tưởng chủ đạo của cuốn sách, từ tên cuốn sách cho tới tên nhà hát của nhân vật nhà thôi miên Opale trong truyện. Việc Réne khám phá công cụ thôi miên hồi quy tiền kiếp cũng giống như nàng Pandora mở ra chiếc hộp tai ương để từ đó cuộc đời của anh rơi vào một vòng xoáy hỗn loạn khác xa với quỹ đạo mặc định trước đó. Từ một giáo viên lịch sử bình thường, Réne bị biến thành một kẻ tội phạm bị truy nã, bỏ trốn cùng nhà thôi miên Opale trên một chiếc du thuyền từ Pháp tới Ai Cập, rồi khám phá ra những dấu tích chứng minh sự tồn tại của người Atlantis.
Có quá nhiều điểm đặc sắc hội tụ trong cuốn tiểu thuyết này mà mình khó có thể diễn tả được hết trong một bài viết, chỉ có thể điểm qua những bài học ấn tượng nhất đối với mình về tiền kiếp.
1. Đời là bể khổ
Mỗi lần Réne hồi quy về một kiếp sống trước đây, anh luôn mong ước tìm thấy một kiếp sống nào mà mình có những trải nghiệm và cảm xúc tích cực, hay một kiếp sống mà ở đó anh tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc. Có một thực tế phũ phàng rằng, dù cho thân phận và hoàn cảnh có thay đổi, nhưng ở kiếp sống nào thì Réne cũng có những khổ sở nhất định trong cuộc đời. Ở kiếp là anh lính Hippolyte thì Réne sống trong cảnh chiến trận vào sinh ra tử, ở kiếp nữ bá tước Léontine de Villambreuse tuy Réne sống trong cảnh giàu có nhưng gia đình không mấy hạnh phúc và người thân chỉ nhăm nhe vào tài sản của anh, ở kiếp là nhà sư Phirun ở Campuchia thì anh bị tay sĩ quan Khmer Đỏ tra tấn đến chết và bị xóa sổ danh tính,…
Tôi vừa hiểu ra rằng sung sướng là điều mang tính tương đối. Đôi khi sung sướng chỉ nằm ở chỗ đớn đau ngừng lại. Đớn đau càng mạnh thì việc nó ngừng lại càng tạo ra nhiều cảm giác hoan hỉ. Và niềm sung sướng giản đơn đến sau một thời kỳ dài khó chịu hẳn cũng có thể là khoảnh khắc ngây ngất vô bờ.
…
Tôi chẳng thể làm gì được nếu cuộc sống của tổ tiên chúng ta lại trắc trở đến vậy. Tôi nghĩ trong quá khứ có rất ít người được hưởng cuộc sống thường hằng sung sướng. Phần lớn phải sống một đời đầy nghĩa vụ, lao dịch, bệnh tật, đói nghèo rồi chết đau chết đớn.
2. Mong ước từ kiếp trước
Tác giả Bernard Werber có một hình ảnh ví von rất hay về linh hồn qua nhiều kiếp sống, đó là linh hồn giống như một người tài xế đổi qua nhiều chiếc ô tô khác nhau. Tâm trí cứ thế mà thay đổi thân xác từ kiếp này qua kiếp khác. Linh hồn Réne ở kiếp sống thứ 112 được tạo nên từ lựa chọn của 111 con người hẳn từng tự nhủ rằng kiếp sau họ không muốn trải qua những khó khăn họ từng phải chịu nữa. Sau kiếp sống làm người tù khổ sai đáng sợ, linh hồn Réne đã ước một kiếp sống thoải mái hơn. Sau kiếp sống thiếu tình yêu thương gia đình chân thành của nữ bá tước Léontine, linh hồn Réne chắc chắc đã mong một kiếp sống không gia đình. Sau kiếp sống là tay lính đơn thuần phải tuân thủ quân lệnh trong Thế chiến I, linh hồn Réne đã ước sao làm chủ được vận mệnh của mình.
Mỗi kiếp sống là kết quả của một điều ước được hình thành tương ứng với trải nghiệm tiêu cực trước đó. Ta bù trừ và ta tìm cách cải thiện quỹ đạo đời mình.
…
Cũng giống như trong trò Mastermind này, ta phải đoán cách kết hợp những con tốt màu sắc: để sao cho mỗi lần tồn tại mới, ta rút được ra điều cần làm từ những gì đã bỏ lỡ ở ván trước. Và có lúc cùng những con tốt ấy nhưng phải xếp đặt khác đi.
3. Những tài năng đặc biệt
Có một ý niệm độc đáo trước đây mình từng nghe tới nhưng chưa được thực chứng, đó là thôi miên hồi quy tiền kiếp để khai phá những tài năng khác của linh hồn trong nhiều kiếp trước. Ở Chiếc hộp Pandora, tác giả Bernard Werber đã lồng ghép tài tình ý niệm này qua những màn triệu hồi tiền kiếp của nhân vật Réne. Ở mỗi kiếp sống của Réne, linh hồn của anh đều sở hữu một tài năng đặc biệt nào đó – sự nhanh nhẹn quả cảm của anh lính Hippolyte, khả năng định tâm của nhà sư Phirun, sự thông thái và điềm tĩnh của Geb, sự am hiểu về tình yêu và ái dục của cô gái đồng tính Ấn Độ, v.v. Khi trải qua những tình huống gây cấn lúc bị truy nã và trong cuộc phiêu lưu từ Pháp sang Ai Cập, Réne đã dùng khả năng hồi quy tiền kiếp của mình để triệu hồi các nhân cách khác trong 111 kiếp sống của anh trước đây và tận dụng tài năng đặc biệt của họ.
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều mang trong mình những tư chất đặc biệt. Tất cả chúng ta đều giỏi trong chuyện này và vô dụng trong chuyện khác. Hơi giống trò chơi nhập vai, chúng ta đổ xúc xắc để chọn tài năng và khiếm khuyết của mình từ trước khi chào đời.
…
Mọi hóa kiếp trong quá khứ của mình đều là chuyên gia trong lĩnh vực riêng của họ. Mình thật ái ngại cho những ai chưa gì đã hài lòng với mấy kiến thức thu được từ kiếp sống đơn giản của bản thân.
4. Góc khuất của lịch sử
Đa số chúng ta đều biết đến những sự kiện lịch sử qua những tài liệu được ghi chép lại và qua những kiến thức ta được học trên ghế nhà trường. Nhưng có biết bao nhiêu sự kiện lịch sử trong thực tế đã bị chôn vùi và bao nhiêu sự kiện là được viết lại từ góc nhìn của bên thắng cuộc. Một trong những điểm đặc sắc nhất của Chiến hộp Pandora là sự tài tình của tác giả trong việc đưa những góc khuất lịch sử vào sách. Trong các tác phẩm của Bernard Werber, có một dấu chỉ rất đặc biệt là ông thường lồng ghép những đoạn chia sẻ kiến thức khoa học – lịch sử – văn hóa được in đậm, đan xen trong mạch nội dung của câu chuyện, có vai trò như một nhà tường thuật đang kể thêm câu chuyện bên lề tác phẩm. Do đó, đọc sách của Bernard, độc giả có cảm tưởng vừa đọc sách văn học mà cũng vừa đọc sách bách khoa toàn thư vì có cả hai tuyến nội dung đan xen nhau rất thú vị.
Với tư cách giáo viên lịch sử, tôi cảm giác như thế giới thảy đều đã mắc chứng quên. Và thế là ta lặp lại mọi sai lầm từ quá khứ, bởi chẳng còn nhớ gì về hậu quả của chúng.
…
Bởi ngay cả lịch sử chính thống được rao giảng trong sách giáo khoa đôi khi cũng bị cắt xén. Chẳng hạn, ta chỉ biết các nền văn minh quá khứ qua những dấu vết để lại từ những nền văn minh có chữ viết. Trong số các nền văn minh có chữ viết, ta lại chỉ biết quá khứ các nền văn minh có các sử gia. Và trong số các nền văn minh có các sử gia, ta lại chỉ biết phiên bản lịch sử của bên thắng cuộc.
5. Huyền thoại Atlantis
Nếu tìm đọc những cuốn sách về tiền kiếp, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều câu chuyện về các linh hồn có nguồn gốc xuất thân từ hòn đảo bí ẩn Atlantis thời xa xưa. Có khá nhiều dấu tích và bằng chứng khảo cổ học chứng minh sự tồn tại của lục địa huyền thoại này. Trong Chiếc hộp Pandora, tác giả Bernard Werber cũng đưa ra một giả thuyết thú vị và hấp dẫn không kém khi cho rằng người dân Atlantis vốn là tộc những người khổng lồ, cao hơn người bình thường khoảng 20 lần, có tuổi thọ trung bình từ 800-1.000 năm, sở hữu nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại và có khả năng đặc biệt trong việc xuất thần để du hành qua các thiên thể. Nhiều chi tiết phục dựng về thế giới Atlantis của Bernard trùng khớp với thông tin trong các cuộc thôi miên hồi quy tiền kiếp rải rác trong nhiều cuốn sách mình từng đọc trước đây.
Trong 111 kiếp sống của Réne, chỉ có nhân vật Geb ở kiếp sống đầu tiên tại Atlantis là khác biệt hơn hẳn tất cả khi ông sở hữu một tính cách điềm đạm và bình tĩnh lạ thường, bởi cuộc sống ở xứ sở Atlantis quanh năm luôn mưa thuận gió hòa, mọi người như sống trên địa đàng trần gian. Không có việc làm, không có nhà tù hay cảnh sát, không có những bộ luật ràng buộc con người, không có giết chóc, không có ăn thịt động vật, người dân Atlantis sống trong sự vui vẻ và hòa hợp với thiên nhiên. Nhưng vì lý do gì mà những người Atlantis lại bị diệt chủng và vẫn phải tái sinh qua nhiều kiếp để học hỏi cho sự tiến hóa của linh hồn?
… có điều chúng tôi mãi giậm chân trong một thứ hạnh phúc không giúp chúng tôi tiến bộ. Không sợ hãi, không thách thức, không rủi ro, không lo âu, chúng tôi bị ru ngủ. Tất cả những hoạt động tinh thần mà chúng tôi tạo ra, dẫu tinh tế đến đâu, cũng đều bốc hơi theo thời gian. Chúng tôi thậm chí còn không nghĩ (cho tới khi tôi gặp Réne) đến việc để lại dấu ấn bằng chữ viết mô tả cho sự tồn tại của chính mình. Chúng tôi thông thái nhưng chẳng ích gì. Bởi chúng tôi không có bất kỳ nhà sử học nào có khả năng ghi lại dấu ấn ký ức về chúng tôi trong sách vở.
Cuộc phiêu lưu đầy sóng gió và nhiều thử thách của Réne cũng là hành trình giúp anh lý giải về bản thân, về việc vì sao anh lại lựa chọn trở thành giáo viên lịch sử trong kiếp sống này, vì sao anh lại chọn cuộc sống độc thân và vì sao anh lại có một số nét tính cách như thế. Mỗi kiếp sống giống như một mảnh ghép nhỏ mà khi ghép lại, Réne có được bức tranh toàn cảnh về hành trình tiến hóa của chính linh hồn mình. Quả thực lâu lắm rồi mình mới đọc được một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, gây cấn và thú vị đến thế. Dù sách dày khoảng hơn 500 trang nhưng càng đọc càng bị cuốn vào câu chuyện của Réne và hành trình thức tỉnh sâu sắc của anh. Với mình, Chiếc hộp Pandora là một cuốn sách xuất sắc rất đáng đọc về chủ đề tiền kiếp.