(Bài viết có tiết lộ một số tình tiết trong phim, bạn vui lòng cân nhắc trước khi đọc)
Cuối tuần này mình dành thời gian xem một bộ phim đẹp và buồn đến day dứt – Close (2022), tựa tiếng Việt được dịch là Tình bạn của đạo diễn người Bỉ Lukas Dhont. Bình thường khi chọn phim phương Tây để xem, mình sẽ ưu tiên xem phim nói tiếng Anh-Mỹ để kết hợp luyện nghe tiếng Anh, nay lần đầu mới xem thử một bộ phim đồng sản xuất của Bỉ, Pháp và Hà Lan với ngôn ngữ chính là tiếng Bỉ.
Lấy bối cảnh một vùng nông thôn thanh bình ở Bỉ, Close kể về tình bạn gắn kết giữa hai cậu bé Léo và Rémi 13 tuổi, chơi với nhau từ nhỏ và hai bên gia đình cũng rất thân thiết với nhau. Léo là một cậu bé con nhà nông chính hiệu, bố mẹ cậu là nông dân điều hành một trang trại trồng hoa. Rémi sinh trưởng trong một gia đình trí thức hơn, bố cậu làm việc văn phòng còn mẹ thì làm y tá hộ sản ở bệnh viện. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, Léo và Rémi thường bày đủ trò để chơi chung với nhau như đánh trận giả hay rượt đuổi nhau chạy trên những cánh đồng hoa nhà Léo.

Đối với gia đình của Rémi, Léo như một cậu con trai thứ hai của họ. Léo thường chơi trò đuổi bắt với hai mẹ con Rémi, cả ba hay nằm dài trên bãi cỏ trước nhà để nói chuyện tâm tình với nhau. Cả Rémi lẫn Léo đều rất thích tựa đầu lên bụng nhau để ngủ, và Léo cũng thường ngủ lại qua đêm nhà Rémi như một thói quen từ bé. Mỗi khi Rémi khó ngủ, Léo sẽ kể một câu chuyện tưởng tượng nào đó cho cậu bạn mình nghe và thổi nhè nhẹ vào tai để Rémi ngủ. Tình bạn giữa hai đứa trẻ diễn ra một cách tự nhiên, trong sáng và đẹp tuyệt vời như thế, cho đến khi cả hai chuyển lên cấp hai sau một mùa hè.

Cả Léo và Rémi đều được xếp chung vào một lớp và ngồi ngay cạnh nhau. Vì là bạn thân với nhau suốt mười mấy năm, hai cậu bé đi đâu cũng kè kè bên nhau như hình với bóng, và ở ngay trong lớp thì hai cậu nhóc cũng hay thầm thì nói chuyện và tương tác rất thân mật với nhau. Khi chứng kiến những hành động như vậy, một số bạn gái trong lớp tò mò mới hỏi cả hai có phải là một cặp không. Nếu như Rémi chỉ cười trừ cho qua thì Léo khá khó chịu với câu hỏi này, cậu phản pháo thẳng thừng rằng bọn tớ có nắm tay hay hôn nhau đâu mà các cậu lại nghĩ như thế, bình thường các cậu cũng hay ôm nhau mà. Định kiến giới tính cũng thật kỳ lạ, nếu giữa hai bạn nữ có hành động thân mật thì mọi người xem đó là bạn bè bình thường, nhưng nếu giữa hai bạn trai có hành động tương tự thì sẽ bị gắn mác là gay.
Nếu như định kiến của các bạn nữ trong lớp với Léo và Rémi chỉ dừng ở mức tò mò và không phán xét, thì cách hành xử của tụi con trai trong lớp lại thô lỗ hơn nhiều. Chúng gọi Léo và Rémi là đồ ẻo lả và thường trêu chọc mỗi khi thấy hai cậu bé đi chung với nhau. Rémi không mấy để tâm khi bị trêu chọc như vậy, nhưng Léo thì hết sức khó chịu và bực bội. Léo từ từ tỏ ra xa cách với Rémi hơn trên trường, như khi Rémi nằm trên bụng Léo để ngủ trưa thì Léo cố tình đẩy Rémi ra xa người mình, và Léo cũng tìm cách gia nhập hội con trai trong lớp để chơi đá banh hay đăng ký tham gia đội khúc côn cầu trên băng để chứng tỏ mình mạnh mẽ và không hề ẻo lả.
Sự xa cách của Léo ngày càng đẩy Rémi ra xa hơn và tình bạn giữa hai cậu bé bắt đầu nảy sinh vết nứt rồi từ từ rạn vỡ, tới mức hai đứa có một trận ẩu đả kịch liệt ngay tại sân trường và sau đó là cạch mặt nghỉ chơi với nhau. Leo những tưởng mọi chuyện đâu rồi lại vào đấy, cả hai đứa rồi sẽ trở lại bình thường, nhưng cú twist của phim khiến khán giả sốc nặng: Rémi tự tử ngay tại nhà riêng, trong nhà vệ sinh bị khóa trái cửa. Cái chết của Rémi diễn ra khi phim chỉ mới đi qua một phần ba, hai phần ba còn lại là Léo và những người ở lại phải đối diện với nỗi đau mất mát khi Rémi ra đi.

Có thể với một số khán giả, lựa chọn tự tử của Rémi khá cực đoan và nông nổi, khi chỉ vì một chuyện nhỏ xíu mà lại hành động dại dột như vậy. Nhưng từ đầu bộ phim, đạo diễn đã khắc họa nhân vật Rémi là một cậu bé hướng nội, khép kín, có tâm hồn nghệ sĩ khi thích chơi kèn và tham gia biểu diễn trong một ban nhạc. Có thể nói môi trường sinh sống của Rémi ảnh hưởng khá nhiều tới tính cách cậu bé, bởi cha mẹ cậu đều là những người rất tình cảm, nhẹ nhàng và cũng hướng nội. Trong khi đó, Léo sinh trưởng trong một gia đình nhà nông, cậu bé thường phải phụ cha mẹ những công việc đồng áng mỗi mùa thu hoạch hay khi gieo vụ hoa mới, thường lao động chân tay sau giờ học nên ngoại hình lẫn tính cách của Léo cũng có phần rắn rỏi hơn.
Là một người hướng nội và nhạy cảm, Rémi nhận ra sự thay đổi ở người bạn thân nhất của mình. Nếu như bố mẹ là điểm tựa của cậu bé khi ở nhà, thì Léo chính là điểm tựa của Rémi ở môi trường xã hội như trường học. Nhưng khi Léo tìm đủ mọi cách tránh né và xa cách Rémi, điểm tựa ấy mất đi, Rémi cảm thấy tổn thương nặng nề và bị chới với. Trong phim không hề có chi tiết nào khẳng định xu hướng giới tính của hai đứa trẻ, tình cảm giữa Léo và Rémi chỉ đơn thuần là tình bạn chứ không có dấu hiệu nào của tình yêu. Có một số chi tiết nhỏ được cài cắm trước đó như Rémi bật khóc trên bàn ăn khi tối hôm trước Léo bỏ xuống nằm dưới đất chứ không chịu ngủ chung với mình nữa, hay khi Rémi đến xem Léo tập khúc côn cầu thì Léo tỏ vẻ khó chịu hỏi cậu tại sao lại đến đây. Tất cả những tổn thương nho nhỏ Léo vô tình tạo ra đã dẫn tới kết cục là cái chết thương tâm của Rémi.
Câu hỏi đặt ra ở đây là Léo có sai không và có phải là người gây ra cái chết của Rémi? Theo mình, Léo không sai, cách hành xử của cậu bé là rất bình thường ở lứa tuổi dậy thì, khi cậu khó chịu vì bị bạn bè trêu chọc. Có một vấn đề đáng suy ngẫm ở đây là, dù bối cảnh của phim xảy ra ở Bỉ – một quốc gia châu Âu cấp tiến – và bọn trẻ thuộc thế hệ gen Alpha (sinh sau năm 2010) đang sống ở thế kỷ 21, nhưng chúng vẫn chịu áp lực của định kiến giới tính và tiêu chuẩn nam tính độc hại không khác gì ở thế kỷ 20 hay ở các nước Á Đông. Định kiến giới tính là quan niệm về những gì mà phụ nữ và nam giới nên làm, chẳng hạn như hai cậu con trai thì không được có hành động thân mật với nhau. Còn nam tính độc hại là tiêu chuẩn sai lệch khi cho rằng là đàn ông thì bạn phải mạnh mẽ, không được khóc và tỏ ra yếu đuối.

Vì cái tiêu chuẩn nam tính độc hại đó, Léo mới cố gắng tỏ ra mạnh mẽ bằng việc gia nhập đội khúc côn cầu dù cho cậu nhóc chẳng hề thích bộ môn này chút nào. Hình tượng Léo nhỏ bé khoác lên mình bộ đồ phòng hộ cồng kềnh trong bộ môn khúc côn cầu cũng là một hình ảnh ẩn dụ được cài cắm phản ánh việc một đứa trẻ phải cố gồng mình lên để tỏ ra mạnh mẽ như thế nào theo tiêu chuẩn của đám đông. Léo cũng nhập bọn với hội con trai trong lớp để có cảm giác thuộc về bầy đàn, trong khi Rémi thích chơi với những bạn trai hướng nội giống mình và bọn con gái trong lớp. Và cũng chính vì những định kiến sai lầm đó, tình bạn đơn thuần giữa Léo và Rémi đã tan vỡ thành từng mảnh nhỏ. Với một đứa trẻ có tâm hồn nghệ thuật, yếu đuối và nhạy cảm như Rémi, đó là một cú sốc rất lớn và cậu nhóc không thể chấp nhận được việc mình sẽ mất đi mối quan hệ thân thiết bao lâu nay với Léo.
Nếu như thời trước khi sống trong điều kiện khó khăn thiếu thốn, con người ta dễ phát triển nội lực mạnh mẽ và vượt qua khó khăn, thì thời nay khi mọi thứ đều có sẵn, bọn trẻ chưa được làm quen với những mất mát và những khó khăn khắc nghiệt trong cuộc sống nên chúng cũng dễ bị tổn thương sâu sắc hơn nhiều. Sau cái chết của Rémi, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt vòng tròn – một dạng mô hình chia sẻ quen thuộc ở phương Tây – để các thành viên trong lớp cùng nhau chia sẻ những ký ức và cảm xúc của mình về Rémi. Hầu hết các bạn học trong lớp đều chia sẻ những lời đẹp đẽ về cậu bé, như Rémi là một bạn học vui vẻ và thân thiện – điều đó khiến Léo cảm thấy khó chịu về tức giận, tới mức nổi cáu: “Làm sao cậu biết Rémi luôn vui vẻ chứ?”.
Hơn ai hết, Léo hiểu rằng Rémi không hề cảm thấy vui vẻ trong những ngày tháng ở trường học, khi Léo ngày càng xa cách Rémi. Trong thế giới của bọn trẻ, chúng không xem những lời trêu chọc hay chế giễu mà chúng nói ra với bạn mình là điều gì ghê gớm, nhưng chính những định kiến đó mới là thứ phá vỡ tình bạn của Léo và Rémi. Sự ra đi của Rémi để lại nỗi đau rất lớn cho bố mẹ cậu bé, những người phải ở lại và đối diện với cái chết của con mình, cũng như để lại sự dằn vặt và ân hận tột cùng nơi Léo – bởi sâu trong thâm tâm, cậu bé biết rằng chính sự xa cách của mình đã đẩy Rémi đi vào chỗ chết.
Giá như các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội có cái nhìn cởi mở hơn về giới tính và biết cách giáo dục con em mình trong việc không nên áp đặt định kiến giới tính lên bất kỳ ai cũng như tôn trọng sự khác biệt về xu hướng tính dục của người khác, có thể kết cục thương tâm này đã không xảy ra, cả Léo và Rémi sẽ có một tình bạn thật đẹp kéo dài nhiều năm hơn nữa.
Diễn xuất của hai diễn viên nhí Eden Dambrine (vai Léo) và Gustav De Waele (vai Rémi) quả thực rất xuất sắc và dễ thương. Bộ phim cũng được đề cử cho giải Oscar năm 2023 ở hạng mục “Phim truyện quốc tế hay nhất”. Cái kết của phim cứ làm mình day dứt mãi sau khi xem xong, khi Léo một mình chạy trên cánh đồng hoa và ngoảnh đầu lại – cậu không còn thấy hình bóng của Rémi.
Chơn Linh ạ, thật là trùng hợp khi đọc bài cũ của Linh “Tự tử là do lựa chọn hay do số mệnh định đoạt?” xong mới đọc tới bài này. Cảm thấy thật buồn, cậu bé Rémi phải tuyệt vọng cỡ nào mới chọn tự sát để kết thúc sợi dây sinh mệnh?
Mà để ý thì những năm gần đây số lượng ca thanh thiếu niên tự sát quá nhiều. Nguyên nhân là do bọn trẻ bây giờ bị áp lực sớm quá, tụi nhóc cũng lớn sớm nên tâm sinh lý phức tạp và bị ảnh hưởng bởi những định kiến từ xã hội.
Thật khó có thể phát hiện những biểu hiện bất thường của bọn trẻ để giúp đỡ, gỡ rối tụi nó kịp lúc, vì mọi người thường quá bận rộn để mà quan sát, để ý con em mình. Chẳng thể trách ai được, ai cũng có lỗi mà dường như lại cũng chẳng phải là lỗi của họ.
Biên kịch viết phim đau lòng và bế tắc quá đi thôi, mình chẳng dám xem những bộ phim có sức nặng như thế này đâu, đọc review là đủ lắm rồi.
Tiện thể comment luôn thì đọc xong bài “Tự tử…” trên của Linh tự nhiên giật mình thảng thốt, tự sát xong rồi phải sống lặp lại n kiếp như vậy thì thà ráng chịu đựng kiếp này còn hơn ấy. Giá mà cậu bé Rémi cũng đọc được bài viết trên thì tốt biết mấy…
Ngoài việc tự tử vì nỗi đau tinh thần quá lớn như cậu bé Rémi, còn có trường hợp khác mình biết là người bị bệnh nan y, bị cảnh bệnh tật hành hạ đau đớn thì họ cũng muốn tự tử để chết đi cho xong, chứ sống mà chịu đau đớn như vậy họ không thiết sống nữa.
Chung quy mỗi người tự có quyết định đối với cuộc đời của họ. Tưởng tự tử là giải thoát, nhưng họ không biết phim còn dài ^^
Hay quá bạn ơi. Phim không nổi ở VN lắm, mình xem vì phim là phim A24. Vừa xem vừa khóc vì thương Rémi.
Mình mới xem phim xong.
Mình đã nghe qua tựa phim này từ lâu nhưng chưa có dịp xem, tình cờ đi trên chuyến bay của VNA, mình vào web thì có phim này và quyết định xem. Khoảng thời gian trên máy bay không đủ để mình xem hết bộ phim mà chỉ vừa tới giai đoạn Léo cố tình xa cách Rémi. Về nhà mình xem thêm 1 đoạn nữa, và lại dừng ngay sau cái chết của Rémi. 2 tuần sau, hôm nay, mình quyết định xem hết bộ phim. Thật sự, điều mình nghĩ ngay khi bộ phim kết thúc chính là, mình muốn bộ phim này sẽ không có kết thúc, mình muốn nó kéo dài hơn nữa, để mình có thể tiếp tục được thả mình đắm chìm vào cảm xúc của các nhân vật. Từng ánh mắt, nét mặt chạm rất sâu vào cảm xúc của mình. Mình cảm nhận được nỗi đau mà từng nhân vật trải qua. Nhiều phân đoạn giữa Léo và mẹ Rémi, họ không nói gì, chỉ nhìn vào nhau cũng đủ làm mình rơi nước mắt, mình thậm chí còn rơi nước mắt trước khi nhân vật rưng rưng. Mình cảm nhận được sự đè nén cảm xúc của Léo và mẹ Rémi. Khi Peter – bố của Remi – có thể bật khóc khi nghe về dự định tương lai của anh Léo, thì Léo và mẹ Rémi chỉ im lặng. Mình ước sao 2 người họ có thể khóc để giải toả nỗi lòng, nhưng không, phải đến cuối phim thì 2 người họ mới đối mặt với nhau, đối mặt với sự mất mát đó – cùng nhau.
Với mình, tên phim “Close” không chỉ thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Léo và Rémi, mà còn là mối quan hệ thân thiết của 2 gia đình, của Léo và anh trai, của Léo và mẹ Remi.
Một bộ phim đầy xúc cảm. Một bộ phim mình vừa muốn chia sẻ tới bạn bè, nhưng cũng muốn cất giữ cho riêng mình, như cất giữ kho cảm xúc sâu thẳm mà mình đang trải qua sau sự ra đi của bố mình vì UT.
Xin chia buồn cùng nỗi đau mất người thân của Hồng. Với mình thì một bộ phim hay là phim chạm được tới những tầng cảm xúc sâu thẳm của mình, và mỗi người sẽ có những cung bậc cảm xúc cũng như sự cảm thụ về điện ảnh khác nhau. Đôi khi giới thiệu bạn bè bộ phim này hay lắm, họ sẽ lại thấy bình thường. Thôi thì hãy xem đó là một nhà kho của riêng mình để lâu lâu lần giở ra xem vậy. Mà ngôn ngữ điện ảnh có thể giúp những người xa lạ chạm đến nhau, âu cũng là cái duyên 🙂