Có một dạo khi mình hỏi thăm tình hình sức khỏe hay công việc của bạn bè thân thiết, dù là người miền Nam hay miền Trung nhưng các bạn lại bắt đầu bằng một câu cửa miệng quen thuộc của người miền Bắc: “Trộm vía, sức khỏe mình dạo này vẫn tốt” hay “Trộm vía, công việc của em dạo này vẫn ổn”. Ở thời điểm hiện tại, cách nói “trộm vía” đã trở nên rất phổ biến ở miền Nam và được rất nhiều bạn trẻ sử dụng, ngay cả những bạn gen Z. Nhưng nếu quay ngược thời gian trở lại cách đây khoảng 10 năm, mình rất hiếm khi nghe thấy bạn bè xung quanh hay bất cứ ai dùng từ này ở Sài Gòn.
Nguồn gốc từ “trộm vía”
Theo “Từ điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, “nói trộm vía” là lời mở đầu khi khen sức khỏe trẻ nhỏ để tránh cho lời khen khỏi chạm vía và thành điềm gở theo quan niệm dân gian. Ví dụ: “Nói trộm vía, cháu bé bụ bẫm quá!”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, cách nói “trộm vía” này bắt nguồn từ quan niệm “ba hồn bảy vía” trong dân gian. Người Việt quan niệm hồn vía là năng lượng tinh thần để con người sống khỏe mạnh và người mang bệnh là do có một vía nào đó bị xâm phạm do tác động bên ngoài. Người xưa cho rằng vía trẻ em còn yếu nên trước khi người lớn khen các cháu, họ phải “xin phép” các vía trước.
Thông thường khi mọi người đi thăm một bà mẹ mới sinh con hay nhà có cháu nhỏ, thấy cháu bé bụ bẫm, dễ thương hay kháu khỉnh thì ai cũng đều muốn khen. Nhưng theo quan niệm dân gian, nếu khen trực tiếp như vậy thì sẽ dễ bị bà mụ quở đứa trẻ, tức nhiều khả năng sau đó đứa trẻ dễ bị ốm đau, quấy khóc, kém ăn hay chậm lớn,… Để tránh những rủi ro không đáng có ấy, người ta thường dùng câu cửa miệng “nói trộm vía” hay “trộm vía” như xin phép vía để không bị bắt lỗi. Đó cũng như một lời miễn trừ trách nhiệm từ phía người khen, bởi nếu sau đó cháu bé có vấn đề gì không hay thì gia đình cũng không thể đổ lỗi do mình nói gở.
Bắt nguồn là một tiếng đệm dùng để khen trẻ em, nhưng từ “trộm vía” sau này còn được dùng cho cả người lớn như một lời xin phép. Theo “Từ điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học, từ “trộm vía” còn biểu thị ý khiêm nhường rằng việc làm của mình vốn là chưa được phép của người nào đó mà mình muốn tỏ ý kính nể. Ví dụ: “Vì cấp bách nên tôi đã trộm vía anh giải quyết rồi”. Cách dùng này cũng tương tự với cách nói “trộm phép”, “mạn phép”.
Sự du nhập từ “trộm vía” vào miền Nam
Khi từ “trộm vía” dần trở nên phổ biến ở miền Nam trong 5 năm trở lại đây, có một điểm mình để ý là đa phần chỉ có các bạn trẻ sử dụng như một sự tiếp biến văn hóa giữa hai vùng miền. Còn với những người trung niên hoặc lớn tuổi, mình rất ít thấy các cô chú anh chị sử dụng từ này như một câu cửa miệng, ngay cả khi khen các cháu nhỏ, bởi lẽ đó không phải là một nét văn hóa đặc trưng của miền Nam. Người miền Nam khi thấy con nhà ai bụ bẫm, kháu khỉnh hay dễ thương thì buột miệng khen là khen, chứ ít ai phải “trộm vía” và họ cũng chẳng mấy khi ngần ngại chuyện gia chủ sẽ trách mình vì cái tội khen con họ mà chẳng kiêng cữ gì.
Điểm này chúng ta có thể thấy rõ nhất ở khu vực làng quê, một bà hàng xóm hay bất cứ ai đi ngang thấy cháu bé xinh xắn dễ thương đều có thể khen “Ê đẻ khéo quá mậy” mà không cần phải “trộm vía”. Còn ở khu vực thành thị có những gia đình người Bắc sinh sống, đôi khi người miền Nam cũng “nhập gia tùy tục” dùng câu cửa miệng của người miền Bắc khi khen các cháu bé để tránh gia chủ phật lòng. Đó cũng là một sự linh hoạt và tự nhiên trong tính cách của người miền Nam.
Lý giải cho làn sóng du nhập từ “trộm vía” vào miền Nam, theo mình có lẽ do sự ảnh hưởng của mạng xã hội phần nhiều. Bởi trong khoảng 5 năm gần đây, có rất nhiều nghệ sĩ, influencer và YouTuber, Tiktoker miền Bắc vào Nam để phát triển sự nghiệp, giống như quá trình Nam tiến của một số ca sĩ, diễn viên miền Bắc dạo trước. Là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, những câu cửa miệng của họ trên các video cũng dần lan tỏa và trở nên phổ biến ở miền Nam. Thành ra bây giờ chuyện một bạn trẻ miền Nam xài từ “trộm vía” như một câu cửa miệng thì không còn là chuyện quá xa lạ. Đó cũng là một quá trình thay đổi văn hóa sau một cuộc gặp gỡ giao lưu văn hóa giữa hai vùng miền.
Có nên thay đổi cách dùng từ “trộm vía”?
Cách đây vài tháng, mình từng hỏi thăm công việc của một người em dạo này thế nào, có bận rộn quá không. Em bảo: “Trộm vía, hiện tại công việc của em vẫn tốt, không phải OT (làm thêm giờ) nhiều”. Dù đã xin phép vía trước như thế, nhưng vài tháng sau, công ty em có một đợt sa thải nhân sự lớn và em nằm trong nhóm bị dừng công việc, dù cho em đang ở cương vị quản lý. Mình kể ra một trường hợp điển hình để bạn thấy, dù có “trộm vía” hay không thì thực tế cái xui rủi vẫn rớt xuống trúng đầu bạn như thường chứ ông bà không có kiêng cữ gì.
Là một người học và nghiên cứu về tâm linh, mình không cho rằng lối nói này là mê tín mà đúng hơn là “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Tuy nhiên, khi truy nguyên về nguồn gốc ngôn ngữ và văn hóa, cách nói “trộm vía” như vậy chỉ phù hợp khi khen trẻ nhỏ, chứ không phù hợp cho người trưởng thành khi khen ai đó có làn da đẹp, công việc tốt, tình yêu hay hôn nhân hạnh phúc, hay khi muốn “trộm” cái “vía” may mắn của người khác như xin vía lấy chồng, xin vía có con, xin vía làm ăn phát đạt, v.v. Lý do không phù hợp là vì đối với người trưởng thành, sự xinh đẹp, hạnh phúc, thuận lợi hay may mắn phần lớn là do phước phần của họ chứ không phải do vía, mà phước phần hay âm đức là cái mà người ta phải tích lũy qua nhiều đời nhiều kiếp hay được thừa hưởng từ phúc đức của ông bà tổ tiên để lại cho con cháu.
Lẽ vậy, thay vì dùng cách nói “trộm vía”, mình đề xuất nên thay đổi một cách nói khác dân dã mà đẹp lòng thần linh hơn, đó là “ơn Trời” hay “nhờ Trời”. Bởi lẽ nếu có niềm tin vào tâm linh thì tất cả những gì tốt đẹp mà bạn có đều do Thượng Đế hay ông Trời, hay một đấng giáo chủ tối cao nào trong tôn giáo của bạn ban cho (dĩ nhiên tự bản thân bạn cũng phải nỗ lực cố gắng trước). Vậy thì ta cần học cách biết ơn Trời vì những điều tốt đẹp dù lớn lao hay nhỏ nhặt trong đời mình bằng cách cảm thán và nói thành lời như vậy, thay vì cứ phải đi “trộm vía”, mắc gì suốt ngày cứ phải đi ăn trộm hoài? Như gần đây, một chị bạn hỏi thăm mình công việc dạo này sao, mình nói ngay: “Ơn Trời, công việc em vẫn ổn”.
Khi bạn học cách biết ơn Thượng Đế và thần linh nhiều hơn, sau một thời gian nếu để ý nhìn lại, bạn sẽ thấy đời sống của mình cũng sẽ tiến triển tốt hơn. Có đứa nhỏ nào ngày nào cũng nói cảm ơn cha mẹ mà cha mẹ lại không thương?
Đọc bài này em nghĩ đến dạo này hay có vụ xin vía thi cử suôn sẻ, như trước khi thi lớp 10 hay thi Đại học. Bản thân em là người được mấy bạn xin vía, kiểu như nhờ chị viết dùm bộ hồ sơ ứng tuyển chẳng hạn. Tuy em hiểu việc này cũng là dạng theo trend, nhưng em vẫn tôn trọng niềm tin của tụi nhỏ. Và lúc viết hồ sơ em thực sự rất cẩn trọng, nắn nót, thầm cầu chúc cho cô cậu bé đó bình tĩnh sáng suốt trong phòng thi.
Có lẽ vài năm nữa nhìn lại, bạn ấy sẽ hiểu rằng việc mình thi đậu là nhờ nỗ lực của bản thân cộng thêm phước phần của chính bạn, chứ không phải nhờ bà chị này :))))
Mấy hành động dễ thương như vậy anh thấy mình cũng không cần bắt bẻ làm chi hihi. Chỉ là dân miền Nam chánh gốc mà cứ xài “trộm vía” riết thì anh thấy kỳ =))