Xem một bộ phim được sản xuất từ năm 2009 thì cảm giác sẽ như thế nào? Tuy một thập kỷ không phải là quá dài nhưng khoảng cách về công nghệ điện ảnh mười năm trước so với bây giờ cách nhau rất xa. Một ngày vô tình xem được poster phim Hình hài dấu yêu, tựa gốc là The Lovely Bones khiến mình khá ấn tượng, đọc qua giới thiệu phim càng ấn tượng hơn nên mình mới quyết định xem phim để tìm lại cảm giác của nền điện ảnh mười năm trước.
Hình hài dấu yêu là một bộ phim chính kịch có yếu tố siêu nhiên, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ tác giả Alice Sebold xuất bản vào năm 2002. Bộ phim mở đầu khá ấn tượng với lời tự thuật của một linh hồn:
Họ của tôi là Salmon, giống như tên một loài cá; tên tôi là Susie. Ngày 6 tháng Mười hai năm 1973, tôi bị sát hại khi mới 14 tuổi.

Từ điểm nhìn của linh hồn Susie Salmon (do diễn viên Saoirse Ronan thủ vai), phim mới bắt đầu quay ngược trở lại bối cảnh trước khi Susie bị sát hại. Sinh ra trong một gia đình nhỏ ấm êm hạnh phúc, từ nhỏ Susie đã nhận được tình thương của cả cha lẫn mẹ, dưới Susie còn có cô em gái Lindsey kém một tuổi và cậu em trai út Buckley. Năm 14 tuổi, Susie đang là học sinh trung học yêu đời, đam mê bộ môn nhiếp ảnh và ước mơ trở thành một nhiếp ảnh gia. Với chiếc máy ảnh nhỏ, Susie chụp từng khoảnh khắc trong đời sống của mình với mớ phim máy ảnh được cha mẹ tặng dịp sinh nhật. Ở độ tuổi mới lớn, Susie cũng biết rung động trước chàng trai mà mình thầm thương trộm nhớ và xốn xang những cảm xúc đầu đời khi được cậu ấy ngỏ lời hẹn hò.

Hồn nhiên, thơ ngây và yêu đời là thế, Susie không hề biết rằng bấy lâu nay mình đang là mục tiêu của gã yêu râu xanh giết người hàng loạt, cũng là người hàng xóm ở cùng khu nhà. George Harvey là một người đàn ông trung niên đã ly dị vợ, sống một mình và ít giao thiệp với ai. Để tiếp cận Susie, hắn theo dõi cô bé từ xa để biết được lịch trình sinh hoạt và những cung đường cô bé thường đi qua hằng ngày, xong rồi hắn thiết kế một căn hầm bí mật với rất nhiều đồ chơi, đồ trang trí với ánh nến lung linh để thu hút dụ dỗ Susie theo hắn đi tham quan. Kết cục là chuyện gì tới cũng tới, ở trong truyện tác giả mô tả chi tiết hơn về việc Susie bị cưỡng hiếp như thế nào, nhưng ở trên phim đó chỉ là một lát cắt thoáng qua.

Khi tháo chạy ra khỏi căn hầm, Susie tưởng rằng mình đã trốn thoát khỏi gã yêu râu xanh nhưng cô bé không hề biết rằng hóa ra mình đã chết và hiện tại mình chỉ đang là một linh hồn ở cõi trung giới. Sau khi gia đình phát hiện Susie mất tích thì trình báo cảnh sát nhưng việc điều tra đi vào ngõ cụt khi cảnh sát chỉ phát hiện thấy chiếc mũ và vết máu của Susie, ngoài ra không phát hiện thi thể. Ở thế giới siêu hình, Susie không hiện diện song song cùng với thế giới vật chất hữu hình, mà cảnh giới cô bé ở là một nơi chuyển tiếp của linh hồn. Thiết kế hình ảnh của phim cũng tạo nên sự tương phản ấn tượng khi thế giới vô hình nơi linh hồn Susie đang hiện diện là một nơi đầy màu sắc sống động với những đại cảnh hoành tráng như đồng cỏ, cánh rừng, bãi biển, tảng băng lớn,… trong khi đó thế giới hữu hình nơi gia đình cô bé đang sống thì lại tối tăm, bí bách và u uất.
Từ cõi giới ấy, thi thoảng Susie mới theo dõi và quan sát được thế giới trên trần gian, nơi gia đình của cô bé và kẻ sát nhân kia sinh sống. Sau vụ mất tích của Susie, cha mẹ của cô bé là những người đau khổ nhất, họ tự trách mình và đổ lỗi cho bản thân, cũng như không thiết tha vui sống như ngày trước. Từ ngày Susie mất tích, mẹ Susie không bao giờ vào phòng con gái vì sợ bản thân không kiềm lòng được. Quá đau khổ và buồn bã trước sự ra đi của con gái, mẹ Susie chạy trốn nỗi đau bằng cách bỏ nhà ra đi tới Phi châu làm thuê trên những nông trại. Có một chi tiết khiến mình rất ấn tượng là khi có ai đó hỏi bà có bao nhiêu đứa con, bà chỉ nói rằng mình có hai đứa con, đến giờ phút ấy bà vẫn chưa chấp nhận được chuyện Susie đã mất.

Sự ra đi của Susie khiến cho gia đình của cô bé trở nên vụn vỡ hơn bao giờ hết, mỗi người lùi vào một góc sống trong thế giới của riêng mình, không còn những buổi sinh hoạt chung như trước đây. Bà ngoại của Susie phải tới thay mẹ cô bé cáng đáng và vực dậy cả gia đình, cũng như phụ cha Susie chăm sóc cho cậu em trai út đang còn nhỏ. Sau Susie, cô em gái Lindsey cũng trở thành mục tiêu tiếp theo của gã sát nhân với chiếc bẫy hắn cố tình công phu thiết kế để tiếp cận cô bé. Nhưng khác với Susie, Lindsey là một cô bé cá tính và mạnh mẽ hơn nhiều, từ lâu em đã nghi ngờ gã ta có nhiều hành vi bất thường nên lần theo nhiều đầu mối và cũng là người phát hiện ra chân tướng vụ việc.
Xét về mặt tổng thể, kịch bản của Hình hài dấu yêu không phải quá đặc sắc với nhiều plot twist, bởi cốt truyện khá đơn giản và tường minh ngay từ lời tự thuật đầu tiên của linh hồn Susie. Nhưng điều gì khiến cho mình kiên nhẫn xem hết bộ phim hơn 2 tiếng đồng hồ này? Có lẽ đó là do cái không khí của một bộ phim cũ mang lại, nó như kiểu “the good old days” (những ngày xa xưa tươi đẹp), ám một lớp bụi vàng của thời gian với phong cách quay dựng phim kiểu cũ gợi cho người xem nhiều hoài niệm. Phải công nhận diễn xuất của Saoirse Ronan rất xuất sắc, thời điểm đó cô đóng vai Susie là cũng chỉ mới trạc 15 tuổi, gần bằng tuổi nhân vật, nhưng khả năng biểu cảm xuất thần, nhất là ở những phân đoạn Susie không thể tin được mình đã chết và đau đớn khi không thể làm gì để xoa dịu nỗi đau của gia đình. Phần âm nhạc của phim cũng rất đỉnh, với những bản nhạc trỗi lên ở những phân đoạn Susie lạc trong cõi giới siêu hình cũng rất ma mị và mê hoặc người xem.
Khi tìm hiểu thêm về bộ phim thì mình mới biết, bản thân tác giả Alice Sebold cũng từng bị cưỡng hiếp và hành hung suýt chết thời sinh viên nên bà bị ám ảnh tâm lý và sang chấn nặng nề trong suốt mười năm sau đó. Đó cũng là lý do vì sao những tác phẩm của bà đều có liên quan tới việc nhân vật chính bị cưỡng hiếp, và Hình hài dấu yêu có lẽ là kết cục đầy bi kịch nhất mà bà luôn nghĩ tới nếu năm đó bà chẳng may bị sát hại. Hồi học cấp ba, mình từng thấy qua tựa cuốn sách này ở dãy sách văn học nước ngoài ở thư viện tỉnh nhưng chưa bao giờ mượn đọc. Thời điểm bộ phim ra mắt cũng tầm lúc mình mới học lớp 11, vậy đó mà giờ hơn chục năm sau mới có dịp tái ngộ lại những thứ mình từng bỏ lỡ, âu cũng là cái duyên.
Sau rốt, khi một gia đình có con gái bị mất tích, bị sát hại hay chẳng may qua đời đang độ tuổi thiếu niên đẹp đẽ, những người đau khổ nhất vẫn là những người ở lại trong gia đình. Họ phải đối diện và vượt qua sự thật đó như thế nào trong những năm sắp tới, cũng như sống như thế nào với quá khứ mười mấy năm trước đó mà người đã mất luôn hiện diện? Xem Hình hài dấu yêu và chứng kiến sự ra đi của Susie cùng nỗi buồn đau mất mát của gia đình cô bé, chúng ta mới thấy trân quý hơn sự sống mà mình được trao ban và từng ngày mình còn được sống trên cõi đời này.