Còn nhớ một phân đoạn trong những tập gần cuối phim, Mai Trường Tô có nói với Tĩnh Vương một câu: “Cảnh Diễm, đối với ta mà nói, lật án chính là kết thúc. Nhưng đối với huynh mà nói, mọi chuyện chỉ là mới bắt đầu…”
Đi qua 54 tập, đối với bộ phim đó là một sự kết thúc toàn mỹ, nhưng đối với khán giả xem Lang Gia Bảng, đó lại là sự khởi đầu cho những dư ba ám ảnh kéo dài suốt theo đó. Có người là một tuần, có người là cả tháng, nỗi ám ảnh về Lang Gia Bảng sẽ không thể nào dứt ngay được. Lâu lắm rồi kể từ thời Chân Hoàn truyện, mới có một bộ phim đủ để làm mình thổn thức, khiến mình phải hao tâm tổn sức, mất ăn mất ngủ chỉ vì Lang Gia Bảng.
Lang Gia Bảng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Hải Yến, được mệnh danh là “Bá tước Monte Cristo” của Trung Quốc. Bộ tiểu thuyết Lang Gia Bảng (gồm 3 quyển) liên tục lọt vào top những bảng xếp hạng văn học danh giá của xứ Trung. Năm 2007, Lang Gia Bảng được độc giả bình chọn đứng đầu thể loại Giá Không Lịch Sử. Năm 2011 Lang Gia Bảng lọt top 100 tiểu thuyết ngôn tình kinh điển, đứng trên rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác.
Mai Giang giang tả, kỳ lân tài tử
Lúc mới xem phim mình không hiểu Lang Gia Bảng là gì? Cứ ngờ ngợ giống Phong Thần Bảng – bảng để phong thần, sau mới biết cũng tương tự nhưng là bảng để phân định cao thủ chốn giang hồ. Lang Gia các vốn là trung tâm thông tin đầu não trong giới giang hồ, nằm ở một nơi thâm sơn cùng cốc, do Lang Gia các chủ chưởng quản. Nhớ năm xưa, Lang Gia các chủ có giao đấu một trận trời long đất lở với tướng quân Lâm Tiếp của triều đình, sau đó kết làm huynh đệ.
Xích Diễm quân dưới trướng Lâm Tiếp tướng quân cùng con trai là thiếu soái Lâm Thù bị kẻ gian hãm hại khiến 7 vạn quân chỉ trong một ngày xác thân chôn vùi nơi chiến trường khói lửa và bị gán tội danh nghịch tặc mưu phản. Thiếu soái Lâm Thù năm ấy mới 18 tuổi, may mắn thoát chết được và được Lang Gia các chủ cứu mạng. Tuy nhiên, do khói lửa chiến trường thiêu đốt cùng với tuyết trùng núi Mai Lĩnh cắn đã khiến người nhiễm loại độc hỏa hàn – loại kịch độc bậc nhất thiên hạ. Để sống sót được và quay lại trả thù, Lâm Thù phải chịu cảnh đập xương lột da, thay hình đổi dạng để cải tử hoàn sinh trở về từ quỷ môn quan. 13 năm sau đó, Lâm Thù sống dưới danh nghĩa Mai Trường Tô, nhờ sự trợ giúp từ Lang Gia các đã trở thành tông chủ lãnh đạo Giang Tả hội – bang hội lớn nhất chốn giang hồ.
“Quân tử báo thù mười năm chưa muộn”, Mai Trường Tô xuống núi để làm khuynh đảo triều đình, lật lại vụ án oan Xích Diễm năm xưa. “Mai Lang giang tả, kỳ lân tài tử” là câu tiên tri của Lang Gia các gửi đến 2 vị thế tử đương triều:
Ở cánh trái sông Mai Lang, tìm gặp kỳ lân tài tử.
Ai có được kỳ lân tài tử sẽ có được thiên hạ…
Từ trong ánh mắt, giết người không dao
Mặc dù mang danh là tiểu thuyết ngôn tình, biên kịch Lang Gia Bảng cũng chính là tác giả của truyện nhưng khán giả xem phim không hề thấy chất ủy mị, sướt mướt trong việc thể hiện tình cảm giữa các nhân vật. Có thể nói, chưa có một tác phẩm nào chuyển thể từ truyện mà lại được các fan nguyên tác (những người trung thành với nguyên tác) ủng hộ như Lang Gia Bảng, từng nhân vật phục dựng trong phim như được bước ra từ trang sách, một bộ phim mà fan đọc truyện không thể chê vào đâu được dù biên kịch có chủ ý thay đổi một số tình tiết để phù hợp với phim.
Cái hay của Lang Gia Bảng ở chỗ sự ý nhị mà tinh tế, thâm trầm mà sâu cay từ nội dung, dàn diễn viên ăn ý tới phục trang, bối cảnh phim. Tất cả tạo thành một tổng thể hài hòa như một món ăn nêm vừa vị, không quá đậm cũng không quá nhạt. Có ai ngờ được một Lâm Thù tiêu soái anh hùng năm xưa sau 13 năm lại trở thành một Mai Trường Tô trói gà không chặt, yếu không dám ra gió nhưng đầu óc lại âm hiểm vô cùng. Một Nghê Hoàng quận chúa khí phách anh hùng, kiên trung hào kiệt xông pha trên chiến trường nhưng lại mỏng manh, yếu đuối trong chuyện tình cảm. Một Tĩnh Vương Cảnh Diễm mạnh mẽ, kiên cường nơi trận mạc nhưng lại yếu đuối trong lòng khi luôn đau đáu nhớ về người huynh đệ Tiểu Thù năm xưa.
Từng nhân vật, cả chính lẫn phụ, đều được khắc họa sâu sắc trong phim, ngay cả những nhân vật phụ cũng được đoàn phim chú trọng trong tạo hình chỉn chu lẫn diễn xuất. Phục trang không quá sặc sỡ, bối cảnh phim được đầu tư rất kĩ lưỡng và những cảnh đại chiến được quay rất thực khiến khán giả như trở lại thời những bộ phim Kim Dung năm nào.
Xem phim, nhân vật mình thích nhất là Mai Trường Tô, phải nói rất ngưỡng mộ Hồ Ca ở cái khí chất của anh toát ra khi nhập vai vào Mai tông chủ. Từng cử chỉ, từng cái nhếch mép cười tới ánh mắt như giết người không dao, anh ngồi một chỗ mà điều binh khiển tướng làm khuynh đảo cả cục diện triều đình. Một nam nhân khiến cho hàng trăm nam nhân và mỹ nhân khác phải theo đuổi không ai khác chính là Mai Trường Tô. Lâu rồi mới xem phim Hồ Ca đóng lại, từ thời còn nhỏ xem “Tiên kiếm kỳ hiệp” anh đóng với thần tiên tỷ tỷ Lưu Diệc Phi (nhà giờ vẫn còn đĩa), rồi tới “Thiên ngoại phi tiên” đóng với Lâm Y Thần, cả “Thiếu niên Dương Gia Tướng” đóng chung với Trần Long. Ấy vậy mà mình đâu biết năm 2006, Hồ Ca đã trải qua một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thập tử nhất sinh khiến nữ nhân viên đi cùng bị tử nạn, còn một mắt của anh bị mù và phải khâu hơn cả trăm mũi. Có lẽ cũng vì vậy mà khi nhận kịch bản phim Lang Gia Bảng, cả Hồ Ca lẫn Vương Khải (người đóng Tĩnh Vương) đều khóc rất nhiều khi đọc nội dung. Và có lẽ cũng chỉ có một mình Hồ Ca mới đủ trải nghiệm thập tử nhất sinh và đủ khí chất để diễn tả được thần thái của Mai Trường Tô. Nói không ngoa, Mai Trường Tô là vai diễn để đời của Hồ Ca.
Có một số khán giả bình luận dàn diễn viên của phim không đẹp, với mình, tạo hình cho mỗi nhân vật đều đã quá xuất sắc. Đa số diễn viên của Lang Gia Bảng đều là diễn viên phái thực lực – những người đi lên và nổi tiếng nhờ thực lực và khả năng diễn xuất của họ, không phải vì đẹp như phái thần tượng. Đó là những gương mặt tên tuổi như Hồ Ca, Lưu Đào, Trần Long, có cả Lục Nhĩ Hào trong “Tân dòng sông ly biệt” do Cao Hâm thủ vai. Xem những dòng phim của phái thực lực đóng, sự cảm khái tất nhiên khác nhiều so với dòng phim thần tượng. Ít ai biết, có rất nhiều diễn viên phụ trong Lang Gia Bảng đều là nhân viên của đoàn làm phim đóng vì lý do không tuyển được người phù hợp và cũng để tiết kiệm kinh phí đầu tư cho những cảnh quay hoành tráng.
Nguyên dàn diễn viên Lang Gia Bảng được rinh từ phim Kẻ ngụy trang sang (do cùng công ty sản xuất), ấy vậy mà họ vẫn nhập vai rất ngọt từ phim chiến tranh đến phim cổ trang. Ngoài ra, còn có nhiều chuyện hậu trường thú vị trong bộ phim như Ngô Lỗi (nhân vật Phi Lưu) và Trần Long (nhân vật Mông Chí) đã từng đóng chung với Hồ Ca trong “Thiếu niên Dương Gia Tướng”. Trong đó, Trần Long đóng vai Ngũ ca còn Hồ Ca trong vai Lục ca, Ngô Lỗi đóng vai Lục ca lúc nhỏ. Ở hậu trường, mẹ Ngô Lỗi từng dẫn cậu bé tới chụp hình với Hồ Ca nhưng bé mắc cỡ, thế là Hồ Ca phải kéo cậu lại để chụp chung bức ảnh. Ấy vậy mà hơn chục năm, cả hai lại tái ngộ trong cùng một bộ phim, khỏi phải nói mối nhân duyên này thân thiết cỡ nào.
Khi viết đến những dòng này, không hiểu sao mình lại nhớ đến cái hình hiệu đầy ám ảnh và ma mị đầu phim, khi tiếng nhạc âm hưởng hùng tráng vang lên, rồi sau đó là một đoạn nhạc ma mị. Thêm vào đó, chất màu của phim là tông lạnh, buồn ảm đạm như màu nước trong các bức tranh thủy mặc. Không gian phim còn ngập tràn tuyết trắng, mưa rơi trên mái hiên, tất cả quyện lại thành cái buồn u ất phảng phất suốt mạch phim.
Cái kết của phim khiến mình hụt hẫng nhiều phần khi Lâm Thù chết, dù khán giả đều đã được dự báo trước khi đọc truyện, nhưng với mình, Lâm Thù chết chưa đã. Có lẽ do thời lượng về cuối có hạn, nên tình tiết mạch phim bắt buộc phải đẩy nhanh hơn, mình còn trông ngóng một trận chiến trời long đất lở khi Mai Trường Tô trở về thân phận Lâm Thù ra trận, mình còn chưa thấy được cảnh Lâm Thù điều binh khiển tướng tiêu diệt giặc loạn ra sao. Lúc nghe tin Mai Trường Tô sẽ ra trận, mình còn ngỡ sẽ có xe ngựa đưa anh ra chiến trường, ai ngờ thân hình mỏng manh bệnh tật ấy lại hiên ngang cưỡi ngựa đi. Vậy đó, rồi chỉ còn là một tờ giấy báo tin tử trận nên lòng vẫn chưa thỏa vì chưa biết Lâm Thù chết như thế nào.
Thật sự, phim chỉn chu đến từng li từng tí, ngay cả cái hình hiệu cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa ẩn dụ. Cánh bướm bay chấp chới ở hình hiệu đầu phim có thể ví như hóa thân của Lâm Thù, khi từ kén lột xác thành Mai Trường Tô, để bay một chặng ngắn ngủi trong đời trước khi chết đi. 3 diễn viên chính, mỗi người thể hiện một ca khúc nhạc phim tiêu sầu bi thảm, để phim có kết thúc nhưng nhạc vẫn luôn vang lên trong lòng…
Một bài cảm nhận thật hay và sâu sắc!
Cảm ơn bạn ^^