Trong chương trình Gia đình Haha – Những ngày trời bao la ở chặng Lào Cai, các thành viên của chương trình đã có dịp trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc thông qua lễ cúng đầu mùa của người Tày. Đây cũng là một nét văn hóa tâm linh thú vị mà các dân tộc vùng cao còn lưu giữ qua biết bao nhiêu thế hệ.

Gia đình Haha là một chương trình truyền hình thực tế mang tính trải nghiệm cuộc sống nông thôn. Ở chặng đầu tiên, dàn thành viên của chương trình gồm ca sĩ Jun Phạm, rapper Rhymastic, ca/nhạc sĩ Bùi Công Nam, diễn viên Ngọc Thanh Tâm, diễn viên hài Duy Khánh và khách mời là ca sĩ Minh Tuyết dừng chân ở gia đình anh Lâm Văn Hà và chị Vàng Thị Thông – một gia đình người Tày sinh sống trong một thung nhỏ ở Bản Liền, tỉnh Lào Cai.

Những trải nghiệm công việc của người nông dân vùng cao như cày ruộng, nhổ sắn, hái măng, hái chè,… cùng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng Tây Bắc với rừng cọ, đồi chè, ruộng bậc thang và sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp của gia đình anh Hà chị Thông đã khiến cho chương trình trở thành một hiện tượng lan truyền trên mạng. Lần đầu tiên khán giả được xem một show thực tế chữa lành với những thước phim đẹp như điện ảnh và những con người dễ thương, duyên dáng đến như vậy.

Đặc sắc lễ cúng đầu mùa của người Tày

Trong tập 3 của chương trình, các thành viên được tham gia vào lễ cúng đầu mùa trang nghiêm của người Tày được tổ chức tại nhà chị Thông. Từ sáng sớm, chị Thông đã nhờ một số người thân và hàng xóm trong bản tới phụ giúp việc nấu ăn, làm bánh và chuẩn bị đồ cúng. Lễ cúng đầu mùa của người Tày vừa là một nghi thức tôn giáo, vừa là một nét đẹp văn hóa thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người và thiên nhiên, giữa cộng đồng và tổ tiên.

Theo lời chị Thông chia sẻ, đây là lễ cúng cho mùa màng của người Tày vào đầu năm, vì bây giờ đang chuẩn bị vào mùa cấy lúa, làm chè với cả vụ ngô, vụ sắn. Lễ cúng nhằm tạ ơn trời đất, tổ tiên và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe, sự bình an và may mắn cho mọi người. Không chỉ quan sát, các thành viên của chương trình còn được tham gia trực tiếp nghi thức truyền thống của người Tày như buộc sợi chỉ đỏ vào tay và thoa rượu lên trán để ban phước lành và chúc may mắn.

Sau lễ cúng, các thành viên của Gia đình Haha, gia đình anh Hà chị Thông và bà con xóm làng trong bản cùng nhau quây quần bên mâm cơm thân mật từ các món ăn và bánh trái dâng cúng. Đến buổi chiều, cả nhà lại được trải nghiệm trò chơi dân gian ném còn – một loại quả hình cầu nhỏ được làm bằng vải, bên trong nhồi bông hoặc thóc, có tua dài – lên một tấm bia tròn trên cây tre rất cao. Người dân vùng cao quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi.

Linh ứng sau lễ cúng đầu mùa

Buổi sáng sớm sau ngày diễn ra lễ cúng đầu mùa, trời bắt đầu đổ mưa tầm tã. Mấy ngày trước ekip đến ghi hình, trời vẫn còn đang nắng ráo, thậm chí Jun Phạm còn bảo anh có xem dự báo thời tiết hôm nay nhưng không thấy báo có mưa. Thiên tượng quả thực hết sức kỳ lạ, nhưng mưa gió thực ra không phải là trở ngại, mà ngược lại là điềm linh ứng của trời đất khi đã chứng minh cho buổi lễ cúng của người dân Bản Liền.

Theo lời chị Thông chia sẻ, mọi người cảm thấy rất may mắn vì hôm nay trời mưa to, bởi vì trời mưa sẽ làm cho đất tơi xốp, việc cuốc đất cũng trở nên thuận lợi hơn để gieo hạt cải và trồng sắn. Anh Hà cũng cho biết mưa giúp đất giữ được độ ẩm, gieo hạt dễ lên nhanh và trồng cây nào cũng dễ sống hơn là trồng lúc trời nắng.

Sang hôm sau, các thành viên của Gia đình Haha cùng người dân Bản Liền đi trồng rừng cho vùng đồi trọc để phủ xanh lại đồi sau trận mưa bão cuối năm ngoái. Nhờ trận mưa hôm trước nên việc trồng cây giống trên đồi vào thời điểm này cũng thuận lợi hơn, cuốc đất dễ hơn và cây cũng có khả năng sống sót cao hơn.

Trong lễ cúng đầu mùa, mình đặc biệt chú ý tới nội dung câu khấn của vị thầy cúng bằng tiếng Tày được chương trình phụ đề:

Gia đình nhà họ, ông, bà, con trai, con dâu biết lo và bàn bạc, lo được con gà, con lợn, cỗ đầy mâm. Từ nay trở đi, tổ tiên hãy phù hộ cho gia đình làm ăn được nhiều, làm du lịch có nhiều khách. Hãy ghi chép lấy tiền bạc này.

Sau khi phát sóng những tập đầu, chương trình Gia đình Haha trở thành một hiện tượng được đông đảo khán giả đón xem và chia sẻ rất nhiều trên mạng. Từ một nơi ít được nhiều người biết tới, giờ đây homestay của gia đình chị Thông và nhiều gia đình hàng xóm của chị được đặt kín phòng cho tới tận cuối năm. Các sản vật địa phương mà người dân nơi đây thu hoạch và chế biến như chè shan tuyết cũng trở nên đắt hàng. Gia đình chị Thông giờ đây bắt đầu tập tành sử dụng máy tính để chốt đơn liên tục cho khách từ sáng tới khuya mà vẫn không ngớt đơn đặt hàng.

Vậy là, những mong cầu của người dân Bản Liền gửi gắm lên các vị thần linh đã được ứng nghiệm một cách linh ứng chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi chương trình được ghi hình vào tháng 4 và phát sóng vào tháng 7. Nhờ hiệu ứng từ chương trình, vừa qua tập đoàn YeaH1 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trao tặng Bằng khen vì những đóng góp nổi bật cho sự phát triển du lịch địa phương.

Tập tục tế Trời của người xưa

Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, Thần Linh vẫn thường xuyên dạy đạo cho thế gian nên từ vua chúa (thiên tử ) cho tới các tù trưởng bộ lạc đều biết cúng bái và làm lễ tế Trời để cầu xin ơn phước, xin mưa thuận gió hòa hay xã tắc bình an. Đến thời kỳ khoa học phát triển, người ta bắt đầu lý giải mưa gió dưới góc nhìn khoa học tự nhiên mà dần quên mất những truyền thống tâm linh xa xưa.

Hồi bé xem phim Tây Du Ký, hẳn nhiều khán giả còn nhớ chi tiết bốn thầy trò Đường Tăng từng giúp đỡ người dân vùng Phụng Tiên cầu mưa nhưng thất bại. Khi Tôn Ngộ Không lên Thiên Đình tìm hiểu nguyên nhân mới biết quận hầu xứ này mạo phạm trời đất nên xứ ấy cũng bị phạt khô hạn suốt nhiều năm. Khi người cai quản một xứ sở sống thiếu đạo đức và phạm luật Trời thì xứ sở ấy cũng phải chịu kiếp nạn chung. Hay khi phần đông cư dân một xứ sở sống sai trái, quên đi con đường đạo đức tâm linh thì xứ ấy cũng sẽ chịu sự trừng phạt qua những hình thức như thiên tai, nhân họa.

Thông qua chương trình Gia đình Haha, nhiều người miền xuôi và những người văn minh sống trong thế giới hiện đại mới có dịp sống chậm và nhìn nhận lại về cách sống thuận tự nhiên của những người dân tộc vùng cao. Họ sống tự cung tự cấp, đói ăn rau đau hái lá rừng làm thuốc, thuận theo nhịp điệu tự nhiên của trời đất và đặc biệt là biết tin tưởng vào sự ban phúc giáng họa của ông Trời đối với mùa màng, sức khỏe, sự bình an và tiền bạc của gia đình họ.

Chính lối sống đẹp và hợp lòng Trời đó, người dân xứ này mới nhận được nhiều ân phước từ Bề Trên để cuộc sống khởi sắc và ngày một tốt đẹp hơn. Đó cũng là một tấm gương sống động cho những người tự nhận là “văn minh” cần học hỏi trên con đường đạo đức tâm linh.

Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, bạn có thể ủng hộ tác giả qua chương trình Bạn đồng hành hoặc tại đây.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx