Ngày 21/2 vừa qua, bộ phim “Nhà gia tiên” của đạo diễn Huỳnh Lập đã chính thức công chiếu ở các rạp phim trên toàn quốc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của nhân vật chính Mỹ Tiên (do ca sĩ Phương Mỹ Chi đóng), một content creator quay trở về căn nhà gia tiên để tìm đề tài quay video câu view và vô tình diện kiến hồn ma Gia Minh (Huỳnh Lập đóng) – người anh trai đã mất của mình từ hơn chục năm trước. Để giúp hồn ma Gia Minh siêu thoát, Mỹ Tiên đã giúp anh trai hoàn thành những tâm nguyện còn dang dở và lên kế hoạch để giữ lấy căn nhà gia tiên đang bị người trong gia đình tranh chấp.
Ở bài viết này, mình sẽ phân tích một số khía cạnh của bộ phim dưới góc nhìn tâm linh để bạn đọc tham khảo.
1. Ý tưởng kịch bản từ siêu hình
Trong một clip hậu trường, đạo diễn Huỳnh Lập từng chia sẻ câu chuyện tâm linh liên quan tới ý tưởng ra đời bộ phim. Trong dịp Tết năm trước, Lập có đến miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang) theo thông lệ mỗi năm để cúng kiếng và có xin Bà Chúa Xứ cho mình một ý tưởng khả thi để có thể làm trong năm nay. Khi thắp nhang xong xuôi và bước lên xe, trong đầu Lập nảy ra cụm từ “Nhà gia tiên” – một cái nhà thờ cúng do ông bà để lại. Từ lúc bước lên xe cho đến khi chạy về đến nhà trong khoảng 3 tiếng, nguyên đường dây kịch bản hiện lên trong đầu Huỳnh Lập.
Tối về Lập bắt đầu note ra điện thoại và sáng hôm sau vẽ ra sơ đồ mối quan hệ nhân vật ngay. Tất cả mọi thứ về kịch bản được Huỳnh Lập hoàn thành chỉ trong vòng 1 tháng. Chính Huỳnh Lập cũng ngạc nhiên: “Lập không tin là mình có thể viết ra kịch bản nhanh đến mức như vậy”. Ở góc độ siêu hình, có thể thấy Huỳnh Lập được Bà Chúa Xứ, hay nói đúng hơn là Tổ nghề, đã cho một ý tưởng kịch bản về tâm linh và thúc đẩy để Lập bắt tay vào hoàn thành nó trong thời gian rất ngắn. Thông qua đó, thế giới siêu hình “mượn” Huỳnh Lập và bộ phim để truyền tải những thông tin tâm linh cơ bản tới đại chúng.
2. Trải nghiệm thấy ma trong đời
Nhân vật Mỹ Tiên là một cô bé gen Z chính hiệu, làm content creator và hoàn toàn vô thần, không tin vào chuyện ma quỷ cũng như chuyện cửu huyền thất tổ trong nhà. Với Mỹ Tiên, chết là hết, không có ma quỷ gì ráo trọi. Tới khi Mỹ Tiên được tận mắt thấy hồn ma của Gia Minh thì cô xỉu lên xỉu xuống mấy lần và mới tin là ma có thật. Trong đời, phải nói con người ta… may mắn lắm mới thấy được một con ma sờ sờ trước mắt. Chỉ cần thấy ma một lần trong đời là không cần phải bàn cãi gì về sự tồn tại của thế giới siêu hình.
Người thấy ma sẽ biết có thế giới cõi âm sau khi người ta chết. Và có ma quỷ đồng nghĩa với có Trời Phật, Thánh Thần và một thế lực siêu hình nào đó chi phối đời sống nhân loại. Khi biết rằng chết không phải là hết và còn đời sống cõi sau, con người ta phải lo tu thân tích đức, sống tốt đời đẹp đạo thì mới mong có được đời sống tốt hơn khi qua cõi giới bên kia.
3. Sự thị hiện của ông bà gia tiên
Trong phim, nhân vật Mỹ Tiên chỉ thấy được hồn ma Gia Minh chứ không thấy được linh hồn của ông bà gia tiên trong nhà. Đến ngày đám giỗ, được gia tiên cho phép thì Gia Minh mới mở mắt thứ ba cho Mỹ Tiên thấy được khung cảnh các vị cửu huyền thất tổ về nhà tề tựu dự đám giỗ.
Thực tế là trong cõi giới siêu hình, linh hồn người đã khuất không có ở trong mộ phần, hũ cốt trong chùa hay bàn thờ trong nhà, mà linh hồn khi qua thế giới bên kia sẽ có chính phủ siêu hình tiếp quản. Có người đi đầu thai, có người xuống địa ngục, có người đi các cõi giới khác theo sự an bài của Thánh Thần chứ họ không được tự tung tự tác muốn đi đâu thì đi hay muốn về nhà thì về.
Trong một số trường hợp, Thánh Thần sẽ cho vong linh được phép về nhà thị hiện chuyện huyền bí để cho người sống thấy cõ có cõi âm. Ví dụ chuyện ngày giỗ có con bướm ma lớn bay vào đậu trên bàn thờ, hay lư hương phừng phừng bốc cháy, hay có người trong nhà bị vong linh ông bà dựa xác để nói chuyện khuyên răn con cháu, v.v.
4. Ông bà có gánh được con cháu còng lưng?
Có một chi tiết trong phim khi ông bà gia tiên nhà Mỹ Tiên về dự đám giỗ có nói ngày hôm nay sẽ còn xảy ra chuyện nhưng gia tiên không có giúp được vì nghiệp của ai gây ra thì phải trả. Sau đó, bữa tiệc đám giỗ trở nên hỗn loạn khi tụi giang hồ kéo đến đòi nợ nhân vật chú Ba và có xô xát tới đổ máu. Điểm này phim làm đúng theo quy luật siêu hình là “phước ai nấy hưởng, nghiệp ai nấy trả”.
Có nhiều người gây ra nhiều chuyện sai trái rồi thường hay khấn ông bà gia tiên phù hộ. Trên thực tế, con người khi sống không có quyền năng thì lúc chết cũng không có quyền năng gì. Quyền năng mà các vong linh thị hiện chủ yếu là do Thánh Thần làm chứ vong linh vốn dĩ vô năng. Thánh Thần thường cho vong linh gia tiên về thị hiện chủ yếu là để giáo hóa con cháu trong nhà về mặt đạo đức và tâm linh.
5. Tu đâu cho bằng tu nhà
Nhân vật cô Tư (diễn viên Kiều Linh đóng) là một người thường ăn chay, niệm Phật, đi chùa làm công quả, từ thiện và có một quan niệm rất thực dụng đi cúng kiếng ở đền ở chùa lớn thì Trời Phật, Thánh Thần mới chứng cho mình, chứ cúng kiếng ông bà gia tiên ở nhà làm gì. Cái miệng của cô Tư suốt ngày nam mô mà bụng thì một bồ dao găm, cứ mở miệng ra là móc dao găm ra phóng liên tục. Đây cũng là một hình tượng rất thực tế của nhiều người Việt Nam, đi chùa có tụ cho vui, cúng kiếng cho xôm để cầu lộc cầu tài cầu đủ thứ chứ không thấy tu tâm sửa tánh được chút nào.
Người tâm tánh không có dễ thương, thờ cúng thần linh với cái tâm trục lợi thì cũng không có được chứng cho điều gì. Họ không hiểu tu là sửa đổi để bản thân tốt hơn mỗi ngày và tu nhà cũng vẫn đắc thành chứ không cần phải đến chốn non xanh, miếu đền. Tu theo kiểu phàm phu sẽ đi khoe khắp chốn tui tu quá trời, tui đi chùa đi đền, đi cúng kiếng dâng lễ chỗ này chỗ kia trong khi đời sống gia đình của họ như một cái nùi giẻ.
***
Khi tiếp cận đề tài tâm linh, đa số các đạo diễn và nhà sản xuất phim Việt thường khai thác đề tài ma quỷ từ linh dị đến kinh dị. Xem phim chỉ thấy hù ma dọa quỷ là nhiều chứ ít ai truyền tải được những khía cạnh sâu hơn về thế giới tâm linh, mà “Nhà gia tiên” của Huỳnh Lập là một bộ phim hiếm hoi đào sâu vào tập tục truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt. Với mình, đây là một bộ phim tâm linh thú vị, có tính giải trí nhẹ nhàng và đáng xem.