
Hôm rồi mình đọc được quan điểm của một vị hòa thượng nói rằng: “Hiện nay thế gian tai nạn quá nhiều do đâu mà ra? Do nghiệp sát quá nặng, không những vậy còn ăn sống”. Trong một số bài giảng của các tu sĩ Phật giáo, họ thường lý giải rằng thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh, bệnh tật,… đều là do nghiệp sát từ ăn mặn mà ra và nhấn mạnh cái nghiệp do việc ăn thịt không chỉ gây họa cho đời này mà còn đời sau. Nhiều người khi nghe các bài thuyết pháp như vậy thường kinh sợ và xem ăn mặn là chuyện gì đó xấu xa tội lỗi, còn ăn chay mới là tốt đẹp và có phước. Quan điểm này liệu có đúng?
Từ câu chuyện của vua Lương Vũ Đế…
Nhiều người cứ ngỡ truyền thống Phật giáo quy định tu sĩ chỉ được ăn chay chứ không ăn mặn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Phật giáo nguyên thủy bắt nguồn từ Ấn Độ vốn không có điều luật nào cấm ăn thịt cá. Trong quyển Nam Hải ký quy nội pháp truyện của tăng nhân Nghĩa Tịnh thời Đường có ghi chép về luật điển Phật giáo, trong đó chia thức ăn của tu sĩ làm hai loại là ngũ chính thực (cơm gạo, cơm bằng lúa mạch, miến hoặc bún, bánh, thịt) và ngũ tước thực (rễ, cọng, lá, hoa, quả). Chính thực tức thức ăn chủ yếu, trong đó bao gồm cả thịt.
Căn cứ vào bộ luật điển Phật giáo “Thập thông luật”, tu sĩ chỉ được ăn ba loại thịt sạch: không phải thịt súc vật do tự tay mình giết, không phải thịt súc vật chính mắt mình nhìn thấy người khác giết, không phải chính tai mình nghe nói thấy người khác giết. Theo lịch sử truyền bá của đạo Phật, khi đạo Phật bị suy vi trên đất Ấn Độ vì sự cạnh tranh của Ấn Độ giáo và Hồi giáo thì các kinh điển của Bắc Tông (còn gọi là Đại thừa) được truyền sang phía Bắc ngoài nước Ấn. Trải qua cả ngàn năm sau đó, Đại thừa lớn mạnh ở các nước như Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam,…
Lúc Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, tăng sĩ vẫn còn ăn thịt. Đến đời vua Lương Vũ Đế thời Nam Triều, ông là người sùng bái đạo Phật và có công lớn đưa Phật giáo trở nên hưng thịnh tại Trung Hoa. Tách khỏi truyền thống Nho giáo, Lương Vũ Đế đã tính đến việc cúng chay tiên tổ hoàng thất thay vì cúng bằng các loài động vật như dê, lợn, bò theo truyền thống. Lương Vũ Đế căn cứ vào các lời lẽ trong các kinh văn Đại thừa lưu truyền thời bấy giờ như “Đại ban Niết Bàn kinh”, “Lăng nghiêm kinh” quy định “không ăn thịt uống rượu, ăn thức ăn nấu chín” hay “phàm là người ăn thịt thì mất lòng đại từ” và lý luận về nghiệp báo luân hồi của Phật giáo để soạn ra bốn thiên “Đoạn tửu nhục văn”.
Đầu tiên, ông nếu ra chủ trương cấm tăng ni “ăn bất cứ loại thịt gì”. Ông cho rằng tăng ni thích uống rượu ăn thịt là “trái với sư giáo”, “trái lại kinh văn”, là “mặc áo Như Lai mà không làm việc Như Lai” hay “hành vi không khác gì trộm cướp”. Vua Lương Vũ Đế xuất phát từ lòng mộ đạo, lấy uy quyền của hoàng đế ra lệnh nghiêm cấm tăng ni uống rượu ăn thịt và thi hành nhiều đạo luật mang tính chất cưỡng chế đối với tu sĩ vi phạm. Chính từ sự hà khắc và uy quyền đó đã hình thành chế độ ăn chay của tu sĩ ở khu vực người Hán tại Trung Quốc còn giữ mãi tới ngày nay.
… đến quá trình đô hộ Việt Nam
Nền Phật giáo Việt Nam ban đầu do các nhà sư Ấn Độ truyền bá vào theo đường biển ở giai đoạn đầu Công nguyên. Phật giáo lúc này mang màu sắc Tiểu thừa Nam Tông với hình ảnh vị Bụt (Budda) được xem như một vị thần hiện diện trong đời sống nông nghiệp của người Việt Nam hay trong các câu chuyện cổ tích dân gian. Tiến đến thời kỳ Bắc thuộc, luồng Phật giáo Đại thừa từ Trung Hoa ồ ạt truyền vào với ba tông phái lớn: Tịnh Độ Tông, Thiền Tông và Mật Tông. Quá trình đô hộ hơn 1.000 năm của Trung Hoa đối với Việt Nam khiến cho Phật giáo Đại thừa trở nên lấn át và thay thế Phật giáo Tiểu thừa, từ “Bụt” cũng dần được thay thế bằng “Phật”.
Do thâm nhập một cách hòa bình nên từ thời Bắc thuộc, Phật giáo dần trở nên phổ biến và phát triển rộng khắp Việt Nam cho tới ngày nay. Cho nên, có một điều mà ít Phật tử biết tới là phần lớn các chùa chiền ở Việt Nam hiện nay đều của Phật giáo Đại thừa với các tông phái phổ biến là Tịnh Độ Tông và Thiền Tông. Phật tử đi chùa chiền, nghe các nhà sư Đại thừa thuyết pháp và mặc nhiên xem đó là chân lý đại diện cho đạo Phật, mặc dù Phật giáo nguyên thủy vốn không tồn tại các chân lý ấy như chuyện quy định ăn chay hay ăn mặn.

Ăn thực vật thì không sát sanh?
Nếu lấy quan điểm ăn thực vật là ăn chay, còn ăn thịt động vật là ăn mặn, sát sanh thì có lẽ quan điểm này cũng cần phải xem lại dưới góc độ khoa học ở thế kỷ 21. Trong tự nhiên, nếu bạn làm đau một con vật, nó lập tức sẽ kêu lên. Thế còn thực vật, liệu chúng có cách biểu hiện sự đau đớn mà con người không hề hay biết?
Thực vật từ lâu đã bị nhiều người xem là sinh vật vô tri, không tồn tại cảm xúc, cũng như sự sống cụ thể khi so sánh với động vật. Tuy nhiên, theo nhà sinh vật học Lilach Hadany đến từ Đại học Tel Aviv (Israel), thực vật có thể phát ra những tiếng kêu ở tần số siêu âm nằm ngoài phạm vi thính giác của con người. Đây chính là cách chúng truyền đạt cảm xúc, sự đau đớn của chúng với thế giới xung quanh. Để làm rõ điều này, Hadany cùng nhóm nghiên cứu ghi hình cây cà chua và cây thuốc lá trong môi trường nhà kính. Sau đó, họ làm điều tương tự với những cây bị mất nước, bị cắt thân,… thì nhận thấy chúng cũng phát ra những tiếng kêu để bày tỏ sự đau đớn.

Thí nghiệm này đã được một số trường đại học khác thực nghiệm và đều ghi nhận kết quả tương tự, qua đó cho thấy thực vật cũng có cảm xúc và tiếng nói của riêng chúng, chỉ là con người bình phàm chúng ta không thể lắng nghe và thấu hiểu được.
Trong một thí nghiệm xã hội nổi tiếng của hãng nội thất IKEA của Thụy Điển từng thực hiện năm 2018, họ cho đặt hai chậu cây xanh giống nhau ở một trường học và được chăm sóc trong điều kiện giống nhau, chỉ khác ở chỗ chậu cây bên trái sẽ bị nghe toàn lời chê bai, chửi mắng, còn chậu cây bên phải sẽ được nghe toàn lời khen ngợi từ các em học sinh trong suốt 30 ngày liên tục.
Kết quả thí nghiệm thật bất ngờ khi cùng một điều kiện chăm sóc như sau, chậu cây bên trái bị bắt nạt bằng ngôn từ trở nên héo úa, còn chậu cây bên phải được nghe những lời yêu thương vẫn phát triển xanh tốt. Nếu thực vật không có cảm xúc, sao chúng lại thấy “buồn” trước những lời nói tiêu cực của con người?

Nếu xem mọi chúng sinh bình đẳng như nhau thì các loài thực vật cũng nằm trong số chúng sinh đó. Ngay cả những người tự nhận là ăn chay thì về mặt khoa học họ cũng không hoàn toàn ăn chay, bởi trong thức ăn hay nước uống của chúng ta hằng ngày đã tồn tại vô số loài vi trùng. Ngay cả Đức Phật cũng đã nói hơn 2.500 năm về trước rằng, có 84.000 con vi trùng trong một bát nước và có ba nghìn đại thiên thế giới trong cấu trúc của vũ trụ.
Sống thuận theo lẽ tự nhiên
Cơ chế ăn thịt của con người là thứ được lập trình trong bản năng săn bắt hái lượm từ thời nguyên thủy, đã trải qua vô số triệu năm và vẫn còn duy trì cho tới ngày nay. Về mặt sinh lý học tiến hóa, bản năng nào không triệt tiêu mà vẫn còn tồn tại thì đều có cái lý của nó, và cái lý đó cũng chính là lẽ tự nhiên theo sự sắp đặt của tạo hóa. Thế nhưng, một nhóm nhỏ con người lại đi sửa lưng ông Trời để dạy cho người ta tin vào cách sống mà họ cho là đúng đắn.

Trong tự nhiên, con bò, con thỏ, con nai ăn cỏ cả đời còn không thành Phật được huống chi là con người. Thực tế là con vật hay con người ăn chay đều không được gọi là Phật hay Bồ tát. Người ta nhắc tới Phật hay Bồ tát không phải vì họ là những người ăn chay trường cửu, mà là vì họ có đức độ, phước báu, trí huệ và công đức phục vụ nhân sinh cao dày. Ở Trung Quốc còn có tích về Tế Công – một nhân vật có thật thời Tống – uống rượu, ăn thịt chó mà vẫn đắc đạo thành Phật, được tôn sùng là Tế Công Hoạt Phật. Câu chuyện trên là minh chứng điển hình cho việc ăn chay ăn mặn không có quyết định tới chuyện thành đạo.
Nói tóm lại, chuyện ăn chay hay ăn mặn là quyền tự do của mỗi người, ai thích ăn gì thì ăn cái đó. Ăn mặn không đồng nghĩa là sẽ mất phước, tăng nghiệp và ăn chay cũng không có nghĩa là sẽ tăng phước, giảm nghiệp. Người học đạo nói chung muốn tin theo bất cứ điều gì cũng cần có cơ sở khách quan và hợp lý, chứ không nên mù quáng tin vào lời ai nói, bất kể đó là tăng ni hay tu sĩ.
Tài liệu tham khảo:
– Nam Hải ký quy nội pháp truyện (Sa môn Nghĩa Tịnh)
– Tăng nhân Trung Hoa (Lý Phú Hoa)
– Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm)
– Huyền Bí Học trong Phong Thần (Cư sĩ Triệu Phước)
Đọc xong bài chị có thêm thắc mắc về nguồn gốc niềm tin của vua Lương Vũ Đế là “Đại ban Niết Bàn kinh”, “Lăng nghiêm kinh”. Nếu có dịp nghe em chia sẻ thêm.
Ý chị là vì sao ổng tin mấy bản kinh Đại thừa đó hay sao hen?
Ý là chị nghĩ mình có thể phân tích thêm là niềm tin đó của ổng có căn cứ hay ko á. Nếu vậy phải truy ngược về nguồn gốc của 2 kinh đó.