Mình biết đến cuốn sách “Qua khỏi dốc là nhà” qua Facebook nhà báo Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ. Cô Hạnh từng viết bài giới thiệu và kể chuyện tác giả Phan Thúy Hà gửi tặng cô một cuốn, mà đó cũng là một trong những cuốn hiếm hoi tác giả còn lại vì sách trên thị trường đã hết.

Lúc đọc bài mình mới tìm thông tin trên mấy trang bán sách thì đều thấy sách đã hết hàng từ lâu, và không biết đến khi nào mới tái bản lại. Chuyện cũng bẵng đi gần nửa năm trời, mãi gần đây khi vô tình “đi dạo” trên website của NXB Kim Đồng để nghía vài quyển sách văn học mua đọc cuối năm, thì hỡi ôi lại bắt gặp “Qua khỏi dốc là nhà” nằm chễm chệ trên kệ sách mới. Hóa ra quyển này vừa mới được tái bản đợt tháng 10/2021, với phiên bản bìa mới có vẽ thêm nhân vật dắt xe đi trên dốc (bản bìa cũ thì chỉ có hình con dốc), và phần tựa sách cũng được dàn lại cho khác hơn. Khỏi cần suy nghĩ, mình bấm đặt mua ngay và luôn.

Rất khó để xếp “Qua khỏi dốc là nhà” vào một thể loại cụ thể nào trong danh mục tác phẩm văn học. Cuốn sách không phải là tiểu thuyết, cũng không phải truyện dài, truyện ngắn hay tản văn, càng không phải là tự truyện. Điểm đặc biệt nhất của cuốn sách là nó không có chương, không có mục lục, không tựa truyện mà chỉ là một tập hợp rất nhiều bài viết của tác giả về những năm tháng tuổi thơ ở xóm Trùa, một làng quê nhỏ nghèo khó ở miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh những năm còn chiến tranh và chế độ tem phiếu.

Tác giả Phan Thúy Hà sinh ra trong một gia đình có năm người con mà chị là con thứ, sau chị Hằng, và ba đứa em trai Huy, Hiệu, Huân. Bố chị đi lính, nhiều năm sau mới được giải ngũ về nhà, còn mẹ chị là giáo viên. Quãng thời gian không có bố ở nhà, cả sáu mẹ con sống chung với bà nội ở một căn nhà ở phía trên đỉnh dốc, gần nhà bác Chắt và chị Vân. Nhà ở trên đỉnh dốc, đồng nghĩa là mỗi buổi đi học về mấy chị em phải còng lưng đạp xe trên quãng đường dốc, là mỗi lần gánh nước là một lần khó khăn vất vả hơn những nhà dưới dốc, là những lần kéo xe bò về nhà mà bò cũng phải ngã khuỵa xuống dưới chân dốc vì không lết đi nổi,…

“Ngôi nhà nằm trên đỉnh ba con dốc… Dốc lên dốc xuống, Dốc rất dài và nhiều đá tảng. Dốc chạy men theo những đồi sim.”

Sinh trưởng trong thời kỳ cả đất nước đều khó khăn, ngay từ nhỏ tác giả đã trải qua không biết bao nhiêu công việc của một đứa con nhà nông chính hiệu. Ngoài một buổi học ở trường, Hà phải về nhà sớm phụ bà và mẹ đi cắt cỏ cho bò ăn, đi gánh nước mỗi khi bể nước vơi, đi mót khoai mót lúa, đi bắt cua bắt cá v.v. Tất tần tật những công việc nhà nông ở một làng quê Bắc Bộ điển hình hiện ra sống động qua hồi ức của tác giả.

Khi đọc cuốn sách, có đôi lúc mình hơi hoang mang nhẹ vì tính trình tự thời gian, vì mới đoạn trước tác giả kể chuyện bố mình giải ngũ về nhà sinh sống, nhưng sang tới vài mẩu truyện sau lại kể lúc cảnh gia đình không có bố thì sống như thế nào. Đọc hết cuốn sách mình thới thấy câu đề từ của tác giả: “Viết chuyện này nhớ sang chuyện khác. Các đoạn nối tiếp nhau một cách không chủ ý như vậy”.

Bản bìa cũ. Ảnh: Đức Lộc (Spiderum)

Mặc dù là một người con sinh trưởng ở miền Nam, nhưng không hiểu sao mỗi lần đọc những áng văn về đồng quê Bắc Bộ, mình lại có cảm giác rất đồng điệu và gần gũi, cứ như thấy chính hình bóng của mình trong đó. Tuổi thơ của mình cũng lớn lên với ruộng đồng sông hồ gò bãi, dù thời điểm mình sinh sống thì không trải qua nhiều nỗi khó khăn như ở thời tác giả, nhưng phần nào qua cuốn sách mình thấy được tuổi thơ của mẹ, của ông bà mình ngày trước.

Đã từng có lúc, những đứa trẻ nhỏ ngày trước trải qua cảnh luôn đói ăn từng ngày, mỗi tháng tem phiếu của mẹ là giáo viên chỉ được một lần lãnh thịt, mà phải xếp hàng dài sau bao nhiêu ngành nghề được ưu tiên khác, để cuối cùng thứ lãnh về chỉ là mớ thịt thiu thịt ôi, nhưng lũ con vẫn háo hức thèm nhỏ dãi. Cái thời mà người ta nấu canh rau lang với bột khoai để ăn, mà một người ghé nhà chơi còn bảo nhà này nấu cám cho lợn ăn nhiều thế, nghe mà thấy chua xót cho cái nghèo vận vào người. Trong “Qua khỏi dốc là nhà”, độc giả cũng sống lại những ngày tụi con nít lẻn mẹ rủ nhau đi sang nhà hàng xóm có tivi trắng đen để coi phim, hay ước mơ có chiếc đài để nằm nghe nhạc hay nghe kịch.

Bản thân mình đọc rất nhiều sách, nhưng rất hiếm khi viết review, mỗi khi review mình thường đều ưu tiên các tác giả trong nước cũng như văn học Việt Nam, bởi lẽ ngày càng có ít người đọc và ủng hộ nền văn học trong nước. Có bạn cũng từng hỏi sao thấy mình ít review sách, bởi lẽ mình chỉ viết review những cuốn nào để lại trong mình nhiều cảm xúc, có khi vui có khi buồn, có khi nằm đọc mà cười khoái trá, có khi lại rưng rưng nước mắt chảy dài, mà những điều này thường chỉ có văn học trong nước mới có sức đả phá như vậy với mình, khi đọc văn học bằng thứ tiếng mẹ đẻ thuần túy, không phải thứ văn học dịch còn ngổn ngang ngữ nghĩa.

“Qua khỏi dốc là nhà” của Phan Thúy Hà là cuốn sách chạm đến nhiều tầng cảm xúc trong mình như thế. Không chỉ cuộc đời của những đứa trẻ xóm Trùa đầy khốn khó, mà những phận người nơi đây, nhất là những người phụ nữ cũng tảo tần khôn kém, khi mỗi người đều cáng đáng cả gia đình trên vai, gồng gánh từ người già cho đến bao nhiêu miệng ăn trẻ nhỏ, trong khi người đàn ông sức dài vai rộng làm trụ cột cho cả gia đình thì hầu như vắng bóng – người thì ở chiến trường, người thì bê tha nhậu nhẹt không biết lo cho gia đình.

Có nhiều câu chuyện trong “Qua khỏi dốc là nhà” mình đọc mà bị “sang chấn” nhẹ, từ chuyện người phụ nữ bị chồng đòi chôn sống sau đó vẫn chăm lo cho người đàn bà ăn vạ chồng mẹ tròn con vuông, từ chuyện người mẹ phải tự vượt cạn một mình trong góc vườn mà không cần tới bà mụ đỡ đẻ, cho đến cái Nhận bạn thân của tác giả nhảy xuống giếng tự vẫn, rồi chuyện chị Vân khóc lóc không muốn vào Nam với chồng, hay chuyện bác Chắt hàng xóm bị cả xứ ruồng rẫy vì nghi nuôi con thuốc độc khiến bác bỏ xứ mà đi,… Có rất nhiều câu chuyện vụn vặt, nho nhỏ như thế mà mỗi câu chuyện đều gắn liền với thân phận con người xóm Trùa, được tác giả chắp vá lại theo hồi ức, cũng như những lần trò chuyện với những người trong xóm, để vẽ ra một bức tranh xóm Trùa và căn nhà của tác giả trên đỉnh đồi thương nhớ.

Qua một cuốn sách nhỏ xíu mà thấy cả một cuộc đời, đi qua cả một thời để nhớ, mà có mấy ai đi qua khó khăn rồi lại muốn nhớ tới cái thời khốn khó đói nghèo ấy? Mà sao người ta cứ nhớ, cứ đồng vọng hoài những ngày xa xưa đó. Một cuốn sách đáng đọc vào cuối năm.

Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, bạn có thể ủng hộ tác giả qua chương trình Bạn đồng hành hoặc tại đây.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx