Nói đến tục lệ bó chân của người Trung Quốc, có thể bạn đã từng biết qua nó ở một bài báo hay một chương trình truyền hình nào đó, hoặc chưa từng nghe qua bao giờ. Trước đây mình từng đọc qua một số bài viết về tục lệ này nhưng không mấy để tâm, chỉ nhớ mang máng là ở Trung Quốc có một hủ tục lạ đời như vậy từ rất lâu. Trong tâm thức, mình chỉ hình dung đơn giản rằng tục lệ này có lẽ chỉ có ở một vài vùng dân tộc thiểu số của họ. Đến khi đọc qua tác phẩm Gót sen ba tấc của nhà văn Phùng Kí Tài, mình choáng ngợp tới mức ám ảnh trước chiều sâu văn hóa của cuốn tiểu thuyết này, khi biết thêm những góc khuất đau đớn về hủ tục bó chân và những nỗi khổ mà phụ nữ Trung Quốc đã phải chịu đựng suốt hơn cả ngàn năm.

Gấp cuốn sách lại, mình không khỏi trăn trở và suy ngẫm về dư ba cuốn sách để lại, tới nỗi không thể đọc thêm được một cuốn sách nào khác trong một tuần sau đó mà phải để cảm xúc bên trong lắng lại. Cho đến thời điểm hiện tại, Phùng Kí Tài là một trong số ít những nhà văn đương đại Trung Quốc mà mình đọc và đánh giá cao về nội hàm tác phẩm lẫn bút lực của tác giả, với bộ “Quái thế kỳ đàm” như Tục thế kỳ nhân, Âm dương bát quái, Roi thần, Ống nhòm một mắt,… Và với mình, Gót sen ba tấc là tác phẩm đỉnh nhất của ông trong loạt truyện này.

Kinh hoàng tục bó chân

Tục bó chân xuất hiện ở Trung Quốc vào thế kỷ 10 dưới thời nhà Tống và kéo dài suốt cả một ngàn năm lịch sử thời phong kiến cho đến tận đầu thế kỷ 20. Tương truyền, tục lệ này bắt nguồn từ việc cung nữ Triệu Phi Yến dùng những dải lụa bó gọn quanh chân và nhảy múa cho Hán Thành Đế xem. Ấn tượng trước màn biểu diễn kinh diễm đó, Hán Thành Đế đã gọi đôi chân xinh đẹp của nàng là “kim liên tam tốn” (gót sen ba tấc) và ra lệnh cho những cung phi khác cũng học hỏi theo. Khởi nguồn từ giới phi tần trong cung cấm, tục lệ này sau đó đã lan truyền khắp nơi trong dân chúng, từ tiểu thư con nhà quan lại cho đến con gái nhà nghèo, không ai là không bó chân. Chỉ trong một đôi chân nhỏ xíu đó mà ẩn giấu cả một pho lịch sử của Trung Quốc.

Nếu bạn đang hình dung tục bó chân chỉ đơn giản là dùng mấy miếng vải quấn quanh chân để bó lại cho gọn thì xin thưa, bạn đã lầm to! Quá trình bó chân thường diễn ra khi một bé gái bước vào độ từ 2-5 tuổi, lúc xương chân vẫn còn mềm dẻo linh hoạt. Vào mùa đông khi tiết trời lạnh như băng, người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ cho bé gái ngâm chân trong một chậu nước thảo dược pha với máu động vật còn ấm như máu gà. Sau đó, mẹ hoặc bà sẽ cắt gọn móng chân và xoa bóp nhẹ nhàng để chuẩn bị tinh thần cho bé gái trước khi chuyển qua một thao tác không khác gì phim kinh dị. Từng bàn chân lần lượt sẽ bị bẻ gãy, bốn ngón chân (trừ ngón cái) sẽ bị bẻ quặp sâu vào lòng bàn chân, sau đó dùng những dải vải quấn và siết chặt lại, rồi dùng kim chỉ may lại đặc kín. Kết quả cuối cùng là bé gái sẽ có một đôi chân bó với đầu chân nhọn như một búp sen non mới nhú.

Hình ảnh biến dạng của đôi chân sau khi bó.

Trong cuốn tiểu thuyết Gót sen ba tấc lấy bối cảnh xứ cảng Vệ Thiên Tân vào những năm 1920, nhân vật chính của câu chuyện là Qua Hương Liên, một bé gái mồ côi cha mẹ và sống chung với người bà nghèo khó. Trước khi qua đời, mẹ Hương Liên chỉ trăn trối với người bà một điều duy nhất là bà phải làm sao bó chân cho Hương Liên thật đẹp. Ngay từ chương mở đầu, tác giả đã diễn tả khung cảnh người bà bó chân cho Hương Liên hết sức ám ảnh, khiến cho cô bé lén tháo bó chân lần đầu và bị bà ngoại bó lại lần hai càng dữ dằn hơn:

Lần này bà bó càng chặt, càng nhọn và càng đau hơn. Gãy được đốt ngón chân mới thành một nửa, rụng cả xương ngón chân mới gọi là hoàn thành. Thế mà bà vẫn chưa vừa ý, ngày nào cũng cầm cái trục cán bột mì đập đánh, đau đến nỗi em kêu thét lên, vang ra cả bên ngoài.

Bà nhặt ít mảnh bát vỡ, đập vụn ra, đệm dưới bàn chân khi bó lại. Hễ em bước đi, mảnh bát vỡ cứa nát chân em. Bàn chân nát bó kín trong đám vải vỡ mủ ra. Mỗi lần thay vải bó, bao giờ bà cũng phải lôi tuột cả máu mủ lẫn thịt thối. Thực ra đó là cách bó chân có từ lâu đời ở nông thôn miền Bắc. Thịt có rữa, xương có gãy mới có thể thay đổi thành hình dáng như ý muốn.

Các bé gái được bó chân từ nhỏ.

Quá trình thay vải và bó chân cho bé gái sẽ được lặp đi lặp lại liên tục sau đó, mỗi lần bó mới là mỗi lần dải vải càng bị xiết chặt gây đau đớn hơn, cho đến khi nào khung xương chân định hình ra dáng đẹp. Một đôi chân bó hoàn hảo là đôi chân đạt tiêu chuẩn “gót sen ba tấc”, tức tương đương 10cm là vừa bằng lòng bàn tay của một người trưởng thành. Chân bó của ai càng nhỏ thì càng được xem là đẹp và có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá độ đẹp của đôi chân bó. Phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến phải duy trì việc bó chân như vậy từ nhỏ cho tới lúc chết đi, không có khi nào là chân không bó (dân gian còn nói vui rằng chỉ có khỉ mới không bó chân). Những đôi giày họ mang cũng là những đôi giày gót nhọn như búp sen được thiết kế dành cho chân bó, chứ mẫu giày mũi tròn và bẹt thì chỉ dành cho nam nhân.

Khi hủ tục được nâng tầm thành nghệ thuật

Nghe mô tả quá trình bó chân như trên thì độc giả cũng phần nào thấy được sự đau đớn và kinh hoàng mà phụ nữ Trung Quốc ngày xưa phải chịu đựng, nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao đau đến là thế mà họ vẫn chấp nhận bó chân? Thực ra phụ nữ thời phong kiến không có quyền lựa chọn việc bó hay không bó chân, mà đó là một hủ tục được truyền lại bao đời từ bà cho đến mẹ, rồi từ mẹ cho đến con gái. Như bà ngoại của Qua Hương Liên là một người bà nhân hậu, hiền lành, lúc nào cũng yêu thương đứa cháu bé bỏng của mình hết mực, nhưng khi tới ngày phải bó chân thì bà như biến đổi thành một con người khác. Theo quan niệm thẩm mỹ thời đó, đàn ông coi phụ nữ có đôi chân nhỏ như gót sen là chuẩn mực của cái đẹp, còn ai có chân to là xấu và rất khó lấy được chồng. Do đó tục bó chân trở thành một thước đo chuẩn mực mang tính bắt buộc để phụ nữ có thể kết hôn.

Trong Gót sen ba tấc, Hương Liên là một cô gái bẩm sinh đã có một đôi chân đẹp, qua bàn tay điêu luyện của người bà thì đôi chân bó ấy lại muôn phần đẹp hơn. Đến tuổi cập kê, cô lọt vào mắt xanh của ông chủ tiệm đồ cổ Đồng Nhĩ An chỉ vì đôi chân bó đẹp và được ông chủ Đồng hỏi cưới cô cho con trai cả của ông, vốn là một chàng ngốc bị thiểu năng. Dù cho gia cảnh hai nhà không môn đăng hộ đối, bát tự của cả hai lại xung khắc nhưng ông chủ Đồng vẫn nhất quyết để con trai mình cưới cô cho bằng được. Trong phủ nhà họ Đồng, cả ba người con dâu lẫn những nha hoàn giúp việc trong nhà đều do chính một tay Đồng lão gia tuyển chọn, mà tiêu chí hàng đầu chính là những thiếu nữ có đôi chân bó đẹp. Ám ảnh sâu sắc của Đồng lão gia bắt nguồn từ việc người vợ đã mất của ông vốn từng là một phụ nữ có đôi chân bó thuộc hàng tuyệt mỹ.

Sự khác biệt giữa chân bó và chân không bó.

Là một người mê chân bó, trong bụng Đồng Nhĩ An là một bồ kiến thức về nghệ thuật bó chân ở hàng bậc thầy tới mức nhiều cao nhân phải diện kiến ông để thỉnh giáo. Cứ mỗi năm, phủ của Đồng lão gia lại tổ chức ngày hội bó chân, trong đó tất cả phụ nữ trong nhà từ con dâu cho tới nha hoàn đều sẽ tranh tài thi đấu xem chân bó của ai đẹp hơn và ai sẽ giành danh hiệu quán quân. Cuộc thi này không chỉ là một trò mua vui cho cánh đàn ông, mà đó còn là một cuộc tái khẳng định vị trí đương kim chủ mẫu trong nhà. Bởi lẽ Đồng lão gia là người làm ăn ít khi ở nhà, ba anh con trai kẻ thì ngốc kẻ thì chơi bời lêu lổng, phủ nhà họ Đồng sẽ cần một chủ mẫu để quán xuyến mọi việc trong nhà. Người chiến thắng cuộc thi chân bó sẽ có được sự trọng vọng và quyền lực ngầm trong gia đình, bất kể vai vế hay thứ bậc của họ, nên đây là vị trí mà các cô con dâu nhà họ Đồng luôn tranh giành với nhau.

Bản thân Hương Liên bẩm sinh là người có đôi chân bó đẹp nức tiếng và cũng là con dâu Cả nhà họ Đồng, nhưng ngay từ lần thi bó chân đầu tiên khi mới về làm dâu thì cô đã bị mợ Hai hạ đo ván, dù bình thường chân của mợ Hai vốn to và thô hơn cô. Sau cuộc thi, địa vị của Hương Liên trong gia đình không khác gì một người ở khi bị các nàng dâu khác và cả các nha hoàn xem thường. Quyết tâm phục thù, Hương Liên tìm cách mày mò học hỏi và thỉnh giáo mọi tuyệt chiêu bó chân để biến đôi chân bó của mình trở thành cực phẩm và giành lại địa vị xứng đáng trong gia đình. Tác phẩm Gót sen ba tấc là hành trình Hương Liên đi từ một người bị thất sủng trở thành đương kim chủ mẫu của một gia tộc giàu có nhất nhì Vệ Thiên Tân chỉ nhờ đôi chân bó. Nếu bạn thích xem các thể loại phim cung đấu hay gia đấu thì quả thực không nên bỏ qua tác phẩm trào phúng xuất sắc này.

Mẫu giày gót nhọn dành riêng cho chân bó.

Bó chân và khía cạnh vô thức tập thể

Có một khái niệm của nhà tâm lý học Carl Jung được gọi là vô thức tập thể. Khác với tầng ý thức nổi lên bên trên, ông cho rằng tầng dưới cùng của tâm trí là phần vô thức, với những thừa hưởng hoàn toàn từ di truyền mà không bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm cá nhân. Theo quan điểm của Carl Jung, vô thức tập thể là những quan niệm chung của toàn bộ loài người và là thứ ảnh hưởng tới những niềm tin và bản năng lâu đời của chúng ta, ví dụ như bản năng sinh tồn hay hành vi tình dục. Có thể nói vô thức tập thể giống như một thư viện khổng lồ chứa đựng những kinh nghiệm xa xưa có thể có từ thời tiền sử của toàn bộ nhân loại. Trong câu chuyện về hủ tục bó chân của người Trung Quốc, cá nhân mình nhận định đó cũng là một dạng vô thức tập thể về niềm tin của người Trung Hoa được truyền lại từ đời này sang đời khác qua suốt cả ngàn năm lịch sử.

Trong chế độ phong kiến chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo, thân phận người phụ nữ hầu như không được xem trọng khi họ sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ và đàn ông mới là những người định hình nên khuôn thước của xã hội. Ẩn sâu bên dưới lớp vỏ thẩm mỹ hay chuẩn mực của cái đẹp, bản chất của tục bó chân là một cách để đàn ông kiểm soát và kìm hãm phụ nữ để khiến họ phụ thuộc và hoàn toàn phục tùng cho đàn ông. Bởi lẽ một người đàn bà với đôi chân bị bó nhỏ và các ngón chân bị gãy như thế sẽ rất khó khăn trong việc di chuyển. Họ sẽ không dễ dàng chạy nhảy như một người bình thường, do đó sẽ không thể đi đâu xa được ngoài quẩn quanh trong nhà, và như vậy sẽ giảm thiểu được nguy cơ ngoại tình lang chạ với người đàn ông khác. Thêm vào đó, quy cách bó chân và tư thế đi lại khó khăn của người phụ nữ cũng tạo ra áp lực làm săn chắc cơ đùi và siết chặt vùng kín, từ đó tạo ra sự kích thích và khoái cảm hơn đối với cánh đàn ông trong chuyện phòng the.

Cao trào trong truyện Gót sen ba tấc là cuộc chiến giữa hai phe bó chân và không bó chân trong giai đoạn giao thời đầu thế kỷ 20, khi các học giả cải cách và các nhà truyền giáo Tây phương lên tiếng phản đối hủ tục lạc hậu này và tuyên truyền cho dân chúng về một nếp sống văn minh hơn. Phe tháo bó chân, khoe chân trần là những phụ nữ trẻ tân thời theo chủ nghĩa cấp tiến, còn phe bó chân là những người phụ nữ thuộc thế hệ trước như Hương Liên. Trong cuộc chiến bất phân thắng bại giữa một bên là truyền thống và một bên là hiện đại, Hương Liên bị cuốn vào tâm bão bởi vì cô đang là người sở hữu danh hiệu đệ nhất chân bó của Vệ Thiên Tân. Là chủ mẫu của một gia tộc và từng bước đứng vững ở vị trí này nhờ đôi chân đẹp bẩm sinh cùng tài nghệ bó chân ở đẳng cấp thượng thừa, Hương Liên phải gánh vác cả một gia tộc và đại diện cho lớp thế hệ cũ kiên quyết bảo vệ truyền thống bó chân cho tới hơi thở cuối cùng.

Đi đến những chương cuối cùng của cuốn sách, càng đọc mình càng thán phục nghệ thuật kể chuyện và xây dựng cốt truyện tài tình của nhà văn Phùng Kí Tài. Cái kết của câu chuyện phải khiến người đọc day dứt tới mức ám ảnh về kết quả của cuộc chiến cởi chân bó, bó chân cởi, chân cởi bó và cởi bó chân. Mọi giá trị giữa truyền thống và hiện đại dường như bị đảo lộn và xóa mờ lằn ranh giữa hai chiến tuyến. Cái tài tình của tác giả là khiến người đọc cứ trăn trở suy nghĩ: Tại sao có biết bao nhiêu phụ nữ sống cả đời khổ sở với đôi chân bó đó và trải qua biết bao nhiêu thế hệ khổ sở như thế, nhưng họ lại một mực bảo vệ tục bó chân cho tới cùng? Phải chăng sống chung với cái khổ lâu quá, người ta đã quen khổ rồi, bây giờ nhìn người khác được giải thoát sướng quá nên không thể chịu được?

Xin kết lại bài viết này bằng một đoạn mình rất tâm đắc trong sách:

Chuyện đời hầu hết đã mấy ai nói cho rõ, cho rành được đâu! Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, thật ra đều có lí cả. Người ta bảo việc nào cũng chỉ có một cái lí, còn tôi, tôi bảo việc nào cũng có hai cái lí. Mỗi người có cái lí của mình, thế là thiên hạ thái bình. Mọi người tranh nhau một cái lí, thế là thiên hạ bất an. Người xưa thích tìm ra sự thật, truy cứu xem gà đẻ ra trứng hay trứng nở ra gà. Ai đẻ ra ai mặc xác! Có gà chén, có trứng xơi, anh chén gà, tôi xơi trứng, anh chén trứng, tôi xơi gà; hoặc anh chén cả trứng lẫn gà, tôi cũng xơi cả gà lẫn trứng, thế chẳng đều ăn ngon, đều no bung cả sao?

Và sau này, bất kể lúc nào bạn xem một bộ phim cổ trang của Trung Quốc, xin hãy nhớ một điều rằng bên dưới dung nhan mỹ miều hay tài sắc vẹn toàn của một thiếu nữ, đó là đôi chân bó đầy kinh hoàng và man rợ mà các nhà làm phim không bao giờ đặc tả. Đó cũng là lý do vì sao các phi tần trong cung cấm mỗi khi đi lại trong cung đều phải có nô tì đỡ tay dìu dắt để không bị té ngã. Đôi chân bó chứa đựng cả ngàn năm lịch sử của những đớn đau và khổ ải về thân phận của người phụ nữ thời phong kiến. Ai khóc ngàn năm một gót sen…

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Nội dung thuộc bản quyền của Chơn Linh. Vui lòng liên hệ xin phép trước khi sử dụng lại.