Tương đương với từ “structure” trong tiếng Anh, thì trong tiếng Việt có tới hai nghĩa là “cơ cấu” và “cấu trúc”. Vậy phân biệt hai từ này như thế nào?
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên:
- cơ cấu:
(1) danh từ: bộ phận hoàn chỉnh trong máy, gồm nhiều vật tiếp xúc với nhau từng đôi một và truyền chuyển động cho nhau theo quy luật nhất định. VD: cơ cấu tay quay – thanh truyền.
(2) danh từ: cách tổ chức các thành phần nhằm thực hiện chức năng chỉnh thể. VD: cơ cấu của nền kinh tế quốc dân, cơ cấu tổ chức của quân đội. - cấu trúc:
(1) danh từ: toàn bộ nói chung những thành phần bên trong giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể. VD: cấu trúc của cỗ máy, cấu trúc câu.
(2) động từ: làm ra, tạo nên theo một cấu trúc nhất định. VD: cách cấu trúc cốt truyện.
Qua định nghĩa trên, có thể thấy nghĩa số (2) của từ “cơ cấu” gần giống với nghĩa số (1) của từ “cấu trúc”, xét ở từ loại là danh từ. Còn khi xét ở từ loại là động từ, “cấu trúc” có thể dùng như động từ trong khi “cơ cấu” thì không.
Như vậy, tùy vào từ loại mà bạn có thể chọn từ “cơ cấu” hay “cấu trúc” tương ứng. Trong trường hợp dùng như danh từ, chúng có thể hoán đổi cho nhau mà không làm sai lệch ngữ nghĩa. Tuy nhiên, cần lưu ý một khi đã chọn dùng một trong hai từ thì nên dùng thống nhất trong văn bản, tránh việc chỗ này dùng “cơ cấu” sang chỗ khác lại dùng “cấu trúc”.