Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao có những áng văn đọc lên thấy ấm áp và hạnh phúc trong lòng?
Có những câu chữ, đặc biệt của những vị thiền sư, đọc lên thì nội tâm đột nhiên tĩnh tại như được gột rửa bụi trần?
Và cũng có những ngôn từ hung hiểm được thốt ra từ người có đầy ác niệm, khiến ta cảm thấy tổn thương và tức giận vô cùng?
Hai chữ “ngôn từ” mình dùng ở đây bao gồm cả hai hình thức – chữ viết và lời nói. Và sức mạnh của ngôn từ có thể được biểu đạt thông qua cả hai hình thức này.
Tác giả Lee Ki Ju – người chuyên viết diễn văn, lời phát biểu cho các tổng thống Hàn Quốc – có đưa ra một khái niệm rất hay gọi là “nhiệt độ ngôn ngữ” trong quyển sách cùng tên. Anh cho rằng bản thân ngôn ngữ có thể tạo ra nhiệt độ nóng, ấm, hay lạnh thông qua cách chúng ta dùng từ ngữ như thế nào. Một lời nói lạnh lùng có thể gây tổn thương người khác, nhưng một lời nói ấm áp đầy sự quan tâm có thể sưởi ấm trái tim của một người.
Có bao giờ bạn thử để ý, trong mỗi lời bạn nói ra hằng ngày với những người xung quanh, ngôn từ của bạn đang được bật ở nhiệt độ nào?
Bạn nhờ người khác làm một việc gì đó nhưng nói với nhiệt độ lạnh tanh theo kiểu ra lệnh thì xem thử phản ứng của đối phương có hào hứng muốn làm không. Hay một người quen đang gặp chuyện buồn cần sự quan tâm, bạn cũng dùng nhiệt độ âm 10 độ C đó nói chuyện thì xem thử họ có mở lòng muốn chia sẻ với bạn hay tắt lửa lòng luôn.
Hãy nhớ rằng, nhiệt độ đi kèm thái độ. Nhiệt độ là mức độ nóng – ấm – lạnh trong ngôn từ bạn dùng, còn thái độ là mức độ chân thành trong lời nói của bạn.
Tại Nhật Bản, có niềm tin cho rằng những ngôn từ của tâm hồn cư trú trong một linh hồn có tên gọi Kotodama, hay linh hồn của ngôn từ và hành động phát âm ra những ngôn từ sẽ có sức mạnh thay đổi thế giới. Bản thân ngôn từ có ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và diễn đạt về thế giới bên trong lẫn thế giới bên ngoài. Cho nên có thể nói ngôn từ cũng là một dạng biểu hiện của tâm hồn.
Nhìn cách một người sử dụng ngôn từ như thế nào, ít nhiều ta có thể cảm nhận được tâm hồn của người đó. Một người nếu dùng lời nói cay nghiệt để chỉ trích người khác, hay dùng câu chữ hiểm ác để châm chọc ném đá dìm người ta xuống tận đáy thì tâm hồn của họ cũng đầy những khiếm khuyết và méo mó vô cùng.
Trong quyển sách “Thông điệp của nước”, tác giả Masaru Emoto – một nhà khoa học Nhật Bản – có thực hiện một công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khi chụp lại các bức ảnh tinh thể của nước dưới nhiều điều kiện kích thích khác nhau. Khi thì cho nước nghe nhạc thính phòng, khi thì tiếp xúc với các hình ảnh đẹp, khi thì dùng ngôn từ tác động tới nước v.v. Qua nhiều thí nghiệm, kết quả được rút ra là tinh thể nước khi tiếp xúc với những kích thích tích cực đều cho ra các bức ảnh tinh thể tuyệt đẹp, nhưng khi tiếp xúc với kích thích tiêu cực thì lại cho ra những hình ảnh tinh thể méo mó biến dạng.
Có một thí nghiệm làm mình hết sức ấn tượng là khi nhà nghiên cứu Masaru sử dụng từ ngữ tác động tới nước để kiểm tra xem sức mạnh của từ ngữ có tương tự như lời nói hay không. Kết quả đúng như dự kiến, nước tiếp xúc với từ “Cảm ơn” hình thành tinh thể lục giác tuyệt đẹp, nhưng nước tiếp xúc với từ “Ngớ ngẩn” cho ra tinh thể giống như khi tiếp xúc với âm nhạc chát chúa, không cấu trúc và phân mảnh.
Tiếp tục thử nghiệm cho thấy khi nước tiếp xúc với những cụm từ tích cực như “Hãy làm đi!” sẽ tạo thành những tinh thể có cấu trúc đẹp tuyệt vời, nhưng khi nước tiếp xúc với những cụm từ tiêu cực như “Làm đi!” thì hầu như không hình thành bất kỳ tinh thể nào cả. Một cụm từ mang sắc thái cầu khiến và một cụm từ mang sắc thái ra lệnh tạo thành hai kết quả hoàn toàn tương phản nhau.
Thí nghiệm trên làm mình nhớ đến một thí nghiệm xã hội qua một viral clip hãng nội thất IKEA của Thụy Điển từng thực hiện năm 2018. IKEA cho đặt hai chậu cây xanh giống nhau ở một trường học và được chăm sóc trong điều kiện giống nhau, chỉ khác ở chỗ chậu cây bên trái sẽ bị nghe toàn lời chê bai, chửi mắng còn chậu cây bên phải sẽ được nghe toàn lời khen ngợi từ các em học sinh trong suốt 30 ngày liên tục.
Kết quả thí nghiệm gây chấn động toàn thế giới khi clip được viral (lan truyền) đúng như mục đích marketing của hãng IKEA. Cùng một điều kiện chăm sóc như sau, chậu cây bên trái bị bắt nạt bằng ngôn từ trở nên héo úa, còn chậu cây bên phải được nghe những lời yêu thương vẫn phát triển xanh tốt.
Bài học chúng ta có thể rút ra từ những thí nghiệm trên chính là sức mạnh khủng khiếp của ngôn từ. Những rung động của những ngôn từ tích cực có tác động tốt với thế giới quanh ta, trong khi những rung động của những ngôn từ tiêu cực có sức mạnh phá hủy chúng.
Chuyện chưa dừng lại ở đó, tác giả Masaru còn chia sẻ một câu chuyện bên lề khiến mình chấn động không kém về sức mạnh của ngôn từ. Một độc giả của ông tiến hành thí nghiệm tại nhà để kiểm chứng sức mạnh của ngôn từ với 3 chiếc lọ đựng cơm:
- Lọ thứ nhất họ nói từ “Cảm ơn”.
- Lọ thứ hai họ nói từ “Đồ ngốc”.
- Lo thứ ba họ bỏ mặc không nói gì.
Trong vòng một tháng, độc giả này liên tục nói những từ trên với 3 chiếc lọ mỗi ngày. Kết quả là:
- Lọ cơm thứ nhất bắt đầu lên men với mùi thơm ngọt ngào như kẹo mạch nha.
- Lọ cơm thứ hai bị thiu nát và chuyển sang màu đen.
- Lọ cơm thứ ba thực tế bị thiu nát còn sớm hơn lọ thứ hai. Có vẻ như bị bỏ mặc còn dễ tổn thương hơn bị chế nhạo.
Gần đây khi xem chương trình truyền hình thực tế “Sáng Tạo Doanh 2020” của Trung Quốc về chủ đề tuyển chọn thực tập sinh cho nhóm nhạc sẽ debut (ra mắt), có một tình huống thú vị làm mình liên tưởng tới thí nghiệm 3 lọ cơm ở trên. Trong 101 thực tập sinh tham gia tuyển chọn, trước màn công diễn đầu tiên thì họ được chia thành 3 nhóm dựa trên thành tích đầu vào. 2 nhóm đầu mỗi nhóm 47 người được chia thành 2 đội A & B và được phân về cho 2 cặp huấn luyện viên tương ứng chịu trách nhiệm đào tạo. Riêng nhóm cuối 7 người đứng hạng bét thì bị bỏ mặc và không được xếp vào đội của huấn luyện viên nào.
Kịch bản của chương trình cố tình tạo drama khiến cho nhóm 7 thí sinh này có cảm giác như mình là người thừa, bị bỏ mặc không ai quan tâm. Bởi lẽ xuyên suốt phần chia đội, chơi game giành bài hát và bốc thăm về đội của huấn luyện viên nào, 7 bạn này không được tham gia mà chỉ được ngồi yên ở cuối khán phòng xem các thí sinh còn lại chơi. Họ y như người vô hình trong mắt các vị huấn luyện viên, và vài bạn bắt đầu rấm rứt ngồi khóc, mắt đỏ hoe. Trong phần phỏng vấn ở hậu đài, có bạn chia sẻ, đại ý: Thà các huấn luyện viên chê bai, phê bình em cũng được, nhưng không ai để ý tới sự hiện diện của tụi em mới là điều khiến em cảm thấy tổn thương nhất.
Cảm giác này chắc hẳn chúng ta đã từng trải qua ít nhất một lần trong đời, khi bạn hiện diện và không nhận được sự quan tâm của người khác thì còn đau đớn hơn gấp nhiều lần so với bị người ta nói lời tiêu cực với mình.
Bạn hãy thử suy ngẫm về những điều sau:
- Những đứa trẻ sống trong những gia đình lao động, suốt ngày nghe những lời mắng nhiếc, chì chiết của bố mẹ thì tâm hồn của chúng khi lớn lên sẽ như thế nào?
- Những đứa trẻ sống trong những gia đình khá giả, nhưng bố mẹ bận rộn chuyện công việc và bỏ mặc con ở nhà cho người khác chăm sóc thì tâm hồn của chúng sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Có quá nhiều bi kịch trong những thước phim lẫn ngoài xã hội trả lời cho câu hỏi trên, chắc bạn cũng đã thấy được quá rõ ràng.
Sức mạnh của ngôn từ không chỉ tác động to lớn trong chuyện “trồng người”, mà còn cả những việc tưởng chừng rất bình thường như trồng cây hay chăm một con thú cưng. Sự quan tâm và sử dụng ngôn từ tích cực hay tiêu cực của người chủ sẽ giúp nuôi dưỡng hay hủy hoại “linh hồn” của cái cây/thú cưng.
Điều này lý giải vì sao có những bạn không mát tay trong chuyện trồng cây hay nuôi thú cưng, hễ trồng cây nào là chết cây đó hay nuôi con nào là chết con đó. Qua nhiều trường hợp thực tế, mình chiêm nghiệm được có 2 lý do chính:
- Họ có quá nhiều ý niệm tiêu cực trong đầu, lẫn sử dụng quá nhiều ngôn từ tiêu cực hằng ngày. Và những ý niệm lẫn ngôn từ này sẽ hủy hoại dần sức sống cái cây/thú cưng của họ.
- Họ quá tập trung vào bản thân, và không dành đủ sự quan tâm cần thiết tới cái cây/thú cưng của mình nên chúng bị bỏ mặc và bị chết dần chết mòn.

Trong tôn giáo, sức mạnh của những bài kinh, câu thần chú hay những bài cầu nguyện vốn dĩ đã được ca tụng hàng ngàn năm qua về sức huyền linh và vi diệu của nó. Về bản chất, bài kinh – câu chú – bài cầu nguyện cũng chính là những ngôn từ huyền mật của những vị thần cổ xưa truyền lại cho người thế gian. Khi con người dùng tâm chân thành để đọc những ngôn từ đặc biệt này lên, dù trong tâm thức hay bằng lời nói cũng tạo thành những rung động diệu kỳ có thể chữa lành cho linh hồn người đó và lan truyền những rung động tích cực ra thế giới xung quanh.
Qua những gì mình chia sẻ ở trên, có thể thấy sức mạnh của ngôn từ có thể chữa lành hay hủy hoại thế giới. Hãy thận trọng trong ngôn từ bạn sử dụng hằng ngày từ trong suy nghĩ, ý niệm cho đến lời nói. Và hãy chọn lọc ngôn từ ở nhiệt độ phù hợp để lan tỏa tình yêu và lòng biết ơn của bạn đến với thế giới này.
3 bình luận
Cảm ơn bạn nhiều! Mình đang viết 1 research paper về bạo lực ngôn từ, loay hoay tìm dẫn chứng thì đọc được bài viết của bạn, trong đó có các trích dẫn và các thí nghiệm hay quá. <3
Chỗ “mắng nhiết”, anh sửa lại là “mắng nhiếc” mới đúng chính tả nè.
Cảm ơn em đã góp ý về lỗi đánh máy này 🙂 Bình thường anh vẫn dùng “mắng nhiếc”, ở đây viết chung với “chì chiết” nên thành bị liệu láy vần iết phía sau =))