Nói đến vị đạo diễn lừng danh Steven Spielberg của Hollywood, có thể bạn chưa nghe qua hoặc không mấy ấn tượng với cái tên này nếu bạn không phải là một tín đồ điện ảnh. Nhưng nếu điểm qua một số bộ phim nổi tiếng như Hàm cá mập, E.T. Sinh vật ngoài hành tinh, loạt phim Indiana Jones, Công viên kỷ Jura, Catch Me If You Can,… ắt hẳn là bạn đã từng xem qua rồi – và chúng đều do Steven Spielberg đạo diễn.
Được phát hành vào năm 2022, The Fabelmans (Gia đình Fabelman) là bộ phim tái hiện cuộc đời của vị đạo diễn tài ba và là bảo vật của nước Mỹ này, nói về giai đoạn khi ông còn bé và thủa niên thiếu đã được cha mẹ nuôi dưỡng tình yêu với điện ảnh ra sao. Trên thực tế, bạn không cần biết qua về cuộc đời của Steven Spielberg thì mới có thể xem phim, bởi vì mình cũng xem phim trong tâm thế của một người không biết gì và xem xong mới đi tìm hiểu về ông.

Niềm đam mê với điện ảnh
Lớn lên vào giai đoạn sau Thế chiến II ở thành phố Phoenix, bang Arizona – một vùng nổi danh là sa mạc của nước Mỹ, cậu bé Sammy Fabelman là con trai lớn trong một gia đình người Do Thái với bốn anh chị em, ngoài cậu ra còn có ba cô em gái nhỏ tuổi hơn. Lần đầu tiên được cha mẹ chở đến rạp chiếu phim năm 7 tuổi, Sammy đã hết sức lo lắng vì đó là trải nghiệm mà cậu nhóc chưa trải qua lần nào trong đời. Dù được cha mẹ hết mực động viên, Sammy vẫn bị sốc khi lần đầu chứng kiến cảnh một đoàn tàu hỏa bị trật đường ray và đâm sầm vào một chiếc xe ngay trên màn ảnh rộng. Thấy con mình bị ám ảnh cảnh tượng đó đến mức gặp phải ác mộng, cha Sammy – một kỹ sư điện tử – mới mua cho con trai một bộ mô hình đồ chơi tàu hỏa và cho cậu một chiếc máy quay phim để tái hiện cảnh đoàn tàu gặp tai nạn trên đường ray. Cùng với mẹ, Sammy xem đi xem lại cảnh tượng đó trên màn chiếu để từng bước vượt qua nỗi sợ, và tình yêu với những thước phim của Sammy cũng bắt đầu từ đó.
Sinh trưởng trong một gia đình có người cha am hiểu về kỹ thuật công nghệ cùng người mẹ là một bà nội trợ có máu nghệ thuật trong người và từng chơi piano rất giỏi trước đây, không khí trong gia đình sáu người của cậu bé Sammy luôn tràn ngập tiếng cười và niềm vui. Con người nghệ thuật trong mẹ Sammy luôn khuyến khích cậu bé theo đuổi sở thích quay phim của mình, cộng thêm người cha thường cập nhật công nghệ luôn tạo điều kiện cho Sammy trải nghiệm những thiết bị quay phim mới nhất. Ngay từ nhỏ, Sammy đã có thói quen ghi lại những thước phim về những cảnh sinh hoạt trong gia đình mình rồi cậu bé ngồi cặm cụi một mình xem từng đoạn phim qua kính lúp và cắt phim theo cách thủ công để dựng thành một đoạn phim hoàn chỉnh (thời đó phim ảnh vẫn chưa thu tiếng được như sau này).
Đến tuổi thiếu niên, Sammy ngày càng đam mê việc làm phim và đứng ra đạo diễn một số bộ phim ngắn ở trường về đề tài chiến tranh, với sự tham gia của nhóm bạn học và mấy cô em gái trong vai trò diễn viên, cùng ba mẹ và chú Bennie là những nhân sự hậu cần hỗ trợ. Niềm đam mê điện ảnh cùng những mày mò sáng tạo của Sammy khiến cậu nhóc nhận được rất nhiều sự công nhận từ gia đình cho đến thầy cô, bạn bè. Điện ảnh với Sammy là một thứ gì đó lớn hơn một sở thích rất nhiều, nhưng cậu nhóc vẫn đang ở tuổi ăn tuổi lớn nên vẫn chưa hình dung được mình sẽ gắn bó với nghiệp điện ảnh thế nào trong tương lai. Trong khi đó, cha Sammy chỉ xem đó là một sở thích của con trai mình và khuyên bảo cậu không nên quá tốn kém chỉ vì một sở thích, ông cho rằng Sammy nên theo đuổi những gì thực tế hơn và có thực trong đời sống – ví dụ như máy tính – thay vì những bộ phim trong trí tưởng tượng.
Cái giá của đam mê
Một trong những nhân vật có ảnh hưởng khá lớn tới nhân sinh quan và định hướng về điện ảnh của Sammy là người ông và cũng là anh trai của bà Sammy. Từ trước đến nay cả gia đình Sammy hầu như chưa bao giờ gặp ông, cho đến bà ngoại cậu qua đời. Ngay cả trong giấc mơ, mẹ Sammy cũng thấy mẹ mình gọi điện về báo mộng rằng đừng cho anh trai bà vào nhà. Ở người ông này có gì đáng sợ mà bà ngoại phải cảnh báo cả nhà như vậy? Thực ra ông chỉ là một “black sheep” (con cừu đen) trong gia đình khi lựa chọn đi theo con đường nghệ thuật dù cho bị cả gia đình cấm cản – trở thành người xiếc thú. Trong một cuộc trò chuyện với cháu trai của mình, ông nói với Sammy rằng: “Nghệ thuật sẽ mang đến cho cháu vương miện trên thiên đường và vòng nguyệt quế dưới mặt đất, nhưng nó cũng sẽ giằng xé trái tim cháu và khiến cháu cô độc”.
Trong gia đình của mình, ông Sammy như một gã lạc loài và lập dị, bị cả gia đình xem như người ngoài cuộc khi ông theo đuổi một thứ đam mê mà không ai hiểu và chấp nhận được. Ngay cả mẹ Sammy, từ nhỏ bà đã là một thiên tài piano thực thụ khi có thể chơi bất cứ bản nhạc nào khi chỉ mới nghe qua một lần. Lẽ ra sân khấu của mẹ Sammy phải là trong những hội trường nhạc thính phòng lớn với cả ngàn khán giả bên dưới chứ không phải là một bà nội trợ suốt ngày quẩn quanh xó bếp và chỉ đàn hát cho chồng con mình nghe. Vì sự cấm cản của gia đình mà mẹ Sammy phải giấu đi con người nghệ thuật bên trong mình lại để sống một cuộc đời như bao người phụ nữ khác, đi theo số đông. Do đó hơn ai hết, ông Sammy nhìn thấy tư chất nghệ thuật này ở đứa cháu trai của mình và trong gia đình Sammy thì cậu là người duy nhất sở hữu nó.
– Chúng ta là những kẻ nghiện ngập, và nghệ thuật chính là thuốc phiện của ta. Chúng ta yêu gia đình. Nhưng chúng ta điên vì nghệ thuật. Cháu nghĩ ta đã muốn rời khỏi những người chị em, bố mẹ ta, để đi dí cái đầu ngu dốt này vào mồm lũ sư tử sao?
– Đặt đầu vào mồm sư tử là nghệ thuật sao ông?
– Không. Dí đầu vào mồm sư tử là hoàn toàn vô nghĩa. Đảm bảo rằng sư tự không ăn đầu của ta, đó mới là nghệ thuật. Bà con không nói với mẹ con “Hãy đi làm điều mà con phải làm”. Em ta là một người tốt, nhưng nó đã sợ. Lo sợ cho mẹ cháu. Con bé nên sống một cuộc đời bình an bên gia đình. Vì thế mẹ cháu đã từ bỏ.”
Dù lựa chọn từ bỏ nghệ thuật, nhưng bản năng đó vẫn không ngừng chảy trong máu thịt của mẹ Sammy qua lối sống tài tử và tràn đầy cảm xúc của bà. Khi ngẫu hứng bà có thể đàn hát hay bật tung váy nhảy múa lúc nửa đêm trước ông chồng và bầy con trong nhà. Và cũng chính vì sống thiên về cảm xúc, mẹ Sammy đã vô tình vướng vào một rắc rối khiến cho Sammy phải đeo mang gánh nặng bí mật của bà suốt cả đời.
Trong chính gia đình của mình, Sammy có phần như người ngoài cuộc khi cậu luôn là người đứng ngoài mọi trò vui và là “đạo diễn” khi đứng đằng sau chiếc máy quay phim bắt lại mọi khoảnh khắc trong gia đình. Ngay cả khi gia đình của Sammy trải qua những biến cố, góc nhìn điện ảnh của phim cũng thiết lập cảnh Sammy ngồi một góc trên cầu thang và nhìn bao quát xuống khung cảnh gia đình mình đang cãi nhau, trong khi tưởng tượng ra hình ảnh cậu đang quay phim lại toàn bộ những khoảnh khắc đó. Hơn ai hết, Sammy là đứa con mang trong mình dòng máu nghệ thuật của mẹ cậu và là đứa con giống bà nhất trong nhà.
Bi kịch của một gia đình đổ vỡ
Tuổi thơ của Sammy và ba cô em gái nhỏ trải qua những ngày tháng hết sức tươi đẹp trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và niềm hạnh phúc dạt dào của những ngày vui gia đình bên nhau. Bên cạnh sự hiện diện của cha mẹ, chú Bennie cũng là một nhân vật đặc biệt đồng hành cùng gia đình Sammy suốt mười mấy năm qua khi chú là một cộng sự của cha Sammy và cũng là một người bạn thân thiết của mẹ cậu. Trong một chuyến dã ngoại cả gia đình và chú Bennie đi chơi cùng nhau, như thường lệ Sammy là người ghi lại những thước phim gia đình và cũng là người cắt dựng phim để chiếu cho cả nhà xem sau đó. Ở độ tuổi mười sáu, khi săm soi từng thước phim để chọn cảnh, Sammy mới phát hiện ra một bí mật động trời về mối quan hệ giữa mẹ mình và chú Bennie.
Việc phát hiện ra bí mật này khiến Sammy mất ăn mất ngủ một thời gian và trở nên cau có khó chịu với mẹ mình, khiến mẹ cậu phải nổi giận và lần đầu tiên đánh cậu một cú thật mạnh trong suốt mười sáu năm qua. Sau đó Sammy đã cho mẹ mình xem những đoạn phim cậu phát hiện được, hai mẹ con bật khóc và cậu hứa sẽ không tiết lộ chuyện này với bố. Đến khi gia đình Sammy phải chuyển từ Phoenix sang California để thuận lợi cho con đường phát triển sự nghiệp của cha Sammy tại tập đoàn IBM, ông buộc phải để người bạn chí cốt Bennie ở lại vì ở đó không có chỗ phù hợp cho anh ta. Biến cố này khiến cuộc sống gia đình Sammy bị đảo lộn và mọi rắc rối đổ vỡ cũng bắt đầu từ đây. Khi chuyển từ một thành phố có nhiều người Do Thái sinh sống sang một nơi mà người Do Thái là thiểu số, Sammy bị bạn bè kỳ thị và bắt nạt, thường xuyên bị đánh trên trường. Mẹ Sammy cũng trở nên trầm cảm và rối loạn lo âu, phải đi trị liệu tâm lý khi bị chia cắt với chú Bennie.
Đến thời điểm đó, cha Sammy vẫn chưa hề biết vợ mình ngoại tình với người bạn thân của ông. Bản thân ông chỉ đang cố gắng làm tốt vai trò của một người chồng, người cha là đang tập trung hết mình vào việc phát triển sự nghiệp để giúp gia đình mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn, với một căn nhà khang trang thoải mái hơn. Nhưng những khó khăn trong cuộc sống của Sammy và mẹ cậu khiến cậu trách ngược lại cha mình khi cho rằng ông thật ích kỷ khi chỉ biết theo đuổi sự nghiệp của bản thân mà không quan tâm tới các thành viên khác trong gia đình, để cuối cùng đẩy mọi người rơi vào cuộc sống khốn khổ như ngày hôm nay. Sau vài năm sống trong những bất hòa và xung đột, cuối cùng cha mẹ Sammy đi tới quyết định ly dị, Sammy sẽ sống chung với cha còn ba cô em gái sẽ sống chung với mẹ.
Nhìn từ một góc độ nào đó, mình thấy rằng cha Sammy là một người chồng, người cha rất tốt và hết mực yêu thương vun vén gia đình. Ở ông không có bất kỳ một điểm gì để chê, dù cho không thích việc Sammy theo đuổi phim ảnh như một con đường sự nghiệp nhưng ông cũng chưa bao giờ lớn tiếng cấm cản con mình đi theo con đường này, ngược lại còn đầu tư máy móc cho cậu theo đuổi đam mê của mình. Và bản thân mẹ Sammy cũng thấy rằng chồng mình không có gì sai, mà người là bà, chính bà mới là người phụ bạc chồng.
Thật khó để giải mã cảm xúc của những người trong cuộc, nhưng mẹ Sammy là một con người có thiên hướng nghệ thuật và chú Bennie là người có thể đồng điệu với bà về mặt tâm hồn khi có thể tung hứng và pha trò cùng bà, trong khi cha Sammy lại là con người thiên hướng kỹ thuật có phần khô khan và tẻ nhạt. Nếu chọn theo lý trí, bà hiểu rằng mình phải ở lại để làm tròn bổn phận người mẹ và tiếp tục giữ lữa cho gia đình, nhưng kết cục bà đã lựa chọn nghe theo con tim – và đó cũng là lần duy nhất trong đời bà lựa chọn như vậy.
***
Khi xem một vài đoạn phỏng vấn của đạo diễn Steven Spielberg trong thực tế, mình mới biết hóa ra toàn bộ câu chuyện trong phim đều dựa trên cuộc đời thực của chính vị đạo diễn này và kịch bản cũng do ông tham gia đồng chấp bút. Các nhân vật trong phim được tạo hình hầu như dựa trên nguyên mẫu hình ảnh của cha mẹ hay anh chị em bạn bè của đạo diễn Steven ngày bé. Có một đoạn phỏng vấn mà Steven được ekip sản xuất cho xem một video hậu trường họ phỏng vấn cha mẹ của ông lúc họ còn sống, trong đó cha ông không hề biết gì việc con trai mình đã biết bí mật của mẹ, và mẹ ông cũng đã rất phiền lòng khi khiến ông phải giữ bí mật cho bà suốt đằng đẵng ngần ấy năm trời. Một bí mật không còn là một bí mật mà đã trở thành gánh nặng của ông, cho tới khi ông trải lòng mình qua màn ảnh.

Vai diễn Sammy Fabelman qua hai giai đoạn được giao cho diễn viên nhí Mateo Zoryan và anh chàng Gabriel LaBelle sinh năm 2002 – cả hai đều nhập vai rất dễ thương và xuất sắc. Nhân vật khiến mình ấn tượng nhất trong phim có lẽ phải kể đến người mẹ Mitzi Fabelman do nữ diễn viên Michelle Williams thủ vai – ở cô có một nét đẹp rất classic kiểu điện ảnh thời trước và nét diễn rất cuốn hút. Ngoài ra phim còn có dàn diễn viên nhí vào vai rất ngọt ở những ký ức của Sammy ngày còn bé. Một điểm cộng lớn của phim là màu phim tái hiện thập niên 60 nên nước màu cực kỳ đẹp và đầy sự hoài niệm, xem một bộ phim hiện đại của năm 2022 mà cứ như xuyên không vào giai đoạn quá vãng thời vàng son của điện ảnh để sống trong bầu không khí tuyệt vời đó.
Bộ phim kết lại với một tương lai đầy hé mở và tươi sáng của chàng trai Sammy khi mới bước vào đời, khi lần đầu tiên được diện kiến một cây đại thụ trong ngành điện ảnh. Và những gì tiếp nối phía sau trong cuộc đời của Sammy cũng chính là cuộc đời của vị đạo diễn tài ba lỗi lạc Steven Spielberg với những tác phẩm điện ảnh sâu sắc và thành công vang dội của ông khắp toàn cầu.