Càng trưởng thành và sống trong nhịp sống xô bồ của phố thị, con người hiện đại ngày càng mất kết nối với thiên nhiên và những mảng xanh nơi vùng nông thôn hay nơi hoang dã. Sinh ra từ làng và lớn lên ở thành phố, tuổi thơ của mình từng trải qua những tháng ngày tuyệt đẹp sống chan hòa với thiên nhiên trong những cánh rừng, sông ngòi, ruộng đồng, gò bãi,… với những đất, nước, gió, lửa và cây cối.
Hoài niệm về thiên nhiên vẫn luôn là thứ mình đau đáu ở tuổi trưởng thành. Chính vì lẽ đó mà một trong những dòng sách mình đọc khá nhiều là những cuốn sách về thế giới tự nhiên và thế giới động vật, để kết nối lại với những phần đã mất bên trong mình. Có một số bạn thường nhờ mình gợi ý những cuốn sách hay về thiên nhiên nên mình đã tổng hợp lại thành một số danh sách theo chủ đề (sẽ đăng tải dần dần). Dưới đây là 10 cuốn sách văn học nước ngoài mình thấy hay nhất về thiên nhiên.
1. Walden – Một Mình Sống Trong Rừng (Henry David Thoreau)
Cuốn sách là một hồi tưởng đầy chiêm nghiệm về quãng đời tác giả sống một mình trong rừng bên cạnh đầm Walden, trong một ngôi nhà tự xây và ông lao động bằng chính đôi tay mình. Ở Walden, ông đã số́ng rất nhiệt thành và say mê: “Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”.
Ông chủ trương sống đơn giản vì “Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người”. Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu đầy vui thú.
2. Vòm Rừng (Richard Powers)
Từ ký ức ngàn xưa, con người và cây cối đã có những mối liên kết hết sức đặc biệt. Song song với thế giới loài người, có một thế giới vô hình nhưng rất sống động của cây cối đang tồn tại, và chỉ những ai thực sự lắng nghe mới có thể chạm tay vào thế giới ấy. Tiểu thuyết Vòm rừng đưa người đọc từ một New York xa xưa đi khắp Bắc Mỹ, qua bán đảo Đông Dương đến Thung lũng Silicon giữa thế kỷ 21, để kể về mối quan hệ gắn kết kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên hùng vĩ.
Chín người Mỹ với những trải nghiệm đời sống độc đáo khác nhau, đã có mối gắn kết từ tận sâu bên trong với từng loại cây riêng. Như gia đình Hoels với nhiều thế hệ sống cùng cây hạt dẻ, hay bi kịch của người cha Mimi Ma gắn liền với cây dâu tằm,… Vòm rừng là “một bản trường ca cuồng nộ, hùng tráng dành cho sự kỳ vĩ của Mẹ Thiên Nhiên” (Dan Cryer), “cuốn tiểu thuyết hay nhất viết về cây cối, và thực sự, là một trong những cuốn tiểu thuyết tuyệt đỉnh nhất” (Ann Patchett).
3. Cây Người (Patrick White)
Cây người là một áng văn tuyệt mỹ về nước Úc sơ khai trữ tình, về những con người được tôi luyện trong gió và cát. Cũng giống như cái cây nơi hoang dã, con người phải sống bằng chính sức lực của mình, phải chống lại mọi bão giông cuộc đời, giống như cái cây “không hề có phút giây yên tĩnh”. Dù bị đau đớn quằn quại, người ta vẫn tha thiết yêu thương cái mảnh đất ấy. Đến tận cùng, xứ sở cội nguồn của ta mới là điều quan trọng, dù ta có thích hay không.
Tất cả những điều đó đã đưa Patrick White thành một tượng đài văn chương, ông cũng là người Úc đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, vì “những tác phẩm có nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc tinh tế và bút pháp sử thi, nhờ đó đã mở ra một châu lục văn chương mới”.
4. Phúc Lành Của Đất (Knut Hamsun)
Phúc lành của đất là tác phẩm đồ sộ đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1920. Tác phẩm viết về những người nông dân Na Uy gắn bó nhiều đời với đất đai, trung thành với những truyền thống cổ xưa. Tác giả kêu gọi con người trở về với đất, với tự nhiên. Với văn phong trong sáng, cách diễn đạt gây bất ngờ, Knut Hamsun được coi là một trong những người cách tân văn xuôi Na Uy.
Trong bài phát biểu tại lễ trao giải, đại diện Viện Hàn Lâm Thụy Điển nói: “Những ai muốn tìm trong văn học sự mô tả chân thật hiện thực đều tìm thấy trong Phúc lành của đất câu chuyện về cuộc đời của mỗi một con người, dù anh ta ở nơi đâu, lao động ở nơi đâu”.
5. Châu Phi Nghìn Trùng (Isak Dinesen)
Qua tới châu Phi chẳng được bao lâu, tác giả Isak Dinesen phát hiện chồng mình dan díu với nhiều phụ nữ, đồng thời bà cũng phát hiện mình bị chồng lây cho bệnh giang mai. Mọi nỗ lực hàn gắn tình vợ chồng đều bất thành, cuối cùng cặp đôi ly thân. Sau đó bà tiếp tục bám trụ tại châu Phi, trải vô vàn khó khăn, các trận hạn hán, dịch bệnh, cho tới thời kỳ Đại Khủng Hoảng.
Ra đời năm 1937, tác phẩm Châu Phi nghìn trùng có cấu trúc khiến người đọc liên tưởng tới một bi kịch cổ điển với những cảnh sắc miêu tả về thiên nhiên đẹp đến tuyệt mỹ. Một trong những nguyên nhân cuốn sách được nồng nhiệt đón nhận còn là vì nó như một ẩn dụ của thời đại bấy giờ, nơi một cá nhân phải vật lộn cùng số phận giữa chiến tranh và hạn hán, nền kinh tế biến động, nỗi đau mất mát người thân và sự sụp đổ một cuộc sống lý tưởng.
6. Khu Vườn Bí Mật (Frances Hodgson Burnett)
Mary Lennox, một cô bé mồ côi, cáu kỉnh, không ai ưa, tới sống tại nhà ông bác ở vùng đồng hoang Yorkshire nước Anh, nơi có rất nhiều bí mật đang đợi cô. Ban đêm, có tiếng khóc của ai đó từ một hành lang gần phòng cô. Còn ban ngày, cô gặp Dickon, một cậu bé biết thuần dưỡng và nói chuyện cùng loài vật. Rồi một ngày, nhờ sự giúp đỡ của một con chim ức đỏ, Mary khám phá ra một nơi bí ẩn nhất trên thế gian này – Khu vườn bí mật.
Mọi thứ dường như đã chết trong khu vườn mười năm qua khóa kín. Cùng với Colin, vị chủ nhân ốm yếu của tiếng khóc bí ẩn kia, và Dickon, cậu bé mà tất cả mọi người đều yêu mến, Mary đã tìm ra những thứ sẽ làm thay đổi cuộc đời cô mãi mãi, khi mùa xuân về đánh thức cả khu vườn tuyệt đẹp.
7. Bút Ký Người Đi Săn (I S Turgenev)
Bút ký người đi săn là tác phẩm kinh điển của Turgenev, gồm 25 truyện ngắn đẹp tuyệt vời, khiến tâm trí độc giả bị xâm chiếm trọn vẹn bởi vẻ diễm lệ bí ẩn của thiên nhiên Nga, tính cách Nga,… Dù chỉ tái hiện một cách từ tốn, với tâm thế u buồn, cam chịu như không muốn can dự vào những gì được chứng kiến, song lời văn của ông vẫn giúp người đương thời nhìn thấu được số phận của nông dân Nga thế kỷ 19.
Tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến nỗi, người ta cho là tập truyện ngắn này đã khiến Sa Hoàng Alexandr II bãi bỏ chế độ nông nô. Mặc dù ít được biết đến hơn ở phương Tây, song tên tuổi và tầm vóc của Ivan Turgenev thường được so sánh với Dostoyevsky, Tolstoy, và thực tế là các tác phẩm và sự nghiệp của ông cũng không hề kém cạnh với hai nhà văn vĩ đại cùng thời với mình.
8. Đất Ở Rãnh Bạch Đàn (Nhiều tác giả)
Với nội dung và tư tưởng đơn giản, bình dị, nhưng lại mang đậm nét văn hóa bản địa, các truyện ngắn trong tuyển tập Đất ở rãnh bạch đàn không những để lại dấu ấn trong văn đàn mà còn lan tỏa ảnh hưởng cho đến ngày nay bởi những giá trị và quan điểm hiện đại về cách con người chinh phục, khẩn hoang những mảnh đất khô cằn thuở sơ khai.
Bằng giọng văn cuốn hút, sống động, những tình tiết bi hài đan cài nhau, các tác giả đã khắc họa nên khung cảnh thiên nhiên đẹp và buồn, mộc mạc và rộng lớn, hoang sơ và đầy nhựa sống, ở đó, những người đàn ông và đàn bà bản địa sống cuộc đời bình dị nhưng lại vô cùng sống động.
9. Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát (Delia Owens)
Trong nhiều năm, những tin đồn về “cô gái đầm lầy” đã ám ảnh Barkley Cove, một thị trấn yên tĩnh trên bờ biển Bắc Carolina. Vì vậy, khi nơi này rúng động với cái chết đầy bí ẩn của Chase Andrew, người dân địa phương ngay lập tức đổ dồn nghi ngờ vào cô. Nhưng Kya Clark – cô gái hoang dã ấy có phải là thủ phạm?
Thông minh và nhạy cảm, cô đã sống sót sau nhiều năm cô đơn trong đầm lầy, trú ẩn trong lòng mẹ thiên nhiên, kết bạn với mòng biển và học những bài học đắt giá trên bờ cát. Khi trái tim tuổi mới lớn mở ra, cô cũng chạm vào yêu thương với hai chàng trai, bắt đầu một cuộc sống mới cho đến khi điều bất ngờ xảy đến…
10. Nhựa Cây (Ane Riel)
Gia đình của cô bé Liv sống tách biệt mọi người và hòa mình với thiên nhiên trên một hòn đảo nhỏ thưa thớt dân cư. Một gia đình gắn bó, các thành viên rất mực yêu thương nhau, mặc dù người bố với sở thích nhặt nhạnh đồ phế thải có vẻ khá lập dị trong con mắt của cư dân địa phương. Mẹ của Liv cũng ít khi ra ngoài và bị mọi người đồn đang ốm liệt giường. Ngôi nhà của họ được chăng đủ thứ bẫy và biển cảnh báo để làm nản lòng những kẻ hiếu kỳ.
Lớn lên trong sự biệt lập, trường học của cô bé Liv chính là thiên nhiên, là khu rừng, là bờ biển với vô số những điều kỳ thú. Nhưng đằng sau vẻ hấp dẫn của những chuyến du ngoạn ban ngày để tìm nhựa cây trong rừng hoặc đi ăn trộm thức ăn ban đêm trong nhà của các cư dân trên đảo là mối nguy hiểm lớn dần của một thứ tình yêu bảo bọc đến cuồng dại…
Tổng hợp & giới thiệu