
Một cô em hướng nội thường ghé đọc blog mình, có lần em gửi email tâm sự với mình chuyện em chuyển về quê sinh sống và băn khoăn không biết sẽ làm công việc gì ở quê, bởi em không muốn tiếp tục tìm việc trong lĩnh vực chuyên môn hiện tại vì tính chất công việc ấy quá sức với một người hướng nội như em. Em có hỏi mình đã tìm ra con đường sự nghiệp hiện tại như thế nào?
Câu hỏi này thật khó trả lời, vì thú thực là mình không chủ tâm đi tìm con đường sự nghiệp hiện tại mà là nó tự tìm đến với mình. Trước đó khi gap year một năm và nghỉ hẳn công việc marketing, rời khỏi một công ty mình gắn bó nhiều năm ở vị trí cao nhất, mình cũng có nhiều băn khoăn không biết phải lựa chọn hướng đi tiếp theo như thế nào. Mình học chuyên ngành Báo chí & Truyền thông, phân ngành Phát thanh & Truyền hình, đi làm đúng chuyên ngành thì nhận ra tính chất công việc quá hướng ngoại còn mình quá hướng nội nên mới chuyển sang làm marketing yên ổn trong văn phòng. Càng làm marketing, mình lại càng nhận ra mình cũng không thích công việc này nốt và nó không đúng với những thiên hướng bẩm sinh bên trong mình, nên dù được sếp và đồng nghiệp đánh giá cao thế nào thì tự bản thân mình chỉ thấy mình như một người đang lội ngược dòng nước.
Nói về việc định hướng sự nghiệp, mình từng tham dự một vài khóa học ở nội bộ công ty (công ty cũ của mình chuyên về lĩnh vực đào tạo), từng trò chuyện với một số bạn coach giỏi trong công ty cũng như đọc khá nhiều tựa sách để tìm thấy kha khá phương pháp, công cụ để định bản thân, hướng sự nghiệp. Nhưng kết quả đó không làm mình cảm thấy thỏa mãn, mà càng biết chỉ càng bế tắc, bởi lẽ chúng chỉ phù hợp nếu mình còn là một cậu học sinh cấp ba đang ngồi trên ghế nhà trường và băn khoăn sắp tới thi đại học mình sẽ chọn học ngành nghề gì. Còn trong hiện tại, mình đã là một người trưởng thành, tốt nghiệp đại học và ra trường đi làm nhiều năm, không dễ dàng để mình quay lại điểm xuất phát và bắt đầu mọi thứ từ đầu.
Rất hữu duyên khi trong giai đoạn ấy mình đọc được một câu chuyện thú vị về khả năng soi kiếp của ông Edgar Cayce (1877-1945), một nhà tâm linh người Mỹ nổi tiếng ở thời cận đại, trong đó tác giả có chia sẻ về việc định hướng sự nghiệp dưới góc nhìn tâm linh. Ở bài viết này mình tóm tắt lại 3 quy tắc tâm linh đó kèm theo những chia sẻ của riêng mình dành cho những ai đang lạc lối trên con đường sự nghiệp hiện tại.
Quy tắc thứ nhất: Hãy nêu cao lý tưởng, định rõ mục đích sâu xa của đời mình và tìm cách thực hiện lý tưởng đó
Nêu cao lý tưởng là một vấn đề quan trọng trong hướng nghiệp. Những cuộc soi kiếp của ông Edgar Cayce đều nhấn mạnh rằng chúng ta nên ý thức rõ ràng về cái lý tưởng của mình thì mới có thể đi đúng con đường mình muốn đi tới. Sự lựa chọn nghề nghiệp trước hết phải căn cứ trên vấn đề lý tưởng cao nhất.
Đọc quy tắc này, mình chợt nhớ tới câu nói của chú mèo trong truyện Alice ở xứ sở thần tiên. Alice bị lạc đường và hỏi thăm một chú mèo bên đường. Khi chú mèo hỏi cô bé muốn đi tới đâu thì cô lại không biết, chú mèo mới bình thản trả lời: “Một khi cô đã chẳng quan tâm mình muốn đến đâu thì đi theo đường nào mà chẳng được”.
Lý tưởng ở đây giống như một cái đích, một mục tiêu để chúng ta nhắm tới. Nói cao siêu thì lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người ta muốn hướng tới trong đời sống của mình, còn nói đơn giản thì nó là điều chúng ta thật sự muốn làm và thích làm để chứng tỏ giá trị của bản thân (năng lực, điểm mạnh, sở trường, tính cách độc đáo của bạn) và đem lại giá trị cho người khác, cho xã hội. Với cá nhân mình, lý tưởng sống của mình là muốn đem những hiểu biết, tri thức có giá trị lan tỏa tới những người hữu duyên để giúp họ có thể sống minh triết hơn. Dự án blog này cũng là một điều mình làm để hiện thực hóa lý tưởng đó. Và công việc nào giúp mình hiện thực hóa lý tưởng đó chính là công việc lý tưởng nhất của mình.

Quy tắc thứ hai: Hãy cố gắng giúp đỡ và phụng sự người khác
“Bằng cách nào ta có thể phụng sự cho nhân loại hiệu quả nhất?”, đó chính là phương châm tối hậu cho tiêu chuẩn lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người. Có một câu nói thường lặp đi lặp lại trong các cuộc soi kiếp: “Phụng sự kẻ khác, tức là phụng sự Thượng Đế một cách cao cả nhất”. Mỗi cá nhân là một phần tử của nhân loại, và phụng sự cho nhân loại cũng chính là con đường đi tới sự hòa hợp với sức mạnh sáng tạo của vũ trụ.
Đi kèm quy tắc này, ông Edgar Cayce còn nói rằng vấn đề tiền bạc, danh vọng ở đời phải đi sau ý muốn phụng sự, và tiền bạc hay danh vọng chỉ là cái hệ quả kèm theo. Một đứa trẻ mười mấy tuổi đầu chưa biết nên học theo ngành nghề nào, nó mới đặt câu hỏi: “Cháu phải phát triển khả năng nào để có thể thành công về phương diện tiền bạc?”. Ông trả lời: “Cháu hãy quên đi vấn đề tiền bạc, mà chỉ nên nghĩ rằng làm cách nào để cháu làm cho cõi thế gian này trở thành một cõi tốt lành hơn. Đừng khi nào lãng phí công lao cố gắng chỉ vì vấn đề tiền bạc. Tiền bạc sẽ đến với ta khi ta dùng khả năng của mình để phụng sự cho nhân loại”.
Một người trưởng thành hỏi: “Tôi nên theo đuổi ngành nghề nào để có được danh vọng và cuộc sống sung túc?”. Ông trả lời: “Anh hãy gác lại vấn đề tiền tài danh vọng này, bởi chúng là hệ quả của sự thành thật cố gắng muốn sống theo cách giúp cho kẻ khác cùng đi trên con đường tiến hóa với mình. Sự thịnh vượng về vật chất phải đi sau lý tưởng phụng sự. Chỉ có Thượng Đế mới cho ta sự phú quý thịnh vượng, nếu ta xứng đáng”.
Quy tắc thứ hai cũng là quan niệm sống của mình trước giờ. Suy cho cùng, tiền tài, địa vị, danh vọng thì quan trọng nhưng không phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời, và đó không nên là lý tưởng cao nhất để một người theo đuổi. Có những người dành cả cuộc đời để theo đuổi những thứ này, bất chấp mọi thủ đoạn và đạo đức để rồi cuối đời nhận ra đó cũng chỉ là phù du, ảo vọng. Trên báo chí gần đây, có biết bao đại gia từng gây dựng cơ nghiệp bạc tỉ để rồi vướng vào vòng lao lý, doanh nghiệp sụp đổ, danh tiếng lụi tàn?
Mình có một chị bạn trước đây từng học chuyên ngành Kế toán và làm bên lĩnh vực tín dụng, làm việc đúng chuyên môn là thế nhưng càng làm chị lại càng nhận ra mình không hợp với công việc này. Sau đó chị chuyển sang làm tư vấn Sinh Trắc Vân Tay, rồi sau này là thần số học, dù chẳng mấy liên quan chuyên môn nhưng lại là công việc chị yêu thích và tự hào, phù hợp với đam mê chia sẻ của chị. Công việc tư vấn vốn dĩ không có lương cứng cố định hằng tháng, chủ yếu thu nhập dựa vào hoa hồng và tiền tip của khách, có những quãng không có khách thì thu nhập cũng ảnh hưởng nhiều, nhưng người chị của mình đã sống sót được cũng cả chục năm với nghề tư vấn như vậy và chị thấy vui với con đường chị lựa chọn.
Một bạn nhân viên cũ của mình cũng học chuyên ngành Kế toán, ra trường đi làm được một vài năm đúng ngành đúng nghề thì mới cảm thấy rằng đó không phải là con đường mà em muốn theo đuổi lâu dài. Khi đó vô tình đọc tin bên công ty mình tuyển dụng vị trí Chăm sóc khách hàng thì em cũng mạnh dạn ứng tuyển và đậu vòng phỏng vấn. Làm việc với em khoảng hơn 3 năm, có thể nói em là một cánh tay phải đắc lực của mình trong team, hỗ trợ mình xử lý rất nhiều công việc đôi khi ngoài vai trò chăm sóc khách hàng. Đến khi công việc đi vào quỹ đạo mặc định, em chia sẻ với mình em muốn dừng lại tại đây để bước tiếp trên con đường sự nghiệp, cụ thể là em yêu thích lĩnh vực tâm lý học và quyết định sẽ học văn bằng 2 ngành này để sau đó chuyển sang làm việc ở lĩnh vực trị liệu tâm lý.
Dù chia tay em trong công việc nhưng mình vẫn dõi theo hành trình của em sau đó, và rồi mình thấy em trải nghiệm rất nhiều thứ mới mẻ trên con đường mới như làm nhân viên hỗ trợ ở các trung tâm trị liệu tâm lý, trở thành giáo viên mầm non vì em rất thích tiếp xúc với những đứa trẻ, hay học cách chữa lành những nỗi đau của em trong quá khứ. Mình không rõ khi phải vừa học vừa làm như vậy thì thu nhập của em có ổn định không, nhất là ở thời điểm Sài Gòn trải qua một mùa dịch Covid kéo dài và ảnh hưởng khá lớn tới các cơ sở dạy học, nhưng mình biết rằng ở con đường mới em được là chính mình và vui sống với lý tưởng mà em mong muốn theo đuổi từ lâu. Nếu năm ấy vì nể tình với một vị sếp như mình mà em ở lại và tiếp tục gắn bó với công việc chăm sóc khách hàng, giờ đây có thể em đã lên vị trí Team Lead hay Manager với năng lực và thái độ làm việc của em, nhưng mình không chắc em có sống vui không với vị trí và mức thu nhập cao đó?
Trên con đường sự nghiệp của mình từ khi ra trường đến giờ, có lẽ một phần nhờ may mắn không phải chăm lo phụ giúp cho gia đình nên mình ít khi đặt nặng vấn đề lương bổng mà chủ yếu chỉ đi tìm công việc nào phù hợp với tính cách và sở trường của mình. Lương xuất phát điểm của mình và lương sau ba năm đi làm nếu so ra với một số bạn bè trong nhóm thì thấp hơn khá nhiều, nhưng khi mình kiên định với mục tiêu cống hiến và phụng sự cho người khác (ở thời điểm đó là sếp, là công ty và khách hàng) thì thu nhập của mình đã tăng lên gần gấp ba chỉ trong vài năm sau đó.

Quy tắc thứ ba: Hãy sử dụng những gì bạn đang có trong tay và bắt đầu từ vị trí hiện tại của bạn
Người ta vốn hay khinh thường những điều giản dị và gần với mình để đi tìm những chuyện xa vời, khó khăn. Có những người muốn phụng sự nhân loại nhưng lại có một lý tưởng quá viển vông, không thiết thực hoặc không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thay vì nhìn thấy những lý tưởng cao cả, đáng để cho họ theo đuổi, thì họ bị mắc kẹt trong một cuộc đời phức tạp mà không thể nào thoát ra được. Những trách nhiệm gia đình, cản trở về tài chính làm ngăn cản họ thực hiện lý tưởng. Đối với những người này, kết quả những cuộc soi kiếp thường khuyên rằng: “Hãy sử dụng những gì ngươi có trong tay lúc này”. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, và bước chân đầu tiên đó nằm ở ngay vị trí hiện tại mà họ đang đứng.
Nếu không biết phải bắt đầu ở đâu và bắt đầu như thế nào, có một lời cầu nguyện hữu ích mà mình từng áp dụng ở giai đoạn lạc lối trên con đường sự nghiệp: “Con cầu nguyện Thượng Đế hãy dùng năng lực và trí óc của con vào bất cứ công việc gì, và bất cứ nơi nào Ngài muốn”.
Một người phụ nữ thắc mắc với ông Edgar: “Tôi phải làm gì để phụng sự nhân loại hữu hiệu nhất?”. Ông trả lời: “Bà hãy làm bất cứ việc gì đến với bà hằng ngày. Không phải những kẻ làm nên những chiến công hiển hách, tiếng tăm vang dội như sóng cồn đại hải thì mới là người làm được nhiều việc nhất; mà chính là những người biết đón nhận cơ hội phụng sự xảy đến hằng ngày. Khi tận dụng những cơ hội ấy triệt để, thì những dịp tốt lành hơn xuất hiện, và những công việc phụng sự lớn lao hơn sẽ đến với họ. Đó là bởi vì khi chúng ta dùng những phương tiện mình hiện có để phụng sự kẻ khác, thì những phương tiện ấy sẽ không bao giờ mất, mà tự nó sẽ đến với ta một cách dồi dào hơn trước”.
Quy tắc tâm linh thứ ba này cũng chính là quy tắc mà mình tâm đắc nhất. Bạn chỉ cần bắt đầu ở vị trí hiện tại của bạn bất kể bạn đang đứng ở đâu, hãy làm tốt nhất có thể và làm hết sức mình. Khi bạn hoàn thành bổn phận của mình, Thượng Đế sẽ khiến bạn gặp gỡ những cơ hội tốt lành và lớn lao hơn.
Ở giai đoạn mình đang chông chênh trên con đường sự nghiệp, mình cũng thực hiện lời cầu nguyện kể trên mỗi ngày để mong tìm được chút ánh sáng trong con đường hầm tăm tối. Một dịp tình cờ, mình đọc một cuốn sách của một tác giả mình ngưỡng mộ và nhận thấy cuốn sách có khá nhiều vấn đề về morasse (lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi format trình bày,…) nên mới vừa đọc vừa tổng hợp lại lỗi để góp ý cho đơn vị xuất bản. Hữu duyên thay mình lại được chị Tổng Biên tập của công ty xuất bản đó trả lời email giải thích cho mình vì sao cuốn sách lại gặp những lỗi như vậy. Qua vài email trao đổi qua lại, nhận thấy email của mình viết rất bài bản, chỉn chu, chị ấy mới ngỏ lời hỏi mình có hứng thú với công việc dịch sách hay biên tập sách không?
Sau một bài test năng lực, mình được giao một bản thảo để biên tập ở vai trò cộng tác viên, rồi sau đó là vài bản thảo khác, cho tới khi mình nhận ra đây chính là công việc mình đang tìm kiếm thì mới mạnh dạn gửi hồ sơ ứng tuyển chính thức. Đó là cũng là lúc mình rẽ sang con đường trở thành một biên tập viên sách theo một cách hoàn toàn tình cờ. Lẽ vậy nên mình mới nói mình không chủ tâm tìm kiếm con đường sự nghiệp hiện tại mà là cơ hội tự tìm đến với mình, và mình chỉ nắm lấy cơ hội đó như đáp lại sự đưa đường dẫn lối của Thượng Đế.
Hãy sử dụng những gì bạn đang có trong tay và bắt đầu từ vị trí hiện tại của bạn.

Đối với bản thân mình, công việc biên tập viên sách hiện tại là một phương tiện để mình thực hiện lý tưởng sống của bản thân, là chia sẻ và lan tỏa tri thức giá trị tới nhiều người khác, giúp nhiều người sống minh triết hơn trong cuộc đời này. Mình không chắc mình sẽ làm công việc này trong bao lâu, 3 năm, 5 năm hay 10 năm tới. Mình chỉ biết một điều rằng nếu vì một cơ duyên nào đấy mà mình buộc phải dừng lại con đường sự nghiệp hiện tại, nếu có rẽ sang một con đường sự nghiệp khác thì mình vẫn sẽ lựa chọn công việc nào giúp mình thực hiện được tâm nguyện trên.
Kết lại bài này, mình xin chia sẻ một đoạn ông Edgar Cayce nói rất thấm thía: “Anh hãy xây dựng tương lai của anh như một tòa nhà lầu, với những gì anh có trong tay, và tuần tự xây từng viên gạch nhỏ. Anh chớ nên nóng nảy vội vàng và băn khoăn lo lắng. Tất cả mọi sự xây dựng chẳng phải đều là công trình sáng tạo thiêng liêng của Thượng Đế hay sao?”.
Qua bài viết này, mình hi vọng người em kể trên và những bạn đọc hữu duyên với mình sẽ tìm được một công việc phù hợp với bản thân và với lý tưởng mà bạn theo đuổi.