Nhắc đến Robinson Crusoe trên đảo hoang, có thể nhiều độc giả không mấy xa lạ bởi đây là nhân vật văn học nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Daniel Defoe. Bản thân mình từng biết tới Robinson từ rất lâu qua bộ truyện tranh Đô-rê-mon đọc lúc nhỏ, với những mẩu truyện ngắn hay tập truyện dài mô phỏng theo câu chuyện nổi tiếng này khi Nô-bi-ta và nhóm bạn bị lạc trên đảo hoang, hay trong túi thần kỳ của Đô-rê-mon cũng có cả món bảo bối Bộ đồ nghề Robinson. Dẫu vậy mình chưa đọc qua cuốn tiểu thuyết này bao giờ, cho đến khi mình biên tập một cuốn sách khoa học, tác giả có đề cập đến nhân vật Thứ Sáu trong truyện Robinson Crusoe – từ đó mới khơi gợi cho mình quyết tìm đọc cuốn tiểu thuyết này bằng được.

Bản sách Robinson Crusoe mình tìm đọc là ấn bản bìa cứng của Đông A phát hành, do dịch giả Nguyễn Minh chuyển ngữ. Trong lần xuất bản năm 2020, ngoài phần “Trôi dạt nơi hoang đảo” quen thuộc, Đông A có bổ sung phần II “Kể lại chuyện kỳ thú trong các chuyến du hành qua ba phần địa cầu” chưa từng được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Mặc dù cuốn sách rất dày lên tới 528 trang, nhưng qua bản dịch cực xuất sắc của dịch giả Nguyễn Minh thì mình hoàn toàn bị cuốn vào mạch câu chuyện. Khá lâu rồi mình mới dành thời gian để đọc một cuốn tiểu thuyết dày như vậy và cũng phải mất tới 3 tháng trời mới xong. Và khi tìm đọc những cuốn danh tác kinh điển thế giới như vậy, mình mới hiểu thêm lý do vì sao “tuổi đời” của chúng có thể sống mãi với thời gian qua hàng trăm năm.

Cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoe của nhà văn Daniel Defoe được xuất bản lần đầu vào năm 1719, tính đến nay đã ngót nghét hơn ba trăm năm, vậy mà những thông điệp tác giả truyền tải trong sách không hề bị lỗi thời qua thời gian. Triết gia lỗi lạc Jean-Jacques Rousseau của phong trào Khai sáng bình luận về cuốn sách: “Những điều sách vở có thể dạy cho ta, thì cuốn sách này dạy được hết bằng ấy thứ”. Gấp cuốn sách lại, có 5 bài học đắt giá mình rút ra được từ câu chuyện của Robinson Crusoe, nhân đây chia sẻ cho quý độc giả trong dịp đầu năm mới để chúng ta cùng nhau suy ngẫm.

Bài học 1: Lối sống trung đạo

Robinson sinh ra trong một gia đình khá giả, cha là người Đức, mẹ là người Anh. Là người con trai thứ ba, Robinson không phải học nghề lao động nên ngay từ nhỏ đầu óc anh đã ngập tràn những mộng viễn du về những chuyến đi biển, ngoài việc này thì anh không hứng thú với bất cứ thứ gì khác. Cha của Robinson là một người khôn ngoan và dày dạn kinh nghiệm đời sống, nhìn thấy bản tính của con mình và dự định tương lai của con, mới cho anh lời khuyên chân thành về một lối sống phù hợp với anh. Ông nói chỉ có hai hạng người ra hải ngoại nuôi chí phiêu lưu và xây dựng công danh: hạng thứ nhất là người thiếu thốn danh vọng, tiền tài; hạng thứ hai là người mang hoài bão phát dương quang đại. Theo ông, Robinson thuộc hạng ở giữa bởi hạng thứ nhất thì quá thấp với anh, còn hạng thứ hai thì quá cao, anh với không tới.

Kinh nghiệm đời sống của ông cho thấy rằng con người ta đứng ở nơi trung đạo là lý tưởng nhất, dễ hạnh phúc nhất vì ở đó họ không phải gánh chịu những khó khăn, gian khổ, nặng nhọc của những người lao động, cũng không bận lòng bởi những tham vọng xa hoa, phù phiếm của giới thượng lưu. Dẫu cho có là vua chúa sinh ra ở ngôi cao nhưng vẫn thường than khổ, ước ao được sống ở giữa hai thái cực này. Nếu quan sát ra thực tế đời sống, ta sẽ thấy hai giới hạ lưu và thượng lưu phải hứng chịu hầu hết nỗi khổ trên đời – người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu – còn giới trung lưu là đỡ khổ nhất và ít gặp cảnh ngộ lên voi xuống chó. Xét về thân và tâm, giới trung lưu ít bị sự khó ở, bất an chi phối, trong khi những người lao động cực nhọc hay những người giàu có hưởng thụ vô độ đều tự chuốc lấy bất an vào mình.

Ông giảng thêm cho Robinson nghe về lối sống trung đạo:

Cha nói rằng trung đạo hàm chứa mọi đức hạnh và mọi niềm vui, rằng bình an cùng sung túc là hai cô hầu gái của vận mệnh trung lưu; rằng sự ôn hòa, điều độ, êm ả, cũng như sức khỏe, xã hội, những trò giải trí dễ chịu và những lạc thú đáng mơ ước, tất cả đều là phúc lành của lối sống trung đạo; rằng nếu theo lối đó, đời ta sẽ tĩnh lặng, xuất nhập, tiến thoái dễ dàng, suôn sẻ giữa thế gian, chẳng cần bận bịu lao động trí óc hay chân tay, chẳng phải quần quật như nô lệ, kiếm bánh mì hằng ngày, chẳng rơi vào tình huống khó khăn khiến tâm hồn mất đi thư thái, thân thể không được nghỉ dưỡng, lại cũng chẳng dằn vặt, ghen ghét với ai hoặc bị ngọn lửa tham vọng lớn lao thiêu cháy lòng mình. Ta sẽ nhẹ nhàng dạo bước trong nhân thế, tận hưởng cuộc sống thong dong, mặc lòng nhấm nháp trái ngọt đời vui, không biết chi cay đắng; sẽ cảm nhận được hạnh phúc, mỗi ngày mỗi thấm thía thêm rằng mình đang may mắn dường bao.

Mặc dù được cha chỉ bảo tận tình như vậy và mẹ nước mắt ngắn dài can ngăn, Robinson vẫn không dằn được cái máu phiêu lưu trong người mình lại mà quyết tâm bỏ nhà ra đi, để rồi sau đó tự chuốc họa vào thân khi gặp nhiều tai ương liên tiếp, sau cùng bị trôi dạt trên một đảo hoang và bị mắc kẹt trên đó suốt 28 năm trời.

Bài học 2: Bình an là phúc

Con người chúng ta thường hay mắc một thứ bệnh, một nửa nỗi khổ trên đời do bệnh ấy mà ra, đó là bệnh đua đòi và không thỏa mãn với những gì mình có. Căn nguyên mọi khổ ải của Robinson sau này bắt nguồn từ việc anh bất mãn với cuộc sống bình an ở nhà, trong lòng chỉ nuôi chí phiêu lưu để làm những chuyện lớn lao. Trong chuyến hải trình đầu tiên của mình tại bờ biển Guinea châu Phi, Robinson bị một tên cướp biển người Thổ Nhĩ Kỳ bắt bán làm nô lệ. Trải qua nhiều gian nan, anh trốn thoát được qua Brazil, mua lại một đồn điền rồi bắt đầu lập nghiệp ở đây. Nếu anh biết chí thú làm ăn thì sẽ trở thành điền chủ giàu có thuộc vào hạng bậc nhất xứ đó, nhưng đang định cư yên ổn thì anh lại nổi máu phiêu lưu đáp tàu sang Guinea mua nô lệ. Việc mua bán, lẽ ra cứ để bọn lái buôn lo, đem về tận cửa cho mình là được, nhưng anh cứ thích nóng máu đi cho bằng được. Kết cục là anh bị đắm tàu rồi trôi dạt vào một hoang đảo.

Trong những năm tháng đằng đẵng sống một mình trên đảo hoang, Robinson mới thấm thía:

Nếu biết an phận, chịu sống cuộc đời yên tĩnh, an bình như hiện tại, thì tôi ắt đã có nhiều niềm vui mà tôi chưa được hưởng ở đời – những niềm vui của nếp sống trung dung đầy hạnh phúc mà thân phụ đã tận tình dẫn đường, chỉ lối. Song le, các thứ khác vẫn hấp dẫn tôi, khiến tôi trở nên dại dột, tự chuốc họa vào mình.

Có những thứ rất đỗi bình thường trong đời sống, nếu ta không biết trân trọng, đến một lúc mất đi mới biết chúng từng quý thế nào:

Tôi thường tự nhủ lòng mình, thà cứ ở Anh, trong vòng tay bạn bè, thân thuộc, cũng xây dựng được sự nghiệp thế này, đâu cần phải đi xa ngàn dặm, đến chốn hoang vu, sống với người lạ và lũ mọi, biệt vô âm tín, không còn tin tức từ quê cũ thân quen.

Nhưng ông trời rất công minh. Hễ ta so sánh hoàn cảnh mình với những hoàn cảnh khác, tệ hại hơn, trời sẽ bắt ra rơi vào hoàn cảnh thứ hai, đặng tự trải nghiệm mà hiểu ra trước kia mình vẫn sướng. Chính vì tôi không biết thủ thường, hay so sánh bậy bạ, nên bị trời đày lên đảo, cho biết thế nào là thật sự cô đơn. Thật là đáng tội! Nếu tôi tiếp tục làm nông, ắt sẽ phát đạt, giàu có không biết bao nhiêu mà kể.

Khi sống bình an trên đảo một thời gian, Robinson lại muốn đẽo xuồng tìm cách thoát khỏi đảo, kết cục là bị một trận gió dập sóng vùi suýt rơi vào cửa tử. Lúc này anh mới thấm:

Chớ than mình khổ, bởi nếu muốn, Thiên Chúa có thể bắt ta khổ nhiều lần hơn… Tôi nguyền rủa mình vì những phút yếu lòng trước đây, đã dám than buồn than chán về cuộc sống trên đảo. Giờ bảo đổi gì tôi cũng đổi, miễn là được quay về. Con người vốn thế đấy, chẳng biết vui với đời, chẳng biết trân trọng những thứ đang có, đến lúc mất rồi mới tiếc thương.

Bài học 3: Mọi chuyện trên đời đều có hai mặt

Khi Robinson bị đắm tàu và trôi dạt vào hoang đảo, anh nhìn thấy trước mắt là một viễn cảnh hết sức u ám. Anh oán trách số phận vì sao lại đẩy anh lâm vào hoàn cảnh bi đát này, cũng như oán trách Chúa sao nỡ đọa đày, làm cho anh khổ sở mà không thèm đoái hoài. Trong hoàn cảnh bi quan đó, Robinson cảm thấy không thiết sống mà chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Nhưng sau những lần ủ rũ chán chường như thế, anh nhìn lại hoàn cảnh hiện tại của mình và tự nhủ:

“Ừ, mi đang ở nơi hoang vắng thật. Nhưng hãy nhớ lại xem, các bạn đồng hành của mi đang ở đâu hả? Ngày trước lên xuồng, có đến mười một người đúng không? Mười người kia đâu rồi? Họ được cứu và mi chết đuối, hay là ngược lại? Vì sao chỉ một mình mi sống sót? Sống trên đảo này hay nằm ngoài kia tốt hơn?” Ngón tay tôi bất giác chỉ ra ngoài biển. Phải, việc xấu đến mấy cũng có cái tốt ở trong, và khi ta nhìn xuống, còn có những thứ khác xấu hơn nhiều.

Câu chuyện của Robinson là minh chứng rõ ràng cho việc bất kỳ nghịch cảnh nào trên đời cũng có hai mặt, chứ không tiêu cực hoàn toàn. Mỗi khi lâm vào hoàn cảnh bất hạnh hay nghĩ mình đang ở tận cùng khổ ải, ta hãy ráng suy xét hai mặt vấn đề, tìm thấy mặt tích cực tươi sáng mà an ủi bản thân. Chính nhờ sự lạc quan này mà sau đó Robinson đã tự vực dậy bản thân, bắt đầu khám phá cuộc sống trên đảo hoang và tự tạo niềm vui cho mình qua việc săn bắn, chăn nuôi và gieo trồng trên đảo như một chúa đảo thực sự.

Bài học 4: Biết đủ là đủ

Trong những năm tháng sống trên hoang đảo, từ kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi để tự cung tự cấp cho bản thân, Robinson mới nhận ra bài học biết đủ:

Những vật giá trị chỉ là những vật mà ta dùng được. Con người muốn đủ ăn, vừa thỏa nhu cầu thì thôi, đâu cần hơn. Giết quá nhiều thú có ăn hết không, hay quăng cho chó? Gieo quá nhiều hạt có ăn hết không, hay để thối ra? Chặt quá nhiều cây có dùng hết không, hay để cây lăn lóc, mục rữa? Đã đành cây dư thì tận dụng làm củi, song nhu cầu về củi cũng chẳng bao nhiêu.
Tóm lại, ngẫm từ thực tế và kinh nghiệm sống, tôi thấy rằng bất cứ thứ gì, dù ngon dù quý tới đâu, hễ ta đã có dư, không dùng tới nữa, nó sẽ hết ngon, hết quý. Nếu tích trữ nhiều, rốt cuộc cũng đến đem cho người khác, bản thân ta không thể hưởng thụ thêm. Những kẻ tham lam, keo kiệt nhất trên thế giới, ví thử rơi vào trường hợp của tôi, ắt sẽ khỏi bệnh tham. Tôi sở hữu trong tay nhiều quá, chẳng biết dùng sao cho hết.

Bài học 5: Biết ơn tạo hóa

Lòng biết ơn vốn chẳng phải là một thuộc tính thường thấy ở con người. Nói một cách trần trụi thì về bản chất, con người thường vô ơn, hễ người ta được lợi xong thì thôi chứ mấy khi đáp nghĩa? Con người ta thường nhận được rất nhiều lợi lạc từ tạo hóa – hay ông Trời – nhưng hiếm khi nào biết ngửa mặt lên mà tạ ơn Trời vì những gì mình có. Như Robinson là một người không tự biết mình, nhiều phen lâm vào nguy hiểm và được ơn trên phù trợ, nhưng anh chưa bao giờ một lần thốt lên hay nghĩ đến ba từ “Tạ ơn Chúa!” (gia đình Robinson theo đạo Công giáo). Nghịch lý của người đời là khi con người ta lâm vào cảnh khổ sở cùng cực, họ thường oán trách ông Trời bất công hay xin xỏ ông Trời đủ chuyện, nhưng khi họ được ở trong cái cảnh bình an hay thuận lợi, họ hiếm khi nào biết tạ ơn Trời vì những gì mình có.

Robinson khi bị cuộc đời vùi giập bao phen tơi bời hoa lá mới ngộ ra:

Tôi ghi tâm sự lại đây nhằm nhắc nhở những ai hay bất mãn. Tại sao ta bất mãn, chẳng phải vì thói vô ơn ư? Sao ta không hài lòng với thứ Chúa đã cho mình mà cứ thèm thuồng thứ chưa được ban tặng?

Càng ngày tôi càng thấy rằng so cùng nhiều cảnh đời khác, hoàn cảnh mình không khổ chút nào. Thật, nếu Chúa muốn, Chúa có thể bắt tôi phải chịu khổ gấp mấy lần thế! Tôi nghĩ nhân gian ắt sẽ im tiếng oán than, nếu con người biết nhìn xuống dưới, thấy thiên hạ khốn khổ ra sao, để rồi vui vẻ, tạ ơn Chúa đã thương, thay vì cứ trông lên trên, để rồi càu nhàu, bất mãn.

Khép lại cuốn sách và cuộc đời của Robinson, có rất nhiều điều đọng lại trong mình để suy ngẫm. Cuộc đời mỗi cá nhân là bàn cờ tạo hóa, biến chuyển không ngờ sau mỗi nước đi. Mong rằng 5 bài học nhỏ này có thể giúp bạn bước đi vững chãi hơn trong năm mới 2024 này.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.