Khi nói về “cảm xúc”, trước giờ đa số chúng ta đều nghĩ rằng cảm xúc là chuyện của con tim, còn lý trí là chuyện của bộ não. Nhưng đọc xong cuốn sách “Năng lượng cảm xúc” của Tiến sĩ tâm lý học thần kinh Julia Digangi, mình mới biết hóa ra không phải thế.

Ở cấp độ sinh lý thần kinh cơ bản nhất, cảm xúc là sự tương tác giữa năng lượng điện và năng lượng hóa học, thể hiện ra bằng các cảm giác trong cơ thể bạn. Cho dù bạn lo lắng, tin tưởng, bình tĩnh hay kiệt sức, thì đó đều là những trải nghiệm của năng lượng thần kinh. Con người bạn là ai phụ thuộc vào cách bạn làm việc với năng lượng này. Khi năng lượng này tăng lên, bạn cảm thấy được trao quyền và năng động. Nhưng khi năng lượng này giảm xuống, bạn cảm thấy chán nản, căng thẳng và thất bại.

Có một ý niệm tác giả khơi gợi rất đáng để chúng ta suy ngẫm: Cảm xúc là chỉ báo tốt nhất để đánh giá những trải nghiệm mà bạn đã trải qua. Bạn có thành công không? Cuộc sống của bạn có ý nghĩa không? Bạn có phải là một người con, một bậc phụ huynh, hay một người sếp tốt? Tất cả đều phụ thuộc vào cảm xúc của bạn. Cảm xúc là cầu nối giữa thế giới bên ngoài và ý nghĩa bên trong. Ý nghĩa mà bạn tạo ra cho cuộc sống của mình sẽ tăng lên nhờ năng lượng từ cảm xúc của bạn.

Tiến sĩ tâm lý học thần kinh Julia Digangi

Bạn có bao giờ cố gắng làm một việc gì trong đời, ấp ủ một ý tưởng, có một kế hoạch và chiến lược đúng đắn, nhưng kết cục vẫn đứt gánh giữa đường không? Cái bạn thiếu chính là năng lượng cảm xúc, bởi vì bộ não của bạn hoạt động bằng năng lượng chứ không phải bằng chiến lược. Bạn không thể chú tâm nếu không có cảm xúc, không thể tưởng tượng nếu không có cảm xúc, không thể sáng tạo nếu không có cảm xúc và không thể đưa ra quyết định nếu không có cảm xúc. Nhiều người suy nghĩ rất lý trí, nhưng hành xử thực tế lại bằng cảm xúc.

Để đạt được tiềm năng toàn vẹn của mình, bạn cần học cách nhận biết và khai thác năng lượng thần kinh của sức mạnh cảm xúc. Chính những điều bạn cho rằng quá vụn vỡ, quá kém cỏi, quá xấu xí và quá nhục nhã về bản thân lại không hề tồn tại để kéo bạn xuống, mà chúng tồn tại để giải phóng bạn. Thông qua 8 quy tắc năng lượng thần kinh trong sách, Tiến sĩ Julia DiGangi sẽ giúp bạn hiểu sâu về sức mạnh cảm xúc của chính mình, kết nối với người khác và hòa giải các mối quan hệ trong đời sống.

Một trong những thông điệp rất ý nghĩa của cuốn này đó là tận dụng sức mạnh cảm xúc từ chính nỗi đau. Phản ứng thông thường của chúng ta là luôn cố né tránh những cảm xúc tiêu cực, những cuộc trò chuyện, những con người, địa điểm và ký ức khiến ta đau đớn. Cái giá của việc liên tục phớt lờ nỗi đau của bản thân chính là bạn không được sống như mình thực sự muốn. Chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng thừa nhận sự thật về năng lượng của mình, thì bạn vẫn còn bị mắc kẹt bên trong chính mình và chưa thể sống một cuộc đời trọn vẹn.

Qua bản dịch của dịch giả Bùi Trần Ca Dao, cuốn sách sẽ mở ra cho bạn những góc nhìn hết sức mới mẻ về những điều tưởng chừng như quen thuộc. Hiểu về cảm xúc hay hiểu về chính mình là hành trình mà chúng ta cần phải học cả đời.

Một số trích dẫn hay trong sách:

🌹 “Nỗi đau cảm xúc, tất cả những cảm giác tiêu cực mà bạn luôn cố gắng tránh né, thường lại chính là con đường dẫn đến sức mạnh của bạn.”
🌹 “Nghịch lý lớn nhất trong sự tồn tại của con người, những cảm giác đau đớn đó – những cảm giác mà bạn thề rằng đang hủy hoại bạn – thật ra lại ở đó để giải phóng bạn.”
🌹 “Chính cảm xúc về các tình huống mới gây ra nỗi đau của bạn. Nếu bạn không có năng lượng đau đớn từ một tình huống nào đó thì bạn sẽ không gặp vấn đề gì.”
🌹 “Chính cảm giác bị sỉ nhục, cách mà bạn cảm nhận năng lượng đó trong cơ thể, mới là nguyên nhân khơi lên hầu hết các tình huống đau đớn trong cuộc đời bạn.”
🌹 “Nỗi đau và sức mạnh là hai mặt của đồng xu năng lượng. Trong đó, sự sỉ nhục là nỗi đau gốc rễ của bạn, còn sự xứng đáng là sức mạnh tột đỉnh của bạn.”
🌹 “Những khuôn mẫu mạnh mẽ nhất trong cuộc đời bạn là những khuôn mẫu được hình thành trong thời thơ ấu. Chính khuôn mẫu đầu tiên sẽ trở thành khuôn mẫu lâu dài nhất của chúng ta.”
🌹 “Chất lượng các mối quan hệ của bạn với người khác phản chiếu mối quan hệ của bạn với bản thân.”

Đây cũng là một trong số ít những cuốn sách mà mình vừa biên tập vừa take note vì có quá nhiều ý tưởng mới mẻ hay ho. Cam đoan là bạn sẽ vừa đọc vừa dán note khắp sách vì có quá nhiều quote hay để dành.

P/S: Mặc dù tựa phụ sách là “Khoa học thần kinh về lãnh đạo cảm xúc”, nhưng thuật ngữ “lãnh đạo” (leading) ở đây chỉ việc làm chủ, dẫn dắt cuộc sống của chính mình chứ không phải sách dành cho quản lý, lãnh đạo.

Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, bạn có thể ủng hộ tác giả qua chương trình Bạn đồng hành hoặc tại đây.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx