Cây trâm và trái trâm. Ảnh: khanhhoatravel.vn

Trong suốt tuổi thơ của mình, có rất nhiều bóng cây cổ thụ che mát miền ấu thơ đã từng ngã xuống, và có không biết bao nhiêu lần mình chứng kiến cảnh người ta chặt bỏ một cái cây, trong sự bàng hoàng và ngơ ngác. Đó là cây trâm ở phía sau nhà dì Sáu, mấy anh em họ mình từng hái không biết bao nhiêu mùa trâm mỗi khi “trời mưa lâm râm, cây trâm có trái”. Một ngày nọ, cây trâm bị chặt mất để nhà dì Sáu cơi nới phần nhà sau. Nguyên thân cây trâm to lớn đó bị xẻ thành nhiều khúc nhỏ, cho vào lò hầm thành củi than để dành nấu bếp. Khói trâm hôm đó bay mù mịt, đen kịt cả một góc trời.

Đó là hai cây vú sữa nhà cậu Ba, nơi tỏa bóng mát rộng khắp một khu vườn và là nơi để bộ bàn gỗ để người lớn tụ tập bày biện nấu ăn mỗi mùa giỗ chạp, hay là nơi tụi con nít bày trò vui chơi và nằm ngủ trưa trong cơn gió xào xạc qua mấy vòm lá trên cao. Một ngày nọ, hai cây này cũng bị chặt vì nhà cậu Ba cần mở rộng khoảnh đất ra để cất nhà mới to hơn. Sau khi chặt bỏ hai vú sữa đó, cậu Ba có trồng lại một cây vú sữa con con khác ở trước nhà, có lẽ với hy vọng vài chục năm nữa nó cũng sẽ lớn lên và lại tỏa bóng mát như xưa. Nhưng rồi tới khi sân nhà đổ nền xi măng thay cho nền đất, cây vú sữa con đó cuối cùng cũng chịu án tử khi còn chưa kịp lớn.

Cây me trăm tuổi. Ảnh: Báo Người Lao Động

Đó là cây me bên góc hàng rào nhà ngoại, nơi mỗi mùa me non vừa chín là tụi quỷ nhỏ đã vặt me non chấm muối ăn không thương tiếc, hay người lớn ghé hái mấy mớ lá me non nấu canh chua. Góc sân nơi cây me tỏa bóng cũng là sân chơi của bà con xóm giềng mỗi dịp Tết với mấy trò vui như lô tô, bầu cua tôm cá, cờ cá ngựa hay đánh bài,… Một ngày mùa hè, người ta chặt bỏ cây me đó, mình chứng kiến cảnh cây me đổ sụp ngay trước mắt để lại một khoảng trời hẫng hụt đầy nắng. Đến tận bây giờ, mình cũng không biết lý do vì sao những người lớn lại quyết định chặt cây me đó đi khi nó nằm giữa đường và không ảnh hưởng tới nhà của ai.

Dọc theo những cung đường mình đi từ thời mẫu giáo, tiểu học, trung học lên đại học, từ chốn quê nhà cho tới tốn thị thành, có không biết bao nhiêu cây cổ thụ mọc ven hai bên đường có tuổi đời từ ba bốn chục năm cho tới hàng trăm năm đã ngã xuống như thế. Đang yên đang lành, cây vẫn mọc xanh tươi tỏa bóng mát thì đột nhiên một ngày lại bị đốn hạ – không vì lý do gì, hay vì những lý do không bao giờ được công bố, mà có công bố thì người ta cũng không thể hiểu nổi. Có những cái cây đã chết cách đây mười mấy hai chục năm lúc mình còn nhỏ, cũng có những cái cây mới chết gần đây khi mình đã ở tuổi trưởng thành.

Cây bồ đề. Ảnh: Chùa Pháp Vương

Gần nhà mình có một cây bồ đề cổ thụ rất lớn nằm trong khuôn viên một cơ quan hành chính, bóng cây tỏa khắp một góc đường mát rượi. Ngay từ hồi nhỏ xíu khi về sống ở khu này, mình đã thấy cái cây đó hiện diện như một nhân chứng sống của lịch sử thành phố qua mấy trăm năm. Mỗi lần nhìn cái cây, mình hay liên tưởng tới câu chuyện Đức Phật ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề. Sau này cơ quan đó chuyển về nơi khác, khu nhà bị đập mất chỉ còn lại một khoảng đất trống lớn được người dân chiếm dụng làm quán cà phê. Riêng cây bồ đề cổ thụ vẫn án ngữ tại đó, sừng sững theo năm tháng. Vậy mà gần đây khi chính quyền địa phương cấm buôn bán tại khoảnh đất trống đó, những người dân sống xung quanh cũng nhân cơ hội này để hùn hạp tiền thuê người chặt bỏ luôn cái cây, chỉ vì một lý do là… cái cây rụng lá vô sân nhà họ nhiều quá.

Nghe lý do này, mình chợt nhớ đến một câu chuyện từng đọc được của một tác giả người Mỹ. Anh này sinh sống ở một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Austin, bang Texas. Đối diện nhà anh là nhà của một cụ bà đã lớn tuổi, gia đình bà đã sống ở vùng đất này suốt mấy thế hệ nên bà biết hết mọi người trong vùng và cả những câu chuyện từ thời xa xưa quá vãng. Trước nhà bà có một cây cổ thụ khổng lồ mà anh không biết nó thuộc loại cây gì, bóng cây của nó rộng tới mức có thể bao phủ cả căn nhà và khoảnh sân nhà bà cụ. Cái cây có tuổi thọ hàng trăm năm và đã tồn tại hiên ngang tại đó trước khi gia đình bà đến an cư nơi đây. Rất nhiều bà con lối xóm trong vùng mỗi khi đi ngang qua đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp và sự tươi tốt của cái cây nên bà rất tự hào về nó.

Khoảng năm 2000, bà cụ qua đời vì tuổi già và căn nhà bị bán lại cho người khác. Con cháu trong nhà không ai muốn tiếp quản căn nhà này mà đều dọn đi nơi khác sinh sống. Bạn có biết điều đầu tiên mà người chủ mới làm khi vừa dọn tới căn nhà này là gì không? Ông ta đã kêu thợ tới chặt bỏ cái cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đó, chỉ vì một lý do cũng hết sức đơn giản là ông ta không thích mấy cái lá cây rụng bừa bãi trên mái nhà và khoảnh sân. Chứng kiến cảnh cái cây bị đốn hạ, anh chàng này bị sốc nặng nề trước sự ngu ngốc của người chủ mới và thương tiếc cho cái cây mà bà cụ đã dành cả đời để tự hào về nó. Tuổi đời của cái cây còn lớn hơn lịch sử ra đời thành phố Austin, vậy mà người ta nỡ lòng nào chặt bỏ chỉ vì nó rụng lá.

Cây sồi cổ thụ ở thành phố Athens, bang Georgia đã có từ giữa thế kỷ 16. Ảnh: Wikipedia

Trong rất nhiều cuộc “tàn sát tập thể” những cây cổ thụ mọc hai bên đường ở hầu hết các tỉnh thành trên khắp cả nước, có rất nhiều lý do được đưa ra như những nhánh cây già cỗi có thể bị gãy đổ bất cứ lúc nào, hay cây có thể bật gốc khi trời mưa bão gây ảnh hưởng tới tính mạng của người đi đường, hoặc một số cây mọc nghiêng ra đường làm cản trở các phương tiện lớn lưu thông. Một số lý do nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế là xác suất một cái cây bật gốc ngã hay đột nhiên gãy cành nhánh rớt xuống đường rất hiếm (thi thoảng bạn mới thấy một vụ xuất hiện trên báo), cũng như không có nhiều tài xế hay người đi bộ phàn nàn với chính quyền về sự bất tiện của cái cây cổ thụ đó (không có số liệu cụ thể nào chứng minh việc này). Tất cả chỉ dừng lại ở mức nguy cơ – một mối đe dọa mà người ta còn không thể khẳng định xác suất xảy ra là bao nhiêu phần trăm.

Bạn đừng tưởng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện người ta chặt cây hai bên đường vô tội vạ, ngay cả xứ cờ hoa như nước Mỹ cũng thế. Tác giả người Mỹ trong câu chuyện kể trên chia sẻ rằng mỗi khi muốn chặt bỏ một cái cây nào, cơ quan quản lý cây xanh đô thị không bao giờ xét đến chuyện tuổi đời và vẻ đẹp của cái cây đó đóng góp cho con đường nói riêng hay thành phố nói chung. Chỉ cần nó có mối đe dọa đối với người đi đường hay cảnh quan con đường đó (như mọc lệch), hay nó có một vài dấu hiệu nào đó thể hiện nó sắp chết (như một vài cành khô hay đốm nâu trên thân cây) mà chưa thèm kiểm chứng, người ta sẽ xếp nó vào dạng cần chặt bỏ và lên kế hoạch đốn hạ không thương tiếc.

Nhìn chung dù ở thế giới hay Việt Nam, việc bảo tồn và chăm sóc một cái cây cổ thụ thì có nhiều “thiệt hại” hơn là lợi ích, như nó chiếm diện tích khá nhiều ở các con đường lớn, chiếm mất không gian để xây dựng những tòa nhà chọc trời, chắn hết mặt tiền của các cơ quan hành chính hay các cửa hàng, cơ quan quản lý cây xanh đô thị phải cắt tỉa cành và chăm sóc theo định kỳ, cũng như công nhân viên vệ sinh phải quét dọn lá thường xuyên, v.v. Vấn đề nào cũng làm tiêu tốn ngân sách nhưng đổi lại cái cây không tạo ra một đồng bạc nào về lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, chỉ cần chặt hạ cái cây đi thôi thì phần gỗ khổng lồ đó sẽ được đấu giá từng đợt rồi nộp tiền về ngân sách, cũng như những lợi ích vô hình khác từ không gian đã chặt bỏ cái cây. Nếu để ý bạn sẽ thấy mỗi lần chặt cây cổ thụ mọc hai bên đường, người ta sẽ chặt hàng loạt chứ không bao giờ chặt một cây lẻ.

Hàng cây dầu bị chặt trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) vào năm 2021. Ảnh: Báo Vietnamnet

Có một câu chuyện khá buồn cười xảy ra ở quê mình gần đây, khi mới tháng 4 đầu năm mình đọc báo thấy tin có một hội thảo về giải pháp phát triển cây xanh đô thị ở thành phố với sự tham gia của gần 50 đại biểu là lãnh đạo của các sở, ngành liên quan. Nội dung buổi hội thảo là bàn bạc về chiến lược phủ xanh thành phố và đặt mục tiêu nâng dần tỷ lệ khu vực có cây xanh lên, rà soát quy hoạch cây xanh trong đô thị thường xuyên, cũng như khuyến khích người dân trồng cây xanh trước nhà,… Vậy đó mà chỉ hai tháng sau, nguyên hàng cây cổ thụ trên một con đường nhỏ trong thành phố bị chặt hết ráo trọi, chỉ còn trơ lại gốc.

Hàng cây này vốn là nơi bầy chim làm tổ và trú ngụ suốt bao lâu nay, từ khi cây bị chặt đi thì chiều nào cũng có một bầy chim dáo dác bay vòng quanh đó. Có lẽ đến bây giờ chúng vẫn chưa hiểu được lý do vì sao mình mất nhà, tự dưng một ngày đi kiếm ăn về thì nhà đã không còn nữa. Chúng đậu thành hàng dài trên những sợi dây diện xung quanh, nhìn vào khoảng không vô định để tìm kiếm một nơi từng là tổ ấm của mình. Khi chạy qua cung đường không có một bóng cây mà hai bên chỉ toàn là nhà cao tầng, mình chỉ biết thở dài ngao ngán trước quyết định quá tàn nhẫn và ngu ngốc này.

Bầy chim mất nhà bơ vơ giữa trời. Ảnh do bạn mình chụp.

Hàng cây cổ thụ đó đã có từ thời mình còn nhỏ xíu, gắn liền với những năm tháng tiểu học mình đi học lội bộ dưới bóng những tán cây. Tính đến nay mình đã hơn ba mươi tuổi đầu thì nó cũng đã ở đó suốt ba mươi năm qua, và thực ra là còn lâu hơn nữa tính theo tuổi đời của cây. Vậy đó mà người ta có thể chặt bỏ nó không thương tiếc và không có một thông tin nào giải trình trên các phương tiện truyền thông địa phương cho người dân biết lý do vì sao họ chặt chúng đi. Khi mình đi tìm hiểu và tìm kiếm một số từ khóa liên quan, mình chỉ tìm thấy một bài viết từ năm 2020 nói về mối đe dọa của những cây cổ thụ trên con đường đó. Vâng, một lần nữa lại là “mối đe dọa”, và trong suốt ba năm qua hàng cây đó không hề gãy đổ hay đe dọa bất cứ ai!

Ảnh: Gilly Stewart

Con người chúng ta thường cho rằng giống loài của mình cao quý hơn tất cả những dạng sinh vật sống khác trên Trái Đất nên chúng ta có quyền sinh sát vô tội vạ bất kỳ loài động vật hay thực vật nào. Chúng ta tự vẽ ra một thang phân cấp mà chúng ta nằm ở đỉnh cao nhất của chuỗi thức ăn, còn những loài động vật thì thấp hơn rất nhiều và ta cho rằng chúng chỉ là những sinh vật không có linh hồn. Trong thang bậc ấy, những loài thực vật như cây cối thì càng thấp hơn con người bội phần và ta cũng cho rằng chúng không hề có sự sống hay không biết đau.

Nhưng một nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi Đại học Wisconsin-Madison đã chứng minh rằng khi cây cối bị thương như bị cứa vào, chúng sẽ phát một tín hiệu xuyên suốt cơ thể hệt như tín hiệu của hệ thần kinh con người và động vật khi phản ứng với cơn đau. Hay một nghiên cứu khác tại Đại học Tel-Aviv ở Israel gần đây cũng phát hiện ra rằng thực vật cũng có thể “khóc” và phát ra âm thanh khi bị căng thẳng ở một tần sóng siêu thanh mà tai bình thường con người không thể nghe được, nhưng một số loài động vật nhạy cảm về âm thanh như dơi, chuột và bướm đêm lại có thể nghe được.

Nếu con người huyễn hoặc rằng giống loài của mình cao quý, Tạo Hóa trên cao có thể đáp lời họ rằng: “Loài người là sinh vật sống. Động vật hay thực vật cũng là sinh vật sống. Vậy ai cao quý hơn ai chứ?”. Con người chúng ta nghĩ rằng mình là loài sinh vật làm chủ Trái Đất này và chúng ta quan trọng với Tạo Hóa hay Mẹ Thiên Nhiên, nhưng có thể các đấng ấy không nghĩ như thế. Nếu nhìn từ góc độ của Tạo Hóa, có vẻ Ngài ưa thích và ưu ái hơn cho những cái cây hơn con người, bởi vì tuổi thọ trung bình của một cái cây có thể kéo dài cả 2.000 năm hoặc hơn thế nữa trong khi tuổi thọ trung bình của con người chỉ khoảng 80 năm. Qua cách Tạo Hóa ấn định tuổi thọ cho các sinh vật, chúng ta có thể hiểu rằng Ngài mong muốn một cái cây sống được tới 2.000 năm tuổi, nhưng còn con người ư? 80 năm là đủ rồi!

Ảnh: Dave

Không cần phải nói nhiều về lợi ích của một cái cây đối với hệ sinh thái tự nhiên của Trái Đất, bởi đó là những kiến thức căn bản mà chúng ta đã học qua môn Sinh học ở nhà trường. Nếu một cái cây có tuổi đời là 2.000 năm tuổi bị chặt bỏ vào năm nó mới 200 tuổi, điều đó đồng nghĩa rằng 1.800 năm tuổi đời còn lại của nó với lợi ích tái tạo không khí và nước, làm xanh sạch đẹp cho thế giới tự nhiên đã bị mất đi hoàn toàn. Trong khi đó, nếu con người chẳng may chết sớm ở năm 40 tuổi, thì 40 năm đầu độc, xài đồ nhựa, thải khí thải nhà kính và phá hoại môi trường,… trong quãng đời còn lại của họ cũng biến mất. Giờ thì bạn có thể hiểu được tại sao Tạo Hóa lại ưu ái trao ban cho cây cối số tuổi thọ cao hơn con người gấp hàng chục lần.

Nhưng sau cùng thì, ai sẽ lên tiếng cho những cái cây cổ thụ khi chúng bị chặt đi? Mỗi ngày có biết bao nhiêu cái cây trên khắp hành tinh này đang bị tàn sát vô tội vạ chỉ vì những lý do ngu ngốc của loài người. Và ai sẽ lên tiếng cho chúng khi tiếng kêu của chúng ở tần số siêu thanh chỉ có dơi, chuột và bướm đêm nghe được?


Tài liệu tham khảo:
I Speak For The Trees (Miles Mathis)
– Nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), tạp chí Science, 14/9/2018
– Nghiên cứu của Đại học Tel-Aviv (Isarel), tạp chí Cell, 3/2023

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.