
Gần đây mình nghe được một bài hát tiếng Trung có tựa “Chỉ vì vài lượng bạc vụn” với ca từ rất đáng suy ngẫm:
“Nhìn thế nhân vội vàng hối hả
Lại chỉ vì vài lượng bạc vụn
Hết lần này đến lần khác số bạc vụn này
Lại có thể giải trừ được sự hối hả của thế nhân”
Khói lửa nhân gian quanh năm sôi sục cũng quẩn quanh một chữ “tiền”. Thử nhìn ra cuộc đời ngoài kia, mỗi ngày có biết bao nhiêu người vội vàng hối hả lao mình vào đời, rốt cuộc cũng chỉ vì kiếm miếng cơm manh áo để mưu sinh. Như chúng ta cũng không khác gì, mỗi ngày mở mắt thức dậy và sửa soạn đi làm, có bao giờ bạn tự hỏi bản thân: Chúng ta cật lực đi làm kiếm tiền như vậy là để hướng tới điều gì trong cuộc đời mình?
Gần đây trò chuyện với một người bạn, bạn chia sẻ với mình rằng bạn muốn kiếm tiền và tích lũy thật nhiều tiền trong khả năng có thể lúc còn trẻ để hướng tới sự an toàn tài chính. Theo bạn, phải an toàn tài chính thì bạn mới có thể thoải mái trải nghiệm cuộc sống và mua lấy hạnh phúc cho bản thân. Bạn còn quả quyết rằng ai mà nói tiền không quan trọng thì người đó thường cũng chẳng có xu nào. Với bạn thì tiền không tốt cũng không xấu, nhưng hễ ta còn sống thì còn phải tiêu tiền, thậm chí ngay cả đến chết cũng phải tốn tiền.
Góc nhìn của bạn là một quan điểm rất thẳng thắn và thực tế về đồng tiền. Nhưng có thực là phải có nhiều tiền thì chúng ta mới có cảm giác an toàn, tự do và thoải mái trong đời sống? Ở bài viết này, mình sẽ đưa ra một góc nhìn ngược lại từ quan điểm tôn giáo và quan điểm về cuộc tiến hóa của nhân loại để cho thấy rằng nhiều thứ chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời ảo vọng ra sao.

Cuộc tìm kiếm những thứ bên ngoài
Nền kinh tế của chúng ta được vận hành dựa trên giả định về sự khan hiếm – chúng ta luôn cảm thấy mình thiếu và không có đủ nên luôn muốn sở hữu nhiều thứ hơn qua việc không ngừng mua sắm và tích trữ, từ quần áo, giày dép, thiết bị điện tử, đồ đạc cho tới mọi tiện nghi vật chất trong đời sống. Người có hai chục bộ đồ thì sẽ muốn mua thêm hai chục bộ nữa, người đi xe máy thì muốn lên đời đi xe hơi, người sở hữu một căn nhà thì sẽ muốn tậu thêm bất động sản,… Không bao giờ có điểm dừng cho những nhu cầu của con người, bởi lẽ chúng ta càng có nhiều thì sẽ càng cảm thấy thiếu. Và một khi không biết đủ, chúng ta sẽ liên tục tìm kiếm cách tích trữ tài sản vật chất càng nhiều càng tốt bằng mọi giá.
Nếu so sánh về mặt vật chất, đời sống của chúng ta ngày nay tốt hơn nhiều so với đời sống của cha ông chúng ta, hay thậm chí các bậc vua chúa ngày xưa. Thời trước người ở xa muốn liên lạc với nhau phải gửi thư đi nhiều ngày trời, có khi còn bị thất lạc, chứ đâu có điện thoại nhấc máy lên là nghe được giọng hay nhìn thấy mặt của nhau. Thời trước muốn đọc sách hay tra cứu thông tin gì cũng khan hiếm khó khăn, không dễ gì search Google một phát là ra. Thời trước vua chúa muốn đi vi hành hay công du sang nước bạn cũng xa xôi cách trở nghìn trùng, đâu phải lên mạng book vé máy bay cái là bay được liền. Về mặt vật chất, chúng ta sung sướng hơn thế hệ trước rất nhiều, nhưng về mặt tinh thần thì ngược lại. Chưa bao giờ xã hội lại đầy rẫy những căn bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu và căng thẳng dẫn tới việc nhiều người lựa chọn tự tử đến như thế.
Nhiều người cho rằng khi họ sở hữu một căn nhà, một chiếc xe, có thật nhiều tiền trong tài khoản thì họ mới có cảm giác thỏa mãn và thấy an toàn về tài chính. Ta nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc biết bao khi có được những gì mình mong muốn, nhưng khi đã có được rồi thì ta lại càng thèm khát và đau khổ hơn. Như bạn bè mình vẫn hay đùa vui rằng, nếu trúng xổ số Vietlott vài chục tỷ thì họ sẽ nghỉ việc, mua một căn nhà nghỉ dưỡng rồi tận hưởng cuộc sống tự do. Nhưng có chắc rằng khi đã có vài chục tỷ trong tay thì bạn vẫn là con người giống như bây giờ không? Khi đó bạn sẽ có một nhóm bạn bè rất khác và sống trong một điều kiện “bình thường mới” rất khác bây giờ – và nhu cầu của bạn sẽ chuyển sang những thứ còn đắt đỏ hơn trước.

Tiền tài, quyền lực, danh vọng hay sắc dục giống như những chiếc mồi câu mà chúng ta là những chú cá luôn bị chúng cám dỗ và sẵn sàng đớp mồi dù biết rằng mình sẽ mắc câu. Đi ngược lại với quan điểm cho rằng hàng hóa vật chất mới là thứ đem lại chất lượng cuộc sống cho con người, đạo Phật lại cho rằng chính “hàng hóa” phi vật chất mới là thứ tạo nên chất lượng sâu sắc cho cuộc sống của chúng ta. Bạn hãy thử nhìn nhận kỹ lại mà xem, có rất nhiều thứ bạn tìm kiếm trong cuộc đời này – tình yêu, ý nghĩa, hạnh phúc, sự bình yên, niềm vui, sự hài lòng và các trạng thái tinh thần khác đều là phi vật chất. Vì tất cả những thứ ấy đều là “hàng hóa” về tinh thần nên chúng vô giá đối với tâm trí chúng ta, và bạn sẽ không bao giờ có được nó bằng những nguyên tắc hay định đề về kinh tế.
Như thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói: “Hạnh phúc có nhiều hình tướng, nhưng hạnh phúc chân thực không đến từ những tham dục là danh vọng, sắc dục, quyền hành và tiền tài”. Tương tự, tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên hay niềm vui,… không phải là một món hàng khan hiếm mà ta có thể mua sắm, tích lũy hay sở hữu mãi mãi. Bạn có thể mua một chiếc giường lớn, một tấm nệm đắt tiền hay chiếc chăn lông ngỗng bạc triệu, nhưng bạn không thể mua được một giấc ngủ bình yên. Bạn có thể sống trong một căn hộ ba phòng ngủ ở một tòa nhà sang trọng, nhưng bạn không thể mua được hạnh phúc gia đình. Có một sự thật bất ngờ là nhiều trạng thái tinh thần mà chúng ta dành cả đời mình để tìm kiếm không nằm ở đâu xa xôi, cũng như không ngự trị ở những vật chất xa hoa mà chúng ta theo đuổi – tất cả chúng đều có sẵn bên trong chúng ta. Và bạn không cần phải đi tìm kiếm chúng ở bên ngoài nữa.

Cuộc tìm kiếm ở tương lai văn minh
Suy cho cùng, con người ta lao vào đời kiếm tiền bắt nguồn từ một khao khát sâu thẳm bên trong – khao khát về sự tự do. Trong xã hội hiện đại, đời sống của chúng ta sẽ bị cản trở rất nhiều mặt nếu như ta không có nhiều tiền, từ chuyện nhu cầu sinh hoạt, chăm sóc bản thân, y tế, giáo dục cho tới những lựa chọn trong cuộc sống. Tiền bạc là một công cụ đầy quyền lực cho chúng ta quyền tự do vượt qua khỏi cản trở và ranh giới để sống một cuộc đời mà ta hằng mong muốn. Khi mình thử khảo sát một vài người bạn về việc khi có rất nhiều tiền thì họ sẽ làm gì, đa số đều trả lời rằng họ sẽ nghỉ việc hoặc theo đuổi công việc nào đúng với đam mê của họ, và dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, vui chơi và đi du lịch đây đó, cũng như dành thời gian chất lượng cho những người thương yêu của họ.
Ước muốn này không có gì sai trái mà còn rất chính đáng, ngay cả bản thân mình cũng có khao khát như thế khi có được tự do tài chính. Nếu không bị áp lực về việc kiếm tiền, mình có thể dành thời gian đọc sách, nghiên cứu, tìm tòi khám phá những quy luật trong cuộc sống để viết bài chia sẻ hầu quý độc giả mỗi ngày. Nhưng có gì đó dường như sai trái với nền văn minh ngày càng tiến bộ và hứa hẹn của chúng ta ngày nay, với sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo và hàng loạt công nghệ tiên tiến phát triển theo cấp số nhân. Ở một số nước văn minh phương Tây, nhờ công nghệ mà họ đã bắt đầu cắt giảm số giờ làm cho người lao động, từ 8 giờ vàng công sở x 5 ngày mỗi tuần tới xu hướng thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày (hãy nhớ rằng phần lớn các công ty Việt Nam là tuần làm việc 6 ngày), thậm chí có công ty còn cho nhân viên làm việc ở nhà hay làm việc từ xa toàn thời gian. Các chính sách nhân văn này đều hướng tới việc đem đến một môi trường làm việc hạnh phúc hơn cho người lao động.

Nhưng giờ thì mời bạn an vị lên cỗ máy thời gian để trở về quá khứ độ khoảng 15 triệu năm trước, thời điểm người tinh khôn bắt đầu xuất hiện. Bạn có biết trong lịch sử tiến hóa của loài người, có tới 95% quãng thời gian tồn tại của giống loài chúng ta là những người săn bắt hái lượm sống nay đây mai đó và di chuyển thành bầy đàn. Qua rất nhiều nghiên cứu và gần như không có ngoại lệ, các nhà nhân chủng học xác định rằng tổ tiên nguyên thủy của chúng ta ngày trước hiếm khi nào “làm việc” hơn ba hay bốn giờ mỗi ngày, mà thời gian làm việc đó chủ yếu dành cho việc kiếm ăn. Với người hiện đại như chúng ta ngày nay, khi nói tới “làm việc” hay “lao động”, chưa gì chúng ta đã có cảm giác mệt mỏi và chán chường, nhưng ý niệm này chưa bao giờ tồn tại ở các xã hội săn bắt hái lượm. Nói chung, người nguyên thủy không có khái niệm gọi là lao động vất vả.
Nhà làm phim tài liệu Jonnie Hughes từng mời một vài thổ dân ở Papua New Guinea tới thăm đời sống văn minh tại Vương quốc Anh. Sau chuyến đi đó, họ chia sẻ với ông rằng họ rất lấy làm lạ về chuyện con người văn minh phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống, vì ở xứ xở của họ, người ta chỉ dành khoảng 20 giờ mỗi tuần để săn bắt, thu thập thức ăn, thời gian còn lại họ dành cho bản thân, gia đình và xã hội. Khi sống chung với một gia đình và chứng kiến cảnh người cha tên Mark sáng sớm phải đi làm đến tối mịt mới về nhà, các thổ dân đã hỏi anh ta: “Tại sao các anh ra phải ngoài mỗi ngày, thay vì đi gặp những người các anh thật sự quan tâm? Chẳng hợp lý gì cả!”. Mark giải thích rằng anh phải đi làm mỗi ngày để kiếm tiền trả khoản nợ cho căn nhà mà họ đang sống trong suốt 25 năm tới. Các thổ dân nhìn anh ta với ánh mắt thương xót ngỡ ngàng và giải thích rằng khi một người bọn họ cần nhà ở, họ sẽ cùng với những người đàn ông khác trong làng xây một căn nhà trong khoảng vài tuần.

Không nói đâu xa xôi trên thế giới, khi nhà văn Nguyên Ngọc (tác giả “Rừng xà nu” nổi tiếng) sinh sống với đồng bào dân tộc Gia Rai, ông được nghe già làng Dournes chia sẻ rằng người Gia Rai chỉ làm đủ ăn thôi, ăn để mà tồn tại, còn lại thì chơi cho thỏa thích. Đồng bào ở đây không sao hiểu được cái lý lẽ “làm việc để tích lũy” của người Kinh. Ban ngày họ lang thang rong chơi kết giao với bạn mới, bù khú với bạn cũ. Với họ ban ngày là để tồn tại, lao động vừa đủ để mà tồn tại về thể xác. Lao động với họ tuy cần thiết nhưng mà chỉ là phụ thôi, rất phụ, chỉ là hão huyền phù du. Còn đêm đến, bên bếp lửa bập bùng mỗi đêm trong nhà sàn với ché rượu cần bên gia đình, bên xóm làng, người ta sống trong những câu chuyện kể và lang thang trong những huyền thoại. Ban đêm là lúc người ta mới thực sự sống, sống đúng nghĩa con người, với những vấn đề trọng đại nhất, trăn trở nhất về kiếp người.
Giống với người Gia Rai thì người Ba Na, một dân tộc nghệ sĩ nhất ở Tây Nguyên, cũng có một triết lý sống đặc biệt không kém: họ quan niệm làm đủ ăn thôi là được rồi, giàu có dư thừa để mà làm gì, còn thời giờ thì để mà chơi, mà tận hưởng cuộc đời. “Chơi gì, ở đâu? Chơi trong rừng, lang thang trong rừng, đi tìm con cheo, con chồn, con dúi, con chuột, con cá, cây nứa và quả bầu héo làm đàn goong, đoạn trúc đẹp làm cây sáo hay khúc giang mướt nướng cơm lam ngon… Bất chấp hết mọi thứ khác trên đời, bất chấp hiện đại, bất chấp công nghiệp, bất chấp cao su, bất chấp tất cả” (trích lời nhà văn Nguyên Ngọc). Khi cao trào nổi hứng, đồng bào người dân tộc có thể lang bạt mải miết trong rừng hàng tuần, hàng tháng trời cho thỏa thích rồi mới trở về nhà của họ.

Suốt lịch sử tiến hóa của nhân loại, chúng ta từng bước từ bỏ lối sống ăn lông ở lỗ, bước ra khỏi những hang động và khu vườn của mình để xây dựng những trang trạng, nhà máy và tiến vào đời sống văn minh vật chất. Ấy vậy mà khi chạm đến đỉnh của thế giới văn minh đó, bên trong chúng ta lại khao khát “bỏ phố về quê” và sống hòa hợp với tự nhiên. Cái viễn cảnh về một thế giới đại đồng nơi con người chung sống sung túc và hòa hợp với nhau, có thật nhiều thời gian rảnh rỗi dành cho bản thân và những người chúng ta thương yêu, hóa ra tổ tiên chúng ta đã từng sống trong một thế giới như thế cho tới khi nền nông nghiệp và cái gọi là văn minh ra đời khoảng mười nghìn năm trước. Và từ đó, chúng ta đang ngày một tiến xa khỏi thế giới ấy.
Viết tới đây đột nhiên mình chợt nhớ tới một người em, em từng tâm sự với mình rằng mỗi ngày thức dậy đi làm, em cảm thấy bản thân như zoombie nơi công sở – sống vô hồn và vô nghĩa. Chỉ đến khi chấm công rời khỏi công ty, trở về nhà sau chiều tối, em mới có cảm giác em được là em, là chính mình, được tự do sống theo cách mình muốn. Nhưng cái tự do ấy cũng hết sức ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn trong vài tiếng mỗi đêm, và vòng lặp ấy cứ lặp đi lặp lại hằng ngày như thế. Có biết bao nhiêu người ngoài kia cũng đang rơi vào trạng thái này?

***
Đi qua hai cuộc tìm kiếm vĩ đại nhất của nhân loại đến từ sản phẩm của nền kinh tế và chủ nghĩa văn minh vật chất, chúng ta mới ngỡ ngàng nhận ra một sự thật phũ phàng rằng: những gì chúng ta đang bỏ bao tâm sức cật lực tìm kiếm trong đời hóa ra vẫn luôn nằm ở đó – bên trong chúng ta và ở quá khứ mà tổ tiên cha ông chúng ta đã từng sống, nhưng vì vô minh và bị hào quang vật chất che lấp mà chúng ta như những chú chuột đâm đầu chạy điên cuồng trong vòng xoáy kim tiền của cuộc đời.
Chúng ta cứ mải miết theo đuổi ảo vọng rằng phải có tiền thì ta mới hạnh phúc, phải có tiền thì ta mới có niềm vui, phải có tiền thì ta mới có sự bình yên trong tâm hồn, nhưng làm sao ta có thể đạt đến những trạng thái hoan lạc đó bên trong mình khi ta không tìm kiếm nó ở bên trong, ngay giây phút hiện tại, mà cứ mải mê tìm kiếm nó ở bên ngoài và ở một thì tương lai xa xôi nào đó với biết bao hứa hẹn của chủ nghĩa công nghệ văn minh?
Câu hỏi này là một nan đề lớn gắn liền với lịch sử phát triển và tiến hóa của nhân loại, cũng gắn liền với những động lực nền tảng chi phối cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Ở đây mình chỉ gợi ra một số chiều kích để quý bạn đọc suy ngẫm, phản tư và tự định hướng lại cho bản thân một lối sống phù hợp. Lựa chọn sống thế nào chung quy vẫn là ở bạn.
Tài liệu tham khảo:
– Kinh tế học Phật giáo (Kai Romhardt)
– Chết bởi văn minh (Christopher Ryan)
– Các bạn tôi ở trên ấy (Nguyên Ngọc)
P/S: Qua bài viết này, Chơn Linh cũng xin chân thành cảm ơn những quý độc giả đã gửi tặng Chơn Linh 1-2 quyển sách. Nhờ sự ủng hộ của quý vị, Chơn Linh có thêm nguồn tư liệu quý giá để mở mang thêm tầm mắt, từ đó đem đến cho quý độc giả những bài viết chất lượng và nhiều chiều sâu hơn.
2 bình luận
Năm 2018, bố tớ bất ngờ bị ung thư, bảo hiểm chỉ đỡ được một phần, đã xác định đi viện là tốn kém. Lần đầu tiên tớ được nếm trải cảm giác bất lực khi người thân bị bệnh mà mình không có nhiều tiền là như thế nào. Để phụ giúp gia đình, tớ đã rút hết số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi mình có khi ấy, vay mượn thêm và cày cuốc để trả nợ. Từ ấy, trong lòng tớ luôn thường trực một nỗi sợ hãi, nếu một ngày người thân của mình lại bị bệnh nặng nữa thì sao? Cả mình nữa, nếu chính mình bị bệnh nặng mà không có tiền chữa thì sẽ ra sao?
Năm đó, sau khi bố ra viện, tớ đã tổ chức một chuyến du lịch ngắn ngày cho cả nhà ra đảo Cát Bà. Lần đầu tiên cảm nhận được một chuyến đi cùng cả nhà lại hạnh phúc đến như vậy. Suốt nhiều năm sau đó, tớ vẫn chưa có điều kiện để cho cả nhà đi du lịch một lần nữa. Mặc dù chưa có điều kiện xây nhà hay biếu tiền bố mẹ hàng tháng như “con nhà người ta”, nhưng thi thoảng về biếu bố mẹ chút tiền, thấy bố mẹ vui vẻ mua được món đồ bố mẹ thích, trong lòng mình cũng thấy vui vui. Hóa ra mình lao động kiếm tiền, cũng chỉ là đánh đổi những giây phút thế này thôi.
Tớ sinh ra và lớn lên ở miền núi, sống gần nhiều cộng đồng người dân tộc (người Tày, người Dao). Không biết bà con Tây Nguyên sống chill thế nào chứ ở quê tớ, thích chơi, không thích làm là nguyên nhân khiến họ mãi nghèo. Nhà dột nát, con cái không được ăn học tử tế, vợ chồng bí bách, lao và rượu chè, lô đề, đánh chửi nhau nhiều lắm.
Có một điều tớ đồng ý với cậu, đó là sâu thẳm bên trong con người đều khao khát sự tự do. Thế nên, nhiều người đã biết nó thành hiện thực chứ không chỉ là khao khát. Họ theo đuổi con đường tự do tài chính và họ thành công. Nhưng đây cũng không phải con đường trải hoa hồng cho tất cả. Có một lần tớ xem một video về hiệu hứng Medici trên kênh Tư Duy Ngược, nếu con người không còn gánh gặng về kinh tế thì sức sáng tạo sẽ bùng nổ như thế nào.
Thời đại chúng ta đang sống cách thời nguyên thủy cả nhiều triệu năm rồi. Cuộc sống càng ngày càng chỉ có áp lực hơn chứ không có áp lực nhất, Việt Nam cũng đang trên đà theo vết xe của Nhật, Hàn. Sự phát triển kinh tế và sự lao dốc về sức khỏe tinh thần của con người.
Nhưng mà cuối cùng tớ cũng nhận ra, làm gì làm, chăm sóc cho bản thân mình vẫn là điều quan trọng nhất. Vì chúng ta chỉ có thể tiếp tục lao động kiếm tiền, tạo ra giá trị cho đời khi chúng ta còn sống mà thôi.
Ở câu chuyện của Nga, mình muốn chia sẻ thêm một góc nhìn khác:
Loại trừ việc bị bệnh vì gene di truyền thì những căn bệnh ung thư như bố Nga gặp vốn cũng là hệ quả của lối sống văn minh, khi người ta ngày càng dùng nhiều thuốc trừ sâu trên thực vật, động vật được chăn nuôi công nghiệp, các thực phẩm sử dụng hằng ngày càng nhiều hóa chất và môi trường ngày càng ô nhiễm. Đó cũng là lý do vì sao ngày nay bệnh ung thư nhiều hơn thời trước rất nhiều, và có rất nhiều người miền Tây phải đi điều trị ung thư ở Sài Gòn, dù cho họ sống ở những nơi khí hậu trong lành, xung quanh là ruộng đồng vườn tược gần gũi với thiên nhiên.
Vấn đề mình đặt ra ở đây là lẽ ra bố của Nga hay nhiều bệnh nhân ung thư khác đã không mắc phải căn bệnh nan y này, nếu chúng ta sống trong một xã hội và môi trường tốt hơn, thuận tự nhiên hơn. Chúng ta chỉ đang trả giá cho những việc mình không can dự vào, và chỉ đang là nạn nhân của chủ nghĩa văn minh ở một số khía cạnh tiêu cực.
Còn nói về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cái Nga thấy trong thực tế và cái mình nói trong bài viết có sự khác biệt về khoảng cách thời gian. Những dân tộc mà nhà văn Nguyên Ngọc từng sống chung với họ là cách đây mấy chục năm trước rồi, ở cái thời đại mà văn minh vẫn chưa vào buôn làng. Bản thân mình đọc khá nhiều sách viết về đồng bào dân tộc miền núi, cả nghiên cứu dân tộc học lẫn tác phẩm văn học từ các nhà văn vốn là người miền núi thì thấy được một hiện trạng là: chính cái việc đem ánh sáng văn minh của người miền xuôi lên miền núi đã làm cho cuộc sống của người đồng bào bị đảo lộn và dần biến tướng theo chiều hướng tiêu cực. Thay vì chí thú làm ăn, canh tác và sống hòa hợp với tự nhiên như trước đây, giờ người đồng bào khi đã tiếp xúc với lối sống văn minh họ có nhiều sự so sánh và vẫn bị cuốn theo chủ nghĩa văn minh không khác gì người miền xuôi. Lẽ vậy nên thế hệ người dân tộc thiểu số bây giờ rất khác với thế hệ của cha ông họ trước đây.