Một bộ phim hay với mình cần hội tụ hai yếu tố quan trọng: kịch bản và diễn xuất. Có những bộ phim kịch bản rất hay, nhưng lại giao những vai chủ chốt cho dàn diễn viên còn non trẻ nên làm hỏng cả mạch phim, khiến cho các diễn viên thực lực phải gồng gánh suốt cả bộ phim. Ngược lại, có những diễn viên thực lực, diễn xuất rất tốt nhưng cầm phải một kịch bản thiếu chiều sâu thì bộ phim chiếu xong cũng không đọng lại gì nhiều. Trong năm 2025 này, Bắc thượng là bộ phim xuất sắc nhất đối với mình tính tới thời điểm hiện tại, cả về mặt kịch bản lẫn diễn xuất. Và hiếm hoi lắm mới có một bộ phim làm mình thán phục bởi sự liên kết chặt chẽ của từng tình tiết nhỏ đến như vậy.
Bắc thượng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Từ Trạch Thần – tác phẩm từng đạt Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 10 năm 2019, do đạo diễn chính Diêu Hiểu Phong và đạo diễn phụ Chu Nam cầm trịch. Cái tên “Bắc thượng” có nghĩa là tiến về phương Bắc, tức hành trình Bắc tiến lên Bắc Kinh lập nghiệp của một nhóm bạn trẻ lớn lên với nhau từ nhỏ. Đối với người Trung Quốc, lên Bắc Kinh học hành và lập nghiệp là ước mơ của bao nhiêu lớp thanh niên, không khác gì người ở tỉnh lẻ ao ước được lên Hà Nội hay Sài Gòn lập nghiệp.
Chuyện ở phố Hoa
Dù Bắc Thượng là một bộ phim hiện đại nhưng phim mở đầu bằng một phân đoạn lịch sử khá ấn tượng, khi một người Ý đi tàu tới Trung Quốc khám phá và có thuê một số tùy tùng đi cùng là những người Trung Quốc. Bối cảnh phim là câu chuyện diễn ra ở phố Hoa, một con phố nhỏ nằm dọc theo kênh đào Hồng Hoài – con kênh đào đã có lịch sử hàng ngàn năm tuổi, là kênh giao thương huyết mạch vận chuyển hàng hóa đi lên các tỉnh thành khác ở thời kỳ mà giao thông đường bộ còn chưa phát triển. Chuyện phim xoay quanh một khu nhà nhỏ trong phố Hoa với năm gia đình sinh sống cùng nhau, gồm bà Mã là chủ nhà ở gian nhà chính và bốn căn nhà bà cho thuê trong cùng khu.
Bốn đứa trẻ con trong bốn gia đình đều trạc tuổi nhau và học chung một lớp gồm Tạ Vọng Hòa, Thiệu Tinh Trì, Chu Hải Khoát và Hạ Phượng Hoa – cái Hoa cũng là bé gái duy nhất trong nhóm nhưng ngoại hình và tính cách lì lợm không kém cạnh bọn con trai, vì nhà nội cái Hoa từ nhỏ đã trong nam khinh nữ. Phim bắt đầu ở giai đoạn đầu những năm 2000, khi bà Mã dẫn đứa cháu Mã Tư Nghệ về quê sống với bà, do con trai bà đã mất còn con dâu thì tái giá nên gửi cháu gái cho bà nuôi. Gốc gác ông bà của bà Mã vốn là người Ý nên Tư Nghệ cũng có ngoại hình của một đứa con lai rất xinh đẹp, khiến bọn trẻ trai trong phố nhắng nhít cả lên.
Câu chuyện của Bắc Thượng trải dài qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là lúc 5 đứa trẻ còn nhỏ, cộng thêm Trần Duệ con trai của Chủ tịch quận nữa là 6 đứa tất cả, làm quen và bày trò nghịch ngợm với nhau. Tư Nghệ là cô bé hướng nội bị mẹ bỏ rơi nên luôn buồn bã, chính cái Hoa là người kéo em gần lại với cả bọn và bày trò mua vui cho Tư Nghệ. Nhà bà Mã vốn neo đơn, bà tuổi đã già mà còn phải bán bánh mưu sinh nuôi đứa cháu gái khá vất vả nên so ra Tư Nghệ không có điều kiện bằng bạn bằng bè, đi học bằng một chiếc túi vải cũ kỹ. Vọng Hòa đã lấy tiền để dành của mình để mua cặp sách và hộp bút mới cho Tư Nghệ.
Giai đoạn thứ hai là khi bọn trẻ phố Hoa bước vào những năm cuối cấp ba, đứng trước những lựa chọn về nghiệp và bắt đầu trăn trở về tương lai của bản thân. Ở độ tuổi ẩm ương này, tình cảm tuổi mới lớn cũng bắt đầu chớm nở. Cái Hoa thầm thích Vọng Hòa, ngay từ nhỏ đã muốn gả vào nhà cậu, nhưng trớ trêu thay Vọng Hòa lại thích Tư Nghệ và Tư Nghệ cũng thích cậu. Mối tình tay ba này cả ba chỉ giữ trong lòng chứ không dám nói ra vì sợ nếu không thành thì tình bạn cũng mất. Trước ngưỡng cửa thành niên, cả bọn đều hứa hẹn sẽ cùng nhau Bắc thượng – lên Bắc Kinh học đại học và lập nghiệp ở đó.
Hai giai đoạn đầu của phim kéo dài suốt 20 tập đầu, lúc này nhân vật Hạ Phượng Hoa do Bạch Lộc thủ vai vẫn còn trong tạo hình đen nhẻm, tóc ngắn, niềng răng và trông như một đứa con trai. Đây cũng là vai diễn đầu tiên mình đánh giá cao Bạch Lộc vì dám hi sinh ngoại hình để vào một vai xấu xí hơn nửa bộ phim. Giai đoạn thứ ba cũng là lúc cả bọn trưởng thành, tốt nghiệp ra trường được vài năm và đã có sự nghiệp riêng thì các biến cố mới lần lượt xảy ra với từng người.

Bức tranh sống động về nhân sinh
Điểm mình thấy xuất sắc nhất ở kịch bản của Bắc thượng là chỉ vỏn vẹn trong 38 tập, bộ phim đã khắc họa được sâu sắc những câu chuyện nhân sinh. Mỗi tuyến nhân vật trong phim đều có một câu chuyện đời riêng với những nỗi niềm riêng, như một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn, mà ghép lại tạo nên một khu phố Hoa hết sức sống động, rất đời và rất người.

Đó là câu chuyện về một bà Mã luôn bao dung với cô con dâu trời đánh thánh vật vì cô đã sinh cho bà một đứa cháu Mã Tư Nghệ xinh xắn, đáng yêu. Ngay cả khi cô con dâu tái giá, sinh con trai với người khác và vẫn vứt con lại cho bà nuôi, bà Mã vẫn rộng lòng đón nhận đứa cháu không có máu mủ gì với mình vì lo nghĩ cho tương lai của hai đứa cháu.

Đó là câu chuyện của lão Tạ (cha của Vọng Hòa), một tài công lái tàu có thâm niên và cũng nức tiếng là anh Cả của phố Hoa, bởi vì con phố này sống nhờ kênh đào và những người lái tàu như lão Tạ thu nhập rất tốt, đem lại sinh kế cho nhiều người nên rất được bà con trọng vọng. Ấy vậy mà khi kênh đào thất thủ, đường cao tốc ra đời làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành vận chuyển đường sông, lão Tạ cũng sa cơ thất thế, từ người được mọi người cả nể trở thành người bị xem thường.

Đó là câu chuyện của Hai Hạ (cha của Phượng Hoa), cũng là một tài công theo chân lão Tạ từ hồi còn trẻ, đến khi cả hai chuyển nghề làm siêu thị trên sông thì bắt đầu xảy ra những xích mích trong việc kinh doanh. Hai Hạ cũng là người sợ vợ có tiếng, nghe lời vợ răm rắp nhưng lại kẹt trong thế khó với người mẹ ruột ở quê luôn đòi hỏi đủ điều.

Đó là câu chuyện của lão Thiệu (cha của Tinh Trì), một văn nhân trí thức trong khu nhà nhưng cũng thuộc dạng bất đắc chí không gặp thời nên thường chán đời tìm tới rượu chè rồi hay nổi nóng đánh đập vợ con, trong khi đó chính là những người mà anh từng cưu mang và yêu thương.

Đó là câu chuyện của lão Chu (cha của Hải Khoát), một đầu bếp ẩm thực Hoài Dương có một quán ăn Kênh Đào Nhân Gia với bề dày lịch sử hơn trăm năm. Lão Chu tuy không phải thành phần tri thức, nhưng lại người có phong thái nho nhã nhất trong số các ông bố trong khu vì cha của ông là một người am hiểu về văn hóa, chuyên nghiên cứu và sưu tập đồ cổ. Lão Chu là một người chồng si tình nhưng gặp phải một người vợ nghệ sĩ luôn ôm mộng lớn – cô cảm thấy cuộc sống hôn nhân là chiếc lồng trói buộc mình và chỉ muốn bỏ nhà đi Bắc Kinh đóng phim.

Đó là câu chuyện của chị Hoằng, chị Yến và Ngọc Linh – mẹ của bọn nhỏ trong khu, cùng bươn chải bán đồ ăn sáng với bà Mã ở dọc kênh đào. Khi chồng sa cơ thất thế chỉ biết rượu chè, chị Hoằng thân gái phải bươn chải đi học bằng lái xe tải làm nghề tài xế xe đường dài với biết bao rủi ro nguy hiểm. Chị Yến thì gặp phải một bà mẹ chồng và cô em dâu là cái động bào tiền không đáy, lúc nào cũng vòi tiền gia đình và xem thường hai mẹ con cô. Còn Ngọc Linh là một người phụ nữ lúc nào cũng nhẫn nhịn chịu đựng mỗi khi chồng say xỉn và đòn roi với mình.

Bên cạnh câu chuyện của những người lớn, không thể không kể đến những người trẻ – các nhân vật trung tâm của phố Hoa. Đó là câu chuyện của Vọng Hòa, một anh chàng thông minh, lanh lợi từ bé luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp và làm giàu để thay đổi cuộc sống cho gia đình và những người cậu yêu thương. Nhiều lần khởi nghiệp thất bại, Vọng Hòa bước vào một công ty startup công nghệ về ứng dụng giao đồ ăn, nắm giữ một vị trí then chốt nhưng phải đấu trí với nhiều kẻ tiểu nhân nham hiểm. Tham vọng kiếm tiền cũng làm Vọng Hòa dần biến chất thành người mà bạn bè không còn nhận ra và cái giá phải trả cũng rất lớn.

Đó là câu chuyện của Hải Khoát, một anh chàng sống trong một gia đình mà bố mẹ suốt ngày cãi vã nhau và cuối cùng đổ vỡ hôn nhân, để lại trong lòng cậu một vết thương lòng rất lớn và ảnh hưởng tới những mối quan hệ yêu đương của cậu sau này. Hải Khoát là anh chàng IT của nhóm, rành công nghệ từ nhỏ và cũng theo học ngành công nghệ thông tin, về sau đầu quân dưới trướng Vọng Hòa.

Đó là câu chuyện của Tinh Trì, một anh chàng vì nông nổi mà bỏ dở chuyện học hành, để rồi vào đời không có bằng cấp, chỉ có thể làm việc lao động chân tay mưu sinh. Tinh Trì là một chàng trai ấm áp, biết quan tâm người khác nhưng lại có cái nhìn quá lý tưởng về cuộc sống, trong khi cuộc đời này lại quá khắc nghiệt. Kết cục là cậu liên tục thất bại, nhiều lần tù tội và trở nên bất đắc chí.
Đó là câu chuyện của Phượng Hoa, một cô gái xấu xí như con trai luôn lạc quan yêu đời và nỗ lực từng ngày để tìm cho mình một chỗ đứng ở Bắc Kinh cùng nhóm bạn. Dù cô không có bằng cấp gì nhưng sau một thời gian nỗ lực cũng gầy dựng được cho mình một sự nghiệp nho nhỏ là trạm trưởng trạm giao hàng. Cái Hoa là nhân vật nữ trung tâm kết nối các chàng trai trong nhóm lại với nhau, là người lắng nghe tâm sự của hết thảy mọi người nhưng cũng là người âm thầm chịu đựng rất nhiều tổn thương và biến cố mà không thể nói với ai.
Câu chuyện lịch sử về kênh đào
Từ câu chuyện lịch sử gợi mở về một nhân vật người Tây ở đầu phim, về sau phim mở ra những nút thắt về mối liên hệ dây mơ rễ má kỳ lạ giữa các gia đình trong phố Hoa. Khi khai quật được một con tàu cổ trên kênh đào, người ta tìm được một cuốn sổ nhật ký ghi chép chuyện một người Ý tên Polo đi cùng các tùy tùng người Trung Quốc trên tàu lần lượt có họ Tạ, Thiệu, Hạ và Chu. Trùng hợp thay, đó cũng là họ của bốn gia đình sống chung khu nhà ở phố Hoa và tổ tiên nhà bà Mã lại chính là người Ý. Mỗi gia đình trong khu đều được truyền thừa lại một món cổ vật từ thời xưa.
Trần Duệ – một anh chàng trong nhóm bọn trẻ phố Hoa, sau này trở thành nhà khảo cổ học – đã cùng bố mình, bác Thiệu và ông Chu cùng nhau nghiên cứu về con tàu cổ này. Qua rất nhiều tư liệu thu thập được trên tàu cùng quá trình đi phỏng vấn lại các cụ già sống ở phố Hoa cũng như xem lại gia phả của bốn nhà, Trần Duệ phát hiện quả thực tổ tiên bốn gia đình Tạ, Thiệu, Hạ và Chu chính là các viên tùy tùng trên con tàu của người Ý Polo cách đây hơn cả trăm năm. Về sau, khi cô gái Mã Tư Nghệ sang Ý tìm về gốc gác của mình, cô cũng phát hiện tổ tiên nhà mình từng có người tên là Polo.
Câu chuyện về sự trùng hợp kỳ lạ này có phần được kịch tính hóa trên màn ảnh, vì thực tế khó ở đâu có chuyện năm gia tộc cùng quen biết và vô tình tới đời thứ ba thì con cháu lại cùng tụ hội về sống ở cùng một khu nhà. Ban đầu khi xem phim, mình cứ ngỡ những sự kiện lịch sử về con kênh đào Đại Vận Hà chảy qua sông Hoài này chỉ mang tính chất hư cấu, nhưng khi tìm hiểu thông tin mới biết hóa ra những gì trong phim nói đều có thực ngoài đời. Con kênh đào chảy qua phố Hoa đã có tuổi đời 2.500 năm tuổi, đây là con kênh nhân tạo dài nhất và có lịch sử lâu đời nhất thế giới, được xếp vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới.
Người dân phố Hoa một thời mưu sinh từ chính con kênh đào này vì nó là nơi giao thương huyết mạch chảy đi khắp nơi, nhưng đến khi hệ thống giao thông đường bộ phát triển thì giao thông đường sông bị thoái trào, người ta buộc phải thay đổi nghề nghiệp chứ không thể kiếm sống được từ con kênh đào nữa. Mãi đến năm 2017, chính phủ Trung Quốc mới công nhận đây là di sản văn hóa cần được bảo vệ và kế thừa nên triển khai các dự án khôi phục lại sức sống của con kênh đào, từ đó người dân phố Hoa mới có triển vọng trở lại như một thời hoàng kim.
Dư âm về “Bắc thượng”
Khi phát sóng trên đài CCTV1, Bắc thượng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả xem đài với rating rất cao. Nhà văn Mạc Ngôn, người từng đoạt giải Nobel Văn chương, cũng hết lời khen ngợi bộ phim: “Mấy ngày nay, tôi theo dõi Bắc Thượng và thấy phim hay. Có ý kiến cho rằng, kịch bản phim không hay bằng tiểu thuyết, nhưng không thể phủ nhận, xét trên phương diện tác phẩm truyền hình, Bắc Thượng vẫn rất cuốn hút. Lý do chính là tính kịch mạnh mẽ. Nhiều tình huống có thể không xảy ra trong đời thực, nhưng khi xuất hiện trong phim lại rất hợp lý. Đúng là chân thật hơn sự khéo léo”.
Điểm sáng nhất của bộ phim với mình có lẽ là diễn xuất của hai nhân vật chính Hạ Phượng Hoa (do Bạch Lộc diễn) và Tạ Vọng Hòa (do Âu Hào diễn). Đây là bộ phim đầu tiên mình thấy Bạch Lộc có sự lột xác rất lớn so với các vai diễn tiểu thư xinh đẹp trước đây, chấp nhận vào một vai có ngoại hình xấu xí hơn suốt nửa bộ phim. Theo dõi Bạch Lộc qua một số dự án, lúc trước mình không đánh giá cao diễn xuất của Bạch Lộc vì cô đóng chính khá nhiều dự án lớn, nhưng diễn xuất vẫn còn nét “diễn” gồng chứ chưa thực sự nhập vai. Đến nhân vật Hạ Phượng Hoa, Bạch Lộc đã thuyết phục mình tin rằng cô chính là cái Hoa sống ở phố Hoa thực sự.
Nhân vật Vọng Hòa cũng có một sự lột xác rất lớn ở giai đoạn thiếu niên bồng bột, xốc nổi năm cuối cấp so với giai đoạn anh trưởng thành và trở thành sếp lớn. Khán giả thấy được sự chuyển biến trong nét tính cách lẫn ngoại hình của nhân vật qua thời gian gần chục năm, chứ không chỉ là tạo hình hay phục trang. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến dàn diễn viên phụ khác như nhóm bạn Tinh Trì, Hải Khoát, Trần Duệ và Tư Nghệ cùng những diễn viên gạo cội đóng vai phu huynh đã góp phần tạo nên một bức tranh cuộc đời đan dệt hài hòa vào nhau.
Khi xem một số bộ phim phục dựng lại những thập niên 20-30 năm về trước, đa số đều dựng bối cảnh trong phim trường nên tạo cảm giác rất giả và rất kịch, dù diễn xuất nhập vai tới đâu thì cũng không thể bù trừ được cho không khí mà bộ phim đem lại. Ở Bắc thượng, bối cảnh phim được quay ở chính con kênh đào chảy qua sông Hoài và khu nhà cổ ở đó nên tạo cảm giác rất chân thật cho người xem, với những căn nhà mái ngói cũ kỹ, mảnh vườn trồng rau trước sân nhà và một âm thanh hết sức đặc trưng trong phim – tiếng mấy chú ngỗng kêu quang quác gợi nhớ không khí đồng quê. Đặc biệt, màu phim ngả vàng mang màu sắc thời gian như những thước phim cũ ngày xưa.
Một điểm cộng khác của phim là mấy bản nhạc phim quá xuất sắc, đặc biệt là bản “Tan biển giữa biển người” của Châu Thâm (tin hậu trường là Châu Thâm chơi khá thân với Bạch Lộc nên hay hát OST cho mấy phim cô đóng), cũng như nam chính Âu Hào cũng có bản “Sân nhỏ đêm hè” rất hay. Phim có gần chục ca khúc được sáng tác riêng như đo ni đóng giày cho những phân đoạn cao trào, mỗi lần nhạc vang lên mà cảm xúc khán giả như muốn tan chảy và thương cảm thay cho số phận của các nhân vật.
Dù hiện tại chỉ mới hết quý một năm 2025, nhưng mình đã bình chọn Bắc thượng là bộ phim Trung Quốc hay nhất đối với mình trong năm nay – tổng hòa được các yếu tố kịch bản chắc tay, diễn xuất xuất thân, bối cảnh chân thực, nhạc phim cảm động và thông điệp ý nghĩa. Có quá nhiều câu chuyện sâu sắc và quá nhiều điều lắng đọng sau mỗi tập phim làm mình cứ trăn trở, sứ suy ngẫm hoài, tới khi hết phim rồi mà cả tuần nay vẫn còn đọng lại những dư âm sau bộ phim. Đây cũng là một trong những bộ phim làm cho mình khóc thương nhiều cho số phận của các nhân vật đến thế. Nghệ thuật vị nghệ thuật, mà cũng vị nhân sinh.