
Có lần mình từng trò chuyện với một chị đồng nghiệp, chị có cảm thán rằng dạo này trên mạng hay thấy rộ lên trào lưu viết xuống những điều biết ơn mỗi ngày, có người viết cả danh sách dài dằng dặc, không biết họ có mệt không chứ người đọc Facebook như chị thấy rất mệt. Theo chị, biết ơn là cái mình chỉ cần ghi nhớ trong lòng là được, chứ đâu cần phải lên mạng bố cáo nguyên một sớ cho cả thiên hạ biết làm gì. Đúng là có một quãng thời gian, không biết bắt nguồn từ cuốn sách, khóa học hay những lời truyền cảm hứng của cao nhân nào mà đi đâu trên mạng cũng thấy nhà nhà người người chia sẻ về những điều biết ơn nho nhỏ.
Cá nhân mình thì không phản đối nhưng cũng không ủng hộ mấy thử thách kiểu như viết ra những điều biết ơn trong 30 ngày liên tiếp, bởi đa phần người ta sẽ tham gia theo phong trào rồi sau đó quên lãng nó đi, chứ họ không thực sự đưa nó vào đời sống như một nghi thức hằng ngày. Với mình, biết ơn là bài học cơ bản và phải thuộc nằm lòng, bạn phải thực hành nó mỗi ngày thì nhãn quan của bạn mới có sự chuyển hóa rõ rệt trong cách nhìn nhận những vấn đề nảy sinh trong đời sống.

Đừng xem thường những cái mình đang có
Gần đây một người bạn có than thở với mình rằng, trong lớp văn bằng 2 bạn đang theo học có một anh bạn quê ở Phan Thiết giống mình, vì cả hai cùng nhóm nên cũng thường nói chuyện với nhau, và càng tìm hiểu về anh bạn ấy thì bạn lại cảm thấy buồn tủi cho bản thân. Nguyên do là anh bạn ấy quá giàu, nhà anh ở Phan Thiết nhưng vô Sài Gòn học tập rồi làm ăn, cũng có mua một căn hộ ở Sài Gòn để tiện đi đi về về. Anh bạn ấy tự nhận rằng sở dĩ nhà anh giàu 90% là do may mắn chứ bản thân anh học rất dở, chủ yếu anh phất lên nhờ buôn bán đất một thời gian trước đây, bây giờ anh tự do tài chính rồi nên sống khá thoải mái, chỉ đi học những thứ mình thích và đi du lịch đây đó. Đời sống của anh bây giờ không cần phải nỗ lực hay phấn đấu quá nhiều, cũng không cần chứng tỏ với ai, anh chỉ dành thời gian đi học hết thứ này đến thứ khác để bù đắp lại những kiến thức còn thiếu của bản thân.
Nhìn lại bản thân, người bạn của mình mới cảm thấy nản lòng thối chí khi thấy bản thân phải nai lưng ra đi làm mỗi ngày, đối diện với 8 tiếng mệt mỏi nơi công sở, gặp gỡ những vị sếp khó tính khó chiều hay những đồng nghiệp khó ở, bán mình cho tư bản đến kiệt sức chỉ để đổi lấy lương tháng. Khi chơi với những người như vậy, bạn cảm thấy mất động lực phấn đấu và bị down mood trầm trọng, bạn tự hỏi bản thân mình nỗ lực bao nhiêu năm qua để làm gì khi không thể bằng một góc nhỏ của người ta? Thấy bạn đang tâm trạng như vậy, mình mới chia sẻ một cách thật lòng để giúp bạn xoay chuyển góc nhìn. Mình nói với bạn rằng, có đôi lúc mình cảm thấy rất ngưỡng mộ bạn vì những gì bạn đang có:
- Bạn sinh trưởng trong một gia đình trí thức, cha làm cán bộ Nhà nước, mẹ làm giáo viên, trong một môi trường gia giáo và cha mẹ cũng rất tâm lý, gần gũi và yêu thương con cái.
- Nhà bạn ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) nên rất gần Sài Gòn, chạy xe máy vài chục cây là về tới nhà nên dù đi học hay đi làm ở Sài Gòn thì bạn đều ở gần nhà, có thể chạy về nhà bất cứ lúc nào để ăn bữa cơm gia đình, hay cuối tuần chạy về nhà chơi.
- Mẹ bạn là giáo viên tiếng Anh, từ nhỏ bạn đã được mẹ kèm cặp và định hướng về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh. Nhờ đó nên thời sinh viên bạn đã có cơ hội tham gia những chuyến đi trao đổi ngắn hạn ở nước ngoài hay cộng tác dịch thuật tin quốc tế cho những tờ báo lớn. Tới khi đi làm, tiếng Anh là một lợi thế to lớn của bạn và mẹ bạn luôn khuyến khích bạn đi du học nước ngoài để mở mang thêm tầm mắt.
- Lúc đi học hay đi làm, con đường sự nghiệp của bạn bao giờ cũng thuận lợi và đặc biệt là bạn luôn đi đúng được chuyên ngành đã học. Thời sinh viên bạn đã được đi sang Singapore thực tập, tới khi ra trường thì đầu quân vô một agency lớn hàng đầu. Sau 5-6 năm đi làm và chuyển qua một số công ty thì bây giờ bạn cũng đang ở vị trí quản lý với mức lương hơn ngàn đô mỗi tháng.
- Ở Biên Hòa, nhà của bạn là một căn nhà nhỏ có sân vườn yên tĩnh, ban công trồng đầy hoa cỏ, nhà lại còn nuôi mèo để có thể chill bất cứ lúc nào bạn muốn về nhà nghỉ ngơi thư giãn.

Mình điểm qua sơ sơ mấy điểm đó để bạn thấy rằng có những thứ trong đời sống cá nhân bạn thấy chúng hết sức đơn giản bình thường, nhưng đó là những thứ mà không biết bao nhiêu người ngoài kia khao khát ngưỡng mộ nhưng lại không thể có được – ví dụ như mình. Mình sinh trưởng trong một gia đình lao động bình dân, cha mẹ xa cách với con cái và từ nhỏ mình chẳng được cha mẹ đầu tư hay định hướng gì trong chuyện học hành, mọi thứ trong cuộc sống của mình đều phải tự bơi và tự quyết định, lựa chọn sai thì tự chịu trách nhiệm và lựa chọn lại cho đúng. Lúc đi học hay đi làm thì mình luôn bị lận đận từ công ty này sang công ty khác, học đã đời mới thấy học không đúng ngành, đi làm thì cũng nhảy qua từ ngành này đến ngành khác rồi lại quay về xuất phát điểm với mức lương ban đầu. Mỗi lần từ Sài Gòn muốn về quê ở Phan Thiết, mình phải mất 5-6 tiếng đi xe khách miệt mài, ở nhà mẹ mình cũng chẳng cho phép mình trồng cây cỏ hay nuôi chó mèo.
Kể ra để thấy rằng so với những gì bạn có thì đời sống của mình còn khổ sở hơn bạn nhiều, nhưng nếu so sánh với những người khác thì có khi mình lại sướng hơn họ gấp nhiều lần. Đa phần chúng ta thấy đời sống của mình khổ sở cũng chỉ vì ta hay thích so sánh với những người hơn mình, ta cứ tập trung vào những gì người khác có còn mình không có, và chính vì tâm lý so sánh như vậy nên lúc nào cũng thấy bản thân thua kém và không bằng người ta. Cỏ thì luôn xanh hơn ở phía bên kia đồi. Nếu chuyển đổi góc nhìn từ tiêu cực sang tích cực, thay vì nhìn lên trên thì hãy nhìn xuống dưới, ta sẽ thấy mình hơn cả khối người và đời sống hiện tại của là thứ mà không ít người đang khao khát muốn có được.

Bản chất vô ơn của con người
Nếu bạn nghĩ rằng con người ta khi sinh ra bẩm sinh đã mang trong mình lòng biết ơn, thì đó là một sai lầm to lớn. Hầu hết chúng ta đều rất vô ơn, nếu cha mẹ hay cuộc đời không giáo huấn cho chúng ta về bài học biết ơn này. Hẳn bạn đã từng nghe tới câu nói: “Cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả oán”. Câu nói được truyền khẩu trong dân gian này là một minh chứng cho cái sự vô ơn của con người đã có từ ngàn xưa. Tương truyền rằng, một chàng thanh niên nghèo khó vì ba lần tha mạng cho con rắn nước mà được nó báo trước cho biết nạn lũ lụt sắp tới để mà tránh. Trong cơn bão lụt, anh ta cứu mạng bầy kiến, con chuột, con trăn theo lời rắn mách bảo và cứu mạng một con người dù cho rắn can ngăn. Kết cục câu chuyện là, chính con người ngày xưa anh ta cứu lại là kẻ lấy oán báo ân hãm hại anh phải lâm vào cảnh ngục tù, trong khi những con vật mà anh cứu lại giúp đỡ anh thoát được kiếp nạn.
Trong tiểu thuyết Điện cô tám của tác giả Bùi Ngọc Phúc, một tác phẩm văn học kể về giai đoạn nạn đói năm 1945 ở Việt Nam được xây dựng từ những hiểu biết thực tế của chính tác giả, vợ chồng địa chủ Chánh Sâm nổi tiếng trong làng là những người nhân đức, từng bỏ tiền của thóc gạo trong nhà để nấu cháo phát chẩn cho dân làng Sủ trong nạn đói. Mỗi ngày có hàng dài những người dân làng tới chầu chực trước nhà ông bà chờ phát cháo, và nhờ đó mà họ mới sống sót qua được kiếp nạn. Đến khi cách mạng ruộng đất nổ ra, giai cấp địa chủ bị đem ra đấu tố thì vợ chồng địa chủ Chánh Sâm cũng bị đem ra đấu tố ngay giữa làng. Những người nghèo đói một thời được vợ chồng bà thi ân nay đều phủi ân và quay ngược lại tố cáo vợ chồng bà là địa chủ ăn trắng ăn trơn, bóc lột trên xương máu nông dân.

Trong đời sống thực tế, chúng ta cũng chứng kiến không ít chuyện mình làm ơn cho người khác nhưng chẳng khi nào người ta nhớ tới ơn của mình. Như mẹ một người bạn của mình là một người có của ăn của để trong dòng họ, cô rất rộng hầu bao trong chuyện giúp đỡ những người thân họ hàng khi họ có chuyện cần mượn tiền cũng như thường xuyên cho họ đồ điện tử, đồ đạc hay quần áo của mình. Giúp người ta nhiều như vậy, nhưng người bạn của mình cũng là con của cô nhận thấy rằng những người họ hàng được giúp thì không có ai biết ơn những gì họ đã được cho tặng, mà họ thường phớt lờ đi và xem ơn nghĩa đó như là chuyện đương nhiên. Đến khi cô sa cơ thất thế, cần phải xoay xở một khoản tiền lớn để trả nợ thì những người cô từng cho mượn tiền đều tìm cách tránh né, khất lần hay thậm chí quỵt luôn những khoản đã nợ cô trước đây.
Từ lúc đi học cho tới lúc đi làm, bản thân mình cũng có một cảm ngộ sâu sắc trong chuyện làm ơn với người khác nhưng sau đó hiếm khi nào thấy họ bày tỏ lòng biết ơn vì thời gian và công sức mình đã dành ra cho họ. Ở giai đoạn sinh viên, khi còn làm chủ nhiệm câu lạc bộ hay nhà sáng lập một số dự án, mình dành ra suốt 4-5 năm trời để cống hiến và đào tạo cho lớp thế hệ kế cận với rất nhiều tâm huyết, nhưng tới khi các bạn đủ lông đủ cánh vào đời và có những thành công nhất định, chưa bao giờ mình chính thức nhận được một lời cảm ơn nào từ các bạn hay có một hình thức biểu đạt nào đó khác để bày tỏ lòng biết ơn (ví như tặng quà, mời một chầu cà phê, một bữa ăn,…). Đến giai đoạn đi làm, cá nhân mình tự nhận thấy mình cũng là một người sếp có tâm trong việc chỉ dẫn và đào tạo nhân viên từ những bạn không biết gì cho tới khi thành thạo nhiều kỹ năng. Nhưng hầu như không có nhân viên nào cảm kích mình vì điều đó hay trực tiếp bày tỏ sự biết ơn tới mình.

Mình còn nhớ một chuyện nhỏ, lúc mình nghỉ việc thì một bạn nhân viên có xin email cá nhân của mình, bạn bảo muốn viết cho mình một bức email cảm ơn vì ngại nói trực tiếp. Mình cũng cho bạn email và trông đợi xem bạn viết gì, nhưng sau đó không có sau đó, vì từ lúc mình nghỉ tới giờ đã mấy năm trời thì chưa bao giờ mình nhận được email cảm ơn nào từ bạn. Khi đối diện với những cảm xúc tiêu cực này, mình cũng tự quán xét lại bản thân và ngộ ra một điều rằng: Bản thân mình khó chịu khi thấy người ta vô ơn, nhưng hãy thử xem lại những người từng làm ơn cho mình thì họ có thấy mình biết ơn họ không?
Khi nhìn lại một quá trình của bản thân từ lúc đi học tới đi làm, mình chợt nhận ra bản thân mình cũng là một kẻ vô ơn chẳng kém gì, vì ngay cả chính mình cũng hiếm khi nào bày tỏ lòng biết ơn với những anh chị hay những vị sếp đã từng giúp đỡ mình trước đây để mình trở thành phiên bản của mình trong hiện tại. Cái tôi của con người ta thường cao ngút trời, ai cũng tự thấy mình tài giỏi hơn người và tất cả những thành tựu mình đạt được trong đời là do chính mình xây đắp, chứ không phải là do ai khác chỉ bảo, giúp đỡ, dẫn đường hay chung tay phụ giúp ta xây nên những thành tựu ấy. Và khi nhìn ra được như vậy, mình mới thấy giật mình vì chính mình, và vì cái bản chất vô ơn nói chung của con người chúng ta. Mình nhận ra một điều rằng, biết ơn là một điều mà bạn phải thực hành và luyện tập mỗi ngày thì nó mới thành thói quen, chứ không phải tự dưng con người ta có thói biết ơn sẵn trong gene di truyền.

Hậu quả của sự vô ơn
Bản thân mình từ nhỏ đến lớn không có thói quen cảm ơn người khác, vì đó là điều mình không được cha mẹ hay người lớn trong nhà dạy. Trong đời sống cá nhân, mình cũng không thường biết ơn hay ghi ra những điều biết ơn mỗi ngày như một số bài tập hướng dẫn, mà đôi lúc mình còn thấy đó là trò hơi nhảm nhí trẻ con. Sự chuyển hóa bên trong mình xảy đến ở một quãng giai đoạn khi mình có nhiều bất mãn trong đời sống y như người bạn kể ở đầu bài, về công việc, về sự nghiệp, về chuyện học hành, về gia đình, về tiền bạc, về bản thân, v.v. Quãng thời gian đó trong mình chỉ là sự thất vọng và chán chường khi thấy rằng ông Trời bất công với mình và mình cũng có phần than trời trách đất.
Trời cũng chiều lòng người, khi mình than trách ổng, ổng nghe ổng thấy ổng biết hết, và ổng liên tiếp rút lại những thứ đã từng ban cho mình. Thế là trong mấy tháng liền sau đó, đời sống của mình liên tục bị biến động, hết gặp chuyện xui rủi này tới chuyện xui rủi khác trong tất cả các khía cạnh cuộc sống mà mình than thân trách phận. Có những thứ mình từng xem là hiển nhiên và bình thường, đột nhiên một ngày bị mất đi, mình thấy cuộc sống bị đảo lộn tùng phèo hết tất cả, lúc đó mình bị stress khá nặng và cao huyết áp, đầu cứ nhức binh binh cả ngày như ai lấy búa đập trên đầu và không thể làm gì được. Khi bị cuộc đời quăng lên quật xuống tơi bời hoa lá cành, mình mới ngộ ra là mình vô ơn quá, mình chẳng biết ơn những gì tạo hóa đã ban cho mình và những thứ may mắn mình được hưởng trong cuộc sống.
Trải nghiệm cá nhân này làm mình nhớ tới một mẩu chuyện bài học cuộc sống kể về một cụ ông ở nước ngoài bất tỉnh nhân sự và được đưa tới bệnh viện. Ông được cho thở oxy trong suốt một ngày trời. Sau đó ông tỉnh lại và sức khỏe đã khá hơn, lúc này bác sĩ mới đưa tờ hóa đơn viện phí cho ông lên tới mấy chục ngàn đô (ở các nước phương Tây viện phí rất đắt đỏ tốn kém, như giai đoạn Covid-19 ai không có bảo hiểm mà nhập viện xét nghiệm và điều trị thì viện phí lên tới khoảng 35.000 USD cho một lần điều trị). Khi nhìn thấy tờ hóa đơn, ông già bật khóc hu hu khiến vị bác sĩ ái ngại khi nghĩ rằng ông nghèo không có tiền để trả. Thấy vậy vị bác sĩ mới khuyên ông vài câu an ủi thì ông già mới nói rằng: “Tôi khóc không phải vì không có tiền, tôi cà thẻ trả hết tiền cái một. Tôi khóc vì chỉ thở bình oxy có 24 giờ mà phải trả với cái giá đắt như vậy. Suốt chín mươi mấy năm nay, tôi hít thở khí trời mà không bao giờ trả bất cứ đồng nào. Vậy bác sĩ biết tôi nợ ông trời bao nhiêu không?”.

Mỗi buổi sáng thức dậy, bạn mở mắt ra nhìn cuộc đời, thấy đôi mắt mình vẫn còn nguyên vẹn, chiếc mũi này để ngửi mùi sớm tinh sương, đôi tai này lắng nghe thanh âm cuộc sống cựa mình sau giấc đêm, chiếc lưỡi này chốc lát nữa thôi sẽ được nếm bữa sáng thơm ngon ngọt lành, và cơ thể, tay chân này vẫn còn đang lành lặn để đi đứng chạy nhảy hát ca vui đùa. Chỉ mấy điều tưởng chừng đơn giản thế thôi mà bao nhiêu người khát khao một cuộc sống bình thường như ta còn chẳng được, vậy mà bao lâu nay ta chẳng hề để tâm và không hề biết ơn tạo hóa đã ban tặng những gì cho mình. Suốt mấy chục năm qua, chúng ta hít thở bầu không khí miễn phí của ông Trời mà không tốn đồng cắc nào, tới khi dính chưởng Covid-19 vô nhập viện nằm hít thở bình oxy thôi mỗi ngày đã bay đi chục triệu là chuyện thường. Vậy mà có bao giờ ta biết ơn ông Trời vì những thứ miễn phí ngài mang đến cho ta trong cuộc đời này?
Từ sau trận bị hành bầm dập tả tơi đó, bên trong mình mới có sự chuyển hóa và thay đổi tâm thái khác trước hoàn toàn. Mình không còn xem mọi thứ mình có là điều hiển nhiên thuộc về mình mà mỗi ngày đều thực hành 3 điều biết ơn về những thứ quý giá mình đang có. Số 3 là con số vừa vặn, bạn có thể liệt kê nhiều hơn hoặc ít hơn, và có những ngày 3 điều biết ơn đó trùng nhau thì cũng chẳng sao. Bạn có thể nói 3 điều biết ơn này trong tâm trí hoặc viết chúng ra, nhưng hãy nhớ đừng chỉ nói biết ơn suông, mà sự biết ơn đó phải ghi khắc sâu sắc từ tận trong đáy lòng, bởi không gì qua mắt được ông Trời. Hãy nhớ một điều rằng ông Trời ban cho bạn cái gì được thì cũng có thể lấy lại của bạn bất cứ lúc nào nếu bạn vô ơn. Và bạn phải thực hành bài tập này mỗi ngày cho đến khi nào nó trở thành một thói quen, một nghi thức trong đời sống của bạn.
Ở một cấp độ sâu sắc hơn, sự biết ơn không chỉ dừng lại ở lời nói hay sự ghi khắc trong tâm khảm – nói hay nghĩ thì ai cũng làm được dễ dàng – nhưng cái quan trọng nằm ở hành động. Đối với người làm ơn cho mình, bạn đã có hành động nào tri ân người ta chưa? Và đối với ông Trời, bạn hãy sống sao cho xứng đáng với những gì mình được trao ban, bằng cách sống cho ra hình dáng con người – không tham, không gian, không ác. Bài học về lòng biết ơn là một trong những bài học căn bản trong lộ trình tiến hóa của linh hồn, nhưng thường không được để tâm hoặc bị xem nhẹ. Ai cảm khái được bài học này sớm, đường đời sẽ nhẹ bước hơn nhiều.
6 bình luận
Tiếp tục là một bài viết thật hay, thật giá trị từ Linh, và bài viết này thực sự đã giúp Nguyệt chuyển hóa lòng biết ơn của mình thành hành động đó. Nguyệt vừa viết một bức thư rất dài để bày tỏ sự biết ơn và cảm kích đến sếp của Nguyệt, ảnh là người đã giúp đỡ cho Nguyệt rất nhiều thứ, dạy Nguyệt rất nhiều điều trong công việc lẫn cuộc sống.
Gần đây Nguyệt thấy rằng việc viết thư cho ai đó hay là để lại những dòng comment dưới một bài viết hay để cảm ơn tác giả cũng khiến bản thân hạnh phúc lắm.
Không biết Linh đã về tới quê nhà Phan Thiết chưa, còn Nguyệt thì đang trên chuyến tàu về quê ngoại ở Khánh Hòa nè, vì không ngủ được nên mở bài viết này của Linh ra và đọc từng câu từng chữ đó.
Chúc Linh một kỳ nghỉ lễ tuyệt vời bên gia đình và người thân nha.
Chia sẻ thêm với Nguyệt một trải nghiệm nho nhỏ thú vị. Lúc trước mình cũng từng viết một email dài để cảm ơn sếp, không vì dịp gì cả mà chỉ là thấy mình nhận được nhiều nên chỉ muốn bày tỏ lại. Ai ngờ sau đó được sếp âm thầm tăng lương cái vèo lên một nấc mới làm mình hết hồn 😀
Bản thân Linh khi đọc blog của các blogger khác, nếu thấy học hỏi hay đồng điệu được điều gì, Linh sẽ chịu khó dành chút thời gian comment chia sẻ lại với họ, chứ không chỉ là like một cái rồi đi ra. Văn hóa ứng xử này Linh thấy cũng là điều nên làm trong thời buổi người ta giao tiếp (trên mạng) cũng ngày càng kiệm lời đi.
Cảm ơn lời chúc của Nguyệt nhiều. Linh cũng đã về quê rồi nè ^^
Cảm ơn bạn đã viết những bài thật ý nghĩa, sâu sắc giúp tôi học được rất nhiều điều. Tôi đã thực hành về lòng biết ơn một cách vô thức kể từ khi tôi còn là một cô sinh viên (tôi đã ghi sổ biết ơn, hay viết thư cảm ơn hay bày tỏ những điều nhỏ bé với mọi người, tặng hoa hay những đồ handmade tôi tự làm cho những người tôi biết ơn…) dù ngày đó tôi chưa hề được ai chỉ dẫn về lòng biết ơn hoặc được đọc những bài viết như thế này. Nhìn lại chặng đường mình đã qua, tôi thấy mình cũng đã thực hành được một phần nào về lòng biết ơn, nhưng bấy nhiêu đó là còn quá ít và tôi cần phải khắc sâu về nó hơn nữa trong tâm trí. Một lần nữa tôi biết ơn bạn!
Cảm ơn Winlinh đã ghé blog và yêu thích những bài viết của Chơn Linh. Chúc bạn một kỳ nghỉ lễ yên vui nhé ^^
Follow và đọc bài của anh đã lâu nhưng giờ em mới có dũng khí để nói rằng em cảm ơn anh. Cảm ơn vì những thông điệp đã chữa lành cho em những lúc cần nhất. Em nghĩ vũ trụ luôn có cách sắp đặt mọi thứ một cách hòa hợp nhất. Biết ơn và mong anh luôn hạnh phúc, an yên ạ.
Cảm ơn lời chúc của em nhé. Hi vọng những bài viết của anh vẫn sẽ hữu ích với em và nhiều người trong tương lai. Chúc em cuối tuần vui ^^