Ảnh: Unsplash

Lúc trước khi mình đảm nhiệm vị trí quản lý ở công ty cũ, phỏng vấn các ứng viên cho nhiều bộ phận khác nhau, có một câu hỏi quen thuộc mình thường đặt ra cho ứng viên: “Bạn gắn bó với công việc vì điều gì?”. Hay diễn giải gần gũi hơn: “Đâu là lý do để bạn gắn bó với một công việc?”. Câu hỏi này tập trung vào yếu tố WHY – động lực thật sự ẩn sâu bên trong lý giải vì sao bạn lại yêu thích và gắn bó với một công việc lâu dài đến thế.

Theo kinh nghiệm phỏng vấn của mình, với những dạng câu hỏi mở như thế này, ứng viên khôn khéo thường có xu hướng trả lời theo hướng nhà tuyển dụng mong muốn, tức họ sẽ nói về những điều tích cực hay giá trị tinh thần có lợi cho doanh nghiệp nhiều hơn là bày tỏ câu trả lời thực sự họ nghĩ. Do vậy, mình thường đặt ra sẵn giới hạn (framing) trong 5 lý do để họ lựa chọn và giải thích vì sao họ lại chọn lựa như vậy. Năm yếu tố đó bao gồm:

  1. Sếp
  2. Lương bổng
  3. Sự thăng tiến trong công việc
  4. Môi trường làm việc
  5. Ý nghĩa công việc đem lại

Động lực làm việc của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai. Mình thường để ứng viên chọn 2-3 yếu tố và sắp xếp theo thứ tự quan trọng nhất đối với họ (mà thường yếu tố đầu tiên cũng chính là động lực lớn nhất và là mối bận tâm của họ).

Ảnh: Unsplash

1. Sếp

Rất nhiều người ứng tuyển vào một công ty nào đó là nhờ nghe vào danh tiếng vị sếp ở công ty ấy. Đó có thể là một người nổi tiếng trên thương trường, kiểu như các shark trong chương trình Thương vụ bạc tỷ, hay những doanh nhân có tên có tuổi trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Những bạn trẻ mới ra trường hay những người mới nhảy việc sang một lĩnh vực hoàn toàn mới thường có mong muốn làm việc với một vị sếp giỏi, dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực đó.

Người sếp tốt như một người thầy, họ giúp bạn cảm thấy mình được hoàn thiện bản thân, được học hỏi rất nhiều bài học kinh nghiệm không chỉ trong công việc mà còn trong cách sống ở đời. Người sếp tốt cũng sẽ biết cách đào tạo và chăm lo cho phúc lợi của nhân viên. Có nhiều người mà mối dây gắn kết giữa họ với sếp còn chặt chẽ hơn giữa họ với công ty. Đến khi sếp nghỉ việc và chuyển sang công ty khác, họ có thể sẵn sàng nghỉ việc và đi theo sếp.

Mặt trái của yếu tố này là kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng sẽ càng lớn. Bạn càng đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào sếp, nhưng sau đó vì một tình huống nào đó mà bạn biết được một mặt tối khác của sếp, lúc đó thế giới quan của bạn gầy dựng bao lâu có thể sụp đổ hoàn toàn và là một cú sốc tinh thần rất lớn. “Nhân vô thập toàn”, con người vốn không ai hoàn mỹ, càng làm việc chung càng lâu thì chúng ta sẽ càng thấy nhiều tính xấu của đối phương. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có thể dung thứ cho những điều ấy mà tiếp tục làm việc với nhau nữa hay không?

Nếu động lực lớn nhất của bạn là sếp, và sếp nghỉ việc nhưng không thể kéo bạn theo hoặc không muốn mang tiếng lôi kéo nhân viên cũ nghỉ theo, đó là một câu chuyện buồn. Vì kể từ thời điểm đó, bạn phải làm việc trong một môi trường thiếu vắng trụ cột quan trọng nhất đối với mình.

Ảnh: Unsplash

2. Lương bổng

Chỉ trừ khi gia đình bạn đã quá giàu, bạn sinh ra đã ngậm thìa vàng thì mới có chuyện đi làm cho vui chứ không quan trọng chuyện lương bổng, còn lại đa số đi làm đều vì áp lực mưu sinh và mong muốn độc lập tài chính, có thể tự trang trải cuộc sống cho chính mình hay san sẻ gánh nặng với người thân.

Người có động lực đi làm là lương bổng, họ sẽ quan tâm tới mức thu nhập ở vị trí đó là cao hay thấp, mỗi năm được review lương bao nhiêu lần, làm tốt thì có được bonus hay lương thưởng gì không, cuối năm có được hưởng lương tháng mười ba không, v.v. Mặc dù lương bổng là vấn đề thực tế mà bất kỳ ai phỏng vấn tìm việc đều quan tâm, nhưng người xem chuyện tiền bạc là quan trọng nhất sẽ đặt yếu tố này lên hàng đầu.

Thông thường mình cũng không vội vàng đánh giá một ứng viên đặt yếu tố này lên đầu là thực dụng, mà thường tìm hiểu câu chuyện của bạn để phần nào hiểu được lý do vì sao bạn lại xem trọng chuyện tiền lương đến vậy. Có người lý do đơn giản chỉ là đam mê kiếm tiền, có bạn vì gánh nặng phải gửi tiền về cho bố mẹ hay phải nuôi em học đại học, cũng có bạn vì từng sinh trưởng trong hoàn cảnh khó khăn nên ước muốn lớn nhất là kiếm được nhiều tiền.

Mặt trái của yếu tố này nhân viên rất dễ lung lay và nhảy việc sang công ty khác nếu mức lương ở đó hấp dẫn hơn nhiều. Trên thực tế, đối với những công việc như Sales, mình sẽ ưu tiên tuyển những bạn thích kiếm tiền, nhưng những công việc khác thiên về đào tạo trong dài hạn và cần người kế thừa, mình sẽ ưu tiên chọn những ứng viên xem trọng các yếu tố khác hơn. Người đến công ty bạn vì tiền, họ cũng sẽ ra đi vì tiền.

3. Sự thăng tiến trong công việc

Ở những người đi làm, mình thấy có hai trường phái. Một bên là những bạn rất khao khát được lên chức lên title trong công việc, xuất phát từ tâm lý muốn khẳng định và chứng tỏ bản thân với cả thế giới. Ở vị trí Team Lead, Manager hay Director, các bạn có thể ngạo nghễ cập nhật title công việc trên Facebook cá nhân để người khác ngưỡng mộ. Với gia đình, người thân và bạn bè, nếu bảo mình làm chức này chức nọ, làm sếp quản lý một team bao nhiêu đó người thì nghe cũng thấy oai hơn là làm nhân viên quèn. Bên còn lại là những người thích sống bình bình an an chốn công sở, chẳng bao giờ đua tranh làm sếp với ai mà chỉ muốn an ổn đi làm qua ngày.

Người quan trọng sự thăng tiến trong công việc đa phần là những bạn trẻ ngựa non háu đá mới ra trường. Điểm nhận diện những bạn này thường thấy rõ qua CV, khi ứng tuyển vào vị trí executive (chuyên viên) nhưng đặt mục tiêu 1-3 năm tới sẽ lên làm Team Lead, Manager rất oách xà lách. Các bạn thiếu tinh tế ở chỗ chẳng bao giờ đặt mình vào vị trí người tuyển dụng để tự hỏi, nếu mình lên vị trí đó thì cái người đang phỏng vấn mình sẽ đi đâu? Chưa gì các bạn đã muốn giành luôn cái ghế của người khác. Có bạn khi phỏng vấn còn hỏi mình thẳng thừng: “Vị trí này em làm sau bao lâu thì được lên title?”.

Đối với người dày dạn kinh nghiệm đi làm, thường họ không bao giờ xếp yếu tố này vào nhóm 3 yếu tố trong câu trả lời của họ. Cơ bản ứng viên nào đưa yếu tố này vào đã là một sự mất điểm. Bởi lẽ với người có kinh nghiệm thì họ đã ứng tuyển thẳng vào các vị trí tuyển dụng quản lý, giám đốc luôn rồi chứ không có ứng tuyển làm nhân viên rồi đi hỏi khi nào mình được lên làm quản lý. Người chín chắn và dày dạn thì họ cũng hiểu một điều là, bất kỳ sự cất nhắc ai lên một vị trí nào đều cần có thời gian chứng minh năng lực của bản thân, chỉ cần bạn làm tốt việc của mình thì cờ tới tay ai người đó phất thôi chứ vốn dĩ làm gì có cái lộ trình vạch ra sẵn trong doanh nghiệp là bạn làm được bao lâu thì mặc nhiên được lên vị trí đó.

4. Môi trường làm việc

Môi trường làm việc ở đây bao gồm cả hai yếu tố: cơ sở vật chất và con người. Cơ sở vật chất là điều kiện ở nơi làm việc của bạn có hỗ trợ tốt nhất cho nhân viên không? Có những công ty rất quan tâm săn sóc tới đời sống nhân viên như thiết kế khu vực ngủ trưa, có quầy bar để mọi người pha cà phê, pha trà ra ngồi chill giữa giờ, hay công ty nào giàu thì có hẳn khu vực vui chơi giải trí, tập gym các kiểu như mô hình các công ty công nghệ ở Thung lũng Sillicon.

Cơ sở vật chất ở đây không hẳn là công ty bạn phải ở trên những tòa nhà chọc trời, view nhìn khắp cả thành phố hay văn phòng làm việc sang chảnh như khách sạn 5 sao, mà là thái độ của doanh nghiệp (hay chính xác hơn là chủ doanh nghiệp) đối với đời sống nhân viên. Họ có coi trọng từng miếng ăn, giấc ngủ, không gian làm việc và sinh hoạt – nơi bạn dành 1/3 ngày của mình ở đó và gắn bó cả nửa cuộc đời hay không. Những nơi nào không xem trọng điều kiện làm việc của nhân viên thì bạn cũng đừng trông đợi gì chính sách phúc lợi ở công ty đó sẽ tốt.

Như với mình chuyện ngủ trưa rất quan trọng, và nơi làm việc ít nhất cũng phải có không gian để nhân viên trải chiếu nằm ngủ trưa để nạp năng lượng cho giờ làm việc buổi chiều. Nhiều nơi chủ doanh nghiệp chẳng thèm quan tâm tới yếu tố này, mà sắp xếp bàn ghế sao cho ngồi được càng đông người càng tốt, có ngủ cũng phải ngủ ngồi trên ghế giờ nghỉ trưa chứ chẳng có chỗ để nằm. Hay như cô bạn mình từng phản ánh với giám đốc chuyện công ty bạn không chịu vệ sinh máy lạnh, vì ít nhất mỗi năm phải định kỳ vệ sinh 1-2 lần, nếu không sẽ đầy nấm mốc và vi khuẩn trong một môi trường khép kín như vậy, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân viên.

Con người trong môi trường làm việc chính là những đồng nghiệp làm cùng bạn. Nếu ở trong một môi trường làm việc độc hại, đồng nghiệp suốt ngày nói xấu nhau, dùng mưu hèn kế bẩn hãm hại nhau, khiến mỗi ngày đi làm của bạn đều drama sóng gió thì bạn cũng khó mà trụ lại được với công việc đó lâu dài.

Yếu tố môi trường làm việc tưởng nhỏ mà lại rất lớn, vì thực sự có những công ty lương rất thấp, cơ hội thăng tiến trong công việc không có, nhưng nếu có sếp tốt và đồng nghiệp dễ thương, môi trường làm việc vui vẻ thuận lợi thì nhiều người sẽ lựa chọn ở lại với công ty đó lâu dài chứ không nhảy việc sang một ví trí lương bổng cao hơn nhưng phải đánh đổi đi yếu tố con người. Xét ra thì công sở chính là môi trường chúng ta dành thời gian nhiều nhất trong cả cuộc đời mình, không ai muốn làm việc ở một môi trường có muôn vàn điều bất tiện mà đồng nghiệp lại còn độc hại dở hơi.

5. Ý nghĩa công việc đem lại

Có những người đi làm không phải chỉ vì kiếm tiền để nuôi sống bản thân hay để có một cái nghề nghiệp gọi là ổn định cho bằng bạn bằng bè. Khi người ta ổn định về vật chất, thứ họ quan tâm sẽ lớn hơn vật chất nhiều, đó là về những giá trị và ý nghĩa mà công việc đem lại cho cá nhân chúng ta hay cho xã hội này.

Nếu bạn làm một công việc mà mỗi ngày 8 tiếng đến văn phòng, làm những việc mà chính bạn cũng tự hỏi chẳng biết mình làm để làm gì, nó có tạo ra giá trị gì hay không thì công việc đó quả thực là một sự đày đọa nơi địa ngục trần gian. Thông thường, những người đi làm chỉ thức tỉnh về động lực này khi họ đã kinh qua hết 4 yếu tố ở trên: họ đã từng làm những công việc có mức lương tốt nhất, từng được lên vị trí cao nhất, từng làm việc với những vị sếp giỏi nhất trong môi trường tốt nhất. Đến một lúc nào đó, bất giác nhìn lại họ sẽ thấy những gì mình đang làm thật rỗng tuếch và vô nghĩa, khi nó không đem lại giá trị gì cho bản thân, chẳng giúp mình cảm thấy tốt đẹp hơn mỗi ngày, cũng chẳng giúp gì được cho xã hội – ngoại trừ làm giàu cho doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp.

Sau đợt dịch Covid-19, có một hiện tượng có thể thấy rõ nhất là làn sóng nghỉ việc ồ ạt ở các công ty, bất kể đối tượng dù là người trẻ mới đi làm hay người đã đi làm rất nhiều năm. Cơ bản là Covid như một bài học nhân sinh quá lớn đánh động vào tâm thức mỗi người, khiến họ phải thức tỉnh và nhìn nhận lại bản thân – xem những năm qua mình đã làm gì và sống như thế nào? Khi nhận ra công việc mình đang làm là vô nghĩa, chuyện nghỉ việc để theo đuổi đam mê hay tìm kiếm một công việc khác ý nghĩa hơn cũng là lẽ thường tình.

Nếu công ty nào đáp ứng đầy đủ 5 yếu tố trên thì đó quả thực là một nơi làm việc hết sức lý tưởng mà bạn nên ứng tuyển vào ngay và luôn. Nhưng thực tế là rất hiếm công ty nào ở Việt Nam thỏa mãn được 3 yếu tố, nên công ty nào có 2-3 yếu tố phù hợp với bạn là hàng tuyển lắm rồi chứ đừng nên quá kén chọn. Đó cũng là lý do vì sao ở câu hỏi phỏng vấn mình đặt ra, mỗi ứng viên chỉ được chọn 3 yếu tố quan trọng nhất với bạn ấy chứ không thể chọn được cả 5 yếu tố.

Qua thang đo này, mình cũng hi vọng mỗi người đi làm có thể xác định được điều gì là quan trọng nhất đối với bản thân để gắn bó với công việc hiện tại. Nếu ở công ty hiện tại bạn đang làm có quá ít yếu tố (chỉ một hoặc thậm chí không có cái nào), có lẽ bạn nên cân nhắc việc chuyển việc sang một nơi làm việc khác phù hợp với động lực làm việc của mình hơn. Ở ngoài kia, còn có trăm vạn nơi tốt hơn để bạn lựa chọn chứ không nên giam mình trong chốn ao tù nước đọng đó nữa. Nếu không, mỗi ngày đi làm của bạn sẽ chẳng thể nào vui nổi mà chỉ là những ngày tháng mệt mỏi mịt mờ phía trước.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Nội dung thuộc bản quyền của Chơn Linh. Vui lòng liên hệ xin phép trước khi sử dụng lại.