Mấy năm trước đi học một lớp tiếng Anh, mình từng nghe một cô bạn cùng tuổi khảng khái tuyên bố: “Tui sống đến năm 30 tuổi chết là được rồi!” Ai trong lớp cũng tỏ ra ngạc nhiên, đặc biệt là cô giáo đã hơn U50 khi thấy một cô gái trẻ lại phát ngôn như vậy. Lý giải điều này, cô bạn bảo “Cuộc đời chẳng có gì thú vị!”, bởi lẽ cuộc sống của bạn đã được gia đình sắp đặt hết mọi thứ từ nhỏ đến lớn, đến việc chọn trường chọn ngành, và cái ngành bạn đang học cũng chẳng có gì thú vị nốt. Khi nhìn mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời, bạn đều thấy bi quan, và một cuộc đời như vậy thì đâu cần phải sống dài làm gì? Năm ấy, bạn 24 tuổi.

Giống như bạn, trước đây mình cũng từng suy ngẫm về tương lai nên sống đến năm bao nhiêu tuổi thì chết đi là vừa. Nhưng khác bạn ở chỗ, mong ước về tuổi thọ của mình kéo dài tới năm… 50 tuổi. Khi ấy, mình thấy 50 tuổi –  một nửa thế kỷ là vừa vặn để trải nghiệm qua những biến thiên của cuộc đời, chứ nếu lấy mốc 60 năm cuộc đời thì ta có đến x3 lần 20 tuổi thì hơi quá nhiều.

Nỗi sợ tuổi già đến từ việc sợ phải nhìn thấy những người già da mặt nhăn nheo, xấu xí, và lẩm cẩm, bị bệnh Alzheimer mất trí nhớ hay bệnh tật đầy mình, và chết trong cô độc. Có ai lại muốn kết thúc cuộc đời mình trong một hình ảnh viễn tưởng tồi tệ như thế cơ chứ?

Gần đây, không hiểu vì sao mình lại có duyên đọc được nhiều quyển sách liên quan đến tuổi già, cũng như xem được một bộ phim thú vị về tuổi lão niên. The Intern (2015) là một bộ phim dễ thương kể về Ben – một ông già 70 tuổi đã nghỉ hưu, góa vợ, không muốn lãng phí cuộc đời hưu trí của mình trong những chuyện quẩn quanh của người già nên ông đã nộp cover-video ứng tuyển cho vị trí senior intern của một tạp chí thời trang do cô gái trẻ Jules Osti điều hành.

Ben được phân về làm việc trực tiếp với Jules Osti, nhưng Jules là một giám đốc luôn bận rộn nên chẳng mảy may ngó ngàng đến Ben. Những ngày đầu ông chỉ ngồi không, đợi sếp đi về mới dám về, rồi phụ làm những việc lặt vặt trong công ty. Dần dà, Jules quen với sự xuất hiện của Ben và Ben bắt đầu trở thành tài xế riêng của cô, hỗ trợ cô trong nhiều dự án quan trọng của công ty với vốn liếng sự nghiệp 40 năm đi làm của mình. Không chỉ là một intern, Ben với Jules như một best friend thật sự để chia sẻ những chuyện riêng tư trong đời sống.

Một chi tiết thú vị trong phim là Jules hướng dẫn Ben cách sử dụng Facebook, nói chuyện một hồi mới biết hóa ra văn phòng mà Jules mua lại chính là doanh nghiệp in ấn danh bạ điện thoại mà Ben đã làm việc suốt 40 năm qua. Ben nhớ được chính xác từng vị trí trong văn phòng trước đây quang cảnh như thế nào, và Ben từng ngồi làm việc chỗ nào. Đây cũng là một khoảnh khắc nhiều cảm xúc khi có sự giao thoa giữa 2 thế hệ – lớp trẻ và lớp già.

Khi mới xem sơ trailer phim trên Netflix, mình cứ ngỡ Anne Hathaway sẽ vào vai intern của một CEO tập đoàn nào đó như bộ phim The Devils Wears Prada (2006) cô từng đóng, ai ngờ xem rồi mới biết ngược lại. Ở phim trước Anne Hathaway vào vai trợ lý tổng biên tập tạp chí Runaway, tới phim này thì đổi vai trò ngược lại cũng thú vị.

Hình tượng nhân vật Ben được xây dựng trong phim là điển hình cho lớp “người già thời đại mới” (nói theo cách của bác sĩ Hinohara – một huyền thoại y học của Nhật Bản) sống sôi nổi, cống hiến hết mình cho cuộc sống. Qua nhân vật Ben, có thể thấy được rõ về trí thông minh tiến hóa – một thuật ngữ của Tiến sĩ Gene D. Cohen (1944 – 2009), là một bác sĩ tâm thần người Mỹ, người đi tiên phong trong nghiên cứu sức khỏe tâm thần lão khoa.

Trí thông minh tiến hóa phản ánh sức mạnh tổng hợp thành thục của nhận thức, trí tuệ cảm xúc, sự phán đoán, kỹ năng xã hội, kinh nghiệm sống và ý thức. Tất cả chúng ta đều thông minh về mặt tiến hóa ở một mức độ nào đó và cũng như trí tuệ, ta có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của nó. Khi ta trưởng thành, trí thông minh tiến hóa được thể hiện dưới dạng sự uyên bác, óc đánh giá, quan điểm và tầm nhìn.

Đừng tưởng người già “hết xí quách” thì không làm được gì, bạn có biết:

  • Socrates vào tuổi 70 khi bị buộc phải tự sát vì tư tưởng của ông đe dọa các giả định và niềm tin của những người cai trị Athens.
  • Ở tuổi 70, Nicholaus Copernicus đã công bố bằng chứng trái đất xoay quanh mặt trời, dấy lên các cuộc cách mạng trong khoa học lẫn thần học.
  • Galileo năm 68 uổi đã mở rộng và tranh biện cho chân lý trong lý thuyết của Copernicus. Ông bị bắt ngay và bị quản thúc tại gia suốt tám năm cuối đời.
  • Laura Ingalls Wilder, tác giả viết loạt sách “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” ở tuổi 65. Bà tiếp tục viết đến 10 năm sau.
  • Bác sĩ Shigeaki Hinohara thành lập Hội Người già Thời đại Mới ở Nhật Bản năm ông 89 tuổi, và phát hành quyển sách “Bí quyết trường thọ của người Nhật” năm ông 90 tuổi. Ông sống, làm việc và khám bệnh cho đến tận năm 106 tuổi mới qua đời.

Điều gì khiến mình từ mong ước ban đầu chỉ sống đến năm 50 tuổi, bây giờ thành 80 và rồi 100 tuổi? Đơn giản có vài lý do sau:

  1. Bể học vô biên, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Có quá nhiều kiến thức hay ho trên đời để học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng vào trong đời sống mà 1-2-3 cái 20 tuổi thì vẫn chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu ham học của mình.
  2. Cuộc sống có nhiều quy luật hữu hình và siêu hình thú vị còn chưa được khám phá, qua đó sẽ thấy được sự huyền vi ẩn mật của vũ trụ đang vận hành quanh ta. Sống một kiếp sống trọn vẹn và suy ngẫm sâu sắc các bài học mình đã trải qua thì tốt hơn tái sanh nhiều kiếp mà chỉ quẩn quanh nhiêu đó chuyện.
  3. Chứng kiến sự thay đổi và chuyển biến của thời cuộc qua các dấu mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại. Những người sống đến 70, 80 tuổi bây giờ đã từng trải qua Chiến tranh thế giới thứ II và hàng loạt cột mốc trong cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Còn gì thú vị hơn việc trở thành một nhân chứng sống của lịch sử để kể những câu chuyện hay ho cho đời sau nghe?

Ở tuổi 75, giáo sư Lê Tôn Hiến – một người thầy mình kính trọng vẫn rất minh mẫn và sáng suốt. Thầy vẫn đứng lớp giảng bài cho tụi học trò nhỏ, chấm bài, soạn giáo án và viết sách cho những dự án thầy ấp ủ. Cho đến khi qua đời vào tháng 4/2018, thầy ra đi trong bình an và sự thương tiếc của bao thế hệ học trò, mà lứa học trò đầu của thầy giờ tóc đã bạc và đã thành lớp ông ngoại của nhiều đứa cháu nhỏ.

Mỗi thế hệ sẽ có một nét đẹp, một mỹ cảm riêng mà sự uyên bác, thâm trầm, dày dặn sẽ điểm xuyến trên mớ tóc lưa thưa bạc hay nét chân chim đuôi mắt. Còn 55 cái xuân xanh nữa thôi là ta sẽ già như một trái cà thôi mà…

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải